Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với việc hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 47 - 70)

Chương 1: CƠ SỞ XÃ HỘI VÀ TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN

1.2. Tiền đề lý luận hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

1.2.1. Giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với việc hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

Truyền thống văn hóa tư tưởng Việt Nam trong đó có tư tưởng chính trị được hình thành trong một điều kiện đặc biệt, đó là từ khi lập quốc, song song với công cuộc dựng nước, dân tộc ta phải đấu tranh liên tiếp chống ngoại xâm. Từ đó, lòng yêu nước, ý thức tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết chống thiên tai, chống ngoại xâm được hình thành từ sớm, tạo nên một dân tộc có ý thức tự chủ cao, đúc kết nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Tựu chung lại, tư tưởng chính trị thời Trần được hình thành xuất phát từ văn hóa bản địa truyền thống của dân tộc ta, với ba nội dung tiêu biểu là: ý thức độc lập dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết dân tộc.

Ý thức độc lập dân tộc là ý thức về chủ quyền quốc gia, là ý thức giành và giữ quyền độc lập, tự do của dân tộc, là ý thức xây dựng một quốc gia độc lập, kiên quyết đánh bại âm mưu xâm lược của kẻ thù. Từ người anh hùng làng Gióng trong buổi bình minh lịch sử, từ An Dương Vương, Hai Bà Trưng giương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ đến trận Bạch Đằng lịch sử năm 938 của Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán xâm lược,

mở đầu thời kì độc lập, tự do của đất nước đã khẳng định ý thức độc lập tự chủ của dân tộc ta có từ rất sớm. Kế thừa tinh thần hào hùng ấy, thiên anh hùng ca của lịch sử dân tộc tiếp tục ghi thêm nhiều chiến công hiển hách qua kháng chiến chống Tống thắng lợi của nhân dân Đại Việt, trong tiếng âm vang bốn cõi của bài hịch đánh giặc cứu nước, đồng thời là tuyên ngôn độc lập sau hơn ngàn năm Bắc thuộc của Lý Thường Kiệt:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên định phận tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa:

Sông núi nước Nam hoàng đế nước Nam ở, [Ranh giới ] đã phân định rạch ròi ở sách trời Sao quân giặc [kia dám] đến xâm phạm?

Bọn bay cứ thử xem, sẽ chuốc lấy bại vong.” [125, 321].

Ở đây, vấn đề độc lập chủ quyền của dân tộc đã được trịnh trọng tuyên bố một cách đanh thép, là một bước tiến dài trên con đường tự khẳng định mình, khẳng định một quốc gia độc lập, tự chủ, có vua ngang hàng với phong kiến phương Bắc, khẳng định quyền tự chủ thiêng liêng bất khả xâm phạm, bình đẳng của dân tộc ta.

Ý thức độc lập dân tộc còn được thể hiện ở việc dân tộc ta luôn bảo vệ các di sản văn hóa dân tộc, những giá trị truyền thống mà ông cha để lại. Suốt một ngàn năm Bắc thuộc, âm mưu của các thế lực phương Bắc là đồng hóa nhân dân ta về tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, văn hóa, tư tưởng với hàng loạt chính sách và biện pháp nhằm mục đích cuối cùng là biến nước ta thành quận huyện của các thế lực phong kiến phương Bắc.

Thế nhưng, “chúng ta đã từng trải qua những gian nan trong lịch sử.

