Tư tưởng về chính sách và đường lối ngoại giao của thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 120 - 127)

Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

2.1. Tư tưởng về thể chế chính trị và tổ chức xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần

2.2.3. Tư tưởng về chính sách và đường lối ngoại giao của thời Trần

Nội dung tư tưởng chính trị thời Trần còn được thể hiện trong đường lối ngoại giao khéo léo của vương triều Trần với các thế lực cát cứ trong nước và các nước cận bang. Chính đường lối ngoại giao này đã đóng góp vai trò không nhỏ trong những chiến thắng của nhân dân ta với kẻ thù thù xâm lược Nguyên - Mông, giữ mối quan hệ linh hoạt, mềm dẻo, đôi khi sử dụng đối sách hòa hoãn với kẻ thù để chuẩn bị lực lượng đánh giặc.

Thế kỷ XIII, thắng lợi của liên minh bộ lạc do Têmugin (Thành Cát Tư Hãn) cầm đầu đã chấm dứt cuộc chiến tranh lâu dài giữa các bộ lạc và liên minh bộ lạc người Mông Cổ, sống du mục trên vùng thảo

nguyên châu Á, phía bắc đến hồ Ban Căng, phía nam qua sa mạc Gôbi đến gần Vạn Lý trường thành của Trung Quốc, thành lập một nhà nước phong kiến quân sự độc tài chuyên chế mang tư tưởng bành trướng và thôn tính mạnh mẽ. Từ những đội thân binh trong cuộc chiến tranh giữa các bộ lạc trước đó, Thành Cát Tư Hãn đã xây dựng lực lượng vũ trang, tuyển lựa tướng sĩ, luyện tập quân đội thành những đội kỵ binh cơ động, thiện chiến với một nghệ thuật quân sự độc đáo. Sau khi thống trị toàn Trung Quốc từ năm 960 đến năm 1127, đế quốc Nguyên - Mông đã dốc toàn bộ sức lực vào những cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo, đại quy mô tới các quốc gia, dân tộc khác, trong đó có Đại Việt. Nhiều nước đã không thoát khỏi ách đô hộ của đế quốc Nguyên - Mông do sự chia rẽ, phân tán, suy nhược của giai cấp phong kiến thống trị, không tập hợp, đoàn kết được toàn dân đánh giặc. Trong bối cảnh đó, Đại Việt thời Trần là một quốc gia đang trên đường phát triển hưng thịnh, có nhà nước trung ương tập quyền vững mạnh với ý thức dân tộc cao của giai cấp phong kiến thống trị và nhân dân, có quyết tâm kháng chiến đến cùng, biết dựa vào nhân dân để đánh giặc, có nghệ thuật quân sự độc đáo với những tướng lĩnh tài ba, và có đường lối ngoại giao khéo léo để liên tiếp đánh bại ba lần xâm lược của đế quốc Nguyên - Mông. Đường lối ngoại giao đó một mặt khẳng định vị thế của quốc gia, dân tộc Đại Việt trên trường quốc tế, mặt khác góp phần giúp vương triều Trần đạt những thắng lợi trong kháng chiến chống xâm lược.

Đối với quân Nguyên - Mông, “Trong suốt hai lăm năm, Hốt Tất Liệt được các vua Trần xưng thần ba năm cống một lần nhưng không bắt được các vua Trần thực hiện sáu điều yêu cầu; không bắt được các vua Trần vào chầu, không mượn được đất Đại Việt để đi đánh Chiêm Thành, bực mình gọi vua Trần là “kẻ vô tri”, đưa một người trong hoàng tộc Trần

lên làm vua bù nhìn không xong để hai lần xuất quân đánh Đại Việt nhưng vẫn thất bại” [64, 85]. Các vua Trần nhất quyết tìm mọi lý do để không phải sang chầu nhà Nguyên, chỉ sai các quần thần sang sứ. Trần Nhân Tông trong “Từ nhập cận giải” đã nói rõ: “duy có một việc không sang chầu thì không có gì khác, thực là vì tham sống sợ chết; xa ngoài vạn dặm, đường đất gian nguy, chướng khí núi sơn, không quen thủy thổ nếu chết ở giữa đường, phỏng có ích gì cho thượng quốc đâu” [126, 550]. Và các quan triều nhà Trần, tiêu biểu như Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ sang nhà Nguyên, bằng tài năng của mình, bao giờ cũng làm quân giặc phải nể phục, vị thế của dân tộc Đại Việt nhờ đó mà có thể sánh ngang hàng với Trung Hoa; Đoàn Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, không theo tục cũ lạy vua Chiêm trước rồi mới mở chiếu thư, ông bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: ““Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau”.

Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ là lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất”” [133, 87].

