Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN
2. Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
2.2. Biểu hiện của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
2.2.3. Cuồng hoan trước quá khứ
Xét cho cùng thì mọi cảm thức sinh mệnh trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên đều xuất phát từ ý niệm bất mãn về cuộc đời và thời thế. Cái chất “điêu tàn” quỷ dị cuồng loạn trong những vần thơ ai oán kia cũng chính là cảm quan riêng về thế giới xung quanh đang trên đà lụi bại và mục ruỗng, thời thế đổi thay kéo theo tâm trạng con người trở nên bi quan, đau khổ trước số phận, để rồi lao đao, chênh vênh không tìm được lối thoát cho tư tưởng, và “cô đơn”
cũng từ đó mà nảy sinh. Đứng trước sự sắp đặt của tạo hóa, dù là hạnh phúc hay thương đau, con người cũng luôn bị dồn vào tâm thế an phận, chấp nhận số phận, đồng thời buộc họ phải thích nghi với cuộc sống mới. Song, con người là một thực thể sinh động, tồn tại cả mặt thể xác và linh hồn; chính vì vậy mà trong những hoàn cảnh đặc biệt do số phận mang lại thì họ chỉ có thể hòa nhập và an yên về mặt thể xác, còn tinh thần thì luôn tự do, phóng khoáng mơ tưởng về những ý niệm xa xôi. Tâm lý phổ biến nhất của con người khi đối diện với hiện thực mới đầy rẫy những khổ đau chất chứa chính là “hoài niệm”. Có những tư tưởng lạc quan, tích cực thì sẽ dẫn người ta đến những
96
tương lai tươi sáng, đầy khát vọng. Nhưng những niềm bi quan lại kéo con người ta xuống hố sâu của sự tuyệt vọng, để rồi thất vọng trước thời cuộc, nhìn đâu cũng thấy một không khí tang thương, chết chóc. Vì cảm xúc thất vọng về hiện tại mà tâm tưởng con người thường vận động theo xu hướng đi ngược lại thời gian, trở về với những giá trị xưa cũ để hoài niệm về nó, như một cách để an ủi tinh thần, nhắc nhở chính mình về quá khứ vàng son của dân tộc, về một thời đã từng “vang bóng”:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc Thương nhà mỏi miệng cái gia gia Dừng chân đứng lại trời non nước Một mảnh tình riêng ta với ta”
(Qua đèo Ngang - Bà huyện Thanh Quan) Cả hai nhà thơ Chế Lan Viên và Lý Hạ đều là những cá nhân có tấm lòng yêu nước sâu nặng. Gặp buổi thời thế chuyển giao, suy tàn không khỏi khiến cho lòng họ thêm đau xót về vận mệnh hẩm hiu của dân tộc. Sự tàn tạ của đất nước trong thời đại của Lý Hạ đến từ chính những mâu thuẫn đối nghịch trong nội tại, còn về phía Chế Lan Viên thì lại là nỗi đau xuất phát từ ngoại bang. Hai hoàn cảnh, hai số phận khác nhau nhưng nỗi niềm thời thế là điểm chung không thể chối bỏ. Họ yêu nước, trân quý những giá trị lịch sử của dân tộc, đồng thời đều là những thành phần trí thức trong xã hội hay dòng dõi tôn thất hoàng tộc nên họ dễ dàng nhận thức được tình cảnh của đất nước trong giai đoạn hiện tại, và cũng nhận thức được những dấu mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử. Đất nước Trung Quốc và Việt Nam trước thời của Lý Hạ và Chế Lan Viên cũng đã từng trải qua những giai đoạn cực kì hào hùng, rực rỡ và hưng thịnh. Trước thời của Lý Hạ, thời đại Thịnh Đường là thời đại được coi là phát triển nhất trong lịch sử xã hội phong kiến của Trung Hoa cổ đại, phát triển cả về kinh tế, chính trị lẫn văn hóa giáo dục - thời Thịnh
97
Đường. Còn trước thế kỉ XX ở Việt Nam là giai đoạn rực rỡ của triều đình nhà Nguyễn, trước đó là thời Trần thời Lý với bao thành tựu về kinh tế, kiến trúc… Tạo hóa lại sinh ra Lý Hạ và Chế Lan Viên vào thời buổi đất nước loạn lạc, chìm trong khổ nhục ê chề bởi giặc ngoại xâm cùng với ách cai trị của bộ máy chính quyền phong kiến thối nát, mục ruỗng từ trong ra ngoài. Bởi vậy mà sự nuối tiếc qúa khứ và hoài niệm về những giá trị đẹp đã qua là một trạng thái tinh thần tất yếu của những con người sinh bất phùng thời này.
