Tính tiếp biến trong tư tưởng chính trị thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 127 - 147)

Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

3.1. Những đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần

3.1.1. Tính tiếp biến trong tư tưởng chính trị thời Trần

Ra đời trong tiến trình lịch sử Việt Nam, tư tưởng chính trị thời Trần không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà nó có cội nguồn từ đặc điểm lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ Lý - Trần, và là sự kế thừa, dung hợp, phát triển những quan điểm và hành động chính trị của các triều đại phong kiến giai đoạn độc lập, tự chủ kể từ triều Ngô, Đinh, Lý trước đó; đặc biệt là tư tưởng về thể chế chính trị và cách thức tổ chức xã hội của nhà nước phong kiến thời Lý - mô hình triều đình độc lập dân tộc rõ nét đầu tiên trong lịch sử Việt Nam kéo dài 216 năm.

Khái niệm “tiếp biến” xét về mặt nguyên nghĩa được ghép bởi hai từ

“tiếp” và “biến”. Theo Từ điển tiếng Việt thông dụng, “tiếp” là liền theo sau, tạo thành sự liên tục theo thời gian [122, 53], còn “biến” là thay đổi hoặc làm cho thay đổi từ trạng thái, hình thức này sang trạng thái, hình thức khác [122, 803]. Theo nghĩa này, “tiếp biến” là nối tiếp, kế thừa và biến đổi. Trong Tiếng Việt thời gian gần đây, thuật ngữ “tiếp biến” còn được sử dụng trong một số ngành khoa học nhân văn như văn hóa học, tôn giáo học, như: “Tiếp biến văn hóa là tiếp thu và cải biến văn hóa từ bên ngoài du nhập vào, để thành ra cái văn hóa riêng của cộng đồng mình”

[17, 36]. Như vậy có thể hiểu, đặc điểm về “tính tiếp biến” được đề cập đến ở đây mang nghĩa tư tưởng chính trị thời Trần được hình thành có sự tiếp thu, kế thừa và cải biến những tư tưởng, quan điểm về cách thức tổ chức bộ máy chính quyền quân chủ phong kiến và cách thức thực thi quyền lực của giai cấp thống trị đã có từ các triều đại trước; đồng thời trên cơ sở tư tưởng văn hóa truyền thống bản địa của dân tộc Đại Việt, thích ứng và có nguồn gốc phát sinh, phát triển gắn với điều kiện lịch sử cụ thể của bối cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội Đại Việt lúc bấy giờ.

Tính tiếp biến trong quan điểm về thể chế chính trị và tổ chức xã hội Phân tích đặc điểm về tính tiếp biến trong tư tưởng chính trị, có thể thấy tư tưởng về cơ cấu chính quyền và chính sách cai trị Đại Việt diễn biến qua các triều đại gắn liền với sự thiết lập các vương triều phong kiến, đặc biệt là tư tưởng về cách thức tổ chức và quản lý bộ máy chính quyền từ trung ương đến địa phương. Cho đến năm 939 dưới thời trị vì của triều đình Ngô Quyền thì Đại Việt vẫn chỉ biết đến chính quyền cấp châu quận nói chung. Các vua thời kỳ độc lập đầu tiên như Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn trong buổi đầu xác lập chính quyền, bằng tri thức nền tảng sử sách truyền dạy hàng nghìn năm đã xây dựng cơ cấu chính quyền, thiết

