Tần suất mắc bệnh động mạch chi dưới

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 30 - 33)

BĐMCD là hội chứng thường gặp với số lượng lớn trong đối tượng người trưởng thành trên thế giới [25],[35]. Các nghiên cứu dịch tễ học xác định tần suất mắc BĐMCD dựa vào triệu chứng lâm sàng là đau cách hồi và đo chỉ số huyết áp tâm thu cổ chân - cánh tay (ABI). Tần suất mắc BĐMCD phụ thuộc vào tuổi của bệnh nhân trong nghiên cứu, các yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch cũng như các biểu hiện bệnh lý động mạch khác phối hợp do xơ vữa.

Tập hợp từ 34 nghiên cứu trên toàn thế giới được công bố trên tạp chí Lancet tháng 10 năm 2013 cho thấy, trên toàn cầu năm 2010 có khoảng trên 202 triệu người mắc bệnh lý động mạch ngoại biên, tỷ lệ mắc và gánh nặng của nó về tiên lượng tử vong không ngừng tăng cùng với sự lão hóa, và một số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng ở những người trẻ tuổi [46]. Trong số trên 200 triệu người bị bệnh, có 69,7% bệnh nhân gặp ở các Quốc gia có thu nhập trung bình và thấp bao gồm 54,8 triệu người ở Đông Nam Á và 45,9 triệu người ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Sự gia tăng của bệnh từ năm 2000 - 2010 là 23,5% kết hợp cùng với sự gia tăng các nguy cơ tử vong tim mạch. Năm 2007, nhóm TASC II về quản lý bệnh ngoại vi đã ước tính ở châu Âu và Bắc Mỹ có khoảng 27 triệu người mắc bệnh ngoại vi trong đó có 88000 bệnh nhân nhập viện liên quan đến BĐMCD.

Việc chẩn đoán BĐMCD còn khó khăn vì hầu hết các bệnh nhân không triệu chứng trong nhiều năm. Các triệu chứng không xuất hiện cho đến khi có ít nhất hẹp 50% của động mạch. Trong dân số nói chung, chỉ có 10% số người bị BĐMCD có những triệu chứng kinh điển của đau cách hồi, 40% không kêu đau chân, trong khi 50% còn lại có một loạt các triệu chứng khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ hẹp của động

mạch, sự cần thiết phải can thiệp là cấp bách ở những bệnh nhân thiếu máu chi đe dọa biến chứng như loét do thiếu máu cục bộ hoặc hoại tử. Nếu không có tái thông mạch máu thành công với những người thiếu máu cục bộ giai đoạn trầm trọng có tỷ lệ phẫu thuật cắt cụt đến 80-90% trong một năm [47].

Nếu tính riêng ở Mỹ, BĐMCD đã ảnh hưởng từ 3 - 10% của tất cả người Mỹ và chi phí hàng năm mất hơn 21 tỷ USD, dự kiến con số này sẽ tăng đáng kể trong tương lai [48],[4]. Nghiên cứu PARTNER (Mỹ) ở 6979 bệnh nhân đến khám ban đầu tại cơ sở y tế (tuổi trên 70 hoặc trên 50 kèm theo tiền sử hút thuốc hoặc ĐTĐ) chỉ ra tỷ lệ BĐMCD lên tới 29% [29]. Trong nghiên cứu NHANES năm 2003, tỷ lệ mắc BĐMCD với quần thể trên 40 tuổi là 4,3%, trong đó với độ tuổi trung bình là 66 thì tỷ lệ này lên tới 14,5%. Một nghiên cứu tại Cộng hòa Pháp ở trên 3694 bệnh nhân trên 40 tuổi, kèm theo có ít nhất một yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc đau chi dưới, khi sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán ABI < 0,9 thì tỷ lệ BĐMCD trong quần thể này là 11% (nam giới là 14,5%, nữ giới là 7,9%) [1].

Trong nghiên cứu Framingham, ở độ tuổi 30 - 44, tần suất mới mắc trung bình của đau cách hồi chi dưới ở nam là 6/10000 và nữ là 3/10000. Với độ tuổi từ 65 - 74, tần suất này tăng lên đến 61/10000 với nam và 54/10000 với nữ [29].

