Chương 2: NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
2.1. Tư tưởng về thể chế chính trị và tổ chức xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần
2.1.3. Tư tưởng về tổ chức và quản lý xã hội trong tư tưởng chính trị thời Trần
Tư tưởng về tổ chức và quản lý xã hội là một trong những nội dung căn bản của tư tưởng chính trị thời Trần. Tư tưởng về tổ chức và quản lý
xã hội là tư tưởng của giai cấp thống trị triều Trần nhằm điều khiển, chỉ đạo các hoạt động của xã hội theo những quy tắc tương ứng, đảm bảo cho hệ thống xã hội ấy vận động thỏa mãn nhu cầu xã hội và đạt những mục đích mà giai cấp thống trị đề ra. Trong xã hội Đại Việt thời Trần, muốn xã hội ổn định, trật tự, tạo điều kiện tiến hành các hoạt động kinh tế, văn hóa, chống ngoại xâm, thì cần đến hoạt động tổ chức và quản lý của giai cấp thống trị trong xã hội để vận hành bộ máy nhà nước ấy. Do vậy, giai cấp thống trị triều Trần cần đến tư tưởng chính trị về tổ chức và quản lý xã hội được thể hiện trên những nội dung sau:
Quan điểm về cách thức tổ chức và quản lý xã hội theo pháp luật của chính quyền phong kiến triều Trần
Thế kỷ XI đến thế kỷ XVI là thời kỳ quốc gia Đại Việt vươn tới một đất nước có quy mô rộng lớn, phục hưng mọi mặt, cơ sở kinh tế phát triển, mong muốn xây dựng một nhà nước với cơ cấu hoàn chỉnh, ổn định từ trung ương đến địa phương. Do vậy, giai cấp thống trị cần thiết chế hóa các luật lệ, nhằm tăng cường sự thống trị của giai cấp phong kiến. Cũng vì lẽ đó mà cùng với quan điểm xây dựng và hoàn thiện cơ cấu xã hội, thể chế chính trị để củng cố chính quyền trung ương tập quyền, thì quan điểm về quản lý xã hội theo pháp luật cũng ngày càng hoàn thiện. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và ổn định xã hội sau khi giành ngôi trị vì thì song song với việc hoàn thiện cơ cấu bộ máy nhà nước, chính quyền phong kiến còn phải xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật. Đặc biệt các văn bản pháp luật và pháp luật được ban hành ngày càng đóng vai trò to lớn trong xã hội, là công cụ chủ yếu trong tay nhà nước để điều chỉnh các quan hệ xã hội, quản lý xã hội, bảo đảm trật tự xã hội và lợi ích của giai cấp thống trị.
Do vậy, tư tưởng chính trị thời kỳ này đảm đương nhiệm vụ phải thể chế hóa các quan điểm về luật thành công cụ, phương tiện truyền tải tư duy
chính trị của giai cấp thống trị triều Trần vào đời sống xã hội của nhân dân Đại Việt, thể hiện ý chí của nhà nước phong kiến thời Trần và mang tính bắt buộc chung đối với toàn nhân dân.
Quan điểm chính trị này lãnh đạo nhà nước phong kiến thời Trần đề ra luật pháp, điều hành các công việc triều chính và công việc xã hội dựa trên luật pháp, bước đầu xây dựng những quan điểm pháp quyền trong tổ chức và quản lý xã hội. Do đó, nội dung các bộ luật, các chiếu chỉ được nhà Trần xây dựng và ban hành thời đó phản ánh một cách trung thực tư tưởng về tổ chức và quản lý xã hội của chính quyền phong kiến triều Trần theo pháp luật. Chịu ảnh hưởng của quan điểm chính trị đó, khi ngôi báu vừa được chuyển giao êm thắm thì song hành với các bước kiện toàn bộ máy nhà nước, năm 1230, Trần Thái Tông cho “khảo xét các luật lệ của triều trước soạn thành Quốc triều thông chế và sửa đổi hình luật lễ nghi, gồm 20 quyển” [133, 12]. Sau vài lần sửa chữa và bổ sung, nhà Trần lại cho “chép công việc của Quốc triều làm bộ Quốc triều thường lễ, 10 quyển” [133, 12]. Ngoài ra, nhà Trần lại cho định các điều về hình luật, năm 1244 “định các cách thức về luật hình” [133, 20]. Các vua Trần không ngừng biên soạn lại và cho sửa đổi luật pháp khi lên giữ ngôi vị cho phù hợp với điều kiện đất nước, nguyện vọng của nhân dân từng thời kỳ.
