Cảm thức cô đơn

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 50 - 55)

Chương 2: CẢM THỨC CÔ ĐƠN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN

1. Cảm thức cô đơn

1.1. Khái lược về “cô đơn”

“Từ khi có thế giới, từ khi con người sống với nhau thành một cộng đồng, gắn với nhau trong lợi ích tập thể, cái cô đơn đã có mặt” (Lê Nguyên Cẩn). Theo quan điểm này, vốn dĩ nỗi cô đơn đã tồn tại ngay từ khi chúng ta bước chân vào cuộc đời này, giao hòa với nhiều mối quan hệ - con người với con người, con người với sự vật xung quanh, con người với vũ trụ, thiên nhiên… và duy trì trạng thái tâm lý ấy cho đến khi trưởng thành, thậm chí càng bước về cuối đời thì nỗi cô đơn càng trở nên mãnh liệt và bùng cháy.

Một đứa trẻ từ khi mới lọt lòng mang theo một tâm thế bấp bênh, chơi vơi khi phải rời “tổ ấm” riêng tư của nó suốt chín tháng, mười ngày để bước vào cuộc đời kia; nỗi cô đơn lạnh lẽo đã sớm gieo vào tâm trí của chúng, tiếng khóc thất thanh ngay từ khi mới chào đời đã cho thấy điều đó. Rồi khi về già, con người ta lại tiếp tục bị nỗi cô đơn bủa vây giăng kín, dồn họ vào tâm thế không được sẻ chia, rồi chán nản và tuyệt vọng. Cho nên, “cô đơn” là một dạng thức tâm lý phổ biến và kéo dài dai dẳng trong suốt cuộc đời của một cá nhân khi sống giữa một cộng đồng.

45

Trên đây mới chỉ là những nhận định ban đầu về nguồn gốc cũng như biểu hiện sơ khai của sự “cô đơn”. Một trạng thái tâm lý phổ biến và quan trọng đối với cuộc đời con người, dĩ nhiên nó cần được nghiên cứu một cách bài bản, tỉ mỉ và thấu đáo nhất có thể, ít nhất là ở nội hàm khái niệm.

Tìm về tận căn nguyên gốc rễ của khái niệm “cô đơn” từ nghĩa chữ Hán, ta có thể thấy: “cô” nghĩa gốc của nó là mồ côi cha sớm, sau chuyển nghĩa là “trơ trọi một mình”, “không ai giúp đỡ”, nó còn có ý nghĩa khác là

“vượt ra khỏi vị trí của vật này so với vật khác”, cao hay thấp hơn đều khiến nó trở nên trơ trọi. Xét cho cùng thì hai ý nghĩa này vẫn cùng một trường nghĩa, vẫn nằm trong nội hàm – tách rời một vật khỏi mối quan hệ với vật khác, khiến cho vật đó trở nên chơ vơ, lạc lõng, không tìm được mối giao hòa giữa các sự vật, dù là vươn cao lên hay hạ xuống thấp thì cảm giác này vẫn sẽ luôn xuất hiện. Chữ “đơn” có nghĩa là “lẻ”, là “riêng”, và “chỉ có một”, Khi kết hợp hai chữ này với nhau, ta được “cô đơn” nghĩa là chỉ “sự lẻ loi, đơn chiếc và cô độc”.

Theo Từ điển tiếng Việt, “cô đơn” nghĩa là “chỉ có một mình, không nương tựa được vào đâu”.

Triết học Mác lại chỉ ra rằng: “bản chất của một con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội”, theo đây, một trong những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lenin chính là “nguyên lý về mối liên hệ phổ biến”. Rõ ràng không bao giờ tồn tại con người đơn lẻ, sống bên ngoài một cộng đồng xã hội, tất cả chúng ta đều được đặt ngẫu nhiên trong các mối quan hệ và chịu sự chi phối, tác động của các mối quan hệ đó. Trong quá trình vận động để duy trì sự hài hòa các mối quan hệ thì bản chất của con người sẽ được bộc lộ. Mối quan hệ tác động đến tâm lý, hành động, tư tưởng của một cá nhân; đồng thời chính cá nhân đó cũng sẽ có sự tương tác qua lại, vận động ngược khiến cho mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng sâu sắc, có thể là những ảnh hưởng tích cực và

46

cần thiết làm cho nó trở nên phát triển hơn, tốt đẹp hơn, song cũng có thể mọi thứ đều di chuyển theo chiều hướng tiêu cực. Điều này tùy thuộc vào sự dung hòa khéo léo của từng cá thể trong mọi mối quan hệ. Nếu không có sự hòa hợp, tất lẽ xảy ra những mâu thuẫn và bất đồng, đồng thời, cảm giác cô đơn xảy ra như một bước tâm lý cuối cùng của bản thể.

Theo Phân Tâm học của S.Freud, cô đơn được nhận định là “thuộc trạng thái tinh thần bất an” và “lo sợ phập phồng”. Con người chỉ cảm thấy cô đơn khi mọi giá trị vững chắc trong đời sống vật chất và tinh thần bị lung lay bởi những tác nhân ngoại cảnh nào đó. Con người trở nên chênh vênh, chới với trước thời cuộc, mất phương hướng, mất đi những giá trị cốt lõi mà mình cố gắng xây dựng và vun đắp trong suốt một thời gian dài trước đó. “Tinh thần bất an” chính là trạng thái tâm lý ra đời trong hoàn cảnh đó. Những dự cảm không lành ấy thường là mong manh, mơ hồ, không rõ ràng, không chắc chắn. Càng “lo sợ” phập phồng bao nhiêu thì theo tâm lý và phản xạ tự thân, con người càng trở nên thu mình, đóng khép tâm hồn để tự cô lập mình trước những sự tác động. Như vậy từ trạng thái bất an, con người tự khắc lún sâu vào vòng luẩn quẩn của tâm lý rối bời. Đồng thời, sự mặc cảm tự ti sẽ kéo cá nhân ấy xuống dưới thấp hơn tư tưởng và vị thế của cộng đồng xã hội. Sự thấp kém trong tư tưởng chính là nguyên nhân căn cốt của nỗi cô đơn vốn tồn tại trong sâu thẳm của con người, bây giờ mới có cơ hội được phát lộ.

