Cuồng hoan trước cái chết

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 94 - 101)

Chương 3: CẢM THỨC CUỒNG HOAN TRONG THƠ LÝ HẠ VÀ CHẾ LAN VIÊN

2. Cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

2.2. Biểu hiện của cảm thức cuồng hoan trong thơ Lý Hạ và Chế Lan Viên

2.2.2. Cuồng hoan trước cái chết

Ý niệm về “cái chết” đã không còn quá xa lạ đối với văn học nhân loại, nó cũng là một phần của sinh mệnh con người, có thể coi nó là giai đoạn cuối cùng của một kiếp người để mở ra một cuộc đời khác theo quy luật luân hồi.

Tác giả của bài viết Suy gẫm về sự chết đã tổng hợp khá đầy đủ những quan niệm về cái chết trên bình diện triết lý tôn giáo: “Các thuyết duy vật đều quan niệm cái chết là một hiện tượng tự nhiên, thuộc quy luật sinh lý, tức là việc tiêu tan các yếu tố lý hóa đã khiến cho thân thể sống động. Lập trường của các sinh-hoạt-thuyết (Vitalisme) chấp nhận một nguyên tắc sinh hoạt không có bản ngã. Họ cho rằng, chết là cái nguyên tắc đó trở về với nguyên tắc sinh hoạt của vũ trụ. Chẳng hạn, Bà-la-môn giáo cho rằng, chết là trở về với Brahman, tức là hồn của vũ trụ. Mạnh Tử cũng cho rằng, chết là hợp nhất với vũ trụ. Còn Hégel cho rằng, chết là tan mất trong tinh thần tuyệt đối. Theo

89

Nhị nguyên thuyết xuất phát từ Platon, cho rằng chết là linh hồn được giải thoát khỏi nhà tù thân xác. Triết hiện sinh vô thần thì coi cái chết cũng vô lý như sự sống vậy (J. Sartre). Trong Phật giáo, chết được dùng để chỉ sự sinh diệt, thăng trầm của tất cả các hiện tượng, các Pháp. Trong bộ luận Thanh tịnh đạo, vị Đại luận sư Phật Âm (buddhaghosa) diễn tả như sau:“Theo chân lý tuyệt đối thì chúng sinh chỉ hiện hữu trong một thời gian rất ngắn, một thời gian ngắn như một khoảnh khắc của nhận thức (một ý niệm, Sát-na). Như một bánh xe, trong khi đang lăn cũng như đang đứng yên, chỉ chạm đất ở một điểm duy nhất. Như thế, chúng sinh chỉ sống trong một khoảnh khắc của một nhận thức. Nhận thức này (ý niệm) mất đi thì chúng sinh đó chết”.”

Rõ ràng rằng, cái chết dường như là một quy luật tất yếu trong đời sống của một cá thể. Con người ta sẽ chết khi chấm dứt những cơ chế lý hóa duy trì sự sống, thể xác tàn lụi trước quy luật nghiễm nhiên của tạo hóa và khi đó số phận con người sẽ đi đến hồi kết. Đã là một phần quan trọng của con người thì tất lẽ, nó đi vào văn chương như một cảm thức, điền khuyết những khoảng đất còn trống cuối cùng trên bức tranh tổng thể trọn vẹn của cuộc đời nhân vật. Những ý niệm về cái chết rất khác nhau tùy thuộc vào nhân loại học, tôn giáo học; bởi vậy mà cảm thức về cái chết trong văn chương cũng đa dạng và phong phú như vậy.

Ngay từ khi đặt chân vào thế giới hình tượng trong thơ của Lý Hạ và Chế Lan Viên, người đọc đã nhận biết được rằng cái linh khí chết chóc, đau thương trong những vần thơ ấy đã vận vào, đeo bám dai dẳng tâm hồn, không có cách nào để giải thoát. Đó không phải là những cái chết im lìm, lặng lẽ như những gì nó tồn tại mà là những sự chết thực sự “sinh động”, chết mà không phải là chết, hay nói cách khác là chỉ có phần thể xác là bất động, còn linh hồn thoát ra từ trong thể xác ấy lại tiếp tục “sống” tiếp phần đời của mình, chúng “nhảy múa”, vật vờ lang thang không ngừng giao hòa với thế giới loài

90

người. Ẩn sâu sau tấm thân mỏng mảnh, mơ hồ sương khói là điệu nhạc cuồng hoan của tâm thức đang bất ổn, rối ren, trụy lạc. Họ say sưa đắm chìm trong thế giới ma quỷ hiện thân của cái chết ấy, điên loạn gào thét, “đập phá”

mọi giới hạn của tâm thức để “được sống”, được thăng hoa đến cực điểm của cảm xúc. Quả thực, chưa bao giờ sợi dây rung động lại trở nên mãnh liệt đến như thế.

