Nhu cầu xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 38 - 46)

Chương 1: CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

1.1. Cơ sở và nhu cầu xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

1.1.2. Nhu cầu xã hội hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

nước, đã thực sự là những nhu cầu xã hội đối với sự hình thành phát triển tư tưởng chính trị thời Trần.

Nhu cầu thống nhất về chính trị - xã hội và phát triển nền văn hóa Đại Việt

Là một triều đại vừa được thiết lập, giai cấp quý tộc tôn thất nhà Trần muốn đứng vững trên ngai vàng để điều hành đất nước thì không có con đường nào khác ngoài việc nhanh chóng ổn định trật tự xã hội và thống nhất về tư tưởng, chính trị. Từ nửa thế kỷ X đến hết mười năm đầu thế kỷ XI, dân tộc Việt bằng sức mạnh nội tại của mình không những đã đánh đuổi ngoại xâm phương Bắc, giành độc lập, chủ quyền lãnh thổ, mà các triều đại Ngô, Đinh, tiền Lê còn thiết lập được một chính quyền phong kiến trung ương tập quyền dần đi vào quy cũ, khẳng định vị thế của một dân tộc độc lập, tự chủ, từng bước ổn định chính trị, tạo lập an ninh xã hội, tăng cường quốc phòng đề phòng ngoại xâm. Bước sang thế kỷ XI, vương triều Lý được xác lập. Những thành tựu nổi bật trong công cuộc chấn hưng đất nước cùng với Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn được ban hành đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam.

Quyết định dời đô về Thăng Long, Lý Công Uẩn đã gắn việc dời đô với việc dựng nước, tức là ngay khi vừa thiết lập địa vị thống trị của dòng họ mình, triều Lý đã có ngay động thái chính trị nhằm ổn định, thống nhất về chính trị, xã hội, nhằm củng cố và duy trì nền độc lập mà dân tộc Việt vừa giành được trên nửa thế kỷ. Sở dĩ như vậy là vì chiếu dời đô của Lý Công Uẩn đã đánh dấu mốc son trong sự phát triển tư duy chính trị của dân tộc Việt, đó là hướng về sự hòa hợp để phát triển, nhằm “mưu nghiệp lớn,…, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, …, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh” [132, 241]. Nhà Lý với kinh đô Thăng Long - đầu mối của mọi sợi dây liên hệ thống nhất về mặt kinh tế, văn hóa, lãnh thổ đã tạo nên

sức mạnh để dân tộc Việt tự sinh và phát triển, kháng chiến chống Tống thành công, bảo vệ độc lập, chủ quyền của một đất nước đã có trong

“thiên thư” do Nam Đế cư chứ không phải là một nước chư hầu. Đó là bài học dựng nước, ổn định chính trị - xã hội vẻ vang của triều Lý, là thành quả của dân tộc Việt để lại cho sự kế thừa của triều Trần.

Triều Trần có được ngôi báu là một tất yếu lịch sử. Triều đại nhà Lý cực thịnh với một số nhà vua thánh hiền kế tiếp kể từ Lý Thái Tổ qua Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông đã góp phần củng cố sức mạnh của nước Đại Việt độc lập hưng thịnh. Đến thời vua Cao Tông, những biểu hiện của sự suy thoái đã lộ rõ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội Đại Việt. Vua Cao Tông lên ngôi khi còn nhỏ tuổi, Thái hậu chỉ lo tính phế lập, không nghe lời khuyên của Tô Hiến Thành trong việc dùng người hiền, vua “chơi bời vô độ, chính sự hành pháp không rõ ràng” [132, 326] đã làm cho cơ nghiệp nhà Lý từ đó suy vong.

Nói khác đi, sức mạnh triều đại được nhà Lý xây dựng với 215 năm tồn tại của mình đã phát huy hết khả năng tích cực của nó, vua Cao Tông và Huệ Tông đã không đủ sức cáng đáng công việc quốc gia đại sự, cũng như không còn đại diện cho lợi ích quốc gia dân tộc, đại diện cho quyền lợi của giai cấp phong kiến cầm quyền. Do đó, đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, thiên tai, mất mùa, đói kém và dịch bệnh hoành hành khắp nơi đã làm cho kinh tế Đại Việt suy sút; kết hợp vào bộ máy chính quyền nhà Lý từ trung ương đến địa phương tỏ ra quan liêu, lỏng lẻo trong việc quản lý xã hội dẫn đến tình trạng ở nhiều địa phương, các thế lực địa chủ phong kiến đã tập hợp lực lượng nổi dậy chống phá triều đình, gây nên tình trạng cát cứ, phân quyền. Thực tiễn đó khiến bối cảnh xã hội Đại Việt cuối thời Lý giặc cướp nổi như ong, đói kém liền năm, kinh tế đình trệ, bộ máy quyền lực nhà nước bị lũng đoạn