lập và định hình một triều đình có bá quan văn võ. Trước Đinh Bộ Lĩnh, năm 939, Ngô Quyền đã xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa, đặt trăm quan, chế định triều nghi thẩm phục. Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh dựng nước lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Liên tiếp các năm liền sau đó, Đinh Tiên Hoàng tổ chức bộ máy chính quyền trung ương, dần biến quận Giao Châu dưới triều đình Hán - Đường trong suốt 1050 năm trước thành một triều đình với bộ máy trung ương gồm 3 bộ phận chính là văn, võ, đạo. Đứng đầu nhà nước là vua, dưới vua có hệ thống quý tộc hoàng gia giữ vị trí hạt nhân của triều đình, bên dưới là các chức quan văn võ, tăng đạo được nhà vua quy định, sắp đặt. Hệ thống quản lý hành chính từ thời Đinh đã được phân thành bốn cấp từ cấp trung ương đến cấp đạo, cấp phủ châu và cấp cơ sở. Mối quan hệ kết hợp giữa vua và thân tộc triều đình dưới sự điều hành của nhà vua đã được hình thành trong tổ chức bộ máy nhà nước triều Đinh. Sau khi đánh tan quân Tống xâm lược, nhà Tiền Lê kế tục lịch sử, cầm quyền quản lý đất nước, dù có mở mang một số mặt sau 29 năm điều hành, nhưng về cơ bản vẫn duy trì cách thức tổ chức chính quyền có từ thời nhà Đinh. Nhìn chung, hệ thống bộ máy nhà nước buổi đầu thiết lập chưa thật chặt chẽ, biện pháp quản lý xã hội còn mang màu sắc quân sự, chịu sự ràng buộc của luật tục hơn là quy định pháp luật, hệ tư tưởng Nho giáo chưa có dấu ấn trong tổ chức và quản lý xã hội nhưng phôi thai về một nhà nước quân chủ tập quyền đã xuất hiện dưới triều đình nhà Đinh. Đó là cơ sở cho các vương triều kế tiếp tiếp thu thêm kinh nghiệm quản lý nhà nước của Trung Hoa, xây dựng một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền rõ nét vào thế kỷ XI, kể từ thời Lý.

Bước tiến thay đổi thể hiện rõ nét khi vua Lý Thái Tổ đã cho chia lại các khu vực hành chính trong nước. Đơn vị hành chính các cấp địa

phương đã gồm có Lộ, phủ, châu, hương, giáp và thôn, ở kinh đô có các phường. Để điều hành việc nước, nhà Lý buổi đầu đã chú ý đến việc xây dựng chế độ quan chức, đứng đầu nhà nước là vua, dưới vua là hệ thống quan lại từ trung ương đến địa phương. Quan lại triều Lý được phong tước, có phẩm trật theo quan chế gồm 9 bậc tòng và chánh cho các quan văn và võ. Bậc đại thần đứng đầu các hàng văn và võ gồm có: Tam thái (Thái sư, Thái bảo, Thái phó); Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu bảo, Thiếu phó) cùng Thái úy và nội ngoại hành điện, đô tri sự kiểm hiệu bình chương sự.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị - kinh tế - xã hội trầm trọng cuối triều Lý, tình trạng phân tán, cát cứ của các tập đoàn quân sự lớn nhỏ đã được dẹp yên bởi vai trò của anh em dòng họ nhà Trần, đặc biệt là của Trần Thủ Độ. Để chính sự đi vào nề nếp, ổn định, nhà Trần cần đến sự cố kết cộng đồng, thống nhất về tư tưởng, nhất là tư tưởng chính trị trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố thống nhất quốc gia, thúc đẩy sự phát triển của nền văn minh Đại Việt và nền văn hóa Thăng Long.

Trên quy mô lớn từ thời nhà Lý, trong sự phát triển nội tại của lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, tư tưởng chính trị thời Trần đã thực hiện khá thành công sự “tiếp biến” tư tưởng và hành động chính trị, tạo nên triết lý chính trị sâu sắc mang đậm màu sắc Việt Nam, giải đáp những vấn đề cấp bách của thực tiễn chính trị Việt Nam dựa trên những tiền đề thực tiễn của xã hội Việt Nam giai đoạn này.

Trong quan niệm về tổ chức, xây dựng thể chế chính trị, kiện toàn bộ máy nhà nước, nhà Trần tiếp tục tư tưởng tổ chức bộ máy nhà nước trung ương tập quyền quân chủ, về nguyên tắc là cùng tính chất với triều Lý trước đó nhưng biểu thị ở một bước phát triển mới cao hơn và ở một trình độ cũng cao hơn. Về cơ bản, triều đình trung ương được tổ chức một cách

