Cuồng hoan trước thiên nhiên

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 86 - 94)

Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN

2. Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

2.2. Biểu hiện của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

2.2.1. Cuồng hoan trước thiên nhiên

Lại một lần nữa thiên nhiên mang tâm trạng, cảm xúc của con người, đi sâu vào tận cùng tâm thức của con người để gọi tên nó. Dường như thiên nhiên giống như hơi thở, là huyết quản, là cốt nhục trong con người nghệ sĩ.

Họ sống nhờ nó, là nguồn cội của cảm hứng, là hình hài của thi ca. Đau khổ, bất hạnh - thiên nhiên cũng là một sự cứu cánh; cô đơn, lạc lõng – thiên nhiên cũng là một niềm ủi an; giờ đây, giây phút điên cuồng, hoan lạc nhất thì thiên nhiên cũng hiện hữu sinh động như chính nội tâm đang đảo điên. Rõ ràng, thiên nhiên bước vào thơ không chỉ để làm đẹp cho thơ, càng không phải là hư vô, nó đến với văn chương do tâm hồn mời gọi của thi nhân để hiện thực hóa phần tâm thức trừu tượng, siêu hình tồn tại trong con người họ. Lòng người được tỏ bày nhờ có dáng hình của thiên nhiên; con người đang buồn bã, đơn côi tràn cả tâm trạng sang cảnh vật khiến cho nó cũng mang một sắc khí thê lương, ảm đạm; con người vui vẻ, hân hoan, thì thiên nhiên bỗng dưng cũng khởi sắc, rực rỡ, tràn đầy sức sống... Nếu như cuồng hoan là sắc diện cao nhất của cảm xúc, tâm lý con người thì thiên nhiên lại càng không thể đứng ngoài sự thăng hoa đó. Điểm chung của các thi nhân từ xưa đến nay, trong đó có Chế Lan Viên và Lý Hạ chính là đây. Nhất là với thơ ca Lý Hạ, với kiểu lối thơ cổ Trung Hoa, thiên nhiên giống như phần “mở bài” để dẫn dắt một vấn đề cụ thể nào đó về triết lý nhân sinh, thế sự, cuộc đời. Đối với ông, có lẽ khởi nguồn cảm xúc với cảnh vật thiên nhiên, vũ trụ thay vì con người, sự kiện sẽ dễ mở lòng hơn chăng? Chế Lan Viên cũng không phải là

“ông hoàng thơ tình” như Xuân Diệu, thơ ông mang đậm âm hưởng của tính triết lý sâu sắc, nhưng không phải vì thế mà cái chất lãng mạn trong ông bị

81

hao hụt. Là một nhà thơ, dĩ nhiên cảnh vật thiên nhiên không bao giờ thiếu trong những sáng tác của ông. Không hề nói quá khi cho rằng cuồng hoan là chất hồn riêng đặc sắc trong con người của Chế Lan Viên, trước hết nó biểu hiện đậm nét trong cảnh sắc thiên nhiên đa dạng.

Cái chất cuồng hoan ở Lý Hạ rất khác so với Chế Lan Viên. Cái linh hồn chất chứa trong thơ ông không hẳn là điên loạn, quay cuồng bạo liệt mà nó được biểu hiện một cách ngấm ngầm, thầm lặng. Rất có thể đó chính là biểu hiện cho sự chi phối của tư tưởng văn hóa phương Đông cổ truyền lên tư tưởng nghệ thuật của Lý Hạ. Ngay giây phút thăng hoa, điên cuồng nhất, phát lộ nhất thì cái điên và cái lạc thú trong ông cũng bình lặng đến lạ kì, cái dấu vết rõ rệt nhất của sự thăng hoa chỉ đơn thuần là sự thăng hoa, khởi sắc một cách khác biệt của thiên nhiên trong thơ ông, cảm xúc hoan lạc lạ thường trong tâm hồn của tác giả tác động mãnh liệt đến cảm quan nhận thức cảnh vật của ông, khiến cho thiên nhiên xung quanh trở nên sôi động, nổi bật và hứng khởi hơn. Sẽ không phải là một vấn đề đáng lưu tâm nếu như ta đặt sự vật thiên nhiên ấy vào trong những áng văn thơ của các nhà thơ khác cùng thời hoặc khác thời; song, nó lại là dấu hiệu trọng yếu cho thấy một cảm thức khác lạ, độc biệt so với cảm quan xuyên suốt quá trình sáng tác thơ ca của Lý Hạ. Nếu như bức tranh tổng thể văn chương của Lý Hạ nhuốm một màu sắc kinh dị, u ám, tối tăm với thế giới của quỷ ma, âm binh thì những câu thơ sau đây sẽ cho thấy một Lý Hạ thật sự khác, thăng hoa lên một cảm xúc khác có phần tươi sáng và sôi nổi hơn:

小樹開朝徑, “Tiểu thụ khai triêu kính 長茸濕夜煙。 Trường nhung thấp dạ yên.

柳花驚雪浦, Liễu hoa kinh tuyết phố, 麥雨漲溪田。 Mạch vũ trướng khê điền.

古剎疏鍾庋, Cổ sát sơ chung kỹ,

82

遙嵐破月懸。 Dao lam phá nguyệt huyền.

沙頭敲石火, Sa đầu xao thạch hoả,

燒竹照漁船, Thiêu trúc chiếu ngư thuyền”.

(南園其十三 - Nam viên kỳ 13) Dịch nghĩa:

Đường ban mai cây con hoa nở Cánh nõn nà còn phủ sương đêm Bến sông liễu trắng hai bên

Nước đầy khe suối, ao điền thảnh thơi Vẳng tiếng chuông từ nơi chùa cồ Khí núi xa mờ toả trăng treo Đầu sông nhóm lửa thuyền ai

Đốt tre cho sáng đặng chài lưới buông

(Bản dịch của Nguyễn Minh)

Có lẽ phải hiếm hoi lắm, người đọc mới thấy được một cảnh sắc bình yên và trong trẻo đến như thế này trong thơ ca của Lý Hạ. Người ta vốn quen với một Lý Hạ quỷ quái, dị biệt cho nên thật khó để hình dung ra một tâm hồn khác lại lắng đọng trong veo với “trường nhung thấp dạ yên” (Cánh nõn nà còn phủ sương đêm), “liễu hoa kinh tuyết phố” (Bến sông liễu trắng hai bên )... Đó không hẳn là một thứ thiên nhiên yên ả và bình lặng thông thường mà điểm đặc biệt ở đây là dường như mọi thứ đều vươn tới giới hạn cực điểm của nó khiến cho chúng trở nên sôi động hơn những gì thường thấy. Không còn những cánh hoa tàn trước gió xuân như trước đây nữa mà thay vào đó là một hình ảnh tràn đầy sức sống với cánh hoa mềm mượt, non tơ, nõn nà đang thì căng tràn nhựa sống, đang ở thời điểm đẹp nhất, rực rỡ nhất của cuộc đời loài hoa, lại thêm sự tưới rót của sương đêm càng khiến cho cánh hoa tươi trẻ, mong manh thêm phần thơ mộng, tràn trề sinh lực. Rồi hình ảnh “hoa liễu nở”

83

cũng mang lại một cảm giác tương tự khi hiện lên trên bức tranh thiên nhiên là một màu trắng xóa của hoa liễu nơi bến sông. Trắng cũng không phải là màu trắng nhợt, trắng mờ đục, nhạt nhòa mà phải là trắng hết, trắng xóa – cái trắng bao trùm lên không gian, lấn lướt cả cảnh vật khác, chỉ để lại dấu vết một màu trắng tinh khôi, có chút phần lạnh lẽo. Màu trắng ấy không chỉ chiếm trọn không gian rộng mà còn bào trùm lên cả không gian dài theo chiều dài của bến sông, đủ thấy mọi thứ đều đạt đến ngưỡng cuối cùng của giới hạn.

