Chương 1: CẢM THỨC “ĐIÊU TÀN” TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN
1. Khái lược về cảm thức điêu tàn
Luận giải thông qua từ điển Hán Việt, ta có thể thấy: 凋殘 – điêu tàn mang hai ý nghĩa chính:
Thứ nhất, nó được hiểu là “hoa lá héo úa, rơi rụng”: Đỗ Phủ 杜甫: "Thu sơ ủng sương lộ/ Khởi cảm tích điêu tàn" 秋蔬擁霜露, 豈敢惜凋殘 (Phế huề 廢畦).
Thứ hai, điêu tàn được giải thích là: “Suy lạc, tàn bại”. Ví dụ trong Tam quốc diễn nghĩa ( 三國演義) : "Phục niệm Hán thất bất hạnh, Tháo tặc chuyên quyền, khi quân võng thượng, lê dân điêu tàn"伏念漢室不幸, 操賊專權, 欺君罔 上, 黎民凋殘 (Đệ ngũ thập bát hồi) - Cúi nghĩ nhà Hán bất hạnh, giặc Tháo chuyên quyền, dối vua lừa trên, tàn hại nhân dân.
Theo từ điển tiếng Việt, “điêu tàn” lại được giải thích: “giảm sút đến mức suy tàn, xơ xác”.
1.2. Khái niệm “Cảm thức điêu tàn”
Điêu tàn là một dạng cảm thức, tồn tại trong bản thể của con người. Khi là một “cảm thức”, dĩ nhiên nó chứa đựng yếu tố xúc cảm, nhưng nó không phải là xúc cảm thông thường mà là thứ cảm xúc mãnh liệt, bùng cháy sau một quá trình dồn nén cực độ; đồng thời nó cũng được “gói ghém” vào trong khuôn khổ của tư duy hệ thống. Thái cực “vừa bung tỏa lại vừa lí trí” ấy tạo nên “cảm thức” biệt lập và độc đáo trong thơ, điều này thể hiện rõ nét trong
17
thơ của Lý Hạ và Chế Lan Viên. Điểm chung nổi bật giữa họ chính là cảm thức điêu tàn. Đây là sự điêu tàn, lụi bại xuất hiện trong cảm quan về thế giới của các nhà thơ, tồn tại trong tư duy hình tượng. Hay nói cách khác, những
“điêu tàn” ấy vừa được vun đắp từ mạch cảm xúc vô thường, đồng thường lại được hệ thống hóa dưới dạng một chuỗi hình tượng siêu hình.
Có lẽ, chẳng thể có định nghĩa nào chuẩn xác và minh triết hơn định nghĩa của chính tác giả của tập thơ “Điêu tàn”. Ông vực xây nó, duy trì nó nên hiển nhiên ông hiểu thấu nhưng căn cốt cơ bản của khái niệm, có hiểu mới dùng, có hiểu mới đem nó ra và tô vẽ lên nó những bộ cánh ngôn từ để đúc kết lại cho mình thành những châm ngôn của cuộc đời sáng tác:
“Hàn Mặc Tử viết: Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên.
Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu, Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những câu vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ.
Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả...” [20;7]
Đọc lời tựa của tập thơ Điêu tàn, “người ta nhận ra sự phóng thoát tuyệt đối khỏi quan niệm quen thuộc của thơ trữ tình. Thơ không còn là sự diễn tả xúc cảm của con người; cái hiện có của hiện tại biến mất nhường chỗ cho cái hỗn mang của quá khứ và cái vô định của tương lai, làm thơ là thả hồn lạc vào mê lộ của cái phi thường, cái dị thường. Và nhất là giọng điệu, nó không nói bằng giọng nói quen thuộc của con người mà là những tiếng khóc than, gào rú...”.