東關酸風射眸子。 “Đông quan toan phong tạ mâu tỷ (tử).
空將漢月出宮門, Không tương Hán nguyệt xuất cung môn, 憶君清淚如鉛水。 Ức quân thanh lệ như duyên thuỷ.
衰蘭送客咸陽道, Suy lan tống khách Hàm Dương đạo, 天若有情天亦老。 Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão.
攜盤獨出月荒涼, Huề bàn độc xuất nguyệt hoang lương, 渭城已遠波聲小 Vị thành dĩ viễn thanh ba tiểu”.
(金銅仙人辭漢歌並序 - Kim đồng tiên nhân từ Hán ca tịnh tự) Dịch nghĩa:
Gió cửa đông cùng ánh mắt chia phôi Buồn theo ánh trăng suông rời cung Hán Lệ ướt đầm thương nhớ lắm người ơi
Đường Hàm Dương cánh lan gầy tiễn khách Trời có tình trời hẳn cũng già thôi
Trăng hoang vắng ôm mâm vàng cô lẻ Rời Vị thành, nghe sóng vỗ xa khơi.
(Bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến) Lý Hạ là một con người có tâm hồn cực kì nhạy cảm trước những cảnh ngộ thương tâm mà ông vô tình gặp. Nhà thơ đã từng xót xa, rơi lệ trước số phận nghiệt ngã của nàng Tô Tiểu Tiểu ở thời trước, một người con gái mà
98
ông chưa một lần gặp mặt, ấy vậy mà khi đứng trước nấm mộ hoang tàn của cô, nhà thơ cũng không thể kiềm chế được những giọt nước mắt đồng cảm.
Đến đây, Lý Hạ lại một lần nữa rung động bởi bức tượng đồng vô tri, song đối với ông nó không hề vô cảm, dường như nó mang từng nhịp đập con tim và tâm hồn của một thân thể sống. Mà có lẽ, nói chính xác hơn thì Lý Hạ đang chan chứa một xúc cảm rung động bởi sự hoài niềm về một triều đại thịnh vượng đã qua, thông qua mối thâm tình sâu sắc giữa sự vật và con người, giữa bức tượng đồng và chủ nhân của nó, cũng chính là người cầm quyền đứng đầu vương triều ấy – vua Hán Vũ Đế.
Hán Vũ Đế là một người tài giỏi, trí tuệ tinh thông, đặc biệt là tài năng về binh lược xuất sắc. Ông cũng chính là người trấn hưng lại nền tảng của vương triều nhà Hán, đưa đất nước Trung Quốc đến thời buổi hoàng kim, phát triển thịnh vượng. Thuở sinh thời, do chí khí kiêu hùng của bậc đế vương mà Hán Vũ Đế luôn mang trong mình một khát vọng muốn sánh ngang với trời đất, muốn được tồn tại vĩnh cửu trên cõi đời này. Bởi vậy mà ông đã cho đặt một bức tượng đồng hình người trước sân chầu, trên tay bức tượng bưng một chiếc mâm vàng dùng để hứng những giọt nước mưa mà ông cho rằng đó chính là lộc trời mà ngọc hoàng ban tặng, dùng thứ nước ấy để luyện thành bài thuốc để trường sinh bất lão, thực hiện ước vọng muôn đời. Đến năm Thanh Long thứ nhất (223), vua Ngụy Minh Đế Tào Toàn đã sai quân kéo bức tượng về đặt tại cung của mình, như một vật sở hữu, khi quân kéo đi, bức tượng bỗng dưng nhỏ lệ. Cảm động trước tấm chân tình một lòng trung thành của bức tượng vô tri vô giác dành cho Hán Vũ Đế mà nhà thơ đã viết nên bài thơ này.
Ở thời đại phong kiến, hoài niệm về quá khứ đã qua, một triều đại đã qua gần như là một sự nổi loạn cả trong tư tưởng lẫn hành động, nhất là khi
99
người ta chưa thể bộc lộ cái tôi cá nhân. Song, tâm hồn con người luôn luôn là vô hạn, bay bổng đến tận cùng của mọi giới hạn, không gì có thể ngăn cản được. Là người con thuộc về dòng dõi đế vương, Lý Hạ từ lúc sinh thời cho đến khi trở về với lòng đất, trong ông chưa bao giờ tồn tại tư tưởng nào ngoài tư tưởng trung quân ái quốc, hết lòng vì vua, yêu vua chính là yêu đất nước.
