Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
2.1. Tư tưởng về thể chế chính trị và tổ chức xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần
2.1.1. Tư tưởng về cơ cấu xã hội và quan hệ giai cấp xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần
Cơ cấu xã hội được hiểu là mối liên hệ vững chắc giữa các thành tố như: dân tộc, giai cấp, các nhóm xã hội… trong hệ thống xã hội. Về phần mình, các thành tố đó lại có cấu trúc phức tạp với những tầng lớp bên trong và những mối liên hệ giữa chúng, tạo thành các quan hệ giai cấp trong xã hội. Xét trên phương diện này, quan điểm về cơ cấu xã hội và quan hệ giai cấp xã hội tất yếu là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần được thiết lập từ rất sớm, ngay khi chính quyền vừa được chuyển giao từ nhà Lý sang nhà Trần. Kế tục quan điểm về cấu trúc xã hội chính trị từ thời Lý và các triều đại phong kiến kể từ thế kỷ X, quan điểm về cơ cấu xã hội Đại Việt thời Trần được hình thành trên cơ sở một bối cảnh lịch sử mang tính tổng hợp của nhiều yếu tố như: kinh tế, chính trị, văn hóa, sự phát triển nội tại cũng như những ảnh hưởng từ bên ngoài. Kết quả của quá trình ấy là thời Trần hình thành quan điểm về cơ cấu xã hội và quan hệ giai cấp trong xã hội mang mẫu hình phổ biến của xã hội phương Đông, nhưng lại rất độc đáo với những đặc thù riêng.
Chịu sự chỉ đạo và chi phối của quan điểm đó mà nhà Trần tổ chức cơ cấu xã hội với hai khối chính là tầng lớp vua quan quý tộc và tầng lớp bình dân trong xã hội. Do vậy, quan điểm về cơ cấu chính trị xã hội thời Trần thực chất kế thừa quan điểm chính trị về tổ chức chính quyền của nhà nước phong kiến quân chủ tập quyền cha truyền con nối, trong đó, vua quan là đẳng cấp cầm quyền bên trên, bình dân là đẳng cấp bị trị bên dưới. Do vậy, nhà Trần tiếp tục phát triển tư tưởng chính trị xem trọng uy quyền tuyệt đối, tối thượng trong mọi lĩnh vực của nhà vua đối với nhà nước và xã hội. Dưới sự lãnh đạo của tư tưởng chính trị trung ương tập
quyền đó, các vua thời Trần xây dựng và tập hợp chung quanh mình một bộ máy quý tộc, quan liêu, tạo nên một hệ thống chính quyền nhà nước.
Về kinh tế, vua có quyền sở hữu tối cao về danh nghĩa đối với toàn bộ ruộng đất và tài sản của đất nước. Vua cũng có quyền ban thưởng ruộng đất cho những người có công, Thượng hoàng Minh Tông ban cho cung nhân Nguyễn thị Diên “40 mẫu ruộng làm lương ăn tu hành” [133, 103], vua Trần Anh Tông cấp cho sư Pháp Loa hàng trăm mẫu ruộng,… Về chính trị, vua tập trung trong tay quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp của nhà nước, trong đó quyền lớn nhất là quyền được bổ nhiệm, phân cấp, bãi miễn quý tộc và quan lại trong hệ thống quan chức triều đình. Đúng như quan niệm “vương quyền” phương Đông, nhà vua là thiên tử, là đại diện cho thượng đế trước nhân dân, đồng thời là đại diện cho nhân dân trước thượng đế, vì lẽ đó, sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “ban tước cho người là quyền của thiên tử, không phải là quyền của kẻ làm tôi” [133, 10]. Chỉ có duy nhất trường hợp của Trần Hưng Đạo, do những công lao đặc biệt mà được vua ban cho quyền phong tước cho người khác, nhưng ông cũng chưa thực sự sử dụng quyền đó. Về giáo dục, vua cũng là người có quyền tối thượng trong việc đề xướng ra các kỳ thi tuyển tìm kiếm nhân tài cho đất nước, ra đầu bài thi, tuyển duyệt người trúng đỗ. Xét về ý nghĩa chính trị, đó không chỉ là quyền tối cao của nhà vua, mà còn là sự quan tâm của người thủ lĩnh tối cao với việc lựa chọn nhân tài cho quốc gia. Vì lẽ đó, vua Trần Anh Tông đích thân “dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày” [133, 88].