Đến năm 1341, vua Dụ Tông hoàng đế vừa lên ngôi đã “sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn biên soạn bộ Hoàng triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành” [133, 127]. Nhà Trần cũng nhận thức rõ vai trò của các cơ quan luật pháp, không ngừng tăng cường và hoàn thiện hơn các cơ quan như Thẩm hình viện chuyên xét xử, năm 1332 “lấy Nguyễn Trung Ngạn làm tri thẩm hình viện sự” [133, 22] , “Trung Ngạn lập Bình doãn đường xét xử ngục tụng. Không ai bị xử oan hoặc xử quá đáng” [133, 22]. Nội dung này cũng cho thấy quan điểm chính trị của thời
Trần đạt những bước tiến rõ nét. Xuất phát từ quan điểm chính trị đó, thời Trần, công việc xử kiện được chuyển giao cho cơ quan chuyên trách với quyền hạn và mức độ độc lập nhất định. Bên cạnh cơ quan xét xử hình luật, thời Trần còn có cơ quan kiểm tra giám sát việc xét xử, “xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội” [133, 22]. Đồng thời, các quan lại được tuyển chọn tham gia công việc triều chính đều thông qua thi cử, trong đó có thi về hình luật, năm 1304, nhà Trần tổ chức “thi các thủ phân (thủ phân tức là quan lại nắm việc hình pháp) hỏi phép đối án” [133, 88]. Mặc dù tư tưởng chính trị về quản lý nhà nước bằng pháp luật của nhà Trần chủ yếu bảo vệ cho quyền lợi của giai cấp thống trị cầm quyền, mang nặng tính giai cấp, nhưng song hành đó vẫn mang tính nhân văn sâu sắc. Nó hướng tới các chính sách của nhà Trần trong việc xuống chiếu giảm thuế khóa cho dân xuyên suốt các triều vua khi gặp thiên tai, đói kém, ngoại xâm. Trong việc tổ chức bộ máy quan lại, nhà Trần cũng định luật và theo đó thi hành, như
“trao phẩm cấp cho các quan văn võ theo hầu theo thứ bậc khác nhau”
[133, 8], “quy định lương bổng cho các quan làm việc trong ngoài và các quan túc vệ” [133, 20]. Đây là điểm tiến bộ trong quan điểm chính trị của nhà Trần so với nhà Lý trước đó khi nhà Lý thực hiện ban thưởng một cách tùy ý, khó tránh khỏi sự không công bằng trong quan hệ gia tộc họ hàng, tạo ra mầm mống cho những mâu thuẫn về sau.
Cũng giống như những triều đại phong kiến khác trong lịch sử, việc thể chế hóa các tư tưởng về luật của nhà Trần còn biểu hiện thông qua những chiếu chỉ của nhà vua ban xuống cho dân chúng trong thời gian trị vì. Nội dung của các chiếu chỉ tùy thuộc vào những nhu cầu xã hội đặt ra, đòi hỏi giai cấp thống trị phải giải quyết. Để phát triển kinh tế, giai cấp thống trị triều Trần quy định cụ thể chính sách thuế khóa, các văn tự giấy
tờ mua bán ruộng đất, trao đổi tài sản, thóc lúa giữa những người dân, như
“xuống chiếu rằng tất cả các đơn từ văn khế đều dùng phép in ngón tay vào nửa tờ giấy” [133, 10]; xuống chiếu các điều luật bảo vệ trâu bò và các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp; nhà nước coi việc xây dựng và sữa chữa đê điều là công việc của triều đình và của toàn dân.
Trong quan hệ xã hội, vua “xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau” [133, 100]; quan hệ tiền tệ bắt đầu xâm nhập vào pháp luật thông qua lệ chuộc tội bằng tiền được nhà nước quy định cụ thể; việc mua bán, chuyển nhượng, gán vợ con làm nô tỳ cho chủ được hợp pháp hóa và công khai. Nhằm phân tầng các giai cấp trong xã hội, nhà Trần quy định “làm đơn số hộ khẩu. Con trai lớn gọi là đại hoàng nam, con trai nhỏ gọi là tiểu hoàng nam, 60 tuổi gọi là lão, già lắm thì gọi là long lão” [133, 19]; “khai báo nhân khẩu gọi là đơn sổ, rồi căn cứ vào sổ, kê rõ các loại tông thất, văn quan văn giai, võ quan võ giai, quan theo hầu, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, già yếu, tàn tật, phụ tịch, xiêu tán... Người có quan tước, con cháu được tập ấm mới được ra làm quan, người giàu có khỏe mạnh mà không có quan tước thì sung quân đội, đời đời làm lính”
