Đánh giá hiệu quả can thiệp động mạch chi dưới

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 99 - 103)

4.2.1. Hiệu quả can thiệp động mạch chi dưới theo phân loại giai đoạn thiếu máu của Fontain và Rutheford

Trong nghiên cứu của chúng tôi, trước can thiệp, Fontain loại IIb chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,0%. Theo Lê Đức Tín (Bệnh viện Chợ Rẫy) từ năm 2010 - 2013 nghiên cứu trên 35 trường hợp BĐMCD được can thiệp động mạch chi dưới có tỷ lệ Fontaine lần lượt là 2,9; 14,3; 11,4; 71,4% tương ứng với độ IIa, IIb, III, IV. Tuy nhiên sau can thiệp, chỉ số Fontain trong nghiên cứu của chúng tôi đã được cải thiện hơn đó là: chiếm tỷ lệ cao nhất lại là Fontain loại IIa với 46,67%, Fontain loại I đã đạt khoảng 13,33%. có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Đối với phân loại theo Rutherford trong nghiên cứu của chúng tôi gặp nhiều ở giai đoạn III và IV (30% và 23,33%). Nghiên cứu của Risha Arun Gohil năm 2013 trên 43 bệnh nhân có can thiệp mạch chi dưới, tỷ lệ Rutherford giai đoạn III, IV tương ứng là: 63% và 28% [95]. Sau can thiệp, giá trị Rutherford đã được cải thiện hơn, chiếm tỷ lệ cao nhất là Rutherford loại đau cách hồi nhẹ với 51,67%. Tỷ lệ bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng đạt 12,07%. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (p<0,05).

Như vậy sự thay đổi về mặt lâm sàng được phân loại theo giai đoạn của Fontain, Rutherford là sự thay đổi mà cả bệnh nhân và thầy thuốc đều thấy được rõ ràng nhất, thể hiện rõ ở việc cải thiện triệu chứng đau cách hồi và quãng đường đi được của người bệnh. Hiện nay, các nghiên cứu ở Việt Nam

và Thế giới về đánh giá hiệu quả can thiệp mạch chi dưới ít bàn luận đến vấn đề này, mà chỉ tập trung vào mặt hình ảnh và tỷ lệ tái hẹp sau can thiệp.

Nhưng theo chúng tôi sự thay đổi về lâm sàng chính là đặc điểm quan trọng nhất, vì sự thay đổi về lâm sàng làm thay đổi chất lượng của cuộc sống, là yếu tố dự báo nguy cơ cũng như tiên lượng của người bệnh.

4.2.2. Chỉ số ABI trước và sau can thiệp

Trong nghiên cứu của chúng tôi,chỉ số ABI trung bình trước can thiệp là 0,45 ± 0,25. Nghiên cứu của McDermott trên 43 bệnh nhân được can thiệp BĐMCD thì chỉ số ABI trung bình trước can thiệp là 0,61 [66]. So sánh chỉ số ABI giữa chân phải và chân trái trước can thiệp, kết quả của chúng tôi cũng tương đương với nghiên cứu của Sakir Arslan trên 135 bệnh nhân: ABI trước can thiệp là 0,49±0,14 so với (0,48 ± 0,24) cho chi dưới bên phải, đối với chi trái giá trị này là 0,5±0,16 so với (0,43 ± 0,28). Chỉ số này đã được cải thiện sau can thiệp là 1,0±0,13 so với (0,83 ± 0,23) cho chi dưới bên phải và 1,0±0,17 so với (0,86 ± 0,14) cho chân trái [68]. Kết quả phân loại về chỉ số ABI trước can thiệp trong nghiên cứu của chúng tôi ở động mạch chi dưới mức độ vừa và nặng lần lượt chiếm các tỷ lệ cao nhất với 61,67% và 31,67%.

Tuy nhiên, sau can thiệp, chỉ số ABI đã được cải thiện: loại bình thường đã chiếm tỷ lệ cao, đạt 40,00% và sau là chỉ số ABI ở mức độ nhẹ chiếm 36,67%. Chỉ số ABI sau can thiệp của cả hai chân đều cải thiện so với ABI trước can thiệp, sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Chính sự thay đổi này đã cho ta thấy một sự thay đổi có ý nghĩa về mặt huyết động.

Điều đó chứng tỏ, sau can thiệp sự tưới máu phía dưới phần chi bị tổn thương được gia tăng, hồi phục chức năng của chi được cải thiện.

4.2.3. Đánh giá chụp DSA trước và sau can thiệp

Có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa kết quả chụp DSA sau can thiệp với trước can thiệp (p < 0,05). Trong khi chụp DSA trước can thiệp trong nghiên cứu của chúng tôi chỉ có hai loại kết quả là tắc (65%) và hẹp nặng (35%) thì sau can thiệp, chiếm tỷ lệ cao nhất là hẹp nhẹ với 71,67%, còn lại là hẹp vừa. Tất cả các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi, sau can thiệp động mạch thủ phạm thì kết quả hình ảnh trên chụp DSA đều được cải thiện.