Nhưng lịch sử đối với chúng ta, không phải là một gánh nặng nhọc nhằn, vì may mắn thay mà cũng kì diệu thay, chúng ta đã không bị vong thân qua lịch sử, con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã và vẫn tìm thấy bản thân trong lịch sử của mình. Đấy là cái cao diệu của chân lý bất tuyệt”

[148, 9-10]. Trong suốt một ngàn năm ấy, dù chịu sự đô hộ, áp bức, bóc lột dưới nhiều hình thức gay gắt, nhưng dân tộc ta kiên trì đấu tranh không khoan nhượng, thế hệ trước thất bại ngã xuống thì thế hệ sau đứng lên, tiếp tục giương cao ngọn cờ độc lập, tự chủ. Những chính quyền độc lập dù non trẻ được thiết lập sau các cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng, Lý Bí, Phùng Hưng… lãnh đạo đã củng cố cho tinh thần tự cường của dân tộc, làm lớn mạnh ý thức tự chủ dân tộc của nhân dân, tiếp thêm sức mạnh cho các phong trào yêu nước ngày càng mạnh mẽ và rộng lớn hơn của dân tộc ta kể từ thế kỷ X. Thời nhà Trần, quân và dân Đại Việt lại nối tiếp truyền thống ấy làm nên chiến thắng oanh liệt trước quân xâm lược Nguyên - Mông hùng mạnh khét tiếng ở hai lục địa Á, Âu, tiếp nối truyền thống tư tưởng vẻ vang của toàn dân tộc trong suốt thời kì dựng nước và giữ nước đã qua.

Thứ hai, đó là lòng yêu nước nồng nàn được truyền từ đời này sang đời khác của dân tộc ta. Lòng yêu nước của dân tộc được hình thành từ tình yêu sắc tộc, tình yêu quê hương gia đình, cộng đồng làng xã, phát triển dần lên là tư tưởng yêu nước, chủ nghĩa yêu nước. Tinh thần yêu nước của dân tộc Việt luôn gắn liền với ý thức cộng đồng dân tộc, được thể hiện song hành với lòng tự tôn dân tộc, khẳng định độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Nằm ở một vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên phong phú, Việt Nam ta có đầy đủ những tiềm năng kinh tế và vị trí quân sự chiến lược để kẻ thù muốn dòm ngó, xâm chiếm. Do vậy, dân tộc ta phải liên tiếp chiến đấu chống giặc cứu nước suốt ngàn năm Bắc thuộc và cả những giai đoạn

sau đó. Nhờ con đường trường kì kháng chiến từ đời này sang đời khác mà dân tộc ta đã xây dựng cho mình một tinh thần yêu nước thiết tha, hòa quyện với một khí phách anh dũng, giúp dân tộc ta chống Bắc thuộc, chống Tống, chống Nguyên. Yêu nước là chống thù trong, giặc ngoài để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và tự tôn ý thức độc lập dân tộc. Yêu nước không chỉ là cứu con người khỏi chiến tranh, loạn lạc mà còn là cứu con người, tức nhân dân khỏi những nỗi khổ thường nhật hằng ngày. Do vậy, yêu nước còn được thể hiện ở những tư tưởng và chính sách minh quân của giai cấp thống trị để dân được ấm no, hạnh phúc. Thời Trần, đặc biệt hơn, giai cấp quý tộc phải điều hòa mâu thuẫn giai cấp, hi sinh lợi ích của họ tộc mình để vì lợi ích dân tộc trước nhiệm vụ thiêng liêng là vừa xây dựng đất nước, vừa ba lần chống sự xâm lược của quân Nguyên - Mông hùng mạnh, do vậy mà lòng yêu nước hơn bao giờ hết được thể hiện hào hùng trong cuộc kháng chiến của dân tộc, trong tư tưởng sáng suốt của các minh quân như Trần Minh Tông khi phê phán sự bành trướng quyền bính của các Nho sĩ mặt trắng trên sân rồng, hay sự xuống cấp của bọn theo Phật quá khích, phung phí xây chùa, dựng tượng khắp nơi, hao phí tiền của của nhân dân. Lòng yêu nước còn được thể hiện trong khí tiết khảng khái của các anh hùng như Trần Quốc Tuấn yêu cầu vua chém đầu mình trước rồi hãy hàng giặc, Trần Bình Trọng bị bắt vẫn hiên ngang thà làm quỷ nước Nam chớ không làm vương đất Bắc, quân sĩ thời Trần tự mình thích vào cánh tay hai chữ “sát Thát” để tỏ rõ lòng quyết tâm đánh đuổi giặc thù… Yêu nước đồng nghĩa với yêu nhân dân, hướng con người đến cái tâm thanh tịnh, bao dung, nhân ái, các vua Trần đều tu thiền, “dĩ chúng tâm vi kỷ tâm” tức lấy cái tâm của chúng sinh làm cái tâm của mình trong hoạt động trị nước, làm tấm gương đạo đức giáo hóa cho dân chúng noi theo… Tất cả làm nên chủ nghĩa yêu nước như sợi chỉ đỏ xuyên