Hamvas Bela đã từng có quan niệm khá gần với tư tưởng của Lê Nguyên Cẩn và triết học Mác, trong cuốn 33 tiểu luận triết học, ông đã từng phát biểu: “Nơi đâu có cô đơn, ở đó luôn có mối quan hệ bị tách rời khỏi cộng đồng, và sự còn lại một mình”. Như vậy, tác giả đã trình bày rất rõ ràng quan điểm về mối quan hệ biện chứng giữa nỗi cô đơn và “cảm giác cộng đồng”.

Hai phạm trù này tồn tại song song trong một chỉnh thể vừa thống nhất với nhau mà vừa đối kháng nhau. Khi đứng trước sự mâu thuẫn đó, con người

47

không thể tìm ra cho mình một giải pháp đúng đắn và phù hợp, buộc phải đứng ngoài mâu thuẫn. Cũng chính vì thế mà sự cô đơn có cơ hội nhen nhóm và hình thành để giải quyết tức thì những rắc rối xảy ra trong tâm hồn, nhưng đồng thời nó cũng là cái kết ảm đạm, quẩn quanh không lối thoát.

1.2. Cảm thức cô đơn

Mang đặc trưng bản chất tâm lý con người, sự cô đơn bước vào văn chương như một lẽ tất yếu không gì có thể ngăn cản được. Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống, phản chiếu những giác độ tâm lý sâu sắc và tinh tế nhất tồn tại trong hầu hết thực thể con người, từ yêu thương, căm ghét, thù hận, thanh thản, tan vỡ… rồi đến cô đơn. Cô đơn là trạng thái vừa nhẹ nhàng, man mác lại vừa có chút gì đó mãnh liệt, nó chứa đựng tầm vóc và sức mạnh không tưởng, đủ để làm nên một hay nhiều điều lớn lao, đặc biệt là trong vấn đề sáng tác nghệ thuật. Đúng như nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã từng nói: “Cô đơn là sự tối cầu của người viết, nó là điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn. Không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn dày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn dẫn tôi đến một sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một nhịp tim đồng cảm. Khi người ta bằng mọi cách để chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những người đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương”. Nếu như cô đơn đối với một con người bình thường là một sự chua xót, lạnh lẽo cần được được giải tỏa thì cô đơn đối với người nghệ sĩ lại giống như một lẽ sống, một nguồn sống của cây bút. Phải có nó thì họ mới có thể khám phá ra nhiều bản ngã trong con người, phải có nó mới có thể tạo ra cơ hội được “sống” cho những mạch nguồn đang tuôn chảy trong

48

tâm hồn mình. Bởi làm nghệ thuật nói chung cũng như viết văn nói riêng, những người nghệ sĩ đang sống vì cảm xúc, nhờ vào mạch cảm xúc để làm nên những giá trị nghệ thuật bất diệt. Văn chương là luôn đi tìm sự khác người, khác đời; ngay cả cảm giác cô đơn cũng phải là một nỗi cô đơn khác.

Đó là sự cô đơn không chỉ là tự phát sinh, tự hình thành – đó mới chỉ là điều kiện cần; việc nuôi dưỡng nó mỗi ngày một lớn hơn, sâu sắc hơn, giằng xé hơn thì đó mới là điều kiện đủ để làm nên một người nghệ sĩ. Không ai có thể viết văn hay nếu trong mình mọi thứ đã quá đủ đầy, và ngược lại, không một nhà văn nhà thơ lớn nào của nhân loại lại có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc và viên mãn về mặt tinh thần. Hạnh phúc cho con người ta một cuộc sống tốt đẹp, nhưng nó không thể cho ta những tư tưởng lớn. Những tư tưởng vĩ đại cần được tôi luyện và rèn rũa trong một hoàn cảnh đặc biệt, rất có thể nó phải là “bi kịch”. Cô đơn cũng là một niềm bi kịch. Khi ta đứng ở đây, còn số đông đứng về một phía khác, bi kịch đã xảy ra khi sợi dây liên kết trở nên lỏng lẻo, tâm lý đi tới dạng thức “đứt gãy” thành nhiều khớp nối thì sự lạc lõng trước số đông, hay nói cách khác là cô đơn trong cộng đồng xã hội là điều tất yếu. Nỗi cô đơn của một nhà văn khác nỗi cô đơn của người bình thường ở chỗ, sự cô đơn ấy được tư duy và ý thức một cách bài bản và hệ thống. Nó không còn là một thứ cảm giác mơ hồ, nhạt nhòa xuất hiện vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời con người mà nó đã nâng tầm lên thành một hệ ý thức mang tính ổn định, khi đó nó dần trở thành một cảm thức.

Như vậy “cảm thức cô đơn” được hiểu là một nỗi cô đơn có sẵn mầm mống chắt lọc từ cảm giác tự thân, sau đó được chuyển hóa thành tư duy ý thức từ trong bản thể.

Cảm thức cô đơn trong văn học có biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng, vẫn là sự cô đơn lạc lõng không tìm được điểm chung, không tìm được

49

sự đồng điệu trong tâm hồn nhưng chính cái tôi cá nhân của mỗi nhà văn lại đem lại cho nỗi cô đơn ấy những màu sắc riêng.

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 50 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)