Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN
2. Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
2.1. Nguồn gốc của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên
Nếu như cô đơn là dạng thức tinh thần dồn nén bị chôn vùi vào tận cùng của bản thể thì cuồng hoan lại là trạng thái tinh thần bị phát tiết hết ra ngoài bản thể con người. Cái gì vươn tới giới hạn tận cùng thì cũng ngấp nghé bước sang một giai đoạn khác, thường là cao hơn giới hạn cũ, ở đây nó gọi là giai đoạn thăng hoa của cảm xúc. Như vậy, rõ ràng, cảm thức cuồng hoan cũng đến từ những dồn nén trong tâm lý của người nghệ sĩ trước những sóng gió của cuộc đời. Cả Lý Hạ và Chế Lan Viên đều mang trong mình những ẩn ức không thể giải tỏa với đời, buộc họ phải tìm nơi chốn để thăng hoa, để vươn ra khỏi cái tù đọng, đè nén trong tâm hồn. Trong con người Lý Hạ luôn thường trực những mâu thuẫn, những bất đồng giữa nhiều mặt: khao khát được sống có ý nghĩa, được cống hiến tài năng cho đất nước, dân tộc nhưng lại vấp phải sự loạn lạc, rẻ rúng của chế độ và giai cấp thống trị; mong muốn làm đẹp cho cuộc đời bằng sức sáng tạo không ngừng của bản thân nhưng đổi lại lại thiếu người công nhận nó; cái tôi cá nhân trỗi dậy mãnh liệt tìm về bản thể nhưng lại chịu sự dìm dúi của cái tôi cộng đồng trong văn hóa và tư tưởng đương thời...
Còn Chế Lan Viên, ngoài những mâu thuẫn nội tại đến từ hiện thực đời sống: bất lực trước thời cuộc - yêu nước, yêu dân tộc nhưng thiếu sức chiến
77
đấu, thì mâu thuẫn ấy cũng đến từ tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ. Đây là điểm khác biệt so với Lý Hạ.
Có thể nói chất lãng mạn dị biệt trong thơ Lý Hạ ảnh hưởng chủ yếu từ thơ văn của Khuất Nguyên, Bạch Cư Dị, trong đó có sự cuồng loạn. Tuy nhiên tất cả chỉ tồn tại ở mặt khuynh hướng tư tưởng. Đến thế kỉ XIX ở phương Tây, chủ nghĩa lãng mạn mới chính thức được hình thành và sớm du nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỉ XX thông qua con đường “cưỡng chế văn hóa”. Có thể đánh giá hiện tượng này xuất hiện như một cách để minh chứng cho sự thoái trào của luồng tư tưởng phong kiến ở nước ta tồn tại suốt một thiên niên kỉ, nay đã đến thời khắc suy tàn, điều đó cũng cho thấy rằng tư tưởng ấy đã không còn phù hợp với thời đại mới. Một nền văn minh mới ra đời, kéo theo nhiều sự đổi thay, không chỉ là thay đổi về mặt chính trị, kinh tế mà còn là văn hóa và tư tưởng. Trong văn hóa nghệ thuật nói chung, một luồng gió mới thổi qua, mang đến cho Việt Nam một diện mạo mới, tiêu biểu là chủ nghĩa tượng trưng của Pháp đã tràn ngập trong những tác phẩm nghệ thuật ở thời đại này, trong đó có văn học. Chủ nghĩa tượng trưng đề cao tính sáng tạo trong nghệ thuật, đưa nghệ thuật lên mức siêu hình, khiến cho nghệ thuật trở nên trí tuệ và bác học chưa từng có. Lúc này, văn chương là đi tìm cái đẹp, nhưng phải là cái đẹp độc lạ, mang dấu ấn cá nhân đậm nét, truyền tải thông điệp tư tưởng thông qua hình thức nghệ thuật độc đáo, đầy tính thẩm mĩ. Điều này khiến cho một bộ phận tác phẩm văn học không thể trở thành sản phẩm phù hợp với mọi đối tượng người đọc lúc bấy giờ. Chế Lan Viên là một trong số những nhà thơ ảnh hưởng sâu sắc từ chủ nghĩa tượng trưng mà văn hóa Pháp mang lại. Có thể nói, thời điểm này là bước lùi của kinh tế, chính trị, xã hội nhưng thực tế lại là bước tiến đáng kể của nền văn học Việt Nam trong tiến trình văn hóa tư tưởng nước ta. Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tượng trưng đã đem đến cho ta một nền văn học mới, khởi sắc hơn,
78
phong phú và đa dạng hơn. Và, lần đầu tiên, các nhà văn, nhà thơ đã bắt đầu hình thành tuyên ngôn trong quá trình sáng tác của mình:
Trong bài Tựa tập thơ Điêu tàn (1937) do chính Chế Lan Viên viết, có đoạn:
Hàn Mặc Tử viết: “Làm thơ tức là điên. Tôi thêm: Làm thơ là sự phi thường. Thi sĩ không phải là Người. Nó là Người mơ, Người say, Người điên.