Không chỉ vậy, “Mạch vũ trướng khê điền” (Nước đầy khe suối, ao điền thảnh thơi) còn gợi cho người ta một cảm giác khung cảnh tròn đầy, viên mãn. Tất cả đều mang đến một sắc khí đầy ắp, đầy ứ tràn cả ra nhuộm kín cảnh vật thiên nhiên, giống như lòng người đang vượt qua tất cả mọi rào cản và giới hạn để vươn tới cái tột đỉnh của cảm xúc. Tâm hồn người nghệ sĩ ấy đã bớt đau khổ, vật vã hơn, đã không còn vẻ u hoài, cô đơn nữa, tâm trạng đã có phần hứng khởi, hoan lạc trước cảnh vật thiên nhiên. Cai cuồng ở đây không phải là cái cuồng điên, loạn dại mà cái niềm si mê, đắm chìm trong thiên nhiên đến vô cùng – điên trong niềm hưng phấn. Ba câu thơ cuối là một cảm thức khác nhưng cũng đồng loạt biểu hiện cái tôi hứng khởi, nổi loạn trong bản thể tâm hồn: “Dao lam phá nguyệt huyền/ Sa đầu xao thạch hoả/

Thiêu trúc chiếu ngư thuyền” (Khí núi xa mờ toả trăng treo/ Đầu sông nhóm lửa thuyền ai/ Đốt tre cho sáng đặng chài lưới buôn). Những động từ đầy sức gợi cảm như “bốc”, “đập”, “đốt” là những hành động “khác thường” trong thơ Lý Hạ, nó gợi ra sự mạnh mẽ, dứt khoát trong hành động cũng như tâm lý của con người, cái trầm uất, u mặc đã được thay thế bởi sinh khí mới sôi động và quyết liệt hơn, phản ánh thế giới tư tưởng nhà thơ đã bắt đầu nhen nhóm một sự nổi loạn.

Thiên nhiên sôi nổi cũng như lòng người thăng hoa luôn đi liền với nhau, tiếp tục tạo nên một diện mạo mới trong thơ ca Lý Hạ:

84

秋野明,秋風白, “Thu dã minh, thu phong bạch,

塘水漻漻蟲嘖嘖。 Đường thuỷ liêu liêu trùng trách trách.

雲根臺蘚山上石, Vân căn đài tiển san thượng thạch, 冷紅泣露嬌啼色。 Lãnh hồng khấp lộ kiều đề sắc.

荒畦九月稻叉牙, Hoang huề cửu nguyệt đạo xoa nha, 蟄螢低飛隴徑斜。 Trập huỳnh đê phi lũng kính tà.

石脈水流泉滴沙, Thạch mạch thuỷ lưu tuyền tích sa, 鬼燈如漆點松花。 Quỷ đăng như tất điểm tùng hoa”

(南山田中行Nam sơn điền trung hành)

Dịch nghĩa:

Đồng thu trong, sắc thu trắng Tiếng trùng rả rích, nước ao lặng Gót mây rêu phủ trên núi thẳm Khóc sương hoa lạnh khoe sắc thắm Ruộng vắng tháng chín lúa trĩu bông Đom đóm lập loè đường vắng không Mạch đá suối nước thấm cát nồng Hắt hiu đèn quỷ điểm hoa tùng

(Bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến) Vẫn là sắc trắng lạnh lẽo nhưng không phải là màu trắng của hoa liễu mà là sắc của trời thu, kèm theo “đường thủy liêu liêu (nước trong ao lặng), với “trùng trách trách” (tiếng côn trùng kêu rả rích) tạo nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu vừa lạnh đến thê lương, lại vừa sinh động, sôi nổi với sự hòa quyện cả âm thanh và màu sắc. Âm thanh của côn trùng nhỏ bé mà âm vang khiến cho cảnh vật dường như có hồn, không còn đứng im bất động

85

khoác một màu áo ảm đạm, chết chóc. Cảnh vật tiếp đến có vẻ như còn sinh động hơn nữa khi không chỉ được điểm tô bằng màu sắc: màu hồng của “lãnh hồng” (cánh hoa hồng lạnh), màu vàng của “đạo xoa nha” (lúa chín trĩu bông) mà còn ôm ấp những dáng hình đầy sức gợi tả như hình ảnh “lũng kính tà”