Nghịch cảnh, trung thành với vua, với triều đại nhưng chính những giá trị mà ông tôn kính lại đang dần mục ruỗng, tàn tạ, đến mức không còn có thể cứu vớt: vua mất đi uy quyền, hoạn quan đè đầu cưỡi cổ vua, lăm le chiếm đoạt quyền lực… Đau đớn và bất lực khôn cùng trước thời buổi loạn lạc, Lý Hạ sinh ra uất ức và đầy phẫn hận, ông đã trút tất cả vào trong nỗi niềm hoài cổ về những vương triều xa xưa, giai đoạn xưa cũ đã qua nhưng thật đáng tự hào.
Như đã nói ở trên, cái cuồng trong thơ Lý Hạ không giống như người say, người điên trong thơ của Chế Lan Viên, không phô trương mãnh liệt, không điên cuồng hay hân hoan rạo rực mà là một cách cuồng trầm mặc. Lặng lẽ, u buồn nhưng lẩn khuất trong đó là một tư tưởng nổi loạn, muốn giải phóng mình, muốn vung kiếm, “phi ngựa” để làm một điều gì đó vĩ đại nhằm đổi thay thời thế. Nỗi buồn và xót xa của bức tượng đồng trong buổi chia ly, hay cũng chính là nỗi niềm nuối tiếc, luyến lưu của chính nhà thơ về triều đại;
đằng sau nó là một ngạo khí hiên ngang muốn chuyển hóa vận mệnh của dân tộc. Nghĩ về một triều đại đã từng hưng thịnh giống như để củng cố niềm tin vào một triều đại mới khởi sắc hơn thời đại mà ông đang sống. Đồng thời, giọt nước mắt của bức tượng đồng khi rời xa chủ nhân mà mình hết mức trung thành phải chăng cũng khiến cho nhà thơ xót xa liên tưởng đến sự trung thành của bản thân với triều đại, trước khi sự nổi loạn chi phối tư tưởng của ông về một sự thay đổi mới?
100
Sự cuồng loạn trong nhận thức tư tưởng là một điều dễ hiểu khi niềm tin vào giai cấp thống trị không còn vững chắc, bỏ lại sau đó là một sự hoang mang và bất lực vô cùng:
催榜渡烏江, “Thôi bảng độ Ô Giang,
神騅泣嚮風。 Thần truy khấp hướng phong.
君王今解劍, Quân vương kim giải kiếm, 何處逐英雄。 Hà xứ trục anh hùng.”
(馬詩其十 - Mã thi kì 10) Dịch nghĩa:
Xin vương hãy Ô giang mau vượt Ngựa thần đau khóc trước gió tây Kiếm vung tự vẫn lúc này
Về đâu theo chủ giờ đây không còn.
(Bản dịch của Nguyễn Minh)
Cũng giống như Lý Hạ, tâm hồn của Chế Lan Viên cũng dễ dàng rung động về những gì đã qua, đặc biệt là những giá trị tốt đẹp xảy ra trong quá khứ, khi mà giá trị thực tại không còn đủ sức đáp ứng được khát vọng viên mãn trong tâm hồn nữa. Nếu như Lý Hạ hoài cổ về người quân vương anh tài, trí lược thì Chế Lan Viên lại hồi tưởng về cả một vương quốc Chiêm Thành thịnh vượng từ xa xưa, nay chỉ còn là đống đổ nát và hoang phế. Tất cả thuộc về vương quốc cổ đó đều khiến nhà thơ nuối tiếc và hoài niệm, trước tiên là hình ảnh “Chiêm nữ”:
“Rồi trần truồng, ta nằm trên điện ngọc Hai tay cuồng vơ níu áo muôn tiên Đầu gối lên hàng Thất tinh vừa mọc Hồn giạt trôi về đến nước non Chiêm
101
Ta gặp Nàng trên một vì sao nhỏ Ta hôn Nàng trong bóng núi mây cao Ta ôm Nàng trong những nguồn trăng đổ Ta ghì Nàng trong những suối trăng sao”
(Ngủ trong sao) Thi nhân nào cũng xây dựng cho mình một “nàng thơ”, còn đối với Chế Lan Viên thì nàng thơ trong ông chỉ có bóng người con gái của đất nước Chiêm Thành trong ảo vọng. Có lẽ những giây phút đắm chìm trong men say với người tình trong mộng là lúc mà nhà thơ được thăng hoa nhất, một cách thăng hoa trong trẻo và mơ hồ, không còn cảm giác ghê rợn bởi máu xương, sọ người kinh dị thường thấy. Ta cảm nhận được điệu hồn cuồng si tuôn chảy trong huyết quản của ông, say sưa với xác thịt, mê đắm quấn quýt lấy dáng hình của cô gái để “ôm”, để “hôn”, để “ghì”, bằng mọi