BĐMCD giai đoạn thiếu máu chi trầm trọng là tình trạng bệnh lý trầm trọng nhất của BĐMCD, nó được đặc trưng bởi mức độ đau chân hoặc mắt cá chân khác nhau và/hoặc sự hiện diện của thiếu máu cục bộ, loét và hoại tử mô. Tại Hoa Kỳ tỷ lệ bệnh nhân bị BĐMCD giai đoạn thiếu máu chi trầm trọng ước khoảng 500 - 1000/1 triệu dân mỗi năm. Bệnh thiếu máu chi trầm trọng có liên quan đến tình trạng khuyêt tật đáng kể, tỷ lệ mắc bệnh và tử vong. Trong trường hợp không tái thông mạch máu thành công, 20 - 40%

bệnh nhân bị cắt cụt chi và trên 20% sẽ tử vong trong vòng 6 tháng. Trong

một nghiên cứu 4 năm tại Đức mới công bố gần đây cho thấy BĐMCD giai đoạn thiếu máu chi trầm trọng liên quan đến mất mô: tỷ lệ cắt cụt chân là 35 - 67%, tỷ lệ tử vong từ 52 - 64% [49].

Trong mối liên quan giữa bệnh động mạch ngoại biên với các bệnh lý và biến cố tim mạch, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bệnh nhân bị bệnh BĐMCD có nguy cơ mắc các biến cố tim mạch cao hơn so với nhóm không bị bệnh.

Murabito JM [50]., Beatrice A và cộng sự [51], trong các nghiên cứu đánh giá tỷ lệ bệnh nhân bị bệnh động mạch vành trong quần thể bệnh nhân BĐMCD nhận thấy, tỷ lệ mắc bệnh mạch vành biến đổi từ 14-90%, tuỳ thuộc vào phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành. Tỷ lệ mắc bệnh mạch vành từ 19-47% nếu dựa vào khai thác tiền sử và điện tâm đồ. Tỷ lệ này tăng lên 62- 63% nếu sử dụng thêm nghiệm pháp gắng sức, và lên tới 90% nếu kết hợp với chụp mạch vành để chẩn đoán.

Tomio O., Chisa H. và cộng sự nghiên cứu trên 1311 bệnh nhân người nhật bản bị đái tháo đường gồm 899 nam và 412 nữ tuổi trung bình 61,4 cũng nhận thấy khi ABI < 0,9 thì nguy cơ bị bệnh mạch vành cao hơn nhóm có ABI nằm trong giới hạn bình thường là 2,14 lần [52].

Ouriel K và cộng sự tiến hành một nghiên cứu dọc, trong đó theo dõi một số lượng lớn bệnh nhân có cơn đau cách hồi trong thời gian 10 năm.

Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sống sót sau 10 năm chỉ còn 48%; trong khi đó các biến cố: nhồi máu cơ tim, can thiệp mạch ngoại biên và phẫu thuật cắt cụt chi gia tăng. Cụ thể: 5% bệnh nhân phải cắt cụt chi, 7,8% phải can thiệp mạch chi và tới 19,8% mắc nhồi máu cơ tim [18].

Tại Việt Nam, cùng với các bệnh động mạch do xơ vữa khác như NMCT, đột quỵ … thì tỷ lệ bệnh nhân nhập viện vì BĐMCD cũng ngày một gia tăng. Thống kê tại Viện Tim mạch Việt Nam chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân BĐMCD điều trị nội trú tại Viện tăng từ 1,7% (2003) lên tới 2,5% (2006) và

3,4% (2007) [2]. Tỷ lệ bệnh nhân BĐMCD trong một nghiên cứu tại Srilanka năm 1993 là 5,6%; tại Nam Ấn Độ là 3,9% (1995) [1].

Một phần của tài liệu Đánh giá hiệu quả của can thiệp nội mạch qua da ở bệnh nhân bị bệnh động mạch chi dưới mạn tính bằng nghiệm pháp đi bộ 6 phút (Trang 30 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w