Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
3.2. Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời Trần
3.2.2. Ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng chính trị thời Trần
Tư tưởng chính trị thời Trần với những nội dung mang giá trị lý luận sâu sắc thực sự là khung lý thuyết để nhà Trần vận dụng xây dựng xã hội
Đại Việt hiện thực, có nền kinh tế phát triển vượt bậc, có nền chính trị thân dân, ổn định và một nền văn hóa rực rỡ. Tất cả tạo nên một nhà nước Đại Việt thống nhất về chính trị, độc lập về văn hóa, thoát khỏi dần ảnh hưởng về chính trị của phương Bắc và văn hóa ngoại lai, chấm dứt mưu đồ đồng hóa về chính trị và văn hóa kể từ thời Bắc thuộc, tạo cho dân tộc ta sức mạnh tổng hợp để cố kết toàn dân, trùng hưng sự nghiệp sáng ngời thuở trước như Trần Nhân Tông đã nói, bảo vệ nền độc lập dân tộc, chống xâm lược.
Là khung lý thuyết để xây dựng xã hội Đại Việt hiện thực, tư tưởng chính trị thời Trần thực hiện nhiệm vụ quan trọng của mình, đó là chỉ đạo việc hiện thực hóa các quy luật ấy trong đời sống chính trị - xã hội của nhân dân Đại Việt. Đó là ý nghĩa thực tiễn của tư tưởng chính trị thời Trần. Cụ thể:
Tư tưởng chính trị thời Trần góp phần hoàn thiện mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế quy củ đầu tiên của dân tộc Việt Nam
Bằng sự tiếp biến mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế phương Đông, mà kiểu mẫu là cách thức tổ chức nhà nước phong kiến trung ương tập quyền của Trung Quốc, tiếp biến cách thức xây dựng và củng cố chính quyền cũng như sự phân cấp xã hội của các triều đại phong kiến đi trước, trên cơ sở những giá trị nhân bản của nền văn hóa bản địa truyền thống Việt Nam, kết hợp với triết lý chính trị của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và sự thực hành Pháp trị của Pháp gia, tư tưởng chính trị thời Trần đã lãnh đạo giai cấp thống trị xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế quy củ đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Vấn đề xây dựng thể chế chính quyền và sự phân tầng giai cấp xã hội là vấn đề được quan tâm đầu tiên trong mô hình nhà nước trung ương tập quyền. Cách tổ chức thể chế chính quyền phong kiến, đứng đầu nhà
nước là vua với quyền lực tối cao, dưới vua là hệ thống quan lại các cấp giúp việc cho vua có từ triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý được nhà Trần tiếp tục xây dựng, trở thành quan điểm chính thống của thời đại Lý - Trần.
Đó cũng là biểu hiện của sự mô phỏng mô hình nhà nước phong kiến phương Đông, vua là đại diện cho thượng đế trước thần dân, đồng thời là đại diện cho thần dân trước thượng đế. Đây là mô hình chịu ảnh hưởng của nền chính trị quân quyền được xây dựng “dựa theo thuyết thiên - địa - vạn vật nhất thể, thuyết minh sự hài hòa giữa cơ cấu của một vũ trụ vĩ mô (macrocosme) với một vũ trụ vi mô (microcosme) đã được thích ứng với những điều kiện cụ thể của Việt Nam” [128, 303]. Để giảm bớt tính độc tôn của ngôi vị vương quyền, đồng thời phòng khi rủi ro không có người thay thế kịp thời và chuẩn bị từ sớm cho sự trị vì của người kế vị mà nhà Trần duy trì chế độ hai vua, tức ngôi báu do Vua và Thượng hoàng cùng nắm giữ. Phương thức này đã phát huy hết hiệu quả của nó trong nhiều thành tựu chính trị của