Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
3.1. Những đặc điểm cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần
3.1.2. Tính thực tiễn trong tư tưởng chính trị thời Trần
Khi nghiên cứu tư tưởng chính trị thời Trần, bên cạnh tính tiếp biến thì một trong những đặc điểm khác khắc họa toàn cảnh hệ thống lý luận chính trị của nhà Trần chính là tính thực tiễn. Tính thực tiễn của tư tưởng chính trị thời Trần thể hiện rõ trên hai bình diện: thứ nhất là trên phương diện phản ánh xã hội Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XIV và thứ hai là biến những quan điểm chính trị thời kỳ này như:
lòng yêu nước, ý chí về độc lập dân tộc, chủ quyền lãnh thổ thành hành động thiết thực và cụ thể trong xây dựng thể chế nhà nước trung ương Đại Việt thời Trần, trong tổ chức quản lý xã hội, trong đối nội, đối ngoại và đặc biệt là trong công cuộc chiến đấu chống giặc Nguyên - Mông bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Tính thực tiễn biểu hiện trên phương diện phản ánh xã hội Việt Nam giai đoạn từ đầu thế kỉ XIII đến cuối thế kỷ XIV
Có thể thấy xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển và suy vong của tư tưởng chính trị thời Trần là một bức tranh khá trung thực và toàn diện bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, tư tưởng của dân tộc Đại Việt dưới sự thống trị của vương triều Trần. Là một hình thái ý thức xã hội, tư tưởng chính trị đời Trần ra đời một mặt đáp ứng nhu cầu củng cố trật tự xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng một nước Đại Việt thống nhất, độc lập, một văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhằm đánh đuổi ngoại xâm, giữ yên bờ cõi và chống lại ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai; mặt khác nó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của dân tộc Việt đương thời. Xét một cách toàn diện, nước Đại Việt thời Trần dù mang trong mình những điểm đặc thù riêng có, nhưng nhìn chung vẫn là một xã hội tiểu nông theo phương thức sản xuất châu Á điển hình, với chế độ chính trị quân chủ chuyên chế phương Đông, chế độ nô lệ không điển hình và kết cấu làng xã theo lối cổ truyền. Vì lẽ đó, dưới sự phản ánh của tư tưởng chính trị, trong bức tranh ấy, những sự kiện lịch sử như sống dậy, thể hiện rõ nét những sinh hoạt vật chất và tinh thần của giai cấp thống trị triều Trần và của toàn thể nhân dân Đại Việt.
Ứng với giai đoạn hình thành, tư tưởng chính trị thời Trần biểu hiện rõ tính thực tiễn khi phản ánh sự chuyển giao quyền lực từ triều đại nhà Lý sang nhà Trần. Xây dựng những nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị thời Trần giai đoạn này có thể kể đến vai trò cực kỳ quan trọng của Trần Thủ Độ. Nhờ vào sự thực hành pháp trị kết hợp tinh thần kiên quyết, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết của Trần Thủ Độ - đại diện cho giai cấp cầm quyền nhà Trần khi vua Thái Tông còn nhỏ tuổi, nhờ vào những quyết sách chính trị mang khuynh hướng Pháp trị, tỏ ra phù hợp với quá