Về văn hóa, vua cũng là người xuống chiếu cho xây dựng đình đài, văn miếu, theo lệ trước mà quy định và tổ chức các lễ hội sinh hoạt tinh thần cho nhân dân. Địa vị độc tôn của nhà vua còn được thể hiện rõ nét trong các nghi thức tế lễ văn hóa, trong những quy chế được luật pháp công
nhận về kiêng kị tên húy, trang phục màu vàng, áo mũ thêu rồng, hình dáng kiệu rước mà dân chúng không được vi phạm. Tất cả những đặc quyền trong phục sức, lễ nghi đó đã xác định cho nhà vua thời Trần quyền uy độc tôn, vô thượng so với tất cả cộng đồng dân cư bên dưới. Về quân sự, nhà vua đồng thời là tổng tư lệnh quân đội, trực tiếp chỉ đạo trong việc chọn tướng tài, rèn luyện binh sĩ và chế tạo vũ khí. Đồng thời, do hoàn cảnh lịch sử của thời Trần mà các vua Trần còn là tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy và chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, tiêu biểu là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông... Như vậy, tư tưởng chính trị thời Trần về cơ cấu xã hội bảo vệ ngôi vị độc tôn trong chính quyền chuyên chế phong kiến của các vua Trần. Về nguyên tắc, quyền lực của các vua Trần là tập trung, toàn diện và đa chức năng, nhằm mục đích hướng đến sự thống nhất trong quản lý mọi công việc của triều đình và của đất nước.
Tuy nhiên, ứng với nhu cầu vừa dựng nước, vừa giữ nước, các vua thời Trần chưa thực sự chịu sự chi phối của bộ máy quan liêu cồng kềnh và ý thức Nho giáo, vẫn gần gũi, gắn bó khá mật thiết với quần thần và quần chúng nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích dòng họ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nhất là khi có giặc xâm lăng, nhà vua đại diện cho đẳng cấp thống trị thời Trần còn hi sinh lợi ích của dòng họ tôn thất, đưa lợi ích của quốc gia dân tộc lên trên hết. Hơn nữa, bản thân trong quan niệm của các vua Trần, quyền uy của nhà vua không tách rời trách nhiệm của họ trước dân chúng. Trách nhiệm của thiên tử phải gắn liền với lòng người, lòng dân, đó không còn còn quan niệm mới mẻ đến thời Trần mới có, mà đã là một nguyên lý lịch sử có từ các thời đại trước. Trong Kinh Thư, thiên “Thái thệ” chỉ rõ: “Thiên căn vu dân, dân chỉ sở dục, thiên tất tòng chi” (Cái mà dân muốn tức là trời muốn). Do vậy, khi Lý Công Uẩn dời đô, trong chiếu chỉ ông khẳng định: “… trên
kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời,…, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp” [132, 241]. Lý Thường Kiệt khi hành quân vào đất Tống cũng chỉ rõ: “Trời sinh ra dân chúng, vua hiền hòa ắt hòa mục. Đạo làm chủ ở dân, cốt ở nuôi dân...” [120, 320].
Kế thừa tinh thần đó, thời Trần, dù ở vị trí trung tâm cộng đồng, nhưng các vua Trần tự coi mình như người che chở trực tiếp cho toàn dân, là cha mẹ của dân chúng. Thượng hoàng Trần Anh Tông khẳng định:
“Trẫm là cha mẹ dân, nếu sinh dân mắc vào cảnh lầm than thì phải cứu gấp, chả lẽ đi so đo khó dễ lợi hại hay sao?” [133, 116]. Điều đó phản ánh truyền thống gắn bó giữa tầng lớp thống trị và dân chúng có từ trong lịch sử lâu đời của dân tộc Việt, biểu hiện sự tiếp thu lý tưởng “thân dân”, tinh thần từ bi bác ái của Phật giáo trong quan điểm chính trị của vương triều Trần. Đồng thời, dù bản chất của chế độ quân chủ phong kiến tập quyền là trên danh nghĩa và trước pháp luật, nhà vua nắm quyền uy độc tôn, lãnh đạo toàn diện dân chúng, ở vị trí trung tâm của cộng đồng. Tuy nhiên, ở thời Trần, mô hình lý tưởng của chế độ phong kiến tập quyền ấy vẫn chưa thực sự xơ cứng, rõ nét chuyên chế, nên các vua Trần vẫn giữ được mối quan hệ gần gũi với nhân dân, cố kết lòng dân, tiến hành thắng lợi công cuộc bảo vệ sự tồn tại của vương triều và chống ngoại xâm.