Tuy vậy, dù ba lần đánh bại ý đồ xâm lược của kẻ thù, nhưng là một nước yếu nhỏ hơn so với sức mạnh bội phần của kẻ thù, nhà Trần ý thức được điều đó nên đã có những chính sách khoan hồng với kẻ thù, đặc biệt là kế sách “cương trước nhu sau”. Năm 1289, nhà Trần “sai đưa bọn Ô Mã Nhi về nước” [133, 63] khi chúng bị thất trận trên sông Bạch Đằng sau lần xâm lược lần thứ ba thất bại của quân Nguyên - Mông trên đất nước ta, nhưng lại dùng kế của Hưng Đạo Vương “lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả” [133, 63]. Bên cạnh đó, cũng nhằm giữ mối quan hệ hòa

hoãn với triều đình phong kiến phương Bắc lớn mạnh, nhà Trần phải thường xuyên cống vật, đi sứ sang Nguyên trong suốt thời gian trị vì.

Còn đối với Chiêm Thành nhiều phen đem quân cướp bóc Đại Việt, vua Trần đã nổi giận thân chinh cầm quân đi đánh và thắng lợi, bởi lẽ về thế và lực, nhà Trần nhận thấy ta đều hơn. Là một nước nhỏ, Chiêm Thành dù luôn quấy phá Đại Việt nhưng vẫn giữ lệ triều cống và giao hòa.

Đáp lại thị tình đó, trong chính sách ngoại giao của triều Trần với Chiêm Thành, các vua Trần vẫn có những hoạt động chính trị làm cho tình giao hảo của hai nước trở nên bền vững. Đời vua Trần Anh Tông, lúc bấy giờ Trần Nhân Tông đã lên làm Thái thượng hoàng, trong lúc vân du sang nước Chiêm Thành, nhà Trần đã hứa gả công chúa cho vua Chiêm Thành.

Năm 1306, vua Trần Nhân Tông “gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành Chế Mân” [133, 90]. Thông qua tình giao hảo ấy, Đại Việt cũng được vua Chiêm Thành cắt đất, dâng tặng cho hai châu Ô và Lý.

Vua Trần Anh Tông đổi tên là châu Thuận và châu Hóa, đồng thời “sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên dân hai châu đó” [133, 91] nhằm thu phục nhân dân. Đó là chính sách ngoại giao khôn khéo của nhà Trần.

Trong suốt triều đại nhà Trần, quân Chiêm Thành cũng liên tục gây chiến, đa phần là thất bại, nhưng triều đại phong kiến hưng thịnh, suy vi theo tính tất yếu không thể chối bỏ được nên vì không nghe lời tướng lĩnh khuyên răn, mà cuối thời Trần, vua Nghệ Tông đã bị chết dưới tay quân Chiêm Thành; để rồi cuối cùng khi quân Chiêm Thành cầu cứu nhà Minh, đất nước ta rơi vào thời kỳ bị giặc Minh xâm lược.

Ngoài quân đội phương Bắc hùng mạnh và láng giềng Chiêm Thành, thì quân người Man phương Bắc và quân Ai Lao cũng thường đánh cướp vùng biên giới Đại Việt. Để trấn áp quân giặc nhằm giữ vững sự yên ổn biên cương, với thực lực của một nước lớn và mạnh hơn, nhà

Trần kiên quyết “sai đốc tướng Phạm Kính Ân đi đánh lấy các động Man rồi về” [133, 18], Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư “đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu kỵ đại tướng quân” [133, 48];

các vua Trần đồng thời cũng ôn hòa trong chính sách ngoại giao khi gả công chúa cho thủ lĩnh người Man để giữ yên biên giới, giữ gìn sự thống nhất quốc gia, các vua Trần thân chinh cầm quân đánh dẹp các cuộc đánh phá và quấy nhiễu của quân Ai Lao chứ không có mục đích đánh chiếm lấy đất nước này.

Như vậy, tư tưởng về chính sách và đường lối ngoại giao thời Trần không khỏi tiến hành dưới hình thức lễ nghi như sang cống, đi sứ, dùng quan hệ hôn nhân ràng buộc… nhưng đó là tư tưởng đối ngoại tích cực và chủ động của dân tộc ta. Đó là sự mềm dẻo, khôn khéo, vừa cương vừa nhu với kẻ thù xâm lược của giai cấp thống trị nhà Trần. Tư tưởng ấy biểu hiện tinh thần kiên định, lòng quyết tâm giữ vững độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế quốc gia dân tộc Đại Việt. Nó không chỉ là chính sách nhằm xác lập chủ quyền lãnh thổ, mà còn nhằm giữ quan hệ thân thiện với các nước lân bang, láng giềng. Tư tưởng ngoại giao ấy thành công đã tạo môi trường thông thoáng, bình ổn cho sự phát triển của quốc gia Đại Việt và sự sinh tồn của nhân dân ta.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Được hình thành xuất phát từ những điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng của nước ta giai đoạn đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV, đồng thời phản ánh những nhu cầu thực tiễn của nhân dân Đại Việt dưới thời Trần trị vì, tư tưởng chính trị thời Trần đã được hình thành với những nội dung cơ bản thể hiện trong quan điểm về thể chế chính trị và tổ chức xã hội, trong quan điểm đối nội và đối ngoại của vương triều Trần. Trong đó, quan điểm về thể chế chính trị và tổ chức xã hội được cụ thể hóa thành