(đường ruộng vắng) hay sự góp nhặt của ánh sáng, dù là ma mị nhưng vẫn có phần làm sôi động hơn cho bức tranh này: đó là ánh sáng của “trập huỳnh đê”

(đom đóm lập lòe), “quỷ đăng như tất điểm tùng hoa” (Hắt hiu đèn quỷ điểm hoa tùng). Chưa bao giờ bức tranh thiên nhiên của Lý Hạ lại trở nên sống động đến thế khi có sự điểm xuyết của màu sắc, âm thanh, ánh sáng và hình hài. Thiên nhiên như thấm nhuần từng đường nét trong kết cấu tâm hồn của người thi sĩ. Ông như đang chìm đắm, hoan lạc trong thế giới cảnh vật đầy sức sống ấy, sự sôi động của cảnh vật kéo theo sự cuồng hoan độc lạ trong tư tưởng của nhà thơ. Rõ ràng, cái vô hạn của thiên nhiên, cái đa dạng, phong phú của cảnh vật là minh chứng tiêu biểu nhất cho một cảm thức đã bắt đầu bước sang một giai đoạn mới thăng hoa hơn. Một thực tế rằng, cái “điêu tàn”

chưa phải là bước thăng hoa nhất trong thơ của Lý Hạ, “cô đơn” cũng không phải là tận cùng căn cốt bản thể con người ông mà “cuồng hoan” mới chính là đỉnh điểm của tâm thức. Cái đỉnh điểm ấy mãnh liệt một cách ngầm tụ, bùng cháy một cách thầm lặng theo nguyên lý riêng của ông; không phô phang, trưng diện mà gói kín vào bên trong và tỏa giải qua từng “khe nứt” của hình tượng nghệ thuật. Cái tài của Lý Hạ ở chỗ đấy. Tâm thức và hành động tưởng chừng như mâu thuẫn, đối nghịch nhau nhưng thực tế sự hòa hợp lại khiến người ta bất ngờ.

Điểm khác biệt lớn của Chế Lan Viên so với Lý Hạ chính là, cái chất cuồng hoan trong con người ông mạnh mẽ và bùng cháy dữ dội hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Nó trải qua một quá trình thai nghén, ấp ủ trong lòng dài đằng đẵng để đến khi thời điểm chín muồi trong tâm thức thì tất cả đều được

86

bung xõa một cách mãnh liệt vào trong thơ ca, khiến cho những vần thơ đặc ứ những sắc thái điên cuồng, hoan lạc. Thậm chí, cảm thức hoan lạc ấy cũng ngập ngụa trong thế giới ma mị do tâm tưởng hoài niệm của nhà thơ mang lại:

“Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy!”

(Trên đường về) Con đường về nhà của Chế Lan Viên rất đặc biệt, nó đi qua vùng chiến địa và vương quốc Chăm-pa cổ xưa kia, nơi đó giờ chỉ còn là đống đổ nát hoang sơ, không còn một chút dấu vết của một triều đại hưng thịnh và phát triển rực rỡ ngày trước nữa. Khung cảnh ấy đã để lại trong tâm tưởng của nhà thơ một nỗi buồn sâu kín, ông đau trước nỗi đau của dân tộc, cả trong quá khứ lẫn thực tại, để rồi nhìn đâu cũng thấy cảnh vật ngập tràn một màu ai oán, khổ đau. Thiên nhiên cũng điên loạn, theo cảm thức rối ren của tâm hồn: Cây cối lả ngọn, ủ rũ, tang thương; những khóm lan trong rừng cũng hỗn độn, đua chen, tỏa hương khắp chốn nhưng không phải là mùi hương thơm ngát, mê say mà trong cảm giác của nhà thơ, mùi hương ấy tỏa lừng một phong vị thê lương, “rộn rã tiếng từ quy”, mọi giác quan dường như đảo lộn, không còn thông tuệ trong nhận biết, khứu giác bị lấn át bởi sự trỗi dậy mạnh mẽ của cảm giác, cảm giác lại chịu sự chi phối từ cảm thức điên cuồng, quỷ quái trong tâm hồn, khiến cho hương thơm hoa lan cũng ám khí tanh hôi của thế giới yêu ma, quỷ thần. Nhà thơ tinh tế chuyển đổi mùi hương sang thứ âm thanh “rộn rã” nghe sao mà vừa cay đắng xót xa lại vừa thấy được sự bấn loạn, rối bời trong tâm khảm. Tâm hồn nhà thơ như cũng cuồng si theo cảnh vật, đó là một sự cuồng si đầy đau đớn.