Tuy nhiên, triều Trần với gia pháp thái tử khi đã lớn thì vua cha cho nối ngôi chính và xưng là Thượng hoàng, cùng trông coi chính sự đã cho thấy sự khác biệt trong quan niệm về cơ cấu xã hội của các vua Trần so với triều đại phong kiến Trung Hoa cũng như các triều đại phong kiến trước kia ở nước ta. Đó cũng là nét mới trong tư tưởng chính trị về cơ
cấu xã hội thời Trần. Sử thần Ngô Sỹ Liên dẫn phong tục phương Bắc:
“Từ sau khi Hạ Vũ truyền ngôi cho con thì cha chết con nối, anh chết em thay, đã thành phép thường mãi mãi” [133, 29] và băn khoăn việc các vua Trần nhường ngôi như vậy “có hợp đạo không?... Sao bằng cứ truyền nối như Tam Vương để đúng lẽ thủy chung hơn cả” [133, 30].
Nhìn lại lịch sử Việt Nam thời nhà Trần trị vì có thể thấy quyết sách đó của nhà Trần là một trong những quyết sách chính trị đúng đắn. Các vua Trần khi lên ngôi đều có thời gian dài để làm quen và thực hành các công việc đại sự của quốc gia dân tộc dưới sự dẫn dắt và giáo dục rất nghiêm khắc của vua cha (Thượng hoàng). “Cái đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha…
Được sự răn dạy nghiêm ngặt như vậy, cho nên tài đức của vua do đấy mà nên và cả các con cũng đều có tài nghệ cả” [133, 138-139]; đồng thời cũng để yên về sau, phòng lúc vội vàng mà gây nên bất hòa trong nội bộ dòng họ vì tranh giành ngôi báu. Quan điểm xây dựng cơ chế lưỡng đầu chế (Vua và Thái thượng hoàng song hành cùng nắm giữ ngôi báu) đã phát huy sức ảnh hưởng tích cực của nó trong các hoạt động chính trị ở thời Trần.
Tư tưởng chính trị thời Trần về cơ cấu xã hội cũng bắt đầu hoàn thiện hơn ứng với nhu cầu thực tiễn của xã hội Đại Việt thời Trần. Tư tưởng ấy phân định rõ trong sự phân tầng giai cấp này, ngoài tầng lớp thượng lưu cầm quyền còn có các vương hầu quý tộc tôn thất nhà Trần và một đội ngũ quan lại xuất thân từ các nho sĩ, được tham dự triều chính thông qua chế độ khoa cử giúp việc cho vua. Thời Trần, để bảo toàn lợi ích của dòng họ và tránh nạn ngoại thích, các chức quan đầu triều đều do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ. Ngay khi nắm quyền, các vua Trần đều xác định tư tưởng “phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là Thái
sư, Thái phó, Thái bảo, Thái úy, hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc, đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự” [133, 15]. Do vậy, tầng lớp quý tộc tôn thất đóng giữ vai trò đặc biệt quan trọng, tạo nên nền chuyên chế dòng họ - một kiểu cai trị rất điển hình của nhà nước phong kiến tập quyền phương Đông. Mục đích của quan điểm chính trị này là biến tầng lớp quý tộc tôn thất thành một tập đoàn đóng kín nhằm bảo vệ cho lợi ích của tông tộc và sự tồn tại lâu dài của triều đại mình, tránh nạn ngoại thích. Xét về mặt bản chất, trong thể chế tập quyền quân chủ phương Đông, sự tồn tại của đẳng cấp quý tộc tôn thất này gắn liền với sự tồn tại của ngôi vua. Tuy nhiên tiến trình phát triển của tầng lớp này trong xã hội cũng chịu sự tác động của một số yếu tố, khiến tầng lớp này cũng không giữ được tính ổn định lâu dài của nó.
Việc nhà vua đổi họ, cho quốc tính một số công thần, cận thần đã đưa một số người ngoại tộc bổ sung vào tầng lớp quý tộc, như trường hợp của Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng…; còn bản thân một số người là tông tộc của nhà vua nhưng qua nhiều đời, trở nên xa cách, lại bị gạt ra khỏi đẳng cấp. Do đó, quan điểm chính trị về xây dựng nền chuyên chế dòng họ nói chung, bảo vệ tính đồng tộc cho tầng lớp quý tộc tôn thất nói riêng ở thời Trần cũng giống như những triều đại phong kiến trước và sau đó, không thể là một tập đoàn đóng kín, triệt để hoàn toàn.
Ứng với nhu cầu phát triển của thực tiễn xã hội, bên cạnh quan điểm chính trị lãnh đạo việc duy trì tính thống nhất của tập đoàn quý tộc quan liêu dòng họ trị, nhà Trần cũng chịu sự chi phối của quan điểm chính trị lãnh đạo việc kiện toàn, xây dựng bộ máy nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội ngày một chặt chẽ, quy củ hơn. Sự phát triển của Nho học cùng chế độ giáo dục khoa cử mở rộng đã giúp triều đình nhà
Trần phát hiện và chiêu mộ được nhiều nhân tài khắp nước, xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, bố trí họ vào những chức quan trông nom, giúp việc cho bộ máy hành chính trung ương tập quyền.