nhà Trần. Kế thừa phương thức Lưỡng đầu chế với hai vị nguyên thủ quốc gia cùng cai quản đất nước, thời nhà Hồ, Quý Ly làm vua chưa đầy một năm thì nhường ngôi cho con là Hán Thương để giữ vai trò Thái Thượng hoàng, nhưng vẫn nắm quyền thiên tử, cùng con chăm lo chính sự. Về sự phân tầng các giai cấp xã hội, nhìn chung về hình thức, thời Trần, sự phân chia các giai cấp trong xã hội vẫn giữ nguyên như nhà Lý, khác về chất là chế độ công xã nông thôn ngày càng phân hóa sâu sắc hơn, làm cho mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội cũng theo đó hình thành. Sự tư hữu hóa tư nhân về ruộng đất như một tất yếu trong phát triển kinh tế, cộng với xu hướng cát cứ ngày càng mạnh cũng góp phần làm thay đổi diện mạo và quan hệ giữa các giai cấp. Để giải quyết những mâu thuẫn giai cấp, đồng hành cùng những vấn đề tất yếu trong phát triển kinh tế, xã hội, tư tưởng chính trị thời Trần dựa trên
những giá trị tích cực của Tam giáo, đã lãnh đạo việc phân cấp xã hội từ trung ương đến địa phương, đặt định cụ thể những chức quan chuyên trách từ triều chính đến tận cấp xã để điều hành bộ máy nhà nước trung ương lẫn lãnh đạo phát triển kinh tế, làm thủy lợi, phát triển giáo dục, văn hóa…
Đó là những giá trị thực tiễn trong xây dựng thể chế chính quyền và phân tầng, điều hòa các giai cấp trong xã hội của tư tưởng chính trị thời Trần.
Giá trị thực tiễn của tư tưởng chính trị thời Trần trong việc xây dựng và hoàn thiện mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế còn thể hiện ở việc thời Trần điều hành quốc gia dựa trên pháp luật và thể chế nhà nước.
Pháp luật có vai trò là phương tiện chủ yếu để quản lý nhà nước. Bằng pháp luật, nhà nước có thể trao quyền cho các tổ chức hoặc các cá nhân để họ thay mặt nhà nước tiến hành hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Ở các thời Ngô, Đinh, tiền Lê, nhà nước chưa có hệ thống pháp luật.
Đến năm 1042, đời Lý Thái Tông, vua ban hành bộ Hình thư, được xem là bộ luật đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Việc san định luật lệnh, châm chước cho thích dụng với thời thế, chia ra môn loại, biên thành điều khoản trong Hình thư đã làm cho pháp luật triều Lý nghiêm minh, công bằng hơn trước. Giá trị đó được tiếp biến ở triều Trần khi nhà Trần tiếp tục hoàn thiện bằng bộ Quốc triều thông chế (20 quyển), qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung nhưng về cơ bản là những quy định về tổ chức chính quyền;
khẳng định và củng cố sự phân chia đẳng cấp trong xã hội, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của quý tộc và tôn thất họ Trần; xác nhận và bảo vệ quyền tư hữu về tài sản, đặc biệt là ruộng đất; bảo vệ sản xuất nông nghiệp như trị thủy, xây dựng đê điều và sức sản xuất nông nghiệp như sức kéo trâu bò… Bên cạnh luật pháp, nhà Trần còn điều hành quốc gia dựa trên thể chế nhà nước. Thể chế nhà nước được xem là một hệ thống tổ chức các cơ quan trong bộ máy nhà nước của một quốc gia nhất định với một chế độ
