Tư tưởng về quyền lực chính trị và thể chế chính trị trong tư tưởng chính trị thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 82 - 87)

Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

2.1. Tư tưởng về thể chế chính trị và tổ chức xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần

2.1.2. Tư tưởng về quyền lực chính trị và thể chế chính trị trong tư tưởng chính trị thời Trần

Có thể hiểu quyền lực là mối quan hệ giữa các chủ thể xã hội, trong đó chủ thể này có thể chi phối hoặc buộc các chủ thể khác phải phục tùng ý chí của mình nhờ có sức mạnh hay vị thế nào đó trong quan hệ xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, để duy trì trật tự xã hội và kỷ luật xã hội phải tồn tại quyền lực chính trị - quyền lực của giai cấp thống trị trong việc thực hiện ý chí của mình trong chính trị và các chuẩn mực pháp quyền, nhờ đó mà lợi ích giai cấp thống trị được hiện thực hóa trong đời sống xã hội.

Như vậy, quan điểm về quyền lực chính trị ở nhà nước phong kiến thời Trần gắn liền với cơ cấu chính trị - xã hội của nhà nước đó, trong đó quyền lực của khối vua quan là quyền của giai cấp thống trị. Vua quan thời Trần thể chế hóa quyền của mình thông qua hoạt động của bộ máy nhà nước với hệ thống pháp luật được quy định ngày càng chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Trong đó, đẳng cấp thượng lưu cầm quyền, đặc biệt là nhà vua ở đỉnh cao của quyền lực, có vai trò cố kết cộng đồng, gắn bó mật thiết với hệ thống quý tộc, quan liêu bằng nhiều mối quan hệ khác nhau.

Để thể chế hóa quyền lực chính trị của mình, các vua Trần cũng nhận thức rõ một chính quyền nhà nước vững mạnh thì vai trò của vua trong việc dùng người rất quan trọng. Tư tưởng chính trị này được thể hiện rõ nét trong quan điểm của vua Trần Minh Tông: “Người làm vua dùng người, không phải có tình riêng với người đó, mà chỉ nghĩ người đó hiền thôi. Bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta cho là hiền mà dùng họ.

Nếu ta quả là hiền, thì những người được ta dùng cũng hiền, như

Nghiêu Thuấn đối với Tắc, Khiết, Quỳ Long vậy. Nếu ta không hiền, thì những kẻ mà ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau” [133, 138]. Bởi vậy mà thời nhà Trần, các vua từ Thái Tông đến Nghệ Tông, nhờ dùng được người hiền mà có chính quyền vững mạnh, dù cũng có một số tôn thất bị kẻ thù mua chuộc làm phản nhưng không phá vỡ được sức mạnh vững vàng của thể chế nhà nước phong kiến triều Trần.

Xuất phát từ quan điểm chính trị đó, muốn khẳng định quyền lực chính trị của mình, giai cấp thống trị triều Trần cần xây dựng một thể chế chính trị quy củ, chặt chẽ, thống nhất từ trung ương đến địa phương. Thể chế chính trị ấy là công cụ mà giai cấp cầm quyền thời Trần sử dụng để thực hiện ý chí của mình trong chính trị, hiện thực hóa lợi ích của giai cấp mình trong đời sống xã hội. Một mặt, giai cấp quý tộc triều Trần tổ chức các khoa thi Nho học nhằm phát hiện nhân tài sung vào các sảnh viện để đảm đương các chức quan, hình thành một bộ máy quan lại trợ giúp đắc lực cho chính quyền chuyên chính nhà Trần; mặt khác không ngừng ban các chiếu chỉ và luật định nhằm kiện toàn, xây dựng bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương. Đó là yêu cầu chính trị cấp thiết đối với vương triều Trần. Kế thừa cách thức tổ chức chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam từ các triều đại trước, triều Trần tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện quan điểm về tổ chức, xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền và hiện thực hóa việc xây dựng bộ máy nhà nước ấy. Để ổn định trật tự xã hội và tiếp tục phát triển toàn diện nền kinh tế cũng như văn hóa, xã hội Đại Việt, nhà Trần đã tổ chức bộ máy quan liêu từ trung ương đến địa phương một cách quy mô hơn so với triều Lý trước đó. Triều đình phong kiến nhà Trần quy

định rõ ràng và cụ thể hơn nhiều chức quan và cơ quan chuyên trách điều hành các công việc của đất nước.