bởi những kẻ gian thần, làm cho chính trị không ổn định, văn hóa và giáo dục bị thả nổi, họa ngoại xâm tiến gần. Trong bối cảnh đó, việc phế bỏ nhà Lý để cứu lấy vận nước trở thành một đòi hỏi chính trị cấp bách, không thể trì hoãn được. Và trọng trách thực hiện bước ngoặt trong diễn biến chính trị ấy đặt lên vai anh em dòng họ nhà Trần mà tiêu biểu là cá nhân Trần Thủ Độ. Bằng mưu lược của mình, Trần Thủ Độ đã chuyển ngôi báu từ triều Lý sang triều Trần một cách êm thấm theo hình thức phế truất, nhường ngôi, “phản ánh sự chuyển giao quyền lực hết sức cổ điển theo kiểu phong kiến” [15, 27].

Do có công giúp nhà Lý dẹp loạn, lập lại trật tự xã hội mà gia tộc họ Trần được triều đình trọng dụng, đã dần thao túng quyền bính, thâu tóm quyền lực, đến nỗi một cuộc thay đổi triều đại, chuyển chính quyền từ họ Lý sang họ Trần diễn ra trong triều đình mà hầu như không có tác động gì xáo trộn xã hội. Ở buổi đầu thiết lập ngôi báu, khi lòng dân chưa yên, còn nhớ thương vua cũ, “thượng hoàng nhà Lý có lần ra chơi chợ Đông, dân chúng tranh nhau chạy đến xem, có người thương khóc” [133, 8], nên Trần Thủ Độ đã lập kế, ép vua Lý tự tử, chôn sống tôn thất nhà Lý, chấm dứt sự hiện diện của triều Lý trên trường chính trị. Cả dòng họ tôn thất triều Lý suy kiệt, tỏ ra bất lực, không có phản ứng gì đáng kể. Có được ngôi báu, Trần Thủ Độ cùng với tôn thất nhà Trần cùng nhau chung sức thực hành pháp trị để dẹp loạn các thế lực cát cứ trong nước, chấn hưng kinh tế, đại xá dân chúng, cải tổ lại bộ máy thống trị điều hành đất nước từ trung ương đến địa phương, chuẩn bị lực lượng đối phó với nguy cơ ngoại xâm… Như vậy, với động thái chính trị rất phổ biến mà các triều đại phong kiến Việt Nam trong lịch sử đã thực hiện đó là chuyển giao quyền lực từ dòng họ này sang dòng họ khác mà triều Trần đã có được thiên hạ.

Đó đồng thời là sự chuyển giao có ý nghĩa bước ngoặt trong lịch sử các

triều đại phong kiến Việt Nam, đáp ứng nhu cầu thống nhất đất nước, ổn định chính trị lúc bấy giờ. Nhu cầu đó buộc giai cấp thống trị triều Trần cần đến một lý luận chính trị vừa khôn khéo, vừa kiên quyết để chấm dứt sự thống trị của vương triều cũ; dẹp yên các cuộc chiến tranh nổi dậy cát cứ, cướp giết trong nước; khôi phục và phát triển nền kinh tế đang hết sức trì trệ; chuẩn bị lực lượng quân sự để đối phó với kẻ thù ngoại bang đang hòng chuẩn bị xâm chiếm Đại Việt.

Nhu cầu củng cố trật tự xã hội và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền

Nhà Trần lên nắm chính quyền trong bối cảnh xã hội mục rỗng mà triều Lý để lại, nhu cầu bức thiết đặt ra, đó là nhanh chóng ổn định chính trị, củng cố lại trật tự xã hội, một mặt nhằm đảm bảo lợi ích của giai cấp thống trị cầm quyền, mặt khác là thống nhất quốc gia dân tộc cả về tư tưởng lẫn thể chế cầm quyền.