có hệ thống với các chức quan đứng đầu hai ban văn võ, bộ máy quản lý đã hoàn thiện và linh hoạt, không giáo điều, rập khuôn thể chế Đường Tống phương Bắc, thể hiện một bước tiến về tư tưởng tổ chức chính quyền của người Đại Việt. Mang tính chất chung của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền, quý tộc họ Trần vẫn tiếp biến mô hình nhà nước quân chủ thời Lý, đó là quyền lực chính trị tập trung vào tay người đứng đầu nhà nước là vua, dưới vua là hệ thống quan lại giúp việc điều hành chính quyền. Tuy nhiên, chế độ hai vua của triều đình thời Trần thực sự là sáng kiến chính trị làm nên đặc điểm hoàn toàn khác biệt của chính quyền nhà Trần so với các triều đại phong kiến trước đó. Chế độ hai vua với hai Hành khiển ty, Hành khiển ty ở Thánh từ cung là bộ phận trực tiếp dưới quyền Thượng Hoàng và Hành khiển ty của quan triều cung trực tiếp dưới quyền đương kim hoàng đế đã làm nên bí quyết sức mạnh tổ chức chính trị của triều Trần. Tổ chức hai vua (vua và Thượng hoàng) cùng nhiếp chính và hai hành khiển ty mà khi gia phong cho đại thần thì trao cho họ toàn quyền nhấp chính, một mặt đã thể hiện tính sáng tạo và rất thực tế của chính quyền họ Trần, góp phần tạo nên những nguyên nhân quan trọng giúp Đại Việt thời Trần đủ sức chiến thắng quân Nguyên - Mông; mặt khác cho thấy rõ tính tiếp biến trong quan điểm chính trị của giai cấp thống trị triều Trần.

Tính tiếp biến trong quan điểm về thể chế chính trị của tư tưởng chính trị thời trần còn thể hiện rõ nét trong việc tổ chức hệ thống quan lại giúp việc cho vua từ trung ương đến địa phương. Nhìn chung, “về danh hiệu các quan có phần hay hơn thời Lý, nhưng về chức vụ diên cách thì đại lược cũng có tham chước theo tước” [47, 466]. Thời nhà Lý, năm 1028, vua Lý Thái Tông “lấy Lương Nhậm Văn làm thái sư, Ngô Thượng Đinh làm Thái phó, Đào Xử Trung làm Thái bảo...” [133, 251]. Cũng như

triều Lý trước đó, cơ cấu triều đình thời Trần chủ yếu vẫn là Tam thái (Thái sư, Thái phó, Thái bảo); Tam thiếu (Thiếu sư, Thiếu phó, Thiếu bảo); Tam tỉnh (Trung thư tỉnh, Môn hạ tỉnh, Thượng thư tỉnh) và Lục bộ (Bộ, Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công). Về quan chế, nhà Trần lấy ba chức thái, ba chức thiếu, thái úy, tư đồ, tư mã, tư không làm trọng chức của các đại thần văn võ. Năm 1236, “định quan hàm cho các đại thần. Phàm người tôn thất vào chính phủ, hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái úy, hoặc là Tư đồ, Tả Hữu tướng quốc, đều kiêm hàm Kiểm hiệu đặc tiến nghi đồng tam ty bình chương sự” [133, 15]. Về văn giai, năm 1273 nhà Trần

“cho Nhân Túc Vương Toản làm Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính [133, 39]; năm 1274 “lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung Nội thị học sĩ” [133, 40]. Công việc triều chính được đảm nhận bởi các Quán, Các như Lục bộ, Tôn chính phủ; sảnh như Thượng thư sảnh, Môn hạ sảnh, “Minh Tông, năm Khai thái thứ 2, 1325, “đổi Hành khiển ty thành Môn hạ sảnh” [133, 110], cục như Nội thư hóa cục, Chi hậu cục; Viện như Khu mật viện, Thẩm hình viện, Thái y viện, 1344 năm thứ 4 “Đặt đại sứ và phó sứ của viện Tuyên Huy. Đổi Kiểm pháp quan của viện Đăng Văn thành Đình úy, Tự khanh và Thiếu khanh” [133, 129].

Nhìn chung, triều Trần có tiếp thu mô hình triều Lý về tổ chức bộ máy quan chế trung ương, tuy nhiên để duy trì sự ổn định chính trị và gia tăng sự thống nhất, chặt chẽ về chính quyền, liên tiếp trong các năm trị vì, các vua Trần liên tục đặt thêm nhiều chức quan với nhiệm vụ ngày một cụ thể hơn. Năm 1342, “theo quy chế cũ, cấm quân thuộc về Thượng thư sảnh.

