Chương 1. ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2001
1.2 QUAN ĐIỂM CHỦ TRƯƠNG CỦA ĐẢNG VỀ ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2001
1.2.2 Đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động đối ngoại nhân dân
Quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996) của Đảng.
Đảng không chỉ định hướng xác định mục tiêu, mà còn rất coi trọng cơ cấu thành phần, trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng tham gia nhằm phát triển hoàn thiện các hoạt động đối ngoại nhân dân. Do đó, ngày 10/1/1992 Trung ương Đảng ban hành quyết định số 22/QĐ-TW tách “liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết,
hữu nghị Việt Nam” ra khỏi Ban đối ngoại Trung ương và xây dựng thành một tổ chức chính trị - xã hội độc lập, chuyên trách công tác đối ngoại nhân dân do Ban bí thư chỉ đạo và Chính phủ quản lý.
Thực hiện Nghị quyết trên, ngày 14/11/1992 Thủ tướng Chính phủ kí quyết định số 951-QĐ/TTg cho phép thành lập “Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam” trên cơ sở “Ủy ban Việt Nam đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước” trước đó thuộc ban đối ngoại Trung ương.
Có thể nói, đây là bước phát triển mới, cơ bản của bản thân tổ chức Liên hiệp và hoạt động đối ngoại nhân dân. Nhờ đó, hoạt động đối ngoại nhân dân sẽ có điều kiện để phát triển hơn trong giai đoạn tiếp theo.
Thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khóa VII), nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Ngày 27/7/1993 Ban Bí thư ra chỉ thị số 27-CT/TW “về nhiệm vụ và tổ chức liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị của Việt Nam”. Ban Bí thư giao cho các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam nhiệm vụ:
Một là, Góp phần tích cực mở rộng quan hệ đoàn kết, hợp tác và hữu nghị, giao lưu kinh tế, văn hóa và khoa học – kinh tế giữa nhân dân ta với các nước trên thế giới. Tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước của nhân dân ta.
Hai là, Bày tỏ sự đoàn kết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân các nước, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và giải quyết những vẫn đề có tính chất toàn cầu như bảo vệ môi trường, phòng chống một số căn bệnh nguy hiểm. tiếp tục góp phần duy trì và đổi mới các tổ chức dân chủ quốc tế đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phù hợp với tình hình mới của thế giới và điều kiện thực tế của nước ta.
Ba là, Làm đầu mối vận động, điều phối viện trợ của các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phi chính phủ và cá nhân ở các nước góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước [3, tr.1].
Theo đó, tổ chức liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách của đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực hòa bình, đoàn kết hữu nghị và vận động viện trợ nhân dân. Trong mối quan hệ chung, Liên hiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, cơ quan giúp Ban bí thư chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của liên hiệp các tổ chức hòa bình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam là Ban đối ngoại Trung ương.
Sau hơn một năm hoạt động, ngày 8/9/1994 theo đề nghị của “Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Việt Nam” Chính phủ ra văn bản đổi tên tổ chức này thành “Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam”.
Để thực hiện tốt chức năng, vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, ngày 20/9/1994 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 44/CT-TW
“Về mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân” khẳng định: “Công tác đối ngoại nhân dân là một biện pháp cấu thành công tác đối ngoại chung của nước ta”,
“từ sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, hoạt động đối ngoại nhân dân được mở rộng, góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Trên cơ sở đó, Ban Bí thư xác định mục tiêu, nhiệm vụ và phân cấp quản lý công tác đối ngoại nhân dân trong giai đoạn mới.
Về mục tiêu, Chỉ thị nhấn mạnh:
- Làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ đất nước, con người Việt Nam, chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ thiện cảm, sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước đối với công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta.
- Tăng cường tình hữu nghị, mở rộng quan hệ hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới, bày tỏ sự đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội, giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu như: Loại trừ vũ khí hoạt nhân, phòng chống bệnh AIDS, bảo vệ môi trường… Đấu tranh với những quan điểm ý đồ và hành động xấu của một số người và tổ chức nước ngoài đối với ta. Tham gia tích cực góp phần duy trì và đổi mới
hoạt động của các tổ chức quốc tế mà ta là thành viên phù hợp với tình hình mới của thế giới.
- Tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân các nước thế giới về vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý kinh tế và quản lý xã hội, đào tạo cán bộ… Việc phát triển quan hệ với các cá nhân, nhân sĩ nước ngoài, các tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, hội nghề nghiệp, quốc gia, khu vực và quốc tế phải có lợi cho các mục đích nói trên.
Các mục tiêu trên cũng chính là nhiệm vụ của công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
“Về phân cấp quản lý công tác đối ngoại nhân dân” Chỉ thị chỉ rõ: Đảng, Đoàn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, liên hiệp các tổ chức hữu nghị của Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo và quản lý các hoạt động đối ngoại nhân dân trong Mặt trận, đoàn thể, tổ chức và hội của mình cả về phương hướng, chủ trương, chính sách, kế hoạch hoạt động đối ngoại nhân dân lẫn quản lý nhân sự, định kì 3 tháng 1 lần báo cho Ban Bí thư thông qua Ban đối ngoại Trung ương Đảng. Các tỉnh ủy, thành ủy có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý hoạt động đối ngoại nhân dân địa phương mình. Ban đối ngoại Trung ương giúp Ban Bí thư theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện.
Chỉ thị cũng yêu cầu hoạt động đối ngoại nhân dân của các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ phải thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế một cách sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với khả năng từng tổ chức, đoàn thể của ta và đặc điểm từng đối tượng nước ngoài ta có quan hệ.
Như vậy, tiếp theo Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 27/7/1993 “Về nhiệm vụ và tổ chức của liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị Việt Nam”, Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/9/1994 “Về mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân”
của Ban Bí thư Trung ương Đảng thể hiện sự phát triển một bước trong nhận thức
của Đảng về vai trò, vị trí của công tác đối ngoại nhân dân trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Cho đến nay, nội dung và tinh thần của hai bản Chỉ thị này vẫn tiếp tục được quán triệt và thực hiện trong hoạt động đối ngoại nhân dân của các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành và các cấp.
Quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng về đối ngoại nhân dân, ngày 6/10/1998, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 42-CT/TW về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng”, trong đó khẳng định: “Hội hoạt động ở cấp nào, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý của chính quyền cấp đó. Cấp ủy đảng ở mỗi cấp phải chú trọng và phải có trách nhiệm tăng cường công tác lãnh đạo đối với hội cùng cấp, thông qua việc định hướng tổ chức và hoạt động của hội” [4, tr.2]. Riêng về đối ngoại, Bộ Chính trị quy định: “Ban Đối ngoại Trung ương hướng dẫn các cấp ủy và các tổ chức đảng (đã thành lập) về quy chế quản lý đối ngoại các hội và kiểm tra việc thực hiện các hoạt động đó” [4, tr.3].
Nhờ sự lãnh đạo sâu sát nói trên của Đảng, công tác đối ngoại nhân dân thời kì này được tiến hành khẩn trương với nhiều đối tượng hơn, thể hiện sinh động đường lối đối ngoại mở rộng, đa dạng hóa quan hệ của Đảng và Nhà nước. Kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần bình thường hóa quan hệ (năm 1991), khôi phục và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Trung Quốc, với Mỹ (năm 1995), gia nhập ASEAN năm 1995. Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ với tất cả các nước lớn. Đồng thời, tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt với Lào và xây dựng quan hệ tốt với Campuchia, phát triển quan hệ với các nước trong khu vực, trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN, củng cố quan hệ truyền thống với nhiều nước, từng bước đổi mới quan hệ hữu nghị với Liên Bang Nga, các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu;
mở rộng quan hệ với các nước công nghiệp phát triển, bình thường hóa quan hệ vơi Mỹ (tháng 7/1995); thiết lập và mở rộng quan hệ với nhiều nước Đông Nam Á,
Nam Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi và Mỹ Latinh; mở rộng quan hệ với phong trào không liên kết, với các tổ chức quốc tế và khu vực.
Công tác đối ngoại nhân dân có bước phát triển mới, mạnh mẽ cả về