Lại nữa:

87

“Trên thảm lá máu chim muông loang lổ Tiếng ai đi rung động cả ngàn sâu?

Hay im lặng chuyển mình trên màu đỏ?

Hay rừng xanh lăn nhẹ khối u sầu?”

(Chiến tượng)

Có vẻ như Chế Lan Viên ưa cái cảnh sắc thiên nhiên tắm mình trong máu huyết, có lẽ màu đỏ của máu mang sức gợi hình gợi tả cho cái tâm thức lở lói, loang lổ và rỉ máu kia chăng. Thiên nhiên “chảy máu” như chính lòng người đang thấm đẫm máu xương. Máu là sự sống, là nguồn dinh dưỡng nuôi sống một thực thể, khi dòng máu ấy mất đi thì chỉ còn lại xác khô trơ trọi trên cõi đời, dần dần cũng hóa thành cát bụi rồi chôn sâu vào lòng đất, bỏ lại trần thế những âm hồn vất vưởng, lang thang. Song ở đây, “máu chim” lại mang một sắc thái biểu hiện khác, nó là hiện thân tượng trưng cho sự dũng mãnh của bầy chiến tượng, voi chiến đi đến đâu quét sạch muôn loài đến đấy. Cảm thức hào hùng, hứng khởi đan xen với cảm thức buồn bã, u hoài tạo nên một dạng thức tâm lý mới, vừa điên cuồng vừa hân hoan một cách dị dạng.

Có những lúc Chế Lan Viên khát khao giao hòa với thiên nhiên tột độ, đắm chìm trong thiên nhiên với tâm thế “trần truồng”, tự nhiên nhất có thể;

trần truồng cả thể xác lẫn tâm hồn như một cách tìm về bản thể nguyên vẹn từ thuở sơ khai. Đó là niềm khao khát đến mức cuồng dại:

“Ta cởi truồng ra! Ta cởi truồng ra!

Ngoài kia trăng sáng chảy bao la Ta nhảy vào quay cuồng thôi lăn lộn Thôi ngụp lặn trong ánh vàng hỗn độn Cho trăng ghì, trăng riết cả làn da”

(Tắm trăng) Và còn nữa:

88

“Đã hết trăng rồi! Đã hết trăng rồi!

Không! Không đâu! Trên những đảo mây trôi Vừa dâm dục ôm trăng vờ vật ngủ

Còn rất nhiều những suối vàng rực rỡ Múc ào đi, trút cả xuống hầu tôi!”

(Tắm trăng)

Như vậy, cuối cùng thì thiên nhiên cũng là liều thuốc duy nhất để chữa lành những tâm hồn thiếu thốn, “bệnh tật”, cho dù chỉ là một sự cứu vớt linh hồn được phần nào. Nó chấp nhận trở thành một chiếc bọc để giải tỏa tinh thần vốn dĩ chịu nhiều đè nén, nó bằng lòng nhận lấy những đớn đau, những nỗi sầu, cô đơn của người nghệ sĩ để biểu hiện, để giúp họ được “điên” hết mình, được sống trọn vẹn với chính con người mình. Giây phút cuồng hoan chính là khoảnh khắc họ “thật” nhất có thể, khi được sống thật thì người nghệ sĩ sẽ nhận được những thứ thực sự có giá trị - sự thanh thản trong tâm hồn.

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 86 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)