Tính nhân bản sâu sắc trong tư tưởng chính trị thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 159 - 168)

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

3.1. Những đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần

3.1.3. Tính nhân bản sâu sắc trong tư tưởng chính trị thời Trần

Tính nhân bản của tư tưởng chính trị thời Trần biểu hiện trong quan điểm thân dân, coi nhân dân như một thực thể chính trị

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, bất kỳ thời đại nào, giai đoạn nào, quần chúng nhân dân vẫn luôn đóng vai trò là lực lượng quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội. “An dân” luôn là điểm xuất phát và là điểm trở về của những quyết sách giữ nước và dựng nước. Vì lẽ đó, quan điểm thân dân, coi nhân dân như một thực thể chính trị đã làm nên tính nhân bản của tư tưởng chính trị thời Trần.

Thân dân, coi nhân dân là thực thể chính trị, giai cấp thống trị nhà Trần đã nhận ra nhân dân không chỉ là tầng lớp quí tộc tôn thất, quan liêu, địa chủ mà bao gồm cả nhân dân lao động và nô tỳ. Đó là toàn bộ lực lượng xã hội cần thiết cho nhà Trần trong việc củng cố địa vị thống trị của mình và thực hiện thành công công cuộc dựng nước và giữ nước. Đối với tầng lớp quý tộc tôn thất, quan điểm chính trị của các vua Trần là vua tôi như anh em một nhà, không hiềm khích, đố kỵ nhau. Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là con cả nhưng không tài nghệ bằng Thánh Tông nên không được chọn làm Thái tử. Khi vua cũng múa cùng điệu múa với Quốc Khang để được Thượng hoàng ban áo giống anh mình, Quốc Khang nói với vua rằng: “Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn này mà chú hai cũng định cướp lấy chăng?” [133, 37], Thượng hoàng Thái Tông khen ngợi và ban cho Tĩnh quốc cái áo ấy. Thế mới thấy vua tôi, cha con nhà Trần hòa thuận và vui vẻ với nhau như vậy. Đời Nguyên Phong, khi giặc Nguyên sang cướp, “các vương hầu cũng đem gia đồng và hướng binh thổ hào làm quân cần vương. Trong sự biến đời Đại Định lại đem người thôn trang sắm sửa nghi trượng đi đón vua, đó cũng làm vững cái thế “duy thành” vậy” [133, 32]. Vương hầu tôn thất nhà Trần như bức tường thành bảo vệ nhà Trần, thắt chặt quan hệ huyết thống, cùng gìn giữ quyền lực thống trị. Đối với tầng lớp quan lại xuất thân từ các Nho sĩ, nhận thức rõ

tài năng và sự trung thành của họ trong việc phò giúp cơ đồ chính trị nên nhà Trần rất chú trọng sự nghiệp giáo dục khoa cử, liên tục tổ chức thi kẻ sĩ trong nước để tìm người hiền bổ sung vào bộ máy quan lại. Nhà Trần trọng dụng họ bằng cách ban cho họ các chức tước khác nhau, “ban cho trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức Chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư” [133, 88]. Đồng thời, không chỉ trọng dụng, nhà Trần còn rất mực tôn vinh các nho sỹ, “dẫn ba người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày” [133, 88]; xem trọng và sử dụng đúng tài năng của họ, dù rất mực yêu quý tôn thất Bảo Hưng, nhưng không sử dụng vì không có tài, còn “Nhữ Hài chỉ là một nho sinh thôi, nhưng vì có tài, nên không ngại trong việc ủy dụng nhanh vọt” [133, 89]. Còn đối với tầng lớp bình dân, nô tỳ được ví như đám hoa đồng, cỏ dại trong xã hội, nhà Trần cũng ý thức được tầm quan trọng của họ trong đấu tranh giữ nước cũng như xây dựng đất nước, “chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi” [133, 51]. Vì lẽ đó, nhà Trần có được một lực lượng nhân dân đông đảo, đoàn kết, bao gồm nhiều tầng lớp, giai cấp, thực sự là sức mạnh cần thiết cho những nhu cầu chính trị của chế độ phong kiến vương triều Trần. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Tống, chống Nguyên - Mông là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh tinh thần và vật chất tiềm tàng của toàn dân, do đó mà các vua Trần thậm chí đặt tư tưởng “thân dân” và “khoan thư sức dân” thành đạo trị nước.