quan điểm về cơ cấu xã hội, quan hệ giai cấp xã hội, quyền lực chính trị của các giai tầng trong xã hội, quan điểm về cách thức tổ chức chính quyền nhà nước thời Trần từ trung ương đến địa phương và quan điểm về tổ chức và quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng sự kết hợp hài hòa giữa pháp trị và đức trị. Phân tích tư tưởng đối nội và đối ngoại trong trong tư tưởng chính trị thời Trần, có thể thấy bật lên tư tưởng yêu nước, ý thức độc lập tự chủ, tinh thần đoàn kết dân tộc, tư tưởng vương quyền và thần quyền, tư tưởng thân dân, khoan thư sức dân trong hoạt động đối nội thời Trần. Quan điểm về đường lối và cách thức tổ chức quân sự tài tình trước mưu đồ thôn tính Đại Việt của giặc ngoại xâm, quan điểm ngoại giao khéo léo của nhà Trần với chính quyền phong kiến phương Bắc và các nước láng giềng, cận bang cũng được biểu hiện trong hoạt động đối nội và đối ngoại thời Trần. Tư tưởng ấy đã chỉ đạo nhà Trần xây dựng và củng cố một bộ máy chính quyền phong kiến tập trung quan liêu có quy củ và hoàn thiện hơn so với các triều đại trước kia, thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của triều đại, thiết lập một thời kỳ “hào khí Đông A” rực rỡ.

Mặc dù có sự mô phỏng theo tư tưởng về mô hình nhà nước phong kiến Trung Hoa trong tư tưởng chính trị về cơ cấu tổ chức, quản lý xã hội, nhưng với ý thức độc lập tự chủ, với lòng yêu nước nồng nàn, giai cấp thống trị nhà Trần đã không ngừng tiếp biến và sáng tạo những tư tưởng ấy sao cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước Đại Việt, với lối sống và tâm hồn của nhân dân Đại Việt. Vì vậy, tư tưởng chính trị ấy khi được hiện thực hóa có khả năng quản lý nhân dân, tạo ra sự bình ổn và phát triển trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, chính lòng dũng cảm, nhân cách cao cả, lòng yêu dân yêu nước của các vị vua và tướng lĩnh thời Trần cũng đã làm nên tư tưởng “nhân trị”, “đức trị” ở thời kỳ này, khiến lòng dân khâm phục, tin yêu và noi theo. Đứng trước sức mạnh của kẻ thù, tư tưởng chính trị thời

Trần còn mang một nội dung quan trọng là không ngừng xây dựng và củng cố quân đội, đào tạo tướng giỏi, quân dũng, hết lòng với quốc gia, dân tộc. Với những nội dung cơ bản đó, tư tưởng chính trị thời Trần đã đáp ứng được những yêu cầu xã hội, làm cho lòng dân tin yêu vào giai cấp cầm quyền, “vua tôi đồng tâm, anh em hoà mục, cả nước góp sức” tạo nên nền văn minh Đại Việt rực rỡ và hào khí Đông A lẫy lừng qua mọi thời đại. Mặt khác, tư tưởng chính trị thời Trần còn phản ánh mối quan hệ hài hòa, chưa có sự phân biệt, ngăn cách quá rõ rệt giữa giai cấp thống trị và mọi tầng lớp nhân dân Đại Việt. Các vua Trần biết khéo léo kết hợp giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích dòng họ tôn thất, tạo nên tinh thần đoàn kết trong nhân dân, giải quyết được những mâu thuẫn trong xã hội, xây dựng một Đại Việt hùng mạnh trên mọi lĩnh vực, làm nên ba lần chiến thắng kẻ thù xâm lược Nguyên - Mông hung bạo khét tiếng toàn châu lục.

Và hơn hết, những nội dung phong phú của tư tưởng chính trị thời Trần đã không những minh chứng cho một triều đại nhà Trần đi vào thế phát triển ổn định với tư cách là một nhà nước phong kiến quy củ, có tổ chức chặt chẽ, có vị thế rõ ràng trên bản đồ thế giới, mà còn góp phần làm cho thời đại Lý - Trần trở thành một trong những thời đại vẻ vang nhất về lịch sử và rực rỡ nhất về văn hóa trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, những nội dung được thể hiện trong tư tưởng chính trị thời Trần là tư tưởng của giai cấp phong kiến, được hình thành trong một giai đoạn lịch sử nhất định nên không thể tránh khỏi những hạn chế và tiêu cực do những ảnh hưởng của thời đại và tính chất của chế độ phong kiến tập quyền quy định.

Chương 3

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 120 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)