xã hội cụ thể. Bộ máy nhà nước thời Trần cũng được điều hành thông qua các cơ quan chuyên trách từ trung ương đến địa phương. Triều đình chia làm sáu bộ: Lại, Lễ, Bộ, Binh, Hình, Công. Về hành chính thì chia nước làm 12 lộ, đặt các chức an phủ, trấn phủ để cai trị; cấp xã thì có xã chính, xã giám, xã sử gọi là xã quan… Về các cơ quan chuyên trách thì có Thẩm hình viện xét xử luật tụng, Tam ty viện xem xét đề nghị nhà vua sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, Quốc sử viện, Quốc tử giám, Quốc học viện, Thái y viện phụ trách về văn hóa, giáo dục, y tế… Bằng pháp luật và thể chế nhà nước, nhà nước thời Trần quy củ, hoàn thiện, tỏ ra phù hợp với nhu cầu thời đại, thực hiện tốt chức năng quản lý xã hội và phát triển Đại Việt về kinh tế, văn hóa…
Mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế thời Trần hoàn thiện hơn khi mang bản chất của một nền chính trị có văn hóa và là một nền chính trị thân dân. Văn hóa chính trị là một hệ giá trị văn hóa được con người tiếp nhận và lựa chọn, biến nó thành nhu cầu, thành vũ khí, phương tiện trong hoạt động chính trị. Nhận dạng một nền chính trị có văn hóa hay không, người ta căn cứ vào nhu cầu và thói quen, qua hành động tích cực tham gia của cá nhân vào những sinh hoạt chính trị vì lợi ích của cộng đồng. Theo tiêu chí này, thời nhà Trần, các bậc hiền tài trong nước ứng thí thông qua khoa cử để tiến thân vào bộ máy chính trị, tự nguyện đem tài năng của mình giúp vua trị nước. Các bô lão và nhân dân Đại Việt tích cực tham gia vào hội nghị Bình Than vào năm 1282 và hội nghị Diên Hồng vào năm 1284 để cùng bàn kế sách với vua quan tướng lĩnh nhà Trần đánh giặc. Điều này vừa thể hiện tính dân chủ hiếm có trong mô hình nhà nước chuyên chế phong kiến, vừa là biểu thị cho nền chính trị có văn hóa mà tư tưởng chính trị thời Trần lãnh đạo. Cách tiếp theo để nhận dạng nền chính trị có văn hóa là dựa vào ý thức của giai cấp thống trị về đổi
mới và định hướng cho sự đổi mới đó. Đổi mới bao quát tất cả các lĩnh vực từ kinh tế - xã hội, đến chính trị - tư tưởng… Nội dung tính tiếp biến trong quan điểm chính trị thời Trần đã thể hiện rõ tính văn hóa của nền chính trị thời Trần. Văn hóa chính trị thời Trần còn biểu hiện trong nền tảng pháp lý của xã hội và ở các chuẩn mực đạo đức của các cá nhân con người sống. Chính những quy định pháp luật nhằm điều chỉnh hành vi của con người, cộng với việc trọng đức trị trong trị nước mà nhà Trần còn xây dựng cho mình một nền chính trị thân dân. Nền chính trị được xây dựng trên nguyên tắc “quốc dân dĩ vi bản” với mong muốn “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” đã trở thành mục tiêu, phương châm chính trị của nhà Trần. Tấm gương đạo đức và rèn luyện sống Thiền, hợp Đạo của các vua Trần, chủ trương “khoan thư sức dân”, chính sách đại đoàn kết dân tộc từ nội bộ thân tộc đến đông đảo nhân dân, mở rộng dân chủ thông qua hội nghị lấy ý kiến của dân… là những nội dung tiêu biểu làm nên một nền chính trị thân dân, trọng dân thời Trần. Tinh thần ấy mới làm cho Trần Nhân Tông trong hoạn nạn đã từng san bát cơm với người nông dân Trần Lai, vua thường hỏi thăm các gia đồng của các vương hầu và răn bảo các vệ sĩ không được quát mắng họ, xuống chiếu phát chẩn cho dân nghèo những năm mất mùa đói to… Với bản chất của một nền chính trị có văn hóa và một nền chính trị thân dân, mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế nhà Trần đã thực sự quy củ, hoàn thiện. Hào khí Đông A của dân tộc và ba lần đại thắng Nguyên - Mông là biểu hiện cụ thể của sự hoàn thiện đó.
