Chương 3: ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ THỜI TRẦN
3.2. Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng chính trị thời Trần
3.2.1. Ý nghĩa lý luận của tư tưởng chính trị thời Trần
Có thể thấy, tư tưởng chính trị thời Trần không phải là sự lắp ghép giản đơn, không phải là sự chắp nhặt, vay mượn ý tứ, quan điểm của người khác, dân tộc khác làm thành của mình mà sự dung hợp, tiếp biến những tư tưởng, quan điểm cũng như như quyết sách chính trị mà nhà Trần thực thi thực sự đảm bảo tính hệ thống, tính khái quát và tính lý luận của một hệ thống triết lý chính trị. Tư tưởng chính trị thời Trần không đột nhiên xuất hiện trong thời gian ngắn, mà sự hình thành, xây dựng và phát triển của nó gắn liền với quá trình phong kiến hóa xã hội Việt Nam trong suốt thời kỳ Lý - Trần, dung hợp những giá trị văn hóa bản địa và những giá trị đặc sắc của tam giáo Nho - Phật - Đạo, cải biến chúng cho phù hợp với tâm thức dân tộc Việt, nhằm đáp ứng nhu cầu phản ánh những sinh hoạt chính trị, những nhu cầu xã hội của Đại Việt thời Trần. Trên tinh thần đó, nhà Trần đã xây dựng những giá trị lý luận
chính trị mới, kế thừa những yếu tố tích cực trong đường lối trị nước của các triều đại trước về xây dựng thể chế chính quyền, mô phỏng một phần mô hình nhà nước phong kiến trung ương tập quyền phương Bắc, về quân sự, ngoại giao… Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở sự tiếp thu mà nhà Trần đã xây dựng những quan điểm chính trị lãnh đạo việc hiện thực hóa mô hình nhà nước ấy một cách chặt chẽ hơn, quy mô hơn, đưa các quan điểm quân sự, ngoại giao phát triển lên một bậc, phù hợp với thực tiễn xã hội Đại Việt dưới thời Trần trị vì. Do vậy, về mặt ý nghĩa lý luận, tư tưởng chính trị thời Trần đã góp phần xây dựng, hệ thống hóa các khái niệm, phạm trù, nguyên lý về chính trị, đạo đức, đóng góp cho sự phát triển của hệ thống lý luận chính trị Việt Nam nói riêng, cho lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung.
Thứ nhất, giai cấp thống trị triều Trần để bảo vệ ngai vàng, hay thực chất là bảo vệ cho địa vị và quyền lợi của dòng họ, thân tộc mình, hơn ai hết họ hiểu rằng, mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau với những diễn biến khác nhau trong xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa và cải biến xã hội, sẽ đặt ra những nhu cầu nhất định sao cho phù hợp với bối cảnh lịch sử ấy.
Nhìn lại lịch sử dân tộc có thể thấy, trong giai đoạn quá độ lâu dài từ một xã hội mạt kỳ nguyên thủy lên xã hội tiền nhà nước, chế độ chính trị của thời Hùng Vương là chính trị của thiểu số quý tộc đang trên bước đường tập quyền, thai nghén một chính quyền trung ương song hành với đoàn kết chống ngoại xâm. Ý thức xây dựng một chính quyền tập trung, mang tính chất của một quốc gia ấy đã làm cho nhân dân ta, dù chịu hơn nghìn năm đô hộ của phương Bắc cả về chính trị lẫn tư tưởng thời Bắc Thuộc, nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh chống âm mưu đồng hóa dân tộc ta về văn hóa và tư tưởng. Ý thức độc lập về chính trị và xây dựng chính quyền nhà nước tiếp tục được hiện thực hóa trong thời kỳ độc lập dân tộc dưới các
triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê. Sự bất ổn của xã hội sau chiến tranh, sự không thống nhất về tư tưởng và hành động, sự kém hoàn thiện về mô hình nhà nước… đã làm các các triều đại này chưa thể kéo dài sự tồn tại và thống trị của mình. Sau khi nhà Lý lên ngôi, với những cố gắng và sáng tạo trong tiếp biến cách thức xây dựng chính quyền phong kiến trung ương tập quyền ngày càng quy củ, có tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, cùng với ý thức tự giác mong muốn có một hệ tư tưởng riêng, khác biệt với thời kỳ đất nước bị nô dịch, đồng hóa văn hóa với phương Bắc đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt có một thời kỳ độc lập kéo dài, ngày càng thịnh vượng. Đó là cơ sở và động lực để triều Trần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện những phạm trù, những nguyên lý về chính trị như: tổ chức chính quyền và quan chế từ trung ương đến địa phương, quản lý nhà nước theo pháp luật, chính sách chính trị vừa cương vừa nhu, xây dựng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật ngoại giao.