Trước hết, một yêu cầu cấp thiết các vua Trần đặt ra và luôn thực hiện khi lên ngôi trị vì đó là xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước theo phép tắc tổ tông để lại. Thời kỳ đầu nhà Trần, những cải cách trong hệ thống chính quyền là cần thiết để kiện toàn lại đất nước sau thời kỳ khủng hoảng trên mọi phương diện cuối triều Lý. Tuy nhiên, khi đất nước đi vào ổn định, cũng như các triều đại phong kiến trước trong lịch sử, nhà Trần nhận ra rằng để thống nhất nhân tâm, tạo sự bình ổn về chính trị, tạo nên bản sắc của dân tộc thì không được để mất cái gia phong của nhà, phong tục của nước. Minh Tông khi lên ngôi “nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông, không thay đổi gì cả” [133, 138], vua Nghệ Tông cũng vậy, “mọi công việc đều theo lệ cũ đời Khai Thái”

[133, 151]. Khi Nho giáo đã thực sự có chỗ đứng trong hệ tư tưởng của dân tộc Việt mà Phật giáo lại mất đi sự hưng thịnh và vị trí chính thống, là nền tảng tư tưởng mà các vua Trần dựa vào để điều hành đất nước thì nhiều lần, các nho sỹ thời bấy giờ như Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ, vua Trần cũng kiên quyết: “Nhà nước có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau, nếu nghe theo kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay” [133, 138]. Như vậy, ý thức về tông miếu xã tắc, về quyền tự chủ của dân tộc đã được thể hiện rõ trong cách thức tổ chức chính quyền nhà nước của vương triều Trần.

Xuất phát từ quan điểm đó, ở trung ương, triều đình chia thành sáu bộ: Lại, Lễ, Bộ, Binh, Hình, Công, quản lí các công việc như: tổ chức bộ máy hành chính, ngoại giao, tín ngưỡng, kinh tế, quân sự, pháp luật và xây dựng cơ bản... Bên cạnh các cơ quan và chức quan có từ thời trước, triều đình nhà Trần còn đặt thêm nhiều cơ quan và chức quan chuyên trách mới

để đáp ứng yêu cầu của quốc gia như: Thẩm hình viện - cơ quan tư pháp xét xử cao nhất, Tam ty viện - cơ quan có chức năng xem xét đề nghị nhà vua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật. Năm 1250, nhà Trần “đổi Đô vệ phủ làm Tam ti viện” [133, 22], “cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử trung tướng, tri Tam ti viện sự” [133, 22]. Ở Thăng Long, “đặt ty Bình Bạc”

[133,12] là cơ quan hành chính và tư pháp, chuyên xét đoán việc kiện tụng ở kinh thành. Ngoài ra còn có các cơ quan chuyên trách về văn hóa, giáo dục, y tế do các quan lại phụ trách như: Quốc sử viện, Quốc tử giám, Quốc học viện, Thái y viện, như việc “cho Phạm Ứng Thần làm Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần” [133, 15]… Mặt khác, thời Trần thường dùng lối kiêm nhiệm trong phân bổ chức quan, như Trần Thủ Độ là Thái sư kiêm luôn việc quân để đi đánh giặc các nơi, “phong Trần Thủ Độ làm Thái sư thống quốc hành quân vụ chinh thảo sự” [133, 7];

Phùng Tá Chu làm Thái phó lại kiêm cả việc trấn Nghệ An, “sai Phụ quốc thái phó Phùng Tá Chu quyền tri phủ Nghệ An, cho phép ban tước từ tá chức, sá nhân trở xuống cho người khác, rồi sau về triều tâu lên.” [133,10];

Trần Quang Khải vừa là Phiêu kị tướng quân vừa kiêm chức Hành khiển…

Các vương hầu, tôn thất nhà Trần được giao cho các chức vụ then chốt của triều đình như: Đại hành khiển, Thượng thư, Tả phù, Thượng thư hữu bật…

Những quan nào đã đỗ Thái học sinh thì được ưu tiên bổ nhiệm vào Hàn lâm viện, chuyên lo khởi thảo các văn kiện cho nhà vua.