Thông qua nhiệm vụ thống nhất quốc gia, củng cố quyền lực cho dòng họ tôn thất nhà Trần, tư tưởng chính trị thời Trần còn hiện thực hóa tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” của dân tộc. Thời Trần, cùng với quá trình phát triển của nhà nước phong kiến tập quyền, Phật giáo dần mất vai trò của nó trên trường chính trị. Trong khi đó, học thuyết trị nước, an dân,
ổn định xã hội của Nho gia lại là phép trị nước tỏ ra thích ứng trong bối cảnh những mâu thuẫn xã hội dần xuất hiện trong sự phát triển của nhà Trần. Do vậy mà trong tư tưởng chính trị thời Trần có rất nhiều quan điểm giai cấp thống trị vận dụng tư tưởng triết lý của Tam giáo Nho - Phật - Đạo để đưa ra những kiến giải mới về nó như: xây dựng thể chế chính quyền và sự phân cấp xã hội thống nhất từ trung ương đến địa phương, chính sách Thân dân, cách thức xây dựng luật pháp và điều hành xã hội bằng luật pháp, chính sách khoan thư sức dân trong nghệ thuật quân sự, chính sách ngoại giao vừa cương vừa nhu… Có thể thấy rõ điều này qua lời tự sự của Trần Thái Tông: “Tuy một ngày trăm việc; cũng trộm lúc rảnh rang. Chăm việc tiếc giờ; học càng tăng tiến. Một chữ đinh lo chưa biết đến; đêm canh hai còn gắng tìm xem. Đã duyệt phần điển Khổng Khâu; lại xét sách kinh đạo Thích” [126, 34]. Nhìn nhận một cách sâu sắc hơn có thể thấy, chính tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” thời Trần đã làm dịu nhẹ đi những quan điểm chính trị vốn là công cụ của giai cấp thống trị nhằm quản lý, trấn áp các tầng lớp khác trong xã hội. Do vậy mà tư tưởng chính trị thời Trần kết hợp hài hòa giữa pháp trị và đức trị, một mặt vừa gần gũi với tâm thức của người Việt, khơi dậy lòng yêu nước, ý chí về độc lập dân tộc để chiến thắng ngoại xâm; mặt khác lãnh đạo nhân dân Đại Việt xây dựng một nền kinh tế, văn hóa phát triển rực rỡ.
Giá trị nhân bản của tư tưởng chính trị thời Trần được tiếp biến từ các triều đại đi trước, đến đây lại trở thành bài học về dân soi sáng cho những quan điểm chính trị ở các thời đại tiếp theo. Tiêu biểu là quan điểm về nhân dân trong tư tưởng “Nhân nghĩa” của Nguyễn Trãi thời Lê, “nhân nghĩa cốt ở an dân”. Thánh nhân làm việc đại nghĩa là đánh kẻ có tội, cứu vớt dân. Nhân nghĩa chính là yêu nước, thương dân, đánh giặc, trừ bạo của nước để làm an dân. Đối với Nguyễn Trãi, yêu nước là thương dân, để
cứu nước phải dựa vào dân, cứu nước là cứu dân, đem lại thái bình, thịnh trị cho dân. Với tư cách là nhà chính trị, Nguyễn Trãi tin rằng nếu xây dựng được một hệ thống quản lý xã hội mà bên trên vua thánh tôi hiền, bên dưới thâm cung, xóm làng không còn tiếng hờn giận, oán sầu thì xã tắc yên như Thái Sơn, cơ đồ vững như bàn thạch. Chịu ảnh hưởng của tư tưởng về dân của Nguyễn Trãi, nhà Lê xây dựng chính sách thân dân, lấy nhân nghĩa ràng buộc con người. Thời nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm chủ trương và mơ ước xây dựng nền chính trị - xã hội theo đường lối “Vương đạo”, lấy đạo đức nhân nghĩa để cảm hóa con người. Theo ông, sự thịnh suy của thể chế chính trị tùy thuộc vào nền tảng của nó là phép trị nước, mà phép trị nước tốt nhất là lấy dân làm gốc. Lấy dân làm gốc đồng thời là trách nhiệm của nhà cầm quyền để xây dựng một xã hội bình yên, không chiến tranh, nhân dân được sống yên ổn, con người không dùng cơ trí, thủ đoạn hiếp đáp nhau. Nếu như quan điểm chính trị thân dân thời Trần xuất phát điểm từ Tam giáo, nên uyển chuyển, gần gũi, giản dị, hòa mình với tâm thức dân tộc Đại Việt thì cả quan điểm chính trị thân dân thời Lê và thời Mạc đều lấy chủ trương độc tôn Nho giáo làm tiền đề, dùng lễ nghĩa để ràng buộc con người vào những chuẩn mực khắt khe.