Để có sự bình ổn về chính trị, nhu cầu phục hồi và chăm lo chấn hưng lại mọi mặt về kinh tế là nhiệm vụ đầu tiên đặt ra cho giai cấp cầm quyền nhà Trần. Cũng như thời Lý, các vua Trần chú ý thúc đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế nông nghiệp, vốn là ngành chủ đạo đem lại nguồn thu nhập chính cho triều đình và cho nhân dân thời bấy giờ. Đặc biệt, sự phát triển của các loại hình sở hữu ruộng đất khác nhau dưới thời Trần đã không những tiến bộ hơn các thời kỳ trước, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, mà còn trở thành động lực cho sự phân hóa các giai cấp khác nhau trong xã hội. Một bước tiến nữa của nhà Trần so với nhà Lý trước đó trong việc khẳng định sức mạnh nhà nước, tổ chức xã hội là áp dụng nhiều biện pháp thủy lợi, thủy nông, đắp đê chống lụt, nhằm khuyến khích và bảo vệ thành quả nông nghiệp của nhà nước và nhân dân. Ở thời Lý, công việc trị thủy vẫn do các địa phương tự đóng góp tiền của xây dựng và lo

liệu, nhà nước chỉ quản lý một số đê chủ yếu quanh thành Thăng Long, nhưng những năm đầu thế kỷ XIII, khi triều đình suy yếu, thì hầu như việc trị thủy bị bỏ bê, không được lưu tâm thích đáng. Ý thức được điều đó, nhà Trần vừa nắm chính quyền đã có biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, mở rộng thêm diện tích canh tác, bố trí các cơ quan hà đê, có chánh sứ, phó sứ phụ trách việc xây đắp và quản lý đê điều, cho khơi lại sông Tô Lịch để đảm bảo giao thông và tưới tiêu cho các vùng quanh kinh thành Thăng Long, nâng việc trị thủy, thủy nông trở thành nhiệm vụ chung của nhà nước và nhân dân thời Trần. Bên cạnh đó, việc khuyến khích các làng nghề thủ công nghiệp và phát triển mạng lưới thương nghiệp, thành thị thông qua việc mở rộng, nâng cấp hệ thống giao thông, nhất là giao thông thủy bộ trong cả nước đã khiến cho nền kinh tế Đại Việt dưới thời Trần phát triển nhanh chóng. Những tiền đề kinh tế đó tạo những điều kiện thuận lợi cho nhà nước và giai cấp quý tộc phong kiến triều Trần củng cố lại trật tự xã hội, từng bước xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước cầm quyền từ trung ương đến địa phương.

Nhà Trần cũng như các triều đại phong kiến khác đều quan tâm đến nhu cầu xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước trung ương tập quyền sao cho ngày càng lớn mạnh, vừa đảm bảo quyền lợi của giai cấp thống trị, vừa tạo ra một trật tự ổn định cho xã hội phong kiến. Đáp ứng xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, nhiệm vụ tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước của một quốc gia độc lập được đặt ra một cách khẩn thiết. Dựa trên những nền móng đầu tiên dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, nhà Lý đã tổ chức một nhà nước phong kiến tập quyền có quy mô, bước đầu đi vào quy củ.

Kế thừa và từng bước hoàn thiện, nhà Trần ra sức kiện toàn bộ máy chính quyền chuyên chế với những cơ quan hành chính chuyên trách từ trung ương đến địa phương, biên soạn các điều luật thành văn quy định cụ thể các

