Nguồn gốc về cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 55 - 60)

Chương 2: CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN

2. Cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

2.1. Nguồn gốc về cảm thức cô đơn trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

Lý Hạ vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc hoàng tôn dưới thời nhà Đường, song quan hệ huyết thống hoàng tộc kéo dài hơn hai trăm năm khiến cho đời của cha con ông không còn giữ được sự tôn sùng và trọng vọng tối cao từ người đời giống như bậc “hoàng thân quốc thích”. Sẽ không có điều gì xảy ra nếu như trong bản thân con người Lý Hạ không sớm hình thành những mâu thuẫn không thể giải tỏa được, một bên là sự tự ý thức về nòi giống tôn thất cao quý với một bên là hiện thực cuộc đời tầm thường, hèn mọn đang đeo bám dai dẳng tâm trí ông. Đối với Lý Hạ đó là một một bi kịch thực sự, bi kịch không chỉ về vật chất mà còn là bi kịch đau đớn về tinh thần. Cụ thể ở đây là sự xúc phạm khôn cùng đối với danh dự của một con người, vốn có nguồn gốc xuất xứ từ hàng ngũ có địa vị tôn quyền. Chính vì không thể hòa hợp trong tư tưởng và thực tế cuộc sống ấy khiến cho Lý Hạ rơi vào trạng thái cô độc, chơi vơi giữa cuộc đời, không cam chịu cuộc sống tẻ nhạt và bần hàn dưới thân phận của một dân thường hèn mọn, nhưng đồng thời cũng không biết làm sao để vươn lên cái tận cùng của khao khát, con đường đi tới địa vị độc tôn được cả xã hội kính nể là một con đường xa xôi và hư ảo. Có lẽ cái chất quý tộc, vương giả của hoàng thất đã ngấm vào tận máu xương của Lý Hạ, song tư duy và lý tưởng còn lầm đường lạc lối và đây chính là căn cốt dẫn đến nỗi bi kịch giằng xé trong con người Lý Hạ. Trên không tới, dưới không thông – Lý Hạ đang tự đặt mình vào trong một tâm thế cô độc khi lựa chọn và chấp nhận đứng giữa hai chiến tuyến của mối mâu thuẫn, không thể nghiêng hẳn về một phía khiến cho nỗi cô đơn dần dần nhen nhóm và khỏa lấp tâm

50

hồn của Lý Hạ. Ông tách mình ra khỏi những mối quan hệ xung quanh, bởi không thể tìm được quan điểm chung, lẽ sống chung với cộng đồng xã hội loài người. Đối với con người mang dòng máu quý tộc ấy, cho dù chỉ còn là phần nhỏ tế bào thì một cuộc sống ti tiện, bần hàn như vậy không phải là chốn để nhà thơ có thể an phận thủ thường, sống một cách thoải mái và vô tư. Tâm trí ông luôn mơ tưởng đến một cuộc sống khác, có địa vị cao quý hơn, xứng tầm vóc hơn, song tất cả chỉ là ảo ảnh và mơ mộng hão huyền. Như vậy sự cô độc trong con người Lý Hạ đến từ chính sự nhận thức cá nhận trước thực tiễn cuộc đời.

Lý Hạ lại là một con người cực kì thông minh, tài năng xuất chúng, sớm được phát lộ về năng khiếu thơ ca. Con đường học vấn của Lý Hạ tưởng chừng như rộng mở, rực rỡ và tươi sáng nhưng ngặt một nỗi, thể chế của chính quyền phong kiến về khoa cử quá khắc nghiệt và bảo thủ khiến cho con đường tiến thân của Lý Hạ gặp rất nhiều bất trắc, truân chuyên. Chỉ vì cái tên của cha là Tấn Túc, “tấn” trong tiếng Hán đồng âm với chữ “tiến” trong “tiến sĩ”`nên đã mắc phải tội kị húy, và không được tham gia thi cử bậc cao. Bởi vậy mà Lý Hạ phải sớm dừng chân khi mơ ước được thăng quan tiến chức, khôi phục thân phận hoàng tộc chưa kịp hoàn thành. Mọi khát vọng cao đẹp, lý tưởng sống tràn trề nay bị dập tắt đã thổi bùng lên nỗi uất hận trong con người ông. Tình thế của một con người tài năng xuất chúng nhưng không có cơ hội để bộc lộ, không được người đời thừa nhận đã mang lại một cảm thức cô đơn, lạc lõng dồn nén trong tâm hồn Lý Hạ. Và rồi ông phát tiết tất cả những nỗi cô đơn ấy vào trong văn thơ như một hình thức để giải tỏa tâm trạng tinh thần đang ở ngưỡng cửa của bi kịch. Song, bi kịch càng được dâng lên đến đỉnh điểm khi người đời với tâm hồn thưởng thức nghệ thuật tầm thường đã không thể cảm thấu được những cái thế giới “quỷ dị”, “điêu tàn”, ghê rợn, ma mị trong những vần thơ của Lý Hạ. Vậy là tấm lòng khao khát