Cái chất cuồng hoan, dị biệt của Lý Hạ ăn sâu vào từng mảnh vụn của cái chết. Cái chết hiện lên thật sống động, giống như sự trỗi dậy mãnh liệt của xúc cảm trong tâm hồn:

青狸哭血寒狐死。 “Thanh tinh khốc huyết hàn hồ tử 古壁彩虯金貼尾, Cổ bích thái cù kim thiếp vĩ 雨工騎入秋潭水。 Vũ công kỵ nhập thu đàm thuỷ 百年老鵩成木魅, Bách niên lão kiêu thành mộc mị 笑聲碧火巢中起 Tiếu thanh bích hoả sào trung khỉ.”

(神弦曲- Thần huyền khúc) Dịch Nghĩa:

Tinh xanh khóc hồ, lệ máu chảy Cù long đuôi vàng trên vách xưa Thợ mưa cỡi vào đầm thu thuỷ Cú vọ trăm năm thành mộc mị Lửa xanh vọng lên tiếng cười quỷ.

(Bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến) Tuy chưa hình thành nên một cảm thức tư duy hình tượng song những tư tưởng nghệ thuật của nhà thơ Lý Hạ đã sớm tồn tại yếu tố siêu hình, siêu thực mà mãi đến thế kỉ XIX nó mới được nhen nhóm và nó phản ánh một cách rõ nét thông qua những hệ thống hình tượng trong thơ. Phong cách dị biệt trong thơ ông nhiều khi trở thành một hố sâu ngăn cách giữa cảm quan

91

sáng tạo của nhà thơ và cảm quan nhận thức của người đọc. Đôi lúc thật khó để luận giải được chính xác những điều mà nhà thơ muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình, bởi ông không bao giờ lựa chọn biểu hiện một cách giản đơn, thuần túy, trực diện vào vấn đề. Ông luôn đi đường vòng, tìm cách bộc lộ tư tưởng thông qua hình tượng gợi tả, buộc người đọc phải vận dụng tư duy hình tượng để nhận diện và cảm thấu chúng. Nói về cái chết, nhà thơ không hề gọi tên nó, thể hiện nó trên bình diện bề nổi mà khơi gợi ra dấu hiệu của sự chết chóc qua những hình ảnh đại diện của cõi âm binh, ma quỷ như: “thanh tinh”

(tinh tinh xanh). “cù” (cù long), “hồ” (hồ ly), “bách niên lão kiêu” ( con cú vọ sống lâu trăm tuổi), hay “mị” (quỷ mị). Tất cả những hình ảnh đó đều gợi liên tưởng đến một thế giới u ám, tối tăm, đầy đau thương, chết chóc. Chúng giống như chiếc cầu nối giữa thế giới loài người ở trần gian và thế giới ma quỷ chôn sâu dưới lòng đất. Nghe được tiếng con tinh tinh xanh khóc, giọt nước mắt biến thành máu, nghe thấy cả tiếng cười ghê rợn, man dã của con chim cú vọ, rồi thấy được con cù long là lúc hồn người bắt đầu lìa dần khỏi xác thịt và trôi nổi, hòa giao với cõi chết. Mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa, mờ mịt giống như sự lập lờ, nhập nhằng giữa hồn và xác. Sự sống còn đây mà linh hồn như dần neo đậu ở bến cảng của tử giới. Nhà thơ đang cuồng loạn trong thế giới ma mị, dị biệt và ngụp lặn với nỗi niềm hoan lạc riêng, tiếng chim cú cười man rợ vang lên trong ánh lửa biếc hay chính là nỗi lòng cuồng dại và lạc thú trong đau đớn của chính nhà thơ?