suốt lịch sử dân tộc, làm nên nét đặc trưng của tư tưởng chính trị thân dân thời Trần.

Thứ ba, đó là tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, cố kết toàn dân để trùng hưng sự nghiệp sáng ngời từ thuở trước. Tinh thần đoàn kết dân tộc trước hết xuất phát từ ý niệm chung về nòi giống dân tộc. Trong kho tàng văn hóa dân gian phong phú của các dân tộc trên đất nước ta, cũng có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc của mình như truyện quả bầu mẹ của người Xá, truyện đẻ đất đẻ nước của người Mường, truyện Lạc Long Quân, Âu Cơ trăm trứng đẻ trăm con của người Kinh… đều nói về nguồn gốc chung của mình, đều coi nhau như anh em một nhà. Ý thức chung nòi giống ấy được thể hiện trong văn hóa dân gian qua ca dao, tục ngữ đầy tình nghĩa của dân tộc Việt như:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Từ trong truyền thống tốt đẹp ấy, dân tộc ta đã sớm yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng chung sống và cố kết thành cộng đồng dân tộc Việt, phôi thai cho tinh thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ trong đấu tranh xây dựng và trùng hưng đất nước suốt các triều đại sau.

Tinh thần đoàn kết dân tộc còn thể hiện ra là tinh thần tương thân, tương ái phảng phất, đùm bọc nhau, yêu thương nhau giữa người với người trong xã hội. Điều đó được thể hiện trong những câu ca dao, tục ngữ nằm lòng trong mỗi người dân Việt như:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Hay:

“Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”…

Tinh thần đoàn kết giúp nhân dân ta tập trung được sức mạnh toàn dân tộc. Sức mạnh ấy giúp dân Việt thiết lập chủ quyền lãnh thổ, chống ngoại xâm, chống đồng hóa, Hán hóa, xây dựng đất nước phát triển. Đến thời Trần, bài học về tinh thần đoàn kết được vua tôi tướng lĩnh nhà Trần vận dụng triệt để. Để tạo được tinh thần đoàn kết trong nhân dân, các vua Trần sống gần gũi với nhân dân, lo với nỗi lo thiên hạ, vui với nỗi vui thiên hạ, đề ra những chính sách thân dân để tạo niềm tin cho nhân dân, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, chính trị, xã hội, đem lại ấm no cho nhân dân Đại Việt. Vì lẽ đó mà khi giặc Nguyên - Mông xâm lược, được nhà vua mời về kinh thành để hỏi kế đánh giặc, các bô lão đã đồng thanh hô vang “quyết đánh”, tinh thần ấy lan truyền khắp cả nước, tạo thành một khối đại đoàn kết quyết tâm đánh giặc, cứu nước. Bên cạnh đó, giai cấp thống trị triều Trần cũng ý thức sâu sắc rằng, muốn nên nghiệp lớn, bản thân nội bộ dòng tộc phải gắn kết chặt chẽ với nhau bằng quan hệ huyết thống, bằng lợi ích kinh tế, chính trị. Bởi vậy mà nhà Trần chủ trương kết hôn đồng tộc, đùm bọc, thương yêu, ban cấp đất đai cho các vương hầu, tôn thất, khuyên các tôn thất xem thiên hạ là của tổ tông mà nối nghiệp cùng anh em trong họ hưởng phú quý, vua và khanh lo cùng lo, vui cùng vui…