cách nào đó để hòa nhập cảm thức mạnh mẽ trong tâm hồn. Hình ảnh người con gái Chiêm Nương cũng chính là hiện thân cho những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất của non nước Chiêm Thành xa xôi. Nó đã từng đẹp đến nao lòng, đẹp đến say đắm lòng người, khiến tâm hồn người ta trở nên hoang dại. Vậy mà giờ đây “bóng Chiêm Nương dần khuất dưới sương sa”, mọi thứ đã đi vào dĩ vãng, kết thúc một thời đại vàng son để chuyển sang một giai đoạn mới, bỏ lại sau lưng là một tâm hồn cuồng dại đầy luyến tiếc, ngậm ngùi:
“Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian Những sông vắng lê mình trong bóng tối Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than […]
Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh
102
Đây, chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành”
(Trên đường về) Một vương triều tươi đẹp, lộng lẫy với “điện các huy hoàng”, với “đền đài tuyệt mỹ”, với “những chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng”, đặc biệt là
“bầy voi thiêng” hùng tráng, đầy khí thế nay chỉ còn là quá khứ. Những dấu vết của thời gian đã in đậm trên chứng nhân của lịch sử, để lại những vết thương đau xót: “những Tháp gầy mòn”, “đền xưa đổ nát”, và “tượng Chàm lở lói rỉ rên than”. Hiện thực nghiệt ngã đối lập với quá khứ oai hùng, hiên ngang khiến cho lòng người không khỏi tiếc nuối, nhớ thương. Chế Lan Viên say đắm, cuồng si với dáng hình tuyệt mĩ tồn tại trong quá khứ bao nhiêu thì xót xa, điên loạn trước cái đẹp bị hủy hoại loang lổ ở hiện tại bấy nhiêu. Vì cái đẹp, vì yêu, vì tiếc nhớ mà tâm tưởng ông như điên cuồng, vật vã, cào xé;
để rồi, cái chất cuồng ấy thấm cả vào trong vẻ hoang sơ, tiêu điều của cảnh vật. Dù rằng, tất cả chỉ là quy luật tự nhiên của tạo hóa, mọi sự đều sẽ bị bào mòn bởi thời gian, song trong cảm quan của nhà thơ, cái lụi tàn của vương quốc Chăm-pa cổ cũng chính là sự tàn suy của đất nước và dân tộc Việt Nam đang diễn ra vào đầu thế kỉ XX. Nhà thơ đang mong chờ một thứ ánh sáng rọi soi để tìm ra con đường đi đúng đắn cho cuộc đời chung cũng như là cá nhân mình, song tất cả chỉ dừng lại sự khao khát và mong chờ:
“Ta vẫn thấy hồn ta buồn ủ rũ Và cõi lòng dày đặc bóng đêm mờ Vì, bạn ơi, trong bao tia nắng rỡ Tia nào đâu rơi tự nước Chàm ta?”
(Nắng mai)
103 Tiểu kết:
Tóm lại, cuộc đời của hai nhà thơ Chế Lan Viên và Lý Hạ giống như thước phim đầy bi kịch. Nỗi bi kịch đến từ nhiều phía, dày vò, giằng xé tâm can của họ. Sự bi phẫn kết hợp với tâm hồn lãng mạn của người nghệ sĩ sẽ sinh ra một cảm thức đặc biệt được gọi là “cuồng hoan”, mà nhờ đó họ mới có cơ hội thăng hoa, bay bổng lên tới tận cùng của bản thể. Ở cuộc đời này, mấy ai được cuồng hoan hết mình như họ, mấy ai dám rũ bỏ cái tôi ý thức gắn liền với cơ thể để bung xõa tất cả tìm về vô thức? Thế mới có một Lý Hạ nổi lên như một tài năng độc biệt trong không gian Đường thi đầy nguyên tắc, một Chế Lan Viên “giáng trần” như một niềm kinh dị. Không chấp nhận sự bó hẹp trong tư tưởng đương thời, họ vươn lên phá bỏ mọi giới hạn để tạo ra một giới hạn mới rộng lớn và phong phú hơn. Ở nơi đó, quỷ, tiên, ma hời, điên, say…cũng có thể được làm người! Dù rằng, cái chất cuồng hoan trong thơ của họ dĩ thường là khác nhau nhưng vẫn luôn có một sự đồng cảm nhất định;
cuộc đời, số phận, thời thế có thể biệt lập nhưng cảm thức, tâm lý thì không thể không có mối tương đồng.
104