Thứ hai, cùng thời điểm nhà Trần kế tục triều Lý trị vì, nhà nước phong kiến Trung Hoa ở phương Bắc đã đạt tới đỉnh cao của sự thống nhất về chính trị. Mô hình nhà nước phong kiến với chức năng quản lý xã hội của nó đã được xây dựng hoàn thành ở thời Tùy - Đường, tiếp tục được hoàn thiện ở thời Tống - Nguyên. Đó là kiểu mẫu nhà nước gián tiếp chi phối và ảnh hưởng đến các quan điểm chính trị của các quốc gia nhỏ hơn, lân cận Trung Hoa, trong đó có Đại Việt. Để duy trì và củng cố nền thống trị phong kiến, nô dịch đời sống tinh thần nhân dân lao động, trên lĩnh vực tư tưởng, giai cấp thống trị thời Tống - Nguyên đã chủ trương độc tôn Nho giáo, phản đối Pháp gia, vừa cạnh tranh, vừa kế thừa những tư tưởng của các trường phái triết học khác như Phật giáo, Đạo giáo, sáng tạo nên một hình thức mới của Nho học là Lý học, trực tiếp chi phối tư
tưởng chính trị. Trong khi đó, ở Việt Nam, sự chuyển biến tích cực của đất nước, sự khởi sắc của nền kinh tế và sự ổn định xã hội sau cuộc khủng hoảng chính trị cuối thời Lý đã chứng tỏ những chủ trương, biện pháp nhà Trần thi hành là đúng đắn, tuy nhiên, về khía cạnh đời sống tư tưởng, ý thức hệ vẫn còn bị bỏ ngỏ. Trong khi đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra cho nhà Trần là phải chuyển giao quyền lực một cách triệt để, không chỉ ở việc phế truất, nhường ngôi, mà còn ở tư tưởng tinh thần, sao cho dân chúng không còn thương tiếc triều cũ và khẳng định được nét riêng có của nhà Trần. Nhận thức được điểm yếu này, giai cấp thống trị triều Trần tiến hành một cuộc kế thừa, dung hợp và tiếp biến những tư tưởng của ba thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường thời Lý về một mối, xây dựng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chọn lọc những giá trị phù hợp của Tam giáo và tư tưởng bản địa, xây dựng những tiền đề lý luận vững chắc cho sự ra đời của tư tưởng chính trị thời Trần. Do đó, những phạm trù như: tư tưởng quân quyền, tư tưởng vua tôi hòa mục, tư tưởng lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân... được nhà Trần xây dựng đặc sắc với những nét rất riêng.