trình khôi phục, củng cố, phát triển trên mọi lĩnh vực từ kinh tế đến chính trị - xã hội, từ văn hóa đến giáo dục, từ tôn giáo đến tư tưởng… đã khiến ngôi báu được chuyển vào tay dòng họ nhà Trần. Sự chuyển giao ngôi báu êm thấm là tiền đề thực tiễn thuận lợi để quyền lực thống trị của dòng họ nhà Trần được củng cố, đất nước Đại Việt được chấn hưng và dần phát triển. Có thể nói, tư tưởng chính trị Trần Thủ Độ cũng là tư tưởng chính trị chính thống của triều Trần trong thời kì đầu. Tư tưởng đó dẫn dắt triều Trần ngay ở nhiệm vụ đầu tiên là phải đánh dẹp các thế lực đối địch, xưng vương cát cứ, tiêu biểu là Nguyễn Nộn và Đoàn Thượng, để thống nhất quốc gia lãnh thổ, thu dân tộc về một mối. Với tài lược chính trị, Trần Thủ Độ nhận ra, sau mấy lần đem quân đi đánh dẹp hai thế lực ấy đều thất bại, tức dùng “cương” không được, ông chuyển sang dùng “nhu”: “chia quân chống giữ và sai sứ đem thư đến chúc mừng, gia phong Nộn làm Hoài Đạo Hiếu Vũ Vương, đưa công chúa Ngoạn Thiềm gả cho hắn để ngầm dò la tin tức” [133, 11]. Do đó, mà thế lực của Nộn ngày càng mạnh, tiêu diệt được thế lực của Thượng giúp nhà Trần bớt đi một mối lo. Và cuối cùng, do sự chơi bời vô độ, Nguyễn Nộn ốm chết, các thế lực thù địch trong nước đã không còn nữa, đất nước thống nhất dưới sự thống trị duy nhất của vương triều Trần. Việc củng cố một quốc gia không những chỉ lo thống nhất lãnh thổ mà điều thiết yếu nhất là phải thống nhất nhân tâm, củng cố lòng tin. Vì vậy, khi lên ngôi được hai năm, Trần Thái Tông cho họp các quan làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ theo thể lệ cũ của triều Lý, nhằm củng cố thêm tinh thần tín ngưỡng dân tộc; thề: “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này thần minh giết chết” [133, 10]. Để lòng người hết phân tâm và tưởng nhớ về triều Lý, Trần Thủ Độ nhân danh vua kiêng tên huý của ông tổ nhà Trần là Trần Lý, đổi họ Lý thành họ Nguyễn; đem con gái tôn thất nhà Lý gả cho tù trưởng người Mán; và
cả việc trừ diệt toàn bộ tôn thất nhà Lý, ép vua Lý tự tử…. Những hành động của Trần Thủ Độ trong việc khai sáng nhà Trần, loại trừ nhà Lý dù vẫn còn nhiều tranh cãi, chê trách, song có thể thấy ở Trần Thủ Độ một tư tưởng chính trị kiên quyết, dứt khoát trong giải quyết việc nước. Nếu cho Trần Thủ Độ là người có tội với nhà Lý, có công với nhà Trần nghĩa là chỉ nhìn lịch sử ở quan điểm hẹp hòi của triều đại chứ không biết nhìn nhận dưới khía cạnh lịch sử của cả dân tộc, người có công với dân tộc không tất nhiên cứ phải đồng thời trung thành với triều đại, nhiều khi còn phải chống với triều đại để mà cứu nước. Bởi vậy “Thái Tông có làm bài văn bia ở sinh từ để tỏ lòng đặc biệt quý mến ông. Thế nhưng cái tội giết vua và thông dâm với hoàng hậu thì khó lẩn tránh với đời sau vậy” [133, 34].
Mặt khác, tư tưởng chính trị của Trần Thủ Độ còn là tư tưởng của một nhân vật tài năng đa dạng ít ai sánh kịp nhưng không được học hành. Rút kinh nghiệm từ việc Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh mà ngôi báu nhà Lý bị mất vào tay nhà Trần, Trần Thủ Độ chủ trương cho người trong họ tộc nhà Trần kết hôn với nhau vì quan niệm không muốn ngoại tộc chiếm mất ngai vàng; bắt Trần Thái Tông bỏ Chiêu Hoàng, lấy Chiêu Thánh bấy giờ có mang Quốc Khang ba tháng với Trần Liễu để có người nối nghiệp tông đường. Những hành động đó một mặt cũng là vì nghĩa lớn của đất nước;
mặt khác cũng bộc lộ tính giai cấp trong tư tưởng chính trị thời Trần. Tính giai cấp trong tư tưởng chính trị được hiểu là giai cấp thống trị bao giờ, lúc nào cũng hướng đến bảo vệ cho sự tồn vong của dòng họ mình, bảo vệ vững chắc ngai vàng mình đang trị vì. Loại trừ, tận diệt triều đại cũ, xây dựng, kiến thiết triều đại mới bằng nhiều chính sách, suy cho đến cùng cũng là bảo vệ cho quyền lợi và địa vị của giai cấp đang thống trị trong xã hội. Tuy nhiên, thời Trần phải thực hiện song hành hai nhiệm vụ sống còn là vừa dựng nước vừa giữ nước, cho nên tính giai cấp trong tư tưởng