4.2.4. Khoảng cách đi bộ 6 phút trước và sau can thiêp.

Sự thay đổi có ý nghĩa của khoảng cách đi bộ trước và sau can thiệp trong NPĐB6P như là một đánh giá trong kết quả điều trị. Trong nghiên cứu đa trung tâm Liberty trên 1.200 bệnh nhân với mục đích đánh giá kết quả lâm sàng, phục hồi chức năng ở những bệnh nhân BĐMCD có Rutheford ban đầu ở mức từ 2-5 được can thiệp động mạch (dự kiến công bố kết quả vào cuối năm 2016) đã lấy NPĐB6P như là một trong những thước đo để đánh giá kết quả can thiệp [113].

Tìm hiểu kết quả quãng đường đi được khi thực hiện NPĐB6P ở thời điểm trước và sau can thiệp động mạch chi dưới của các tác giả chúng tôi thấy: Khoảng cách đi bộ 6 phút trong nghiên cứu của Sakir Arslan trên 153 bệnh nhân BĐMCD trước can thiệp là 84,71± 62m, giá trị này sau can thiệp thành công đã tăng lên 348± 60m [68].

Tại nghiên cứu của Risha Arun Gohil trên 43 bệnh nhân được nong động mạch chi dưới bằng bóng cho thấy 6 phút đi bộ trước can thiệp trung bình là 315m, sau can thiệp tăng lên 360m, khoảng cách xuất hiện đau cách hồi được cải thiện từ 120m tăng lên 200m (p=0,01) [95].

Sự cải thiện khoảng cách đi bộ 6 phút từ trước can thiệp ĐMCD đến 3 tháng là 66m cho nhóm can thiệp và 45m đối với nhóm chứng (nghiên cứu của Bergland A trên 50 bệnh nhân được can thiệp động mạch chi dưới) [71].

Trong một nghiên cứu của McDermott MM1, Liu K, Guralnik JM [114] trên 194 người tham gia với bệnh BĐMCD, sau 6 tháng thực hiện tập thể dục theo nhóm tại nhà đã cải thiện đáng kể hiệu suất đi bộ 6 phút là 53,5 mét khi so sánh với nhóm chứng.Một cải tiến 50 mét trong 6 phút đi bộ là phù hợp với sự thay đổi có ý nghĩa lớn trong 6 phút đi bộ.

Nghiên cứu của Burket MW trên 161 bệnh nhân BĐMCD tầng chậu được đặt stent cho thấy: có sự gia tăng đáng kể về hiệu suất đi bộ 6 phút so với trước can thiệp đến 12 tháng. (p<0,001) [115].

Nghiên cứu của Rita Cassia trên 65 bệnh nhân bị BĐMCD, khoảng cách đi bộ trung bình ở nhóm bệnh nhân trước can thiệp mạch là 265,1±77,4 m [96].

Cũng theo nghiên cứu của McDermott và cộng sự cho thấy khi sử dụng NPĐB6P: một sự thay đổi 20m được định nghĩa như là một sự thay đổi có ý nghĩa nhỏ, sự thay đổi của 50m được định nghĩa như là sự thay đổi có ý nghĩa lớn. Những định nghĩa thay đổi có ý nghĩa lâm sàng trong 6 phút đi bộ có thể được sử dụng để giải thích kết quả của các thử nghiệm lâm sàng khi sử dụng 6 phút đi bộ là một kết quả [78].

Theo Rasekaba khi nghiên cứu về NPĐB6P ông cho rằng: Một sự thay đổi trong khoảng cách đi bộ hơn 50m là có ý nghĩa lâm sàng trong hầu hết các tình trạng bệnh [79].

Trong nghiên cứu của chúng tôi, khoảng cách người bị bệnh động mạch chi dưới thực hiện nghiệm pháp đi bộ 6 phút sau can thiệp động mạch chi dưới là 295,83 ± 143,90 mét, cao hơn đáng kể so với khoảng cách họ đi được trước can thiệp 137,72 ± 106,98 mét. Sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê với p<0,05. Đây chính là sự thay đổi rõ rệt nhất trong nghiên cứu của chúng tôi. Đi bộ là chức năng chính của chi dưới, can thiệp qua da đã cải thiện chức năng của chi dưới. Tất cả các bệnh nhân từ chỗ đau chi dưới ngay khi

nghỉ, hoặc không thể đi bộ được hết 6 phút, đến chỗ bệnh nhân hầu hết có khả năng tự đi bộ được với khoảng cách đáng kể. Như vậy, can thiệp nội mạch qua da trong điều trị BĐMCD có vai trò cải thiện chức năng chi dưới.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w