Yếu tố nguy cơ

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 24 - 30)

Nguyên nhân chủ yếu của BĐMCD là do xơ vữa động mạch. Các yếu tố nguy cơ chính của xơ vữa động mạch là thuốc lá, đái tháo đường, rối loạn

lipid máu, tăng huyết áp và tăng homocystein máu làm gia tăng sự phát triển của BĐMCD và các bệnh lý động mạch khác do xơ vữa... Hội Tim mạch học Hoa Kỳ và Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ định nghĩa những đối tượng sau thuộc nhóm nguy cơ của BĐMCD [12]:

-Tuổi ≥ 70

-Tuổi 50-69 có tiền sử hút thuốc lá hoặc ĐTĐ.

-Tuổi 40-49 bị ĐTĐ và kèm theo ít nhất 1 yếu tố nguy cơ của xơ vữa ĐM khác.

-Triệu chứng gợi ý đau cách hồi khi gắng sức và đau khi nghỉ.

-Bất thường khi khám mạch chi dưới.

-Người có bệnh lý xơ vữa tại vị trí khác (ĐM vành, ĐM cảnh, ĐM thận).

- Tuổi: Tần suất mắc BĐMCD tăng theo tuổi, thường bắt đầu sau tuổi 40. Vì vậy, bệnh này thường phổ biến hơn ở những nước có dân số già. Tuổi trên 70 là một yếu tố nguy cơ độc lập của BĐMCD, trong khi các đối tượng trẻ hơn thường do các yếu tố nguy cơ khác, hay gặp nhất là hút thuốc [13].

Tuy nhiên, chỉ một nửa trong số những người lớn tuổi bị BĐMCD biểu hiện triệu chứng vì những BN này thường mắc các bệnh kèm theo làm giảm khả năng đi lại.

Nghiên cứu NHANES [13],[20] đã chỉ ra mối tương quan giữa tần suất mắc BĐMCD (ABI ≤ 0,9) và tuổi:

- 0,9% ở tuổi 40-49 - 2,5% ở tuổi 50-59 - 4,7% ở tuổi 60-69 - 14,5% ở tuổi trên 70 - 23,2% ở tuổi trên 80

- Giới: BĐMCD phổ biến hơn ở nam so với nữ. Tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh tương tự ở nam và phụ nữ sau mãn kinh [14], [15],[4].

- Thuốc lá:

Hút thuốc có mối tương quan chặt chẽ với các bệnh lý tim mạch. Cơ chế của thuốc lá làm tiến triển bệnh xơ vữa ĐM vẫn chưa thực sự được hiểu

thấu đáo. Một số cơ chế có thể được giải thích như: thuốc lá làm tổn thương nội mạc, tăng sinh cơ trơn mạch máu, huyết khối vi mạch, tăng tình trạng viêm, tăng trương lực giao cảm và nhiều bất thường chuyển hóa khác.

Tất cả các nghiên cứu dựa vào dân số lớn đã được xem xét tìm thấy một mối liên quan độc lập giữa BĐMCD và hút thuốc. Theo số liệu gần đây tại Nam Mỹ, hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ thuận lợi nhất cho sự xuất hiện BĐMCD chiếm khoảng 44% trong dân số. Ngừng hút thuốc ở những bệnh nhân BĐMCD đã được chứng minh làm cải thiện các hoạt động chức năng cũng như giảm tỷ lệ tử vong. Trong nghiên cứu Health Professionals Follow- up (HPFS), hút thuốc lá có liên quan với tăng nguy cơ biến chứng của BĐMCD trên lâm sàng ngay cả sau 20 năm ngừng hút thuốc, mặc dù những biến chứng này bị giảm đi đáng kể trong 10 năm sau khi cai thuốc.

Mối tương quan của việc hút thuốc thụ động và BĐMCD: Trong một nghiên cứu của Trung Quốc tiến hành với phụ nữ chưa từng hút thuốc, tỷ lệ nguy cơ có BĐMCD (đau cách hồi hoặc ABI < 0,90) sau khi tiếp xúc với khói thuốc lá là có ý nghĩa ở 1,67, với một mối quan hệ tương quan đáng kể, cả về số lượng và thời gian tiếp xúc [16].