Xuất phát từ quan điểm “thân dân”, nhà Trần đưa quan điểm dựa vào lòng dân trong đánh giặc giữ nước là kế sách chính trị. Giai cấp thống trị triều Trần nhận thấy ở dân tiềm lực to lớn về quân sự và kinh tế để đảm

bảo quyền tự chủ và nền độc lập cho đất nước, do vậy, có thương dân, lo cho dân thì cả nước mới chung lòng góp sức tạo sức mạnh. Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm những cuộc chiến tranh giữ nước dựa vào dân, Trần Quốc Tuấn đề nghị vua Trần “khoan thư sức dân”, nuôi dưỡng sức dân, tranh thủ sự đồng tình của nhân dân là kế sâu rễ bền gốc, là điều kiện tiên quyết để giữ nước. Sau chiến tranh, vua Trần định xây dựng lại thành Thăng Long bị giặc tàn phá, Trần Quốc Tuấn can rằng; “Người xưa nói:

“Chúng chí thành thành”, ý chí của dân chúng là bức tường thành kiên cố, đó mới là cái cần sửa chữa ngay” [9, 419]. Muốn có được lòng dân, việc chăm lo đời sống của nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng của nhân dân là việc hệ trọng nhất của trị nước. Ý thức được điều đó, vua Trần ngay từ khi cầm quyền đã xây dựng chế độ thu tô thuế cho phù hợp, vừa đảm bảo cho việc chung của đất nước nhưng không để chúng dân oán trách, lầm than. Hình thức thu tô thuế của nhà nước được thực hiện bằng cả hiện vật (thóc) và tiền, “Nhân đinh có ruộng đất thì nộp tiền, thóc, người không có ruộng đất thì miễn cả” [133, 98]. Trần Thái Tông đã có nhiều biện pháp thu phục lòng dân như xuống chiếu đại xá cho phạm nhân, miễn giảm tô ruộng cho nông dân vào các năm 1240, 1242, động viên sức người sức của để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Trong nội bộ thân tộc, các vua Trần cũng sống hết mình với lòng nhân bản vì con người, sẵn sàng bỏ qua hiềm khích để thu phục nhân tâm, giữ hòa khí, Trần Thái Tông tha tội làm phản cho Trần Liễu, cho Hoàng Cự Đà, gả công chúa Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần. Trần Nhân Tông thì đề cao con người, khẳng định và tin tưởng bản tính tốt đẹp của con người, coi Phật tính, bồ đề, giác tính là cái trong sáng, bản nhiên, thanh tịnh vượt lên trên mọi sự đối đãi, thị phị, có sẵn trong tâm mỗi người, để rèn luyện, tu dưỡng cho con người đời sống hạnh phúc. Trần Quốc Tuấn luôn chăm lo xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa

quân đội với nhân dân và chính quyền, theo ông, binh là để giết bọn bạo loạn và cấm điều bất nghĩa, binh đi đến đâu thì người cày không bỏ ruộng, người buôn không bỏ hàng, sĩ đại phu không bỏ chức, bởi lẽ dân là gốc nước, phải gìn giữ, nuôi dưỡng sức dân và lòng dân. Vận dụng thành công tư tưởng “thân dân” của Nho giáo vào đường lối kháng chiến cứu nước, nhà Trần đã tạo nên khí thế “Sát Thát”, hào khí Đông A của Đại Việt, khẳng định nguyên nhân thắng lợi ba lần quân Nguyên - Mông xâm lược là do vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước nhà góp sức, khẳng định vị thế chính trị của nhân dân trong hoạt động chính trị của triều Trần.

Có thể thấy, tư tưởng “thân dân”, coi nhân dân như một thực thể chính trị đã biểu hiện tính nhân bản sâu sắc trong quan điểm chính trị thời Trần, biểu hiện sự nhận thức đúng đắn của giai cấp thống trị nhà Trần về vị trí, vai trò của nhân dân trong cuộc đấu tranh giữ nước và xây dựng quốc gia Đại Việt giàu mạnh. Có thể thấy, quan niệm “thân dân”

của nhà Trần vẫn chưa thực sự vượt ra khỏi ý thức hệ phong kiến, vì nó còn xuất phát từ lợi ích của giai cấp phong kiến, muốn bảo vệ quyền lợi và địa vị thống trị của mình, nên tác dụng của nó còn hạn chế. Bởi lẽ, nhà Trần xây dựng và phát triển tư tưởng chính trị “thân dân” xét đến cùng vẫn là kế sách chính trị nhằm bảo vệ cho quyền lợi và địa vị của giai cấp thống trị, làm cho tư tưởng chính trị thời Trần bộc lộ ra là sự kết hợp hài hòa giữa tính nhân văn và tính giai cấp trong sự phát triển của nó. Tuy nhiên, quan niệm chính trị “thân dân” chứa nhiều yếu tố tích cực này đã giúp giai cấp thống trị nhà Trần điều hòa được những mâu thuẫn giai cấp vốn tồn tại rất gay gắt trong xã hội phong kiến, giúp nhà Trần thực hiện được khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia các cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và giành những

thắng lợi vẻ vang, đồng thời tạo khối đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế và văn hóa, làm cho nước nhà thịnh vượng.