Thông qua họ, triều Trần đã ý thức được một cách rõ ràng tầm quan trọng của tầng lớp quý tộc quan liêu trong việc tổ chức và thực hiện những hoạt động chính trị của nhà nước. Từ thời Lý, sư Viên Thông đã từng nói: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan: được người thì nước trị, mất người thì nước loạn. Thần trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa từng có ai không dùng quân tử mà hưng được nghiệp, không dùng tiểu nhân mà bị tiêu vong” [125, 462]. Nếu như thời Lý, bộ máy quan liêu vừa được thiết lập lên, có tính mô phỏng nhà Tống phương bắc, tương ứng với chính quyền mới được xây dựng, với các chức quan chuyên trách bảo vệ vương quyền và ngôi vua; thì thời Trần, cùng với sự phát triển lớn mạnh của Đại Việt trên mọi lĩnh vực, hệ thống quan liêu phải không ngừng được mở rộng tương ứng với việc kiện toàn bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Do vậy, quan điểm chính trị của nhà Trần có bước tiến bộ rõ nét khi không chỉ lựa chọn quan lại dựa trên tiêu chuẩn họ hàng mà còn có chính sách chính trị tuyển chọn quan lại thông qua chế độ khoa cử. Với quan điểm chính trị về cơ cấu giai cấp trong xã hội như vậy, nhà Trần tiến hành những bước đi triệt để hơn nhằm mở rộng bộ máy quan liêu khi tổ chức các khoa thi đều kỳ, tìm chọn nhiều nho sĩ văn học hơn, cho giữ quyền bính, mở rộng Quốc tử giám, ban cho
“Đặng Kế làm Hàn lâm viện học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh trung thư lệnh” [133, 36], “ban cho trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi chức thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia; bảng nhãn Bùi Mộ chức Chi hậu bạ thư mạo sam, sung làm nội lệnh thư gia; thám hoa lang Trương Phóng chức Hiệu thư quyền miện, sung làm nhị tư; Nguyễn
Trung Ngạn đỗ hoàng giáp; tất cả 44 người đỗ thái học sinh” [133, 88].
Hiện tượng nho sĩ tài năng Đoàn Nhữ Hài nhờ vào việc giúp vua Trần Anh Tông làm bài tạ tội mà được tin dùng, cất nhắc làm nhiều chức quan và cao nhất là Tri khu mật viện sự đã cho thấy quan điểm chính trị thừa nhận vai trò rất quan trọng của tầng lớp quan liêu trong cơ cấu xã hội thời Trần. Tầng lớp quan liêu này khá uyển chuyển và đa dạng về thành phần, có thể xuất thân từ quý tộc, hoạn quan hay nho sĩ, nhưng là nền tảng hỗ trợ đắc lực cho nhà vua, tạo thành một khối vua quan thống trị quần chúng bình dân.
Như vậy, xét trên quan điểm chính trị về cơ cấu xã hội và quan hệ giai cấp trong xã hội, vua, quý tộc và quan liêu là đẳng cấp thống trị, là giai cấp bóc lột trong kết cấu xã hội của chế độ phong kiến quân chủ tập quyền. Giai cấp này được pháp luật và quy chế của nhà nước phong kiến xác định địa vị là đẳng cấp thượng lưu, cầm quyền, có những đặc quyền chính trị, được hưởng quyền lợi về kinh tế, được pháp luật quy định tỉ mỉ về mũ áo, xe cộ, võng lọng trong sinh hoạt… Tuy nhiên, dưới thời đại đặc biệt như thời Trần, giai cấp cầm quyền phải tiến hành công cuộc phát triển đất nước song hành với ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, cùng với đó là những biến chuyển sâu sắc của đời sống xã hội, nên tầng lớp thống trị kết hợp khá hài hòa giữa lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc, tạo nên không khí chính trị khá lành mạnh trong cả hoạt động đối nội lẫn đối ngoại.
Tư tưởng chính trị thời Trần cũng xác định rõ giai cấp bị trị trong xã hội bao gồm đông đảo quần chúng bình dân làng xã và cả tầng lớp gia nô, nô tỳ được xem như tài sản của đẳng cấp quý tộc, quan liêu. Họ đa phần là nông dân cày cấy ruộng công và thợ thủ công với những phường nghề truyền thống. Lẽ tất nhiên, để quản lý họ, nhà Trần sử dụng những