Thuốc lá còn làm thúc đẩy sự tiến triển nhanh của mảng xơ vữa, vì thế BĐMCD có thể gặp ở những người rất trẻ hút thuốc lá nhiều, người ta còn gọi là hội chứng thiểu sản chủ-chậu, gặp ở những người trẻ tuổi từ 30-40 tuổi [17].

Trong nghiên cứu Cardiovascular Heath Study - người hút thuốc lá có nguy cơ BĐMCD cao hơn người không hút thuốc lá tới 7,5 lần [18]. Trong một nghiên cứu khác nhận thấy rằng nguy cơ này tăng gấp 7 lần ở nhóm đã từng hút thuốc lá và 16 lần ở nhóm đang hút thuốc lá [19].

Nghiên cứu NHANES cho thấy nguy cơ mắc BĐMCD tăng lên ở những người hút thuốc lá (OR=3,39, 95%CI: 2,58-4,46). Trong nghiên cứu PARTNERS, những bệnh nhân từ 50-69 có tiền sử hút thuốc nhiều hơn 10

bao-năm có tỉ lệ mắc BĐMCD tương tự những BN trên 70 tuổi . Trong một nghiên cứu của Aboyans , hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ làm giảm ABI nhiều nhất so với các yếu tố nguy cơ khác.

Nghiên cứu Framingham cũng chỉ ra, nguy cơ tiến triển thành BĐMCD liên quan trực tiếp đến số lượng thuốc lá BN đã hút, tăng 1,4 lần với mỗi 10 điếu thuốc/ngày . BN có số lượng bao/năm lớn hơn có mức độ bệnh nặng hơn, khả năng tái tưới máu kém, tăng nguy cơ cắt cụt và tỉ lệ tử vong được theo dõi sau tái tưới máu động mạch chi dưới.

Hirsch AT và cộng sự, trong nghiên cứu về sức khoẻ và dinh dưỡng quốc gia, cho thấy nguy cơ mắc bệnh BĐMCD ở những người hút thuốc lá tăng 3-6 lần so với nhóm không hút thuốc lá [23].

Các nghiên cứu dịch tễ lớn cho thấy hút thuốc lá làm tăng nguy cơ BĐMCD từ 2 - 6 lần, và tăng nguy cơ cắt cụt chi từ 3 - 10 lần. Hơn 80% bệnh nhân BĐMCD có hút thuốc lá [24],[25].

- Đái tháo đường:

ĐTĐ là một yếu tố nguy cơ thường gặp khác của xơ vữa ĐM và dẫn đến tỷ lệ mắc BĐMCD cao ở những người bệnh này. Ở BN ĐTĐ có một số khác biệt đó là tổn thương xuất hiện sớm hơn, đối xứng 2 bên, ảnh hưởng tới nhiều đoạn ĐM với ưu thế ở ngọn chi nhiều hơn gốc chi, và hay tổn thương ĐM chày; quá trình vữa xơ ĐM tiến triển nhanh, thường gây thiếu máu mạn tính trầm trọng, loét, hoại tử và phải cắt cụt chi.

Mặc dù mối liên quan về sinh lý bệnh giữa đái tháo đường và BĐMCD chưa rõ ràng, tuy nhiên người ta nhận thấy có tỷ lệ tăng huyết áp và tăng mỡ máu ở các bệnh nhân đái tháo đường. Các bệnh nhân có hội chứng chuyển hoá (được định nghĩa bởi tình trạng tăng đề kháng insulin, tăng TG, giảm HDL-C, tăng LDL-C) đặc biệt làm tăng nguy cơ phát triển BĐMCD. Trong nghiên cứu Cardiovascular Health Study, nguy cơ phát triển BĐMCD ở bệnh nhân đái tháo

đường tăng gấp 4 lần [26], Trong nghiên cứu Hoorn [27], 21% bệnh nhân đái tháo đường có ABI < 0,9 và gần 42% có bất thường về ABI, giảm biên độ mạch ở cổ chân hoặc có tiền sử mổ bắc cầu động mạch ngoại biên.