Tính nhân bản của tư tưởng chính trị thời Trần biểu hiện trong quan điểm chính trị lấy đạo đức làm nền tảng

Tư tưởng chính trị thời Trần luôn dựa trên nền tảng đạo đức, lấy đạo đức làm cơ sở. Đạo đức, tình yêu thương được giai cấp phong kiến nhà Trần xem như là cơ sở của đường lối chính trị và pháp luật. Nếu như chủ trương thực hành Pháp trị của Trần Thủ Độ đem lại những thành quả tích cực trong buổi đầu kiến tạo, bình ổn và phát triển chính quyền chuyên chế phong kiến triều Trần thì đường lối chính trị của giai cấp cầm quyền mang tính “nhân nghĩa”, “đức trị” dưới ảnh hưởng của Nho giáo và Phật giáo trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt chi phối mọi hoạt động của giai cấp cầm quyền thời bấy giờ.

Giai cấp thống trị nhà Trần mang trong mình bản chất của giai cấp phong kiến - là giai cấp bóc lột và đối lập với nhân dân, nhưng để có thể giải quyết được những vấn đề do thực tiễn xã hội Đại Việt dưới thời Trần đặt ra, muốn thực hành đức trị, trước hết giai cấp thống trị phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, lấy những qui phạm đạo đức của vua quan và nho sĩ đời Trần làm cơ sở cho hoạt động chính trị của mình. Trần Thái Tông xem con đường ngắn và hữu hiệu nhất để thu phục nhân tâm về một mối chính là dùng chính đức độ của mình để bày tỏ cho tha nhân hiểu, từ đó cảm hóa họ thêm gắn bó với nhà cầm quyền, “dĩ chúng tâm vi kỷ tâm”.

Trong bài Tựa kinh Kim cương tam muội, ông bộc bạch: “Trẫm lượng đức chủ trì ngôi báu; rồi trước sau chăn dắt muôn dân. Từng lo vất vả; chẳng ngại sớm hôm” [126, 34]. Trần Thái Tông chủ trương đức trị, nhân trị, không phân biệt tầng lớp cao thấp trong xã hội như Nho gia, “Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cùng nhờ giác

ngộ mà thành đạt” [126, 27]. Ông tự mình biên soạn Lục thì sám hối khóa nghi chỉ bảo chúng sinh phép “tự làm lợi cho mình để làm lợi cho mọi người” [126, 158] và kêu gọi người đời dốc lòng tu luyện để gieo nghiệp thiện, diệt trừ nghiệp ác, thoát khỏi vòng luân hồi triền miên bất tận. Trần Nhân Tông trong triết lý nhân sinh của mình cũng coi vấn đề tu luyện đạo đức, trí tuệ để đạt đến giác ngộ, giải thoát là vấn đề trọng tâm. Ông chủ trương lấy lòng yêu thương con người làm trọng, chỉ ra cái gốc mà con người “khuây bản”, để người lạc đường tìm về với cái gốc của chính mình, khuyên con người “công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng”

[126, 532] để xây dựng nếp sống đạo đức trong sạch. Bản thân Trần Nhân Tông trong suốt cuộc đời là tấm gương sáng cho việc thực hành nếp sống Thiền giản dị, hết lòng với nước non. Qua hai lần thân chinh cầm quân đánh giặc Nguyên - Mông thắng lợi, Trần Nhân Tông đã tìm thấy trong đạo Phật những yếu tố tích cực có thể tăng cường sự đoàn kết toàn dân, củng cố nền đạo đức xã hội. Ông mong muốn thiết lập hệ tư tưởng độc lập, hệ tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm để không chỉ giáo hóa nhân dân, cứu dân khỏi cảnh nô lệ mất nước mà còn cứu dân khỏi nỗi khổ thường nhật của chính mình. Quan điểm đạo đức và tấm gương đạo đức của minh quân triều Trần làm cho tư tưởng chính trị thời Trần vốn là cách thức để quản lý, duy trì sự ổn định xã hội bằng những quy chế, luật định, nhưng lại mang tính nhân bản sâu sắc. Vua Trần Nhân Tông khẳng định:

“Nhất thị đồng nhân thiên tử đức, Sinh vô bổ thế trượng phu tâm.

Dịch nghĩa:

Thương yêu mọi người như nhau là ân đức của thiên tử,

Sống mà không giúp gì cho đời là điều đáng thẹn của kẻ trượng phu.” [126, 477].