51

hiến dâng, khao khát giao cảm với cuộc đời, với con người lại không thể tìm được những trái tim đồng cảm. Người ta đến với thơ ca để tìm cái đẹp, tìm những thứ mơ mộng như cõi bồng lai tiên cảnh, với thiên nhiên hùng vĩ, tươi sáng, lẽ dĩ nhiên sẽ chẳng có tâm hồn nào đồng điệu được với một tâm hồn điêu linh, tàn tạ, ngập tràn nỗi cô đơn, chôn vùi vào tận sâu trong thế giới ma quỷ mà chỉ Lý Hạ mới sáng tạo ra được. Rõ ràng trong con người Lý Hạ ẩn chứa rất nhiều những mâu thuẫn: vừa trốn tránh thực tại tầm thường và cay nghiệt, lại vừa muốn giao lưu giải tỏa hết những đớn đau, đồng thời lại tự ngăn cách tâm hồn mình với tâm hồn của độc giả bằng những rào cản tâm lý vô hình, vô hình mà vô cùng oan nghiệt. Và vì thế, nỗi cô đơn càng lớn dần lên, nuốt trọn linh khí của sự sống trong con người Lý Hạ.

2.1.2. Chế Lan Viên cô đơn bởi số phận chung của cộng đồng xã hội và bởi chính mình

Sự ra đời của phong trào thơ Mới (1930 -1945) là một một cuộc bứt phá ngoạn mục trong việc từ giã nền nếp và khuôn mẫu của văn học trung đại để đi vào quy luật vận động của nền văn học hiện đại đầu thế kỉ XX. Tuyên ngôn đầu tiên của các nhà thơ Mới chính là tiếng nói về quyền tự do và giải phóng về mọi mặt, trong đó có giải phóng cái tôi cá nhân mà trước đây bị kìm hãm bởi cái tôi cộng đồng trong trong văn học trung đại. Điều đó đồng nghĩa với việc quan điểm của văn chương giai đoạn này không còn là “thi dĩ ngôn chí, văn dĩ tải đạo” mà tất cả sẽ được thay thế bởi quan điểm nhân sinh và thẩm mỹ.

Nhắc đến cái tôi cá nhân là nhắc đến phương diện trạng thái cô đơn của tâm hồn con người, cụ thể ở đây là sự cô đơn, lẻ loi của những người nghệ sĩ.

Sự cô đơn là một dạng cảm xúc phổ biến trong thơ ca lãng mạn đầu thế kỉ XX ở nước ta. Nỗi cô đơn này, trước tiên, xuất phát từ cảm hứng lãng mạn của người nghệ sĩ, tự thân người nghệ sĩ đã vốn mang trong mình một bản thể tinh

52

thần phi lí trí, chính những cảm xúc lãng mạn ấy làm nên những áng văn chương làm rung động lòng người. Lãng mạn, mơ mộng khiến cho kết cấu tâm lý, tinh thần của nhà văn, nhà thơ trở nên lỏng lẻo và dễ chịu tác động từ những yếu tố bên ngoài, họ dễ dàng động lòng trắc ẩn, thương người, thương đời, dễ yêu, dễ ghét, dễ tổn thương và cũng dễ rơi vào trạng thái cô độc nếu như không tìm được nơi để bấu víu, neo đậu tinh thần. Sự nhạy cảm và tinh tế thực sự là một phẩm chất đáng quý của thi nhân. Cảm xúc lãng mạn tồn tại trong con người của người nghệ sĩ thường là những cảm xúc bị dồn nén do không được sẻ chia, không nhận được sự đồng cảm nên thường bị cô lập trong không gian bó hẹp của tư tưởng.

Khi cái tôi cá nhân mới được hình thành, đang còn chênh chao giữa cuộc đời, lại va đập mạnh mẽ với nhiều tác nhân ngoại cảnh như hiện thực cuộc sống đắng cay tủi nhục thì cái tôi cá thể ấy bỗng trở nên nhỏ bé và yếu ớt, dễ tổn thương sâu sắc không thể bù đắp được, họ đứng chênh vênh giữa cuộc đời, không tìm được hướng đi cho riêng mình, không biết làm gì giúp mình - giúp đời vượt thoát khỏi nỗi khổ cực, đớn đau, và rồi người ta rơi vào hố sâu của sự tuyệt vọng, cô đơn. Hiện thực xã hội Việt Nam những năm 1930 -1945 mà Chế Lan Viên đang sống mang một màu sắc hoang tàn và thê lương như vậy. Đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống– kinh tế, chính trị, xã hội. Nhất là khi đất nước đang oằn oại chuyển mình sang một giai đoạn khác mà bản chất xã hội khác hoàn toàn so với xã hội cũ. Sự chênh vênh, bất ổn trong chính trị kéo theo sự lo lắng, hoang mang và lạc lõng của những con người mới trước những khó khăn thách thức của cuộc đời mới, họ không sao hòa nhập được cùng với quá trình vận động của lịch sử, và như vậy, tâm thế cô đơn tràn ngập trong thơ Mới là một hiện tượng tất yếu sẽ xảy ra. Nỗi cô đơn phổ cả vào trong thơ, tạo thành một chuỗi các cảm giác buồn khổ, sầu bi. Song tựu chung lại quy thành