Đôi lúc nhà thơ còn nhận thức được cả cái hoan lạc, cuồng si trong thời khắc tàn tạ của đất trời:

縹粉壺中沉琥珀。 “Phiêu phấn hồ trung trầm hổ phách 花臺欲暮春辭去, Hoa đài dục mộ xuân từ khứ, 落花起作回風舞 . Lạc hoa khởi tác hồi phong vũ”

(殘絲曲- Tàn ty khúc)

92 Dịch nghĩa:

Rượu hổ phách lắng vào ly hương nồng Huống gì xuân đã chiều buông

Hoa rơi gió nổi trận cuồng loạn bay

(Bản dịch của Huỳnh Ngọc Chiến)

Thời gian chảy trôi, vận động nhanh chóng khiến cho bốn mùa cùng qua nhanh, dù mùa xuân tươi đẹp đến mấy thì cũng sẽ đến thời khắc giao mùa, xuân hết cũng là lúc lòng người già cỗi, tàn lụi theo tháng năm. Không gian thì ngưng đọng lại giây lát với đủ mọi gam màu pha trộn lẫn nhau, đó là màu sắc của rượu: “trầm hổ phách” (bình rượu màu hổ phách). Bất giác, tâm hồn nhà thơ trở nên mở mang, bay bổng đến kì lạ, tận cùng của sự tàn tạ gửi trọn vào cánh hoa hồng xa lìa thân cây rụng xuống mặt đất, giờ đây qua con mắt của nhà thơ, cánh hoa mỏng manh cũng tung bay cùng với sự hoan lạc của gió trời -

“lạc hoa khởi tác hồi phong vũ” (Hoa rơi gió nổi trận cuồng loạn bay). Cái chết trở nên sinh động và tràn đầy sức sống, cảnh vật như được hồi sinh dù trong một khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi trọn vẹn trở về với nguồn cội. Có lẽ, trong tâm thức của nhà thơ có một thứ gì đó lóe lên giây lát, ông hoan hỉ với cái chết mà biết rằng sinh mệnh sẽ tiếp tục được tái sinh sau đó. Cái này chết đi thì tức khắc sự sống mới sẽ được bồi đắp để rồi sinh sôi nảy nở.

Nếu như Lý Hạ hoan lạc trong hi vọng, cuồng đắm trong đau thương thì Chế Lan Viên lại cuồng hoan trong niềm khát khao cháy bỏng:

“Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta!

Để những giọt máu đào còn đọng lại Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ

Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ!

93

Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!

Để nếm lại cả một thời xưa cũ Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!”

(Cái sọ người)

Khi những ẩn ức chất chứa trong tâm hồn vượt quá giới hạn chịu đựng của tâm lý thì bất giác ngọn lửa u uất sẽ bùng cháy mãnh liệt và phun trào, phát tiết ra khỏi thân thể hữu hạn vươn đến cái vô hạn của sự thỏa mãn, thăng hoa. Lại một lần nữa, cái thế giới tinh thần của nhà thơ tìm một nơi chốn để trú ngụ, nơi ấy không gì khác ngoài cõi quỷ thần, yêu ma. Tìm đến thế giới quỷ dị ấy chính là tìm về với bản thể cuồng điên, nguyên sơ nhất của Chế Lan Viên, chỉ có ở đó hồn thơ ông mới được thỏa chí bay bổng, lặn ngụp. Nhà thơ gọi tên cái “thiên đường” của mình là “sọ người”, là “xương khô”, là

“máu”…, những hình tượng thật ghê rợn mà chứa đựng nội tâm giằng xé, nổi loạn đến tột cùng của nhà thơ. Ông khao khát hòa mình trong xác thịt của những sinh thể đã chết để mang lại cho họ phần linh khí đã mất, truyền cho họ hơi ấm của cơ thể, xua tan đi cái lạnh lẽo, ẩm đạm trong khối xương, đầu sọ.

Nhà thơ sử dụng hàng loạt những từ ngữ giàu sức gợi như “riết”, “rồ dại”,

“cắn”, “nuốt”, “điên cuồng” cho thấy một cảm xúc mãnh liệt, mạnh bạo diễn ra trong tâm hồn của một con người tràn đầy khao khát, hơn thế nữa đó hẳn là một người “say”,người “điên” mới có những hành động phát tiết như vậy.

