Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN
1. Cảm thức “cuồng hoan”
1.1. Khái niệm “cuồng hoan”
Đây là một khái niệm khá mới trong văn học nói chung. “Cuồng hoang” mới chỉ tồn tại ở mặt hiện tượng biểu hiện, chưa hình thành nên một vấn đề lý thuyết hoàn chỉnh. Bởi vậy nó vừa là khái niệm gần gũi lại vừa xa lạ đối với người đọc, chi phối đến tính chất mơ hồ trong cảm quan nhận thức.
Theo Từ điển Hán Việt, “cuồng” được định nghĩa như sau: Là một chứng bệnh tâm lý, bệnh điên rồ, bệnh dại. Như: "phát cuồng" 發狂 phát bệnh rồ dại, "táng tâm bệnh cuồng" 喪心病狂 dở điên dở dại. Tô Thức 蘇軾: "Dư văn Quang Hoàng gian đa dị nhân, vãng vãng dương cuồng cấu ô, bất khả đắc nhi kiến" 余聞光黃間多異人, 往往陽狂垢汙, 不可得而見 (Phương Sơn Tử truyện 方山子傳) (Tôi nghe miền Quang, Hoàng có nhiều dị nhân, thường giả cuồng bôi nhọ, không cho ai thấy).
Ngoài ra, chữ “cuồng” còn được các tác giả giải thích như một tính cách của con người: Ngông, ngạo mạn. Như: "cuồng vọng" 狂妄 ngông nghênh, "khẩu xuất cuồng ngôn" 口出狂言 miệng nói lời ngông cuồng.
73
Hoặc có thể hiểu rằng:Cuồng nghĩa là phóng túng, phóng đãng. Như:
"cuồng phóng bất ki" 狂放不羈 phóng túng không kiềm chế.
Xét về mức độ của một thứ gì đó, “cuồng” lại mang sắc thái: Dữ dội, mãnh liệt. Như:"cuồng phong" 狂風 gió dữ, mạnh.
Ở một khía cạnh khác của tính cách con người, nó còn có thể hiểu rằng:
buông thả, không bó buộc, không câu thúc. Như: "cuồng tiếu bất dĩ" 狂笑不 已 cười thoả thích không thôi. Vương Duy 王維 có câu: "Cuồng ca ngũ liễu tiền" 狂歌五柳前 (Võng xuyên nhàn cư 輞川閒居) Hát tràn trước năm cây liễu.
Cuối cùng, tác giả của Từ điển Hán Việt giải thích: Cuồng còn có nghĩa là nhanh, gấp. Như: "cuồng bôn" 狂奔 chạy nhanh. Khuất Nguyên 屈原 viết: "Cuồng cố nam hành, liêu dĩ ngu tâm hề" 狂顧南行, 聊以娛心兮 (Cửu chương 九章, Trừu tư 惜誦) Quay nhìn nhanh về nam, vui thoả lòng ta hề.
Quả thực bản thân chữ “cuồng” mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau, phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể sử dụng đối tượng. Tuy nhiên, tựu chung lại
“cuồng” đều dùng để diễn tả một trạng thái tâm lý khác biệt, vượt ra khỏi giới hạn và phạm vi tâm lý thông thường. Đó có thể là tính cách ngông cuồng, tự tin, nhận thức được vị trí của mình cao hơn so với người khác, đôi khi còn chi phối đến tư tưởng, hành vi của mình đi ngược lại hoàn toàn với số đông để khẳng định cái tôi cá tính. Đó cũng có thể là mức độ cao nhất – mãnh liệt nhất, dữ dội nhất của một sự vật nào đó, tất cả đều vươn tới một sự “tột cùng”, không ai sánh được. Và đồng thời, nó cũng có thể là một chứng bệnh thuộc về tâm lý cá nhân con người khi những rung động thần kinh trở nên xáo trộn và mãnh liệt phát tiết ra khỏi cơ thể thông qua những hành động, cử chỉ
“nổi loạn” với tần suất, cường độ nhanh và mạnh. Tùy từng đối tượng con người mà bệnh lý sẽ biểu hiện theo những cách khác nhau, nhưng chiều hướng vận động cơ bản nhất là trầm cảm và điên rồ. Đó là dạng thể tiêu cực của tâm lý. Ở mặt khác, điên cuồng còn là hiện tượng tâm lý biểu hiện cho trạng thái cảm xúc được cho là tích cực hơn, khi nó xuất phát từ cảm xúc yêu
74
thích một thứ gì đó một cách mãnh liệt, dồi dào. Có thể là tâm lý cuồng si trong tình yêu của một chàng trai đối với một cô gái; cũng có thể là niềm khao khát, mong muốn sở hữu một thứ gì đó mà ước muốn chưa được toại nguyện… Như vậy, cảm xúc mãnh liệt thì luôn có nhiều biểu hiện, đồng thời nó cũng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên nếu nó vượt quá giới hạn được định mức cho cơ chế tâm lý con người thì sẽ khiến cho hành động trở nên không bình thường và thiếu kiểm soát; tức là, con người ý thức sẽ ngược dòng trở về với bản thể vô thức và không còn chịu sự tác động của ý thức chủ quan.