Có rất nhiều yếu tố góp phần thúc đẩy tình trạng xơ vữa mạch ở BN ĐTĐ type 2: sự gia tăng bất thường protein C phản ứng, một yếu tố gây viêm có vai trò quan trọng trong sự hình thành các mảng xơ vữa, rối loạn chức năng nội mạch, tăng nồng độ các chất gây co mạch như endothelin -1 dẫn tới tăng trương lực thành mạch, phì đại tế bào cơ trơn thành mạch, tăng hoạt tính protein kinase C, giảm nồng độ NO và tăng quá trính oxy hóa.

ĐTĐ làm tăng nguy cơ mắc BĐMCD từ 2 - 4 lần, có 12% - 20% bệnh nhân BĐMCD bị ĐTĐ [28],[29]. Trong nghiên cứu Framingham, ĐTĐ làm tăng nguy cơ bị đau cách hồi chi dưới gấp 3,5 lần với nam và 8,6 lần với nữ giới [30]. Nguy cơ mắc BĐMCD tỷ lệ thuận với mức độ nặng và thời gian bị mắc bệnh ĐTĐ [31]. Bệnh nhân ĐTĐ cũng có nguy cơ bị thiếu máu chi dưới trầm trọng cao hơn hẳn so với bệnh nhân BĐMCD không ĐTĐ [3],[32].

- Rối loạn lipid máu:

Tăng lipid máu dần dần làm tổn thương các tế bào nội mô của thành động mạch dẫn đến hình thành tổn thương xơ vữa. Trong đó LDL-C là một nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn chức năng và tổn thương tế bào cơ trơn thành mạch. Do đó, các lipoprotein dễ xâm nhập vào thành động mạch và lắng đọng lipid vào thành động mạch gây ra những tổn thương ban đầu của vữa xơ động mạch.

Trong nghiên cứu Framingham [33], những người có nồng độ cholesterol > 270 mg/ dL (7 mmol/l) có tỷ lệ phát triển đau cách hồi gấp đôi người bình thường. Mặt khác, những người có đau cách hồi cũng có tỷ lệ cholesterol cao hơn người bình thường [34], [35].

Cholesterol toàn phần tăng lên mỗi 10mg/dl làm tăng nguy cơ mắc BĐMCD lên từ 5 - 10% [36],[37],[35]. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy bệnh nhân đau cách hồi chi dưới có cholesterol toàn phần cao hơn, LDL - cholesterol cao hơn và HDL - cholesterol thấp hơn so với người bình thường cùng lứa tuổi [5],[38],[39].

- Tăng huyết áp:

Là một yếu tố nguy cơ lớn của BĐMCD, THA làm thay đổi phức tạp cấu tạo của thành động mạch, làm tổn thương chức năng của nội mô và phì đại lớp áo giữa, làm giảm độ giãn nở của mạch máu, thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa mạch máu [40], [41].

Nguy cơ tiến triển triệu chứng của BĐMCD như đau cách hồi, cao hơn gấp 2 lần ở những người THA so với những người không THA. Nghiên cứu NHANES cũng chỉ ra rằng, những bệnh nhân THA có tỉ lệ cao hơn những người bị BĐMCD không triệu chứng. Mối liên quan chặt chẽ giữa BĐMCD và THA ở những bệnh nhân trên 60 tuổi được khẳng định rõ ở những đối tượng không được điều trị hoặc không khống chế được HA .

Bệnh nhân BĐMCD có thể có THA kèm theo, mặc dù sự phối hợp này không rõ nét như với bệnh động mạch vành hay động mạch não [35],[43], [44]. Trong nghiên cứu Framingham, THA làm tăng nguy cơ bị đau cách hồi lên 2,5 lần đối với nam, và 4 lần đối với nữ, mức độ tăng tỷ lệ thuận với mức độ trầm trọng của THA [30].

- Tăng homocystein máu: làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý động mạch do xơ vữa từ 2 - 3 lần. Một nghiên cứu đa phân tích chỉ ra homocystein máu tăng mỗi 5 mmol/l làm tăng tỷ suất chênh của bệnh động mạch vành và đột quỵ là 1,5. Khoảng 30 - 40% bệnh nhân BĐMCD có tăng homocystein.

Homocystein máu tăng dường như làm tăng nguy cơ tiến triển của BĐMCD, nhưng cơ chế cụ thể vẫn còn chưa được nghiên cứu đầy đủ [45].

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 24 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w