Với nguyên tắc đạo đức và sự thực hành đạo đức nghiêm túc, giai cấp thống trị triều Trần nhận thức sâu sắc rằng cơ sở không thể thiếu của sự phồn thịnh nước nhà là nền “đạo đức xã hội” được hình thành xuyên suốt thông qua việc kế thừa những yếu tố tích cực của đạo Phật, đạo Nho, đạo Lão và nền văn hóa bản địa Việt Nam:

“Hãy xá vô tâm;

Tự nhiên hợp đạo.

Dừng tam nghiệp mới lặng thân tâm;

Đạt một lòng thì thông tổ giáo.” [126, 507]

hay

“Vô minh hết bồ-đề thêm sáng;

Phiền não rồi đạo đức càng say.” [126, 508].

Vì lẽ đó mà các vua Trần qua mỗi thời kỳ luôn đau đáu trong lòng thuật trị nước sao cho đậm tính nhân bản, tỏ ra phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội. Nhằm khắc phục những hạn chế của tư tưởng Phật giáo thời Lý và đầu thời Trần, ngoài việc bổ sung ngày càng nhiều các nho sinh trong bộ máy nhà nước để phát huy tính tích cực của họ, các vua Trần như Trần Nhân Tông sau khi xuất gia đã đi khắp nơi trong nước để giảng giải về đạo đức Mười điều thiện, nhằm giáo hóa nhân dân trở nên hiếu hòa, đạo đức. Vua Trần Thái Tông với học thuyết “sống Thiền” thể hiện trong Giới vọng ngữ văn, Văn răn sát sinh, khuyên con người tích cực hành thiện, theo giữ giới luật, tiết dục, kiểm soát nhân tâm nhằm giữ cho pháp thân trong sạch, sống có ích cho đời, bởi lẽ “Ngươi giết kẻ khác thì kẻ khác giết ngươi; nó ăn thịt mày thì mày cũng ăn thịt nó. Hạn kỳ lâu mãi; oan trái còn dài. Đời đời báo oán; kiếp kiếp trả thù” dựa trên thuyết nhân quả báo ứng của Phật giáo. Do vậy mà vua liên tục giảm thuế khóa cho dân, dùng đạo đức để xoa dịu sự thực

hành pháp trị nghiêm khắc của Trần Thủ Độ, dùng đức độ trong thi hành chính sách đoàn kết nội bộ thân tộc. Trần Quốc Tuấn trong nghệ thuật quân sự của mình cũng đưa lý tưởng đạo đức vào việc gay gắt phê phán thái độ thờ ơ của các tướng sĩ, lên án các tướng sĩ đắm mình trong rượu chè, ca hát, cờ bạc, lo làm giàu mà quên việc nước, ham săn bắn mà trễ việc quân, quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ…, chỉ cho tướng sĩ quân dân thấy rõ nếu thắng giặc thì “chẳng những thái ấp của ta mãi mãi vững bền mà bổng lộc các ngươi cũng suốt đời tận hưởng” [126, 392]; đồng thời nêu gương đạo đức của các anh hùng để giáo dục tướng sĩ lòng trung nghĩa. Bản thân Trần Quốc Tuấn cũng lấy đạo đức làm trọng, bỏ qua thù nhà để vì việc nước, kiên quyết không hàng giặc, nghiêm khắc với chính bản thân mình và với các tướng sĩ trong học tập binh pháp, rèn binh, tập trận. Đó là cách thức mà các vua Trần, các vị tướng tài của triều Trần thực hành đức trị, đưa tính nhân bản thông qua các quan điểm đạo đức vào các quyết sách chính trị, quân sự của mình.

Như vậy việc xây dựng các nguyên tắc đạo đức, đưa các nguyên tắc đạo đức tư tưởng vào các quyết sách chính trị để thực hành đức trị, lấy bản thân lối sống thiện, cả đời vì đạo của chính mình làm gương mà các vua quan tướng lĩnh nhà Trần đã bảo đảm cho xã hội có tôn ti, trật tự mà giai cấp thống trị mong muốn hướng đến. Quan điểm nhân bản lấy đạo đức làm nền tảng cho tư tưởng và quyết sách chính trị của nhà Trần được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa truyền thống nhân đạo, tinh thần từ bi bác ái, nhân từ của Phật giáo và tư tưởng “đức trị” của Nho giáo đã làm cho giai cấp thống trị triều Trần trở thành lực lượng đại diện cho dân tộc và nhân dân, lãnh đạo thành công công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, ổn định trật tự xã hội, tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Lòng thương dân, tinh thần độ lượng, yêu nước… của các vua Trần xuất phát từ

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 159 - 168)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)