công việc, hình thức xử phạt, khen thưởng của triều đình cũng như của nhân dân, định lại và bổ sung quy chế thi cử, lựa chọn nguồn nhân sự cho triều đình, coi trọng binh pháp, kỹ thuật quân sự và chế độ tuyển duyệt, huấn luyện quân binh phục vụ cho những cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Và chỉ có như thế, nhà nước trung ương tập quyền dưới thời nhà Trần mới có khả năng thống nhất được quốc gia, chống kẻ thù xâm lược, tiến hành khôi phục và phát triển kinh tế, đạt được những thành tựu rực rỡ của văn minh Đại Việt. Nhà nước phong kiến được hình thành và phát triển, thì giai cấp phong kiến Việt Nam cũng ngày càng trưởng thành hơn với tư cách là một giai cấp thống trị. Và để củng cố cho quyền lợi, địa vị của mình; phát triển những quan hệ kinh tế và xã hội có ích cho sự tồn tại của mình, giai cấp thống trị phong kiến Việt Nam lập ra những qui chế, luật pháp phong kiến và không ngừng hoàn thiện chúng cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội Đại Việt, hòa hợp với tư tưởng của mọi tầng lớp nhân dân. Vì lẽ đó, nhu cầu xây dựng và củng cố nhà nước phong kiến trung ương tập quyền cùng với sự trưởng thành của giai cấp phong kiến Việt Nam đặt ra những đòi hỏi cấp thiết đối với sự hình thành các quan điểm, những nhận thức lí luận về mặt chính trị nhằm chỉ đạo cho hoạt động thực tiễn của nhân dân Đại Việt dưới thời Trần. Hơn nữa, trong điều kiện lịch sử thời bấy giờ, lợi ích của giai cấp thống trị nhà Trần không thể tách rời với lợi ích của quốc gia, dân tộc Đại Việt, do vậy mà việc củng cố trật tự xã hội, nhanh chóng xây dựng ổn định thể chế cầm quyền cũng là nhằm tạo sức mạnh hướng đến bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc.

Nhu cầu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích quốc gia dân tộc

Đất nước Việt Nam với vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên phong phú luôn là mảnh đất màu mỡ mà nhiều kẻ thù tham lam muốn dòm ngó, xâm

lược. Thật không ngoa khi nhận xét rằng: lịch sử của dân tộc Việt Nam ta là lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập chủ quyền của đất nước. Mỗi cuộc kháng chiến ở mỗi thời đại đều để lại cho nhân dân ta những bài học xương máu, khắc thêm những sự kiện lịch sử đáng ghi nhớ, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa yêu nuớc Việt Nam. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền, của cuộc kháng chiến chống Tống năm 981 và sự xác lập vương triều Lý vào năm 1009… là những sự kiện vẻ vang khẳng định nền độc lập và chủ quyền của đất nước đang đi vào thế vững chắc. Với sứ mạng xây dựng, chiến đấu và bảo vệ quyền độc lập, tự chủ của dân tộc, thời Trần được xem là một giai đoạn phát triển đặc biệt trong lịch sử Việt Nam với ba cuộc kháng chiến anh dũng chống quân Nguyên - Mông được ví như “cơn bão táp đang thổi mạnh ở Trung Hoa làm sụp đổ cả một triều đại nhà Tống”

[110, 31], đến nổi mà năm 1279 “người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, Tả thừa tướng nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó” [133, 45]. Dưới thời vua Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ nhất năm 1258, cuộc kháng chiến lần thứ hai năm 1285, cuộc kháng chiến lần thứ ba năm 1288 thắng lợi đã nâng cao vị thế nhà Trần trong lịch sử, hun đúc và bồi đắp ý chí quật cường, anh dũng của dân tộc ta. Để thực hiện nhiệm vụ lịch sử mang tính sống còn bao trùm, chi phối các nhiệm vụ khác ấy, nhà Trần không ngừng khẳng định nền độc lập thiêng liêng và bất khả xâm phạm của đất nước ta qua những chiến công lẫy lừng trước quân xâm lược Nguyên - Mông hung bạo; với những anh hùng hào kiệt tiếng thơm muôn đời mà tiêu biểu là cách thức tổ chức quân đội, năng

lực huấn luyện quân sự tài tình của thiên tài quân sự Trần Quốc Tuấn;

với tinh thần đồng lòng, chung sức của toàn thể vua tôi, tướng lĩnh và nhân dân Đại Việt thời Trần. Tinh thần yêu nước nồng nàn ấy của vương triều Trần và nhân dân Đại Việt tất yếu phải được phản ánh vào trong lĩnh vực tư tưởng, trở thành những quan điểm và nhận thức lí luận về chủ quyền đất nước. Những bài học kinh nghiệm từ các cuộc kháng chiến chống xâm lược, mà để giành thắng lợi, nhân dân ta phải chấp nhận những mất mát to lớn, cần phải được đúc kết về mặt lí luận, trở thành những nguyên lí chung soi đường cho công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trong quá trình phát triển của mình. Do vậy, nó thực sự trở thành nhu cầu xã hội - nhu cầu của công cuộc dựng nước và giữ nước cho sự phát triển của tư tưởng chính trị thời Trần.

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 38 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)