Nó là Tiên, là Ma, là Quỷ, là Tinh, là Yêu, Nó thoát Hiện Tại. Nó xáo trộn Dĩ vãng. Nó ôm trùm Tương Lai. Người ta không hiểu được nó vì nó nói những câu vô nghĩa, tuy rằng những cái vô nghĩa hợp lý. Nhưng thường thường nó không nói. Nó gào, nó thét, nó khóc, nó cười. Cái gì của nó cũng tột cùng. Nó gào vỡ sọ, nó thét đứt hầu, nó khóc trào nước mắt, nó cười tràn cả tuỷ là tuỷ.
Thế mà có người tự cho là hiểu được nó, rồi đem nó so sánh với Người, và chê nó là giả dối với Người. Với nó, cái gì nó nói đều có cả…”.
Là người sáng lập Trường thơ Loạn, năm 1938, trong Tựa tập Thơ Điên, Hàn Mặc Tử cũng đã trình bày quan niệm thơ của mình như sau:
“...Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng...
Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi yếu đuối quá! Tôi bị cám dỗ, tôi phản bội lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức giữ bí mật. Và cũng có nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên. Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi!...”
Năm 1939, Tinh Huyết của Bích Khê ra đời, có bài Tựa của Hàn mặc Tử, trích:
“Ta có thể sánh văn thơ của Bích Khê như đóa hoa thần dị... Và đem phân chất, ta sẽ thấy thơ chàng gồm có ba tính cách khác nhau: Thơ tượng trưng, thơ huyền diệu và thơ trụy lạc...Sự điên cuồng ấy uyên nguyên ở một phần thiên tài, và ở một phần sự “Đau khổ”...”
79 GS. Nguyễn Huệ Chi đánh giá:
“Với những bài thơ tượng trưng, như Duy tân, Tỳ bà, Nhạc, Mộng cầm ca; những bài thơ vừa tượng trưng vừa nhục cảm, như Tranh lõa thể, Xác thịt, Sắc đẹp, v.v...càng mang rõ phong cách của Trường thơ Loạn...”.
Qua các tuyên ngôn của họ, có thể thấy họ tôn trọng nghệ thuật, trân trọng cái hay cái đẹp của thơ ca như thế nào. Làm thơ tức là “làm sự phi thường” – Nhà thơ phải sáng tạo ra những thứ mà người thường không có, cuộc đời chưa có, phải vượt lên trên tất cả mọi giới hạn, thậm chí là điên cuồng, là thần dị, dù là nói những lời vô lý nhưng phải là “những cái vô nghĩa hợp lý”. Có lẽ đây chính là nguyên nhân sâu xa cho sự “cuồng hoan” trong con người Chế Lan Viên. Rõ ràng, cái “điêu tàn” và “cô đơn” có thể hình thành ở trong bản thể và tự phát, nhưng “cuồng hoan” lại khác, nó có một nửa là tự thân, một nửa là có sự ảnh hưởng và chi phối sâu sắc về mặt tư tưởng. Ở Chế Lan Viên là sự pha trộn và đấu tranh giữa những luồng tư tưởng nội tại và tư tưởng ngoại lai, tức là giữa tư tưởng ảnh hưởng từ bên ngoài và tư tưởng mâu thuẫn và đau khổ bên trong tâm thức nhà thơ, cộng thêm tài năng, ca tính của ông, từ đó mới đem đến một Chế Lan Viên cuồng si, điên dại trong thế giới ma mị như vậy.