18
Đúng là sáng tác nghệ thuật là quá trình đi tìm sự khác đời khác người, đi tìm cái tôi – bản ngã phi thường, vượt lên trên tất cả mọi giới hạn của không gian, thời gian và vạn vật. Trong cái “phi thường” ấy, có thể vươn đến cái tinh hoa tuyệt mỹ, nhưng cũng có thể nó đạt đến cảnh giới phi logic, phi ngã đến cực hạn của sự điên loạn. Cái vĩ đại của người nghệ sĩ là khi họ tìm ra một chân lý mới, một thế giới mới – một thế giới biệt dị không có bóng dáng của những con người nhỏ bé, tầm thường ngáng đường mọi đam mê và lý tưởng bằng chính sự hạn hẹp về cả tư duy và thẩm mỹ. Tìm được rồi, họ lại say sưa chìm đắm trong đó, ngụp lặn trong tận cùng của sự khoái lạc, mê man, thỏa chí, thỏa lòng. Đê mê, cuồng say trong thế giới âm tính với những sọ đầu lâu, máu, huyết, hồn ma, tủy sống… chính là khao khát mà Chế Lan Viên cũng như Lý Hạ đang từng ngày gặm nhấm và nuôi dưỡng trong tâm hồn và cốt nhục của mình. Như vậy, trước hết, điêu tàn ở đây chính là sự lụi tàn, cô liêu của thế giới quan hình tượng mà các nhà thơ tự vun đắp dựng xây trên nền tảng của chất liệu hiện thực.
Cái dị thường, điên loạn trong tư duy thơ của cả hai nhà thơ không cùng thời ấy cũng phản ánh sự tàn lụi và điêu linh của tâm hồn cũng như thời cuộc. Mọi thứ bình thường đều không thể làm mãn thỏa lòng người, khiến cho cái phi thường nghiệt ngã có cơ hội bon chen, lấn lướt và chiếm đoạt mọi giá trị thông thường mà số đông đều công nhận và chấp nhận. Thậm chí, cái phi thường của cõi tiên đã không còn hấp dẫn và cuốn hút tâm hồn, những cái đẹp đẽ và hoa mỹ cũng không còn đủ sức cản ngăn cái vô hạn của đam mê.
Họ phải tìm đến những cái bị cho là “trái khoáy”, khổ hạnh và cực đoan để rũ bỏ và ném tất cả những trăn trở, đớn đau vào trong không gian ma quỷ vô nhân. Họ “khóc”, họ “gào thét”, rồi họ lăn lộn, lặn ngụp, bung xõa cốt yếu chỉ để phơi gan, ruột, phổi, tim, những mong tìm những sự đồng cảm, đồng điệu.
Vô tình, lòng người hữu hạn, trái tim mỗi người còn đang bận si mê với nỗi
19
niềm riêng, hạnh phúc hoặc đau khổ riêng; và điều quan trọng hơn là đó là những trái tim bình thường, bình dị, trong họ không chứa đựng cái điên cuồng, loạn lạc như thi nhân nên đâu thể cảm thấu, đâu thể lý giải, càng không thể đồng điệu và mê đắm. Họ chê đó là “giả dối”. Cuối cùng thì “điêu tàn” lại càng điêu tàn hơn, bi lụy và tủi cực hơn. Cho nên, cảm thức “điêu tàn” ở đây không chỉ là điêu tàn về thế giới hình tượng được xây dựng trong thơ, mà nó còn vừa là sự tàn tạ của một kiếp người – từ thể xác cho đến tâm hồn, tư tưởng. Nói cách khác, đó là sự điêu tàn cả về trong hình thức phản ánh và nội dung phản ánh.
Với tất cả những quan niệm về “điêu tàn” trong những tài liệu chính thống từ xưa đến nay, cùng những lý giải về căn nguyên, cốt lõi từ chính người trong cuộc, chúng tôi cho rằng “cảm thức điêu tàn” là khái niệm thể hiện chính xác nhất nội dung tư tưởng thơ của Lý Hạ. Tuy nội hàm khái niệm có thể cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, song, tựu chung lại về mặt bản chất thì thơ ca Lý Hạ cũng nhuốm màu tàn tạ, xác xơ, lụi bại – điều đó phản ánh vô cùng rõ nét thông qua hệ thống biểu tượng trong thơ ông.
Sự tàn lụi mà nhà thơ khắc họa cũng phản ánh được sự suy vong, kiệt cùng của thời đại Trung Đường mà ông đang sống, kéo theo là nỗi niềm bi lụy, đau đớn, giằng xé tâm can trước sự “chết chóc” trong tâm hồn.
Chính hệ tư tưởng siêu hình và chủ nghĩa lãng mạn cùng sự độc lập trong việc thể hiện cái tôi, cá tính sáng tạo đã đưa hai nhà thơ, hai thời đại, hai số phận, hai vùng lãnh thổ xích lại gần nhau hơn, dường như có một sự đồng cảm sâu sắc. Họ tìm thấy nhau trong thế giới mà không có con người tồn tại, sinh sống – thế giới của yêu ma, quỷ thần, đầu lâu, xương, máu…