Có thể thấy, đất nước Việt Nam, con người Việt Nam với một tinh thần hòa dịu đã sớm biết bồi đắp cho vốn nhân bản của mình bằng sự tiếp cận có ý thức và chọn lọc những tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Trong tiến trình phát triển, chúng ta đã tiếp xúc, giao lưu với nhiều luồng văn hóa lớn, không chỉ khác, mà còn rất khác nhau. Trên cơ sở ý thức dân tộc và tinh thần tự cường, nhưng không bảo thủ, đóng kín, nhân dân ta đã biết kết hợp truyền thống dân tộc với cái hay, cái đẹp của những luồng tư tưởng văn hóa ngoại nhập, cải biến nó, cách tân nó,

làm cho nó trở thành giá trị văn hoá bản địa mang đậm sắc màu dân tộc Việt Nam. Văn hóa bản địa đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam là sức mạnh gắn kết các dân tộc trong nước, tạo nên một khối thống nhất qui tụ vào một chính quyền trung ương duy nhất của nhà nước quân chủ dưới các vương triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần. Vì vậy, chắc chắn, nó là một trong những tiền đề tư tưởng cho sự hình thành tư tưởng chính trị thời Trần.

1.2.2. Tư tưởng “Tam giáo” với việc hình thành tư tưởng chính trị thời Trần

Cùng với ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết dân tộc làm nên một nền văn hóa bản địa rất riêng được bồi đắp trong suốt tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thì sự du nhập của các trào lưu tư tưởng khác điển hình là Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo đã trở thành những nhân tố tinh thần tiêu biểu ảnh hưởng đến hệ tư tưởng thời kì này nói chung, tư tưởng chính trị nói riêng. Những tư tưởng tôn giáo này tạo thành những luồng tư tưởng bên ngoài được dân tộc Việt tiếp biến, làm giàu thêm cho nền tảng tư tưởng của dân tộc và thật sự trở thành tiền đề lý luận cho sự hình thành, phát triển của tư tưởng chính trị thời Trần. Trải qua không ít thăng trầm trong tiến trình du nhập lâu dài để dành chỗ đứng trong đời sống tư tưởng của người dân Việt, mỗi tôn giáo có lối đi riêng với những hình thức khác nhau, có khi ôn hòa, có khi gay gắt, đôi khi, nhất là giữa Phật và Nho có sự phủ định sự hiện diện của nhau. Tuy nhiên, ăn sâu, cắm rễ vào mảnh đất Đại Việt hòa dịu, các tôn giáo đã dần hòa mình với truyền thống bản địa của dân tộc Việt, và bản thân chúng cũng dung hợp lẫn nhau trên tinh thần “tam giáo đồng nguyên”, hình thành nên một hệ tư tưởng chi phối toàn bộ đời sống kinh tế xã hội của nhân dân ta, nhất là hệ tư tưởng chính trị.

Phật giáo được truyền vào nước ta từ rất sớm. Có nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về quá trình truyền bá này. Theo “Truyện nhất dạ trạch” trong “Lĩnh Nam trích quái” của Vũ Quỳnh và Kiều Phú, vào đời Hùng Vương thứ ba, tức khoảng năm 512 trước công nguyên, một tiểu tăng ở núi Quỳnh Viên ngoài biển đã truyền phép cho Chử Đồng Tử.