Cái cuồng điên chảy trôi trong từng tế bào, thớ thịt; hân hoan trong từng điệu nhạc đắm say. Những giai điệu thanh âm hòa quyện vào trong tâm thức của kẻ điên loạn, biến nó trở thành một thứ âm nhạc kì dị, cuồng quay:

“Ðem mau đây, chiếc sọ dừa ứ huyết Chiếc xương khô rợn trắng khí tinh anh!

Và rót mau trong hồn ta tê liệt

Những nguồn mơ rồ dại, hỡi yêu tinh!

94

Ta sẽ nhịp khớp xương lên đỉnh sọ Ta sẽ ca những giọng của Hồn Ðiên Ðể máu cạn, hồn tàn, tim tan vỡ Ðể trôi đi ngày tháng nặng ưu phiền!”

(Điệu nhạc điên cuồng) Những hình ảnh lạc thú, tri hoan đầy ứ trong bức tranh ngập ngụa khí tinh yêu với “chiếc sọ dừa ứ huyết”, với “xương khô rợn trắng” tạo một cảm giác rờn rợn, kinh hãi. Đâu đâu cũng cũng thấy cái cuồng điên bạo liệt trong con người của Chế Lan Viên, giờ đây không chỉ là điên mà còn là say, cảm thức nửa tỉnh nửa mê khiến cho mọi thứ trở nên hỗn độn, điên thì điên đến tận cùng, say thì cũng say đến đỉnh điểm. Cái cuồng điên xen lẫn cái say mê sinh ra một thứ cảm xúc phá tan mọi giới hạn. Chế Lan Viên cùng cực đam mê cái chết chóc; đối với ông, cuộc sống thực tại không còn là sự sống nữa mà mọi thứ đã gần như là chết rồi, số phận của dân tộc đang ngàn cân treo sợi tóc, đang dần đi tới chỗ hủy diệt, còn sự sống của con người cũng mong manh, hẩm hiu như bọt biển, sống cũng như chết. Cho nên cảm thức về cái chết trong ông chưa bao giờ hiện hữu với dáng vẻ sừng sững đến như vậy. Ông tìm về với thế giới cõi âm không chỉ để thoát ly hiện thực mà nó còn là một phương cách giúp nhà thơ tìm ra một “đời sống mới” cho tâm hồn, một khi đời sống hiện thực không còn đáp ứng đủ những nhu cầu của cái tôi siêu ngã.

Đã là một đời sống trong mơ thì hiển nhiên nó phải là một thế giới tuyệt vời nhất có thể, phù hợp với cảm quan của nhà thơ, nơi ấy ông được bung xõa hết tất cả phần “người” còn sót lại trên cái cơ thể tàn úa trước thời cuộc. Và cuồng hoan hết mình chính là biểu hiện đậm nét cho dục tính cá nhân tồn tại trong tận cùng bản thể con người nhà thơ Chế Lan Viên.

95

Tóm lại, trong con người của Lý Hạ và Chế Lan Viên luôn chứa đựng những cảm thức đặc biệt về cái chết đến với chính mình. Nếu như nhận thức về sự chết chóc trong tâm hồn Lý Hạ là những ám ảnh mơ hồ bởi sự hành hạ thường nhật của bệnh tật, ốm đau thì với Chế Lan Viên thì dường như mọi cảm thức đều trở nên rõ rệt và vững chắc. Bởi vậy mà xúc cảm về nơi tận cùng của sự sống trong Chế Lan Viên mãnh liệt hơn gấp bội. Cả hai nhà thơ đều muốn cháy hết mình với cảm thức chết chóc ấy, vật vã cuồng si trong thế giới siêu thực, để cho dù là cái chết kết thúc sự sống của một kiếp người thì cũng phải biến nó trở thành một cái chết “sinh động”, chết mà đầy hoan lạc, chết trong niềm tin vào một sự sống khác – không có bóng dáng của những con người tầm thường. Đó thực sự là một ý niệm độc đáo, biệt dị về tử giới.

Một phần của tài liệu Cảm thức sinh mệnh trong thơ lý hạ và chế lan viên (Trang 94 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)