chính trị thời Trần bộc lộ không gay gắt mà có sự kết hợp hài hòa giữa tính thực tiễn và tính giai cấp, trong đó tính thực tiễn thể hiện nổi trội, phản ánh những nhu cầu của xã hội thời Trần, đòi hỏi sự giải quyết của tư tưởng chính trị. Và để chấn hưng đất nước, Trần Thủ Độ bắt đầu chương trình cải cách từ trung ương đến cơ sở nhằm phát triển kinh tế, chỉnh đốn lại hình pháp trên giấy tờ không tùy theo tục lệ địa phương như trước nữa, chỉnh đốn xây dựng quân đội. Bên cạnh đó, Trần Thủ Độ chủ trương lấy học thức để kén người, mở các kỳ thi kén chọn nhân tài, mở rộng khoa thi Tam Giáo nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng, đào tạo nhân sự, cung cấp cho bộ máy thống trị đương thời. Ngoài những cải cách quốc gia ấy, tư tưởng chính trị Trần Thủ Độ còn biểu hiện ở tinh thần để thiên hạ lên trên cá nhân, để quốc gia lên trên dân tộc, không cho phép một tình cảm nhu nhược nào cả. Khi Trần Liễu bị cướp vợ, tức giận nên làm phản, ông kiên quyết “giết thằng giặc Liễu” [133, 16]. Khi Trần Thái Tông xin tha tội làm loạn cho anh, Thủ Độ đã tức giận: “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào” [133, 16]. Rồi khi nhà vua muốn cử thêm anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng, Thủ Độ đã kiên quyết từ chối “nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra làm sao?” [133, 34]. Thái độ ấy là thái độ của tinh thần đặt nước lên trên nhà, lấy điều công làm trọng, điều riêng tư làm nhẹ. Thái độ ấy cũng là biểu hiện của một nhân cách của nhà chính trị bản lĩnh, trọng pháp trị. Nhìn chung lại, những cải cách trong mọi lĩnh vực và tinh thần quốc gia của Trần Thủ Độ là biểu hiện của sự hình thành và phát triển tư tưởng chính trị đời Trần. Tư tưởng chính trị mang tính thực tiễn ấy đã lãnh đạo toàn dân Đại Việt khôi phục kinh tế, chính trị, xã hội, tạo đà phát triển vững chắc, giữ thế vững vàng trước giặc ngoại xâm. Từ nền tảng tư tưởng chính trị có từ Trần Thủ Độ,
tính thực tiễn tiếp tục thể hiện trong chính sách, đường lối trị nước của vị vua đầu tiên - Trần Thái Tông. Tư tưởng chính trị của ông dẫn dắt công việc điều hành quốc gia, triều chính, đề ra chính sách kinh tế xã hội phù hợp, giảm tô thuế cho nhân dân trong hạn hán, mất mùa…, biên soạn bộ Quốc triều hình luật gồm 20 quyển để ngày càng hoàn thiện chính quyền nhà nước. Trần Thái Tông còn không ngừng tu dưỡng nhân cách, đạo đức để trở thành vị vua anh minh của nhân dân, hành động quên mình cho quốc gia dân tộc. Đồng thời với hành động phụng sự như thế, nhà vua còn chăm lo xây dựng, đào tạo nhân tài, chấn hưng giáo dục khoa cử, lập trường quốc học, “vua tự viết bài minh ban cho các hoàng tử dạy về trung, hiếu, hoà, tốn, ôn, lương, cung, kiệm” [133, 23]. Không chỉ thành công trong nội trị, tư tưởng chính trị Trần Thái Tông còn phù hợp trong chính sách ngoại giao của nhà Trần với Chiêm Thành, vừa buộc Chiêm Thành phục tùng Đại Việt, vừa giữ mối quan hệ thân tình. Đối với quân Nguyên-Mông xâm lược, vua trực tiếp làm tướng chống giặc và cùng với toàn dân tộc đã chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ nhất vẻ vang, đánh bại ý đồ thôn tính Đại Việt nhanh chóng của kẻ thù. Được bắt nguồn từ một tài trí, một nhân cách đạo đức hơn người, tư tưởng chính trị của Trần Thái Tông phù hợp với quan niệm, cách sống của nhân dân Đại Việt, phù hợp với xu thế thời đại, mang tính thực tiễn sâu sắc cho nên đã lãnh đạo hoạt động của nhân dân Đại Việt thu được những thành tựu rực rỡ; tạo nên nền móng vững chắc cho những buớc phát triển về sau.
Ứng với giai đoạn phát triển tiếp theo, giai cấp thống trị triều Trần với những vị vua anh minh, những tướng sĩ tài ba, trung thành, cộng với sự giúp việc tận tình của hàng ngũ quan lại nho sĩ nối gót vào triều thông qua chế độ khoa cử và giáo dục, đã khéo léo đề ra và thực hành đường lối
chính trị dựa trên nền tảng tư tưởng được kết hợp từ văn hóa bản địa truyền thống của dân tộc ta với những yếu tố tích cực, tiến bộ của các luồng văn hóa tư tưởng ngoại lai được du nhập Việt Nam như Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo. Trên nền tảng ấy, vua tôi, tướng lĩnh nhà Trần đoàn kết một lòng, chung sức phát triển toàn diện xã hội Đại Việt trên mọi lĩnh vực, đồng thời cũng định hình nên những nội dung và đặc điểm quan trọng, cơ bản nhất của tư tưởng chính trị thời kỳ này. Vua Trần Thánh Tông đã không chỉ giữ gìn cho Đại Việt một thế nước phát triển thịnh trị, mà còn bình an trước những hạch sách của nhà Nguyên. Tuệ Trung thượng sĩ mặc dù hiến cả cuộc đời cho Phật, nhưng khi đất nước gian nguy, ông thân chinh hai phen đánh dẹp giặc Nguyên, phò giúp nhà Trần.
Đến thời Trần Nhân Tông, thời kì dân tộc ta liên tục đấu tranh đánh đuổi lần xâm lược thứ hai và ba của đế quốc Nguyên - Mông hung bạo, cho nên tư tưởng chính trị thời kì này thể hiện tính thực tiễn rõ nét trong việc phản ánh nhận thức và vận dụng những quy luật chiến tranh giữ nước. Sự kết hợp giữa tư tưởng chính trị của Trần Nhân Tông, một “vua nhân từ hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần” [133, 44] với tư tưởng chính trị thiên tài của quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn đã làm cho lòng dân không chia, cả nước góp sức chống giặc. Tư tưởng chính trị Trần Quốc Tuấn là nền tảng cho việc xây dựng quân đội thường trực và mọi lượng vũ trang nhân dân trong thời Trần, phản ánh rõ nét những đường lối giải quyết các vấn đề thực tiễn của xã hội Đại Việt thời bấy giờ.Tính thực tiễn trong tư tưởng chính trị tiếp tục được thực hiện trong các đời vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông kế nghiệp sau này. Đại Việt sau chiến tranh đòi hỏi giai cấp thống trị không ngừng đặt ra các chính sách kinh tế - xã hội phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn, giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh, bảo vệ vững
chắc sự thống trị và quyền lợi của dòng họ nhà Trần, phát triển đất nước.
Đồng thời với nó, thời kỳ này, Nho giáo - một triết lí chính trị, đã có những ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển về tư tưởng của đông đảo tầng lớp quan liêu - những người giúp việc nòng cốt cho chính quyền nhà nước phong kiến. Tầng lớp nho sĩ ngày càng được khẳng định trong bộ máy nhà nước phong kiến thì lẽ tất yếu tư tưởng chính trị thời kì này cũng mang màu sắc Nho giáo. Nó biểu hiện trong quan niệm của tầng lớp thống trị về “xã hội lý tưởng”, dùng “đức trị” để cai quản toàn xã hội… Những nho sĩ đồng thời cũng là nhà tư tưởng, nhà chính trị. Nếu họ gặp được vị vua hiền, anh minh, thì tư tưởng của họ được sử dụng vào điều hành việc nước, đem lại những thành tựu nhất định cho xã hội như Đoàn Nhữ Hài, Trần Thì Kiến… Bằng không, những nho sĩ ấy khi gặp vị vua bất tài, ăn chơi vô độ, tư tưởng chính trị của họ cho dù tiến bộ tích cực mà không được trọng dụng cũng thành vô nghĩa như Chu Văn An, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát… nhiều lần muốn sửa đổi một số chế độ nhà Trần nhưng không được nghe theo. Những biểu hiện đi xuống của triều Trần nảy sinh, làm cho xã hội dần kém phát triển. Mâu thuẫn trong thực tiễn quyết định những mâu thuẫn trong lý luận, nhất là tư tưởng chính trị, làm cho sự phát triển của nó không còn theo chiều hướng tích cực như trước, không đủ khả năng cố kết lòng dân, tạo nên sức mạnh vĩ đại như thời kì thịnh trị của nhà Trần.
Từ đời Dụ Tông hoàng đế, cùng với những dấu hiệu suy vi của xã hội như vua không minh, tướng tài không được trọng dụng, những cải cách xã hội không được tin theo thực hiện, sự phá hoại của nạn cướp bóc trong nước và nguy cơ ngoại xâm… khiến xã hội Đại Việt rơi vào thế chao đảo.
Nhà Trần với những vị vua nhỏ tuổi, chưa đủ sức cáng đáng công việc quốc gia đại sự, với những mâu thuẫn xã hội sâu sắc không được giải