Ở địa phương, quan điểm chính trị của nhà Trần là nhà nước trung ương phải ngày càng vững mạnh, xen sâu hơn và thể hiện vai trò quản lý của mình nhiều hơn vào các công việc làng xã. Nhà Trần đặt các chức quan chuyên môn thực hiện các chức năng kinh tế tùy theo từng địa phương; “chọn tản quan làm Hà đê chánh phó sứ các lộ. Khi việc làm ruộng nhàn rỗi thì đốc thúc quân lính đắp đê đập, đào mương ngòi để

phòng lụt, hạn” [133, 267]; “sửa đổi quan chức các phủ lộ. Đặt hai viên An phủ sứ và An phủ phó sứ” [133, 12]. Các quan lại hành chính ở địa phương đồng thời phụ trách cả việc xét xử tội phạm và các việc kiện tụng khác. Nhà Trần cũng rất coi trọng chính quyền cấp lộ, phủ, dùng các thân vương của dòng họ trấn các phủ lộ quan trọng, như Thái sư Trần Thủ Độ làm tri phủ Thanh Hóa, sử chép: “phong Trần Thủ Độ làm Thống quốc thái sư, tri Thanh Hóa phủ sự” [133, 14]; Thái phó Phùng Tá Chu làm tri phủ Nghệ An… Không những sai các văn thần chia nhau đi trị nhậm các phủ lộ, nhà Trần còn quy định các tước quan cụ thể, trông nom, điều hành công việc ở địa phương cho từng phủ lộ, “phủ có tri phủ, lộ có thông phán, châu có tào vận sứ và phó sứ, giữ việc vận chở” [133, 20]. Nhà Trần

“chia nước làm 12 lộ. Đặt chức An phủ, Trấn phủ, có hai viên chánh, phó để cai trị. Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả hai, ba, bốn xã, cùng xã chính, xã sử, xã giám gọi là xã quan” [133, 19], “định các phường về hai bên tả hữu của kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường” [133, 12]…

Nhìn chung, chịu sự chi phối của tư tưởng chính trị hướng đến xây dựng mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế, kế tục các triều đại phong kiến đi trước, cơ cấu nhà nước phong kiến triều Trần đã được tổ chức lại một cách chặt chẽ hơn, cụ thể hơn với nhiều cơ quan, chức quan chuyên trách đáp ứng nhu cầu củng cố địa vị và quyền lợi của giai cấp thống trị thời Trần; đồng thời tạo nên một nhà nước phong kiến Đại Việt quy củ hơn từ trung ương đến địa phương, tạo sức mạnh để Đại Việt khẳng định vị thế của mình trong thời đại. Cụ thể hóa tư tưởng chính trị đó, nhà nước phong kiến triều Trần cũng mang trong mình những yếu tố mô phỏng theo hình mẫu nhà nước lý tưởng của Trung Quốc như

việc tổ chức hành chính theo các bộ, chia nước thành lộ, phủ… Tuy nhiên, đó không là sự mô phỏng toàn diện, mà giai cấp thống trị phong kiến triều Trần vẫn luôn ý thức bảo vệ và phát triển truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc mình. Thể hiện ra là, họ có những bước tiếp biến đầy sáng tạo trong xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước của mình cho phù hợp với cuộc sống và con người Đại Việt, phép vua thời này còn nhiều yếu tố gắn với lệ làng. Nó làm cho vị thế và vai trò của vua gần gũi hơn với dân chúng, vừa làm nhẹ gánh quản lý xã hội của nhà nước trung ương. Đó là nghệ thuật giữ nước rất độc đáo. Mặc dù vậy, tư tưởng chính trị thời Trần cũng như thực tiễn chính trị thời Trần với những hạn chế của thời đại, cũng chỉ mới dừng lại ở những nét phác họa còn sơ bộ, chưa có tính hệ thống, chưa đi sâu vào cơ cấu và hệ thống tổ chức chặt chẽ, chỉ mới đề cập đến thể chế chính trị và tổ chức nhà nước theo khuôn mẫu: nhà nước phong kiến và những thành phần cơ bản của bộ máy đó như quân quyền, quan liêu,… Mặt khác, những chính sách của nhà nước như mở rộng khoa cử, tuyển chọn quan lại, người tài bổ sung cho bộ máy quan lại điều hành, khuyến khích khai hoang, lập điền trang… đã tạo điều kiện cho nhiều người thuộc tầng lớp bình dân có điều kiện tham gia quan trường, tham gia vào đội ngũ cầm quyền, làm xuất hiện đông đảo các nho sỹ trên sân rồng, đồng thời cũng góp phần pha loãng tính chất quý tộc quân quyền của nhà nước, tạo nên những biến động trong nội bộ triều đình và giai cấp quý tộc cuối thời Trần.

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 82 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)