Tuy nhiên, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm đều đã kết hợp những chuẩn mực khắt khe đó của Nho giáo với sự thực hành đức trị trong quan điểm về dân để tôn trọng quyền sống của con người, phê phán quan lại bóc lột dân, cai trị dân bằng nhân nghĩa. Lê Quý Đôn thời Trịnh - Nguyễn phân tranh cũng chủ trương lấy dân làm gốc, coi cường thần gây loạn bên trong, nước thù địch quấy rối bên ngoài đều chưa đáng lo bằng lòng dân dao động, kế thừa quan điểm “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Trần Hưng Đạo trong kế sách giữ nước. Vua Minh Mệnh của nhà Nguyễn cũng có quan điểm “dân là gốc nước”, nhà cầm quyền
phải yêu cái dân yêu, ghét cái dân ghét, không thể trái ý muốn của dân. Từ đó ông đòi hỏi các quan lại phải thực sự thường xuyên chăm lo cho dân, phải sửa mình và hối lỗi từ những công việc hằng ngày, hết lòng với chức vụ được giao. Những quan điểm đó đã làm giá trị nhân bản trong quan điểm chính trị được tiếp biến và trường tồn xuyên suốt lịch sử dân tộc.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta là mốc kết thúc sự tồn tại của các vương triều phong kiến trong lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là mốc đánh dấu sự chấm dứt mô hình nhà nước quân chủ quân chế. Tuy nhiên, những giá trị thực tiễn về xây dựng thể chế chính quyền thống nhất từ trung ương đến địa phương, điều hành xã hội dựa trên luật pháp, xây dựng nền chính trị mang bản chất văn hóa và thân dân vẫn hiện diện trong tiến trình xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân ở Việt Nam hiện nay. Thiết nghĩ, việc phân tích những ý nghĩa lý luận trên của tư tưởng chính trị thời Trần để gợi mở một số bài học cho sinh hoạt chính trị đương đại ở nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay là việc làm cần thiết.
Trong lý luận về nhà nước pháp quyền, vấn đề tối cao của pháp luật là vấn đề quan trọng nhất. Nhà triết học của thế kỷ Khai sáng Pháp Montesquier (1689 - 1775) trong tác phẩm Tinh thần pháp luật đã cho rằng một quốc gia có quy củ phải có hiến pháp và phải xác định ba quyền riêng biệt, độc lập nhau, đó là quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Lý luận của Montesquier nhằm hạn chế quyền hành của nhà vua và mở rộng quyền hành của giai cấp tư sản trong việc tham gia quản lý nhà nước. Đó cũng là xu hướng đấu tranh cho chủ nghĩa tự do, bình đẳng của giai cấp tư sản, mà những nhà Khai sáng khác như Vonte, Rousseau cùng thời tuyên truyền. Khi nghiên cứu cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh nhận định giai cấp tư sản dựng khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái, nhưng khi thiết lập bộ