Trong văn học, hiện tượng “cuồng điên” trong tâm lý của con người bình thường kết hợp với tư duy mĩ học của nhà văn sẽ dẫn đến sự “thăng hoa”
tuyệt đỉnh, có thể sẽ sinh ra một thứ mĩ cảm lập dị. Hiện tượng này xuất hiện khá nhiều trong thơ văn nhân loại từ xưa đến nay. Ta đã từng bắt gặp cái chất
“điên” trong những câu văn và cách xây dựng nhân vật của Kafka, hay cái
“nổi loạn” theo chiều độc dị của Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn, đặc biệt là Chế Lan Viên. Cùng một chất điên nhưng dấu ấn “cuồng dại” trong tác phẩm của mỗi nhà văn lại mang những sắc thái riêng.
Còn khái niệm của chữ “hoan”, Từ điển phổ thông đã giải thích như sau: “hoan” có nghĩa là vui vẻ, mừng.
Từ điển Trần Văn Chánh thì định nghĩa một cách rõ ràng rằng: “hoan”
là vui mừng, hân hoan. Ví dụ như: 歡呼 hoan hô, Hoan hô, reo hò 鼓掌歡呼 Vỗ tay hoan hô; 長時間的歡呼 Hoan hô hồi lâu; Nó còn dùng để diễn tả mức độ vui thích: Mạnh, sôi nổi: 文藝活動搞得挺歡 Hoạt động văn nghệ rất sôi nổi.
Như vậy, ta có thể thấy “hoan” thường được sử dụng trong trường hợp miêu tả trạng thái tâm lý của con người một cách tích cực, lạc quan: yêu thích, vui vẻ, mừng rỡ; và biểu hiện ở mức độ mạnh mẽ, cao trào. Đây là một dạng thức tâm lý rất phổ biến và thường xuyên trong quá trình vận động tâm lý của
75
con người. Tâm lý vui vẻ, hân hoan xuất hiện khi con người hứng khởi, hưng phấn do những tác động tích cực từ bên ngoài mang lại, làm cho con người trở nên tràn đầy sinh lực. Cũng giống như khái niệm “cuồng”, “hoan” ở đây cũng là một trạng thái cảm xúc ở mức độ tột cùng và mãnh liệt, vượt thoát ra khỏi khái niệm vui vẻ thông thường: vui cũng là vui cực độ, mừng cùng là mừng tận tuyệt. Khi vươn tới ranh giới cuối cùng của vui vẻ, thích thú thì con người ta dễ dàng thăng hoa lên một trạng thái mới, khiến cho bản thân không thể kiểm soát được hành động của chính mình. Dù là “cuồng”, hay “hoan” thì mức độ nhận thức và chi phối hành vi cũng trở nên yếu ớt và lỏng lẻo hơn, bởi cảm xúc dâng lên đến tột đỉnh thì thông thường chức năng nhận thức của con người cũng bị mờ đi , nhường chỗ cho bản năng trỗi dậy.
Khái niệm “cuồng hoan” ở đây được hiểu rằng, đó là một trạng thái tâm lý đặc biệt, khi người ta đạt đến cảnh giới tột cùng của sự cuồng loạn và hân hoan. Trong cái điên dại có sự hứng khởi cuồng nhiệt, và trong sự thích thú cũng xen lẫn cái cuồng dại, si mê. Điên là lúc con người ta thả lỏng cơ thể nhất, sống trọn vẹn với bản năng nhất, và cũng là lúc niềm vui sướng tột độ được bộc lộ một cách trác tuyệt.
1.2. Khái niệm “cảm thức cuồng hoan”
“Cuồng hoan” là một dạng tâm lý, nhưng khi nó được ý thức từ trong bản thể và được định hình bằng tư duy hệ thống thì nó bước vào văn chương với một tâm thế mới, gọi là “cảm thức”. Đó chính là điểm để phân biệt một trạng thái cảm xúc con người thuộc phạm trù phân tâm học và một biến thể cảm giác của nhân vật trữ tình trong văn chương.
Do vậy, cảm thức cuồng hoan ở đây chính là cảm xúc cuồng dại, pha lẫn sự hân hoan tột cùng của nhân vật trữ tình đại diện cho chính bản thể nhà văn trong việc phản ánh thế giới hình tượng. Cuồng điên được coi là đặc
76
trưng lớn nhất của hai nhà thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên, chính vì “điên” mà thơ họ mang hơi hướng kì dị, độc đáo; cùng vì “điên” mà họ càng ngày càng trở nên cô đơn và khép mình nhiều hơn, xa lánh cuộc đời và con người. Song, cũng vì “điên” mà họ được thăng hoa hết mức có thể để giải tỏa những bức bối và dồn nén trong lòng.