Đến đây, đặt Khu mật viện để quản lãnh” [133, 128]; năm 1337 “xét duyệt các quan văn võ, vẫn đặt thuộc viên các sảnh, viện” [133, 125]. Đồng thời, rút kinh nghiệm từ triều Lý trước đó, nhằm duy trì quyền lực cho tôn thất quý tộc họ Trần, không để rơi vào tay ngoại tộc thì ngoài quy định kết hôn

đồng tộc vô tiền khoáng hậu, nhà Trần còn liên tục “định ngạch tụng quan. Đặt 6 cục Cận thị chi hậu, lấy vương hầu và người tôn thất làm chức chánh chưởng” [133, 158], phong tước hầu, điền trang, thái ấp để tôn thất nhà Trần cai quản các vùng đất, khi có biến thì tề tựu bàn kế và cùng tham gia giải quyết các công việc trọng đại của quốc gia. Một chính quyền trung ương vừa được tổ chức dưới hình thức một bộ máy quan chức hoàn chỉnh, vừa mang tính thân tộc sâu sắc là sản phẩm của tính tiếp biến trong quan điểm chính trị của giai cấp thống trị triều Trần. Sự cố kết trong quan hệ họ hàng, tông tộc bằng những lợi ích chính trị và kinh tế có tác dụng thắt chặt tình đoàn kết trong giai cấp thống trị. Trong lịch sử nước ta, so với các triều đại trước thì tầng lớp quý tộc tôn thất triều Trần phát triển hơn và thể hiện rõ hơn vai trò của mình trong sự nghiệp giúp vua giữ nước. Họ nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong triều đình, giúp việc cho vua điều hành xã hội, tham gia trực tiếp cầm quân trong công cuộc chống ngoại xâm, được phong thái ấp, có phủ đệ và tổ chức hệ thống quân đội riêng. Tuy nhiên, xu thế cát cứ trong giới quý tộc chưa là hiện tượng phổ biến, khác với sự phát triển của các nhà nước phong kiến Tây Âu cùng thời. Do vậy, quan hệ thân tộc này tạo nên một không khí chính trị lành mạnh trong giới cầm quyền nói riêng và xã hội nói chung, hình thành ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ trong đội ngũ vuơng hầu, quý tộc tôn thất, tạo thế mạnh cho chính quyền giải quyết những công việc nội bộ xã hội cũng như đánh thắng nạn ngoại xâm. Đó là hạt nhân của bộ máy nhà nước quân chủ thời Trần, góp phần cố kết nội bộ, cố kết nhân tâm trong bộ máy nhà nước, tạo nên một khối cộng đồng đồng lòng, chung sức, đưa tư tưởng chính trị thời Trần phát triển về chất so với các thời đại trước.

Ở địa phương, trải qua 12 đời vua, nhà Trần tiếp thu nhà Lý trong xây dựng quan điểm chính trị quản lý bộ máy nhà nước thông suốt từ trung

ương đến địa phương. Tuy nhiên, nếu như thời Lý chưa có tư liệu chứng tỏ đã có xã quan thì bộ máy cai trị thời Trần đã bao gồm 6 cấp: trung ương, lộ, phủ, châu, huyện, xã. Năm 1242, “…Các xã, sách thì đặt chức đại, tiểu tư xã. Từ ngũ phẩm trở lên là đại tư xã, từ lục phẩm trở xuống là tiểu tư xã. Có người làm kiêm cả 2, 3, 4 xã, cùng xã chính, xã sử, xã giảm gọi là xã quan.” [133, 19]. Đến năm 1397, nhà Trần định các chức quan như “Lại đặt các phủ đô đốc, đô hộ, đô thống, tổng quản và ty thái thú để trông coi” [133, 192]; “Lại đặt chức giáo thụ và giám thư khố ở các châu trấn” [133, 192]. Để đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế nông nghiệp, nhà Trần chú trọng đến các chức quan địa phương chuyên trách đã được quy định cụ thể, 1344, “đặt đồn điền sứ và phó sứ ở ty khuyến nông”