53

ba dạng thức của nỗi buồn, đó là: nỗi “sầu nhân thế” khi đặt mình sánh ngang với cõi nhân gian và bỗng nhận ra mình thật nhỏ bé như hạt cát, hạt bụi lênh đênh giữa cuộc đời – Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về nước lại sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng(Huy Cận), từ đó ý thức về một cuộc đời vô nghĩa bỗng dưng trỗi dậy mãnh liệt; thứ hai là nỗi “sầu thời thế” là nỗi buồn của những con người đối diện với sự khắc nghiệt của thời cuộc khiến cho họ mang cảm giác rằng mình sinh không đúng thời, là một kẻ lạc thời – “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ/ Một đôi người u uất nỗi chơ vơ/ (…) Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” (Vũ Hoàng Chương); Rồi khi đối diện với chính mình thì tự khắc trong tâm hồn họ nảy sinh một tâm lý rằng mình sinh ra đã là kẻ thất bại, có lẽ chủ yếu là thất bại trong con đường tình duyên và công danh sự nghiệp, đó chính là biểu hiện của nỗi “sầu thân thế”.

Về tư tưởng từ bản thân Chế Lan Viên đã tạo ra cho ông một vỏ bọc tinh thần ngăn cản mọi mong muốn giao cảm của ông với cuộc đời cũng như cuộc đời đối với ông. Suốt cả chặng đường sáng tác của mình, Chế Lan Viên tỏ ra quan tâm đặc biệt đến khả năng sáng tạo thơ ca, từ hình thức vần điệu, câu cú cho đến nội dung, ý nghĩa của thơ. Cũng chính vì tôn thờ sự sáng tạo, say mê sáng tạo, nhất là trong việc thể hiện hệ thống hình tượng mà thơ ông tràn ngập sắc thái độc dị, không phù hợp với thị hiếu của độc giả đương thời.

Trong lúc người ta đang đắm chìm, say sưa với những cuốn tiểu thuyết tình cảm ba xu nhưng lại có tác dụng ru ngủ tinh thần khiến họ đê mê, đắm đuối thì thơ Chế Lan Viên mọc lên như một “niềm kinh dị” khiến cho họ phải sợ hãi, dè chừng. Cảm quan tiêu cực ngay từ khi tiếp nhận các tác phẩm thơ của thi sĩ gốc Bình Định đã làm cho đại đa số độc giả lúc bấy giờ không thiết tha và yêu thích thơ ông, càng không thể cảm nhận được cái chất “hồn” trong từng bài thơ. Nỗi cô đơn của Chế Lan Viên cũng vì thế mà trở nên dai dẳng

54

và mãnh liệt hơn. Càng khao khát được giải tỏa lại càng không tìm được trái tìm đồng cảm, càng nhận được sự lạnh lẽo vô tâm của người đời thì lại càng thấy thấm hơn nỗi cô đơn. Nỗi cô đơn cứ đeo bám nhà thơ trong một vòng luẩn quẩn, kìm kẹp đè nén.

Xét cho cùng thì nỗi cô đơn của Lý Hạ hay Chế Lan Viên thì cũng đều mang những âm hưởng giống nhau. Đó đều là những cảm giác trống vắng, lạc lõng, chơi vơi, mất phương hướng không tìm được nơi để bám víu, nương tựa về mặt tinh thần. Họ sống ở hai thời đại khác nhau, hai quốc gia khác nhau và rõ ràng bản chất xã hội cũng khác nhau, chi phối đến luồng tư tưởng riêng biệt. Song, điểm chung giữa hai nhà thơ chính là nỗi cô đơn đều xuất phát từ hoàn cảnh thực tế của xã hội, hay gọi cách khác thì đó là “thời cuộc”, tính chất của thời thế luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng cảm thức, tư tưởng của một cá nhân. Đồng thời, nỗi cô đơn ấy cũng đến từ chính bản thể mỗi con người, bởi cô đơn không còn là phạm trù thuộc về vô thức mà đã trở thành một thuộc tính của ý thức, có thể chịu sự chi phối của hệ hình tư tưởng của con người.

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 55 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)