[133, 11]. Đối với tầng lớp bình dân trong xã hội, nhà Trần cũng “xuống chiếu bắt gia nô của các vương hầu, công chúa đều phải thích chữ vào trán và phải gọi theo loại hàm. Kẻ nào không thích chữ, không khai sổ bị coi là giặc cướp, lớn thì trị tội, bé thì sung công” [133, 141]. Để xã hội được trị an, dân chúng được yên bình, đồng thời đảm bảo được sự công bằng trong thi hành luật, nhà Trần từ buổi đầu xây dựng chính quyền đã “xuống chiếu các việc kiện tụng đã thành án, phải cùng quan thẩm hình viện xem xét định tội” [133, 22]. Như vậy, tư tưởng quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật đã được thể chế hóa cụ thể bằng các quy định, chiếu chỉ mang tính bắt buộc chung, làm cho luật pháp nhà Trần hoàn chỉnh và quy củ
hơn một bước so với các triều đại đi trước. Luật thành văn đã có từ triều Lý đến đây lại tiếp tục được kế thừa và phát triển. Dù chưa xuất hiện những hệ thống lý luận pháp quyền, nhưng những chính sách, những nguyên tắc luật pháp của giai cấp thống trị nhà Trần đã buổi đầu hình thành nên tư tưởng pháp quyền quan trọng trong xã hội. Tư tưởng pháp quyền ấy một mặt khẳng định và củng cố sự phân chia đẳng cấp trong nội bộ nhà Trần và trong toàn xã hội, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của giai cấp quý tộc Trần; mặt khác, nó vừa đồng thời xác nhận, bảo vệ quyền tư hữu tài sản, đặc biệt là sở hữu ruộng đất thông qua các chính sách phân cấp, ban thưởng đất đai của các vua Trần cho họ hàng tôn thất là người có công; chú trọng và bảo vệ sản xuất nông nghiệp…
Tóm lại, quan điểm chính trị về tổ chức và quản lý xã hội bằng pháp luật được nhà Trần cụ thể hóa bằng các điều luật, chiếu chỉ do vua ban hành đối với toàn nhân dân đã góp phần ổn định xã hội, phát triển kinh tế, làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt; đồng thời tạo điều kiện cho luật pháp thời Trần phát triển mạnh mẽ, hoàn chỉnh và quy mô hơn các giai đoạn trước. Đó cũng là biểu hiện thực tiễn sự phát triển của tư tưởng chính trị thời Trần. Tư tưởng chính trị đó lãnh đạo việc xét xử nghiêm túc hơn, phản ánh trình độ phát triển cao hơn của xã hội. Việc giai cấp thống trị thời Trần tổ chức biên soạn và bổ sung các bộ luật thành văn, vượt qua sự điều chế độc quyền của nhà vua thời Đinh, Tiền Lê, kế thừa và hoàn thiện việc xét xử và thi hành luật pháp thời Lý đã cho thấy sự phát triển của nhà nước trung ương tập quyền trong tổ chức và quản lý xã hội. Sự phát triển ấy hướng đến việc củng cố và xác lập sự thống trị và bảo vệ quyền lợi của tập đoàn cầm quyền bằng các hoạt động lập pháp và hành pháp; đồng thời là cơ sở cho việc ra đời bộ luật Hồng Đức thời Lê - bộ luật hoàn chỉnh nhất trong thời trung đại ở Việt Nam.
Quan điểm về đào tạo nhân sự, xây dựng đội ngũ giai cấp cầm quyền có tri thức, tài năng, đáp ứng nhu cầu xã hội
Bên cạnh đó, để duy trì sự ổn định và phát triển của bộ máy quản lý xã hội, nhà Trần còn chú trọng vào tư tưởng chính trị đào tạo nhân sự để lãnh đạo quốc gia, tuyển chọn nhân tài để sung vào các sảnh, viện giúp việc cho vua, giảng dạy cho thái tử và con cháu tôn thất nhà Trần. Quan điểm đó chỉ rõ từ Thái tử đến các quan chức đều phải lấy quá trình học tập và trau dồi đức tính làm trọng, làm cho quốc học đến thời Trần mới thực sự có tổ chức và qui củ. Đối với các tôn thất, người nắm chính quyền được bổ nhiệm phải dựa vào quan hệ nội tộc theo tinh thần “thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông phải cùng hưởng phú quí với anh em trong họ” [133, 37], cộng với quan điểm khá đặc biệt của nhà Trần là duy trì việc củng cố quyền lực của nội bộ dòng họ bằng cách cho kết hôn đồng tộc. Có thể thấy tư tưởng đào tạo nhân sự cho quốc gia dựa vào quan hệ dòng họ của nhà Trần có mặt tích cực và mặt hạn chế của nó. Mặt tích cực là tạo ra cho quí tộc nhà Trần một mối liên hệ chung về quyền lợi và nghĩa vụ, đó là bảo vệ lợi ích của dòng họ song hành cùng lợi ích quốc gia dân tộc. Các tôn thất nhà Trần muốn bảo vệ và giữ vững quyền lợi cho riêng dòng họ mình thì phải ra sức, hết lòng tham gia vào giải quyết các công việc chung của đất nước. Tuy nhiên, chỉ những người trong cùng dòng họ nắm chính quyền thì số lượng sẽ ít, chất lượng sẽ yếu, nhất là vào thời nhà Trần suy vong, các vua ăn chơi, trụy lạc, tôn thất thiếu người hiền tài. Do vậy, lực lượng tôn thất thời Trần không đủ sức quản lý toàn bộ đất nước với những công việc, những mâu thuẫn xã hội ngày càng phức tạp, gay gắt. Chính vì lẽ đó mà tư tưởng chính trị thời Trần tiếp tục thực hiện vai trò của nó trong việc lãnh đạo giai cấp thống trị triều Trần áp dụng chế độ khoa cử để kén chọn nhân tài, bổ sung vào bộ
máy quan liêu bằng phương thức lựa chọn người có tài năng trong giới nho sĩ, “thi lại viên bằng thể thức công văn gọi là bạ đầu. Người trúng tuyển được sung làm thuộc lại ở các sảnh viện” [133, 11]. Năm 1247, nhà Trần “mở khoa thi chọn kẻ sĩ. Ban cho Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên; Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn; Đặng Ma La đỗ thám hoa lang. Cho 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo thứ bậc khác nhau” [133, 21], qua khoa thi này, nhà Trần lần đầu tiên đặt Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Từ đó các khoa thi được tổ chức đều đặn và thường xuyên hơn, năm 1374 “tổ chức thi đình cho các tiến sĩ. Ban cho Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn, Trần Đình Thám đỗ thám hoa, bọn La Tu đỗ hoàng giáp cập đệ vả đồng cập đệ” [133, 157]. Nhà Trần còn tổ chức lễ tôn vinh tài năng các nho sĩ bằng “ban yến và áo xếp, cho quan chức theo thứ bậc khác nhau. Dẫn ba vị đỗ đầu đi chơi phố 3 ngày” [133, 158]. Có thể thấy, quan điểm trọng dụng nhân tài trong tư tưởng chính trị thời Trần được biểu hiện rất rõ nét. Các tôn thất nhà Trần như Trần Nguyên Đán cũng đề cao vai trò các tiến sĩ trong bài “Tứ tiến sĩ” rằng:
“Thánh chủ cầu hiền tịch lễ vi,
Hân chiêm quần phượng cửu tiêu phi.
Danh đề ngọc khuyết huyền kim bảng, Mã dược hoa cù phất cẩm y.
Lão lãn phóng dư qui Lục Dã, Mưu mô đãi nhữ nhập hoàng phi.
Thương sinh chỉ nhật đương vô tức, Biên tái vô trần ngục tụng hy.
Dịch thơ:
Khoa thi vua mở kén hiền lương,
Bay chín tầng mây cánh phượng hoàng.
Cửa khuyết bảng vàng tên rõ nét, Đường hoa áo gấm ngựa rong cương.
Yếu lười, thả tớ về đồng biếc, Tài cán, mong ngươi đến cửa vàng.
Chả mấy lúc mà dân được nghỉ,
Bụi quang biên tái, rãnh công đường.” [127, 205-206]
Thời Trần, tư tưởng giáo dục Nho học cho hàng ngũ quý tộc, tôn thất cũng được đẩy mạnh. Biểu hiện thực tiễn là nhà nước không ngừng lập các trường học để dạy các Thái tử, “lập nhà học ở phủ Thiên trường”
[133, 47]. Các nho sĩ dựa vào chế độ khoa cử mà có mặt ngày càng đông và được giao nhiều chức vụ quan trọng trong triều, vua lấy Đoàn Nhữ Hài “làm Ngự sử trung tán” [133, 76], “làm Tham tri chính sự” [133, 87]; “lấy Trần Thì Kiến làm kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ kinh sư…” [133, 75]… Quan điểm chọn quan lại cũng được Trần Nguyên Đán nêu ra là trước hết là xem phần trung chính, sau hãy xét đến văn chương. Việc nhà Trần quan tâm đào tạo nhân sự cho đất nước thể hiện tầm nhìn chiến lược của giai cấp cầm quyền trong đánh giá con người, đồng thời thể hiện bài học lịch sử trong xây dựng quốc gia là phải có đội ngũ giai cấp cầm quyền vững mạnh. Giai cấp cầm quyền nhà Trần ngoài đội ngũ quý tộc tôn thất giờ đây lại được bổ sung thêm một lực lượng được tuyển chọn thông qua chế độ khoa cử, nên phải là những người có tài năng thực sự. Mặt khác, họ đứng trên lập trường đạo Nho và tất nhiên chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, là tư tưởng mang triết lý chính trị. Do đó, họ dựa vào các chuẩn mực của Nho giáo để đề ra các kế sách chính trị phục vụ cho triều đình nhà Trần trong việc củng cố và xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến hùng mạnh, nhằm thống trị, điều hành quốc gia, dân tộc Đại Việt.