Chử Đồng Tử giảng lại đạo Phật cho Tiên Dung rồi cả hai đều tìm thầy học đạo. Như vậy theo truyền thuyết, Phật giáo vào nước ta vào khoảng cuối thế kỷ VI đến đầu thế kỷ V trước công nguyên. Học giả Nguyễn Lang lại cho rằng Phật giáo vào nước ta vào khoảng thế kỷ I, khi nước ta thuộc nội nhà Hán… Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về khoảng thời gian du nhập, nhưng các học giả đều thống nhất rằng Phật giáo đến Việt Nam chủ yếu bằng hai con đường: đường bộ từ phương Bắc xuống và đường biển theo chân những người lái buôn, những ông thầy người Ấn, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Bằng con đường du nhập như vậy mà thông qua Phật giáo, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ là một đối trọng của ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trên đất Việt, làm trung hòa ảnh hưởng khá mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa. Cùng với cơ tầng văn hóa Việt cổ, nó góp sức ngăn chặn khuynh hướng đồng hóa của văn minh Trung Hoa, đồng thời hội nhập vào văn hóa Việt, làm giàu thêm văn hóa Việt, góp phần làm nên cái khác của văn hóa Việt Nam so với văn hóa Trung Hoa. Do phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, với tư tưởng giáo lý của mình, đạo Phật dễ dàng chung sống với phong tục tập quán của nhân dân bản địa.

Thuyết “nhân quả” của đạo Phật đồng điệu với những quan niệm dân gian của người Việt như “ác giả ác báo”, “ở hiền gặp lành”,… Bên cạnh đó, thuyết “từ bi” của đạo Phật lại phù hợp với lòng nhân hậu, tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” mà thế hệ người Việt đi trước luôn

khuyên răn, dạy bảo thế hệ sau. Vì lẽ đó, tư tưởng chính trị - đạo đức của Phật giáo tỏ ra gần gũi, phù hợp với quan niệm truyền thống và phong tục tập quán của người Việt. Thái độ từ bi hỷ xã, sự tu dưỡng về thập thiện và ngũ giới mà đạo Phật đòi hỏi ở mỗi người Phật tử đã là nền tảng hình thành ở giai cấp thống trị triều Trần tình cảm xót thương với những nỗi đau khổ và cực nhọc của dân chúng, góp phần hình thành những khái niệm chính trị thân dân dưới thời Trần như: khoan hòa, nhân từ, phúc huệ.

Phật giáo cũng góp phần đưa đến cách giải quyết những vấn đề chính trị một cách khoan dung. Lịch sử còn ghi lại những vụ âm mưu cướp ngôi và nổi loạn không kết thúc bằng một vụ tàn sát tập thể, mà nhiều khi bằng sự tha thứ vốn tỏ ra hiệu nghiệm về mặt chính trị, như các vua thời Lý, Trần khoan hồng cho anh em thân tộc của mình và trả tự do cho những kẻ phản loạn. Các vua thời Lý, Trần khoan giảm hình phạt cho dân khi phạm tội, cứu đói cho dân khi mất mùa, thiên tai xuất phát từ lòng nhân ái, trắc ẩn được xây dựng từ đạo đức Phật giáo. Vì lẽ đó, Phật giáo, trong sự du nhập, phát triển của nó, đã tự uốn mình theo phong tục tập quán và chấp nhận tín ngưỡng dân gian phổ biến sẵn có thời ấy, đưa những giá trị nhân bản của mình vào tư tưởng chính trị - đạo đức của giai cấp cầm quyền, nên đã không gặp sự phản ứng nào của nhân dân mà trái lại còn phát triển khá nhanh. “Và không biết tự bao giờ, ngôi chùa đã nghiễm nhiên mọc lên như một bộ phận hữu cơ, gắn bó thân thiết với cộng đồng làng xã:

Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt” [125, 610].

Có thể thấy rằng, trước khi tiếp nhận các tôn giáo ngoại lai, tín ngưỡng người Việt cổ đã quan niệm có ông Trời, thần sấm sét, thần núi Tản Viên, thần Cây Đa… Trong đạo làm người của người Việt thì đạo thờ tổ tiên là quan trọng bậc nhất để tỏ lòng biết ơn sự sinh thành, lòng kính trọng những kinh nghiệm quí, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên để

Một phần của tài liệu Tư tưởng chính trị thời trần nội dung, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (Trang 47 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(222 trang)