[133, 129] và đặt Thủy lộ đề hình và Tào ty chuyển vận sứ... Bên cạnh đó, chế độ bình chương sự tức định quan hàm cho quan lại dưới thời Trần cũng có quy định chặt chẽ hơn thời Lý. Về nguyên tắc, ngay từ thời Thái Tông hoàng đế năm 1236, đã quy định “định quan hàm cho các đại thần”

[133, 15]. Nhận thức được tầm quan trọng của tri thức và văn hóa trong trị quốc, vương tộc Trần đã chọn người tôn thất hiền năng, có trình độ Nho học để phong hàm, không phong hàm cho tôn thất có tài năng kém, đồng thời tổ chức thi tuyển Tam giáo, thi tuyển lại viên, thi thái học sinh, thi chọn kẻ sĩ để bổ sung vào các quán, sảnh, viện. Do vậy, bộ máy quan lại từ trung ương đến địa phương xuất hiện các Nho sinh. Nho giáo không xa lạ với người Đại Việt. Ngay từ thời Lý, dù Phật giáo giữ vị trí chính thống trong hệ tư tưởng nhưng cũng đã “dựng Miếu Khổng Tử” [132, 322], tuyển Minh Kinh bác học và thi tuyển tam trường để chọn người vào hầu vua học, lấy người biết tính toán và viết chữ làm thư lại. Tuy nhiên, phải đến triều Trần, việc tổ chức học tập, thi tuyển, bổ dụng Nho sĩ làm quan mới trở thành hệ thống, làm cho Nho giáo thực sự thể hiện tính trội của

mình so với Phật giáo trên đài chính trị. Năm 1267, theo chế độ cũ, không phải là nội nhân (hoạn quan) thì không được làm hành khiển, đến đây thì nho sĩ mới được giữ quyền bính. Việc bổ sung các hình thức thi lại viên, thi thái học sinh đã làm cho không chỉ người thi Tam giáo mới được lấy làm quan như thời Lý trước kia. Các nho sĩ đã được bổ nhiệm các chức quan theo thứ bậc khác nhau. Bên cạnh đó, quý tộc Trần đồng thời đã được Nho giáo hóa sâu sắc mặc dù là trí thức tam giáo, “đọc bài Hịch tướng sĩ của Trần hưng Đạo sẽ thấy toát lên tinh thần Nho giáo không chút mùi Thiền. Trần Nhân Tông xuống chiếu xăm hai chữ “sát thát” cũng không chút mùi vị Ngũ giới. Thái Tông viết Khóa hư lục nhưng để răn đe thói hư tật xấu chơi bời hoang dâm hơn là ca tụng tinh thần xuất thế. Trần Nhân Tông giết xong kẻ thù dân tộc vào núi lập tông Trúc Lâm đi khắp nơi xóa bỏ dâm từ để xây dựng một hệ tôn giáo thống nhất tâm linh dân tộc chứ không phải xuống chiếu độ dân làm tăng như Lý Thái Tổ đã làm liên tiếp trong các năm 1010, 1016, 1019” [47, 477-478]. Như vậy với quan điểm chính trị ngày một đậm nét Nho giáo tương ứng với điều kiện lịch sử xã hội Đại Việt dưới thời Trần trị vì, cùng với việc triều Trần đào tạo, thi tuyển Nho học để bổ dụng làm quan, tận dụng nguồn tri thức chính trị từ các nho sĩ có học thức đã thể hiện tính tiếp biến sâu sắc của nhà Trần về phương diện tổ chức chính quyền, là một bước tiến đánh dấu quan điểm chính trị đặc sắc của vuơng triều Trần.

Trong quan điểm về kết cấu giai cấp và tổ chức xã hội, tiếp biến quan điểm xây dựng mô hình nhà nước trung ương tập quyền ra đời từ thế kỷ X và phát triển trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và gìn giữ độc lập dân tộc của một nước nhỏ chống họa đô hộ và xâm lược của láng giềng lớn mạnh, nhà Trần tiếp tục cách thức tổ chức xã hội thông qua việc thúc đẩy sự cố kết cộng đồng công xã nông thôn nhỏ lẻ vào cộng đồng quốc

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 127 - 147)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)