Cụ thể, đã là quan điểm chính trị thì việc đầu tiên nhà Trần quan tâm là lãnh đạo việc tổ chức và xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền. Do vậy mà các phạm trù chính trị như “tổ chức chính quyền và quan chế từ trung ương đến địa phương”, “quản lý nhà nước theo pháp luật” được nhà Trần xây dựng. Trước đó, nhà Lý kế tục cách thức tổ chức các cơ quan ở triều đình và các địa phương thời Đinh - Lê, không ngừng hoàn thiện tổ chức chính quyền nhà nước, theo đó, sự phân tầng giai cấp trong xã hội cũng ngày càng phức tạp, đa dạng hơn. Triều Lý đều dùng nhiều biện pháp nhằm tăng cường quý tộc hóa và quan liêu hóa dòng họ, tạo ra một hoàng tộc lớn để nắm các chức vụ chủ chốt của triều đình. Nhà
Trần tiếp biến quan điểm này và nâng tính chặt chẽ lên một bước khi chủ trương kết hôn đồng tộc, Vua và Thái thượng hoàng cùng nắm giữ ngôi báu. Ở địa phương, cách gọi lộ, châu, phủ thời nhà Lý chưa được thống nhất do kiểu thức quản lý và chính sách của triều đình đối với từng vùng dân cư và địa lý còn khác nhau, thể hiện tính chất tập trung của nhà Lý chưa thật triệt để. Thời nhà Trần đã tổ chức bộ máy quy củ từ trung ương đến địa phương, đặt định những chức quan cụ thể, có cả đơn vị nhỏ nhất là xã quan, đặt định lương bổng và cấp ruộng đất cho quan lại, việc mà trước đây chưa có tiền lệ. Thời nhà Lý, Phật giáo thịnh hành, chiếm ưu thế không chỉ trong đời sống tinh thần xã hội mà còn tạo ra tầng lớp tăng quan nắm giữ những vai trò nhất định trong tổ chức chính quyền. Các vua triều Lý kế thừa tổ chức tăng quan có tính chất tôn giáo và liên quan chặt chẽ với hệ thống nhà nước thời Đinh - Lê. Thời Trần, các vua Trần không chỉ sùng Phật mà còn ý thức sử dụng Phật giáo như một công cụ tư tưởng vì mục đích tu dưỡng đạo đức, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, vì lợi ích thiết thực trong bộ máy nhà nước quân chủ quý tộc, nhà Trần chủ trương phát triển Nho giáo, mở mang giáo dục khoa cử để đưa sự có mặt của đội ngũ quan liêu nho sĩ vào bộ máy nhà nước, mang thuật trị nước an dân, thượng tôn pháp luật của Nho gia vào việc ổn định xã hội, thể hiện tính tiếp biến trong tư tưởng chính trị. Giá trị về tinh thần tiếp biến trong xây dựng và tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đã làm cho tư tưởng chính trị thời Trần thực sự phát triển về chất, làm sâu sắc và mở rộng thêm về nội dung của những phạm trù, quan điểm chính trị.
Mặt khác, các vua Trần tu thiền, hành đạo theo triết lý Phật giáo nhưng đưa Nho giáo vào học thuyết chính trị, đồng thời kết hợp đức trị và pháp trị trong triết lý chính trị đã làm cho các nguyên lý chính trị dưới
thời Trần không cứng nhắc, gay gắt mà dễ thực thi, dễ đi vào đời sống chính trị - xã hội của nhân dân. Pháp gia bên Trung Quốc chủ trương nghiêm khắc nên ít ân đức, không phân biệt thân sơ, quý tiện, trách nhiệm phân chia rõ ràng, không vượt quá lẫn nhau, trọng luật pháp. Tiếp biến quan điểm đó, Trần Thủ Độ là người thực hành Pháp trị, chủ trương nghiêm minh, phân định rõ ràng giữa việc công và việc tư, giữa tình cảm thân tộc và tội trạng… để ổn định trật tự xã hội trong buổi đầu thiết lập vương triều Trần. Nhưng ở Trần Thủ Độ, biểu hiện của tư tưởng đức trị cũng xuất hiện trong việc đồng ý với Trần Thái Tông tha tội cho Trần Liễu, tin dùng người có học dù mình học vấn không nhiều,… Các vua Trần đưa ra nhiều chủ trương, luật định để ổn định, cải biến xã hội song cũng có nhiều chính sách về giảm tô thuế, phát triển nông nghiệp, trị thủy để đem lại cho nhân dân đời sống thịnh vượng, tức là thực hành đức trị.
Đặc biệt, các vua Trần mà tiêu biểu là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông luôn tu rèn đạo đức của chính bản thân, nghiên cứu tư tưởng Thiền và thực hiện nếp sống Thiền để làm tấm gương đạo đức giáo hóa dân chúng.
Chính sự tiếp biến, kết hợp những phương thức trị nước của giai cấp thống trị đã làm cho tư tưởng chính trị vừa cương, vừa nhu thời Trần có những giá trị lý luận đúng đắn, lãnh đạo thành công các hoạt động chính trị dưới triều Trần.
Bên cạnh đó, nhà nước thời Trần là nhà nước quân chủ chuyên chế, cho nên việc củng cố chế độ quân quyền và duy trì tư tưởng thần quyền là nguyện vọng cơ bản, phù hợp với xu thế của lịch sử. Trong ý thức hệ phong kiến, tư tưởng quân quyền bảo vệ cho quyền và lợi ích của nhà vua và hoàng tộc, do vậy mà tư tưởng chính trị thời Trần nhấn mạnh đến sự trung nghĩa của bầy tôi với vua và tướng lĩnh. Trần Quốc Tuấn trong Hịch tướng sĩ nêu cao tấm gương trung nghĩa của thần dân với Vua, với
nước để giáo dục tướng sĩ: “Ta từng nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu, chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than, báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước. Kính Đức một chàng tuổi trẻ, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh một bầy tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào chẳng có?...” [126, 390]. Khái niệm trung nghĩa còn được nêu ra để củng cố quan hệ vua tôi, đòi hỏi sự trung thành, hi sinh của bề tôi đối với vua, hàng năm định lệ tổ chức lễ uống máu ăn thề ở Đồng Cổ, cùng nhau đọc lời thề rằng: “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết” [133, 10] để thể hiện sự trung thành hết lòng với vua. Tư tưởng trung nghĩa còn được Trần Quốc Tuấn vận dụng trong răn dạy tướng sĩ “nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn.
Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm...” [126, 391]. Như vậy, khái niệm trung nghĩa được đưa ra để củng cố cho chế độ quân quyền nhằm kéo dài sự tồn tại của vương triều Trần, đó là lẽ tất yếu của quan điểm chính trị mà nhà Trần xây dựng, mục đích cao nhất cũng là vì lợi ích của nhà vua và hoàng tộc. Tuy vậy, nhà Trần với nhiệm vụ là xây dựng và bảo vệ đất nước song hành nên tính chất quý tộc bị pha loãng, giai cấp thống trị phải hy sinh lợi ích của mình để vì lợi ích của dân tộc, do đó mà khái niệm quân quyền được gắn chặt với khái niệm vua tôi hòa mục, cả nước nhà góp sức. Vua Trần Minh Tông xem trọng, nhấn mạnh vai trò của trăm quan, gọi họ là người hiền. Khái niệm vua tôi hòa mục còn thể hiện rõ nét trong tư tưởng thân dân của các vua và tướng lĩnh thời Trần.
Nguyên lý chính trị “dân là gốc nước”, “trọng dân”, “thân dân”,
“khoan thư sức dân”, “lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình” [126, 29] là nội dung lý luận đặc sắc nhất của tư tưởng chính trị thời Trần. Những nguyên lý này được thể hiện rõ nét trong tư tưởng chính trị thời Trần ở việc nhà Trần đề cao vai trò, vị trí và giá trị của con người trong thế giới, phê phán cái xấu xa, phi nghĩa, đi ngược với lợi ích của con người, xem nhân dân là gốc rễ của sự hưng thịnh của đất nước. Hầu hết các quan điểm chính trị của nhà cầm quyền đều lấy con người làm trọng, cầu mong cho sự an vui của con người, xem đó là mục đích tối hậu trong các quyết sách chính trị. Đây là nguyên lý chính trị hàm chứa giá trị nhân bản sâu sắc, vì thực chất, giá trị nhân bản trong tư tưởng chính trị thời Trần cũng là sự tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của dân tộc và đường lối trị nước thân dân có từ các triều đại trước.
Tinh thần tương thân tương ái từ trong truyền thống bản địa của dân tộc Việt đã khơi dậy tình yêu thương con người trong suốt chiều dài lịch sử, các anh hùng thời Bắc Thuộc như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lí Bí, Ngô Quyền… đều xót thương cho tình cảnh bị đô hộ, đồng hóa, bóc lột bởi ngoại bang mà dấy quân khởi nghĩa mong cởi ách nô lệ, giành độc lập, tự chủ cho con người, giai cấp thống trị triều Lý chuộng triết lý Thiện trong Phật giáo, chủ trương đức trị nhằm điều hòa và giải quyết những mâu thuẫn xã hội, đem lại cho con người Đại Việt một thời kỳ độc lập dài lâu, ổn định để phát triển. Bằng những thủ đoạn chính trị, nhà Trần có được vương quyền từ tay nhà Lý, nhưng nhà Trần cũng sớm nhận ra rằng, nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự hay sự hà khắc của hình pháp thôi là chưa đủ để củng cố sự vững bền của một triều đại, mà quan trọng hơn là nhà cầm quyền phải có những quyết sách chính trị thu phục nhân tâm, khiến cho dân tin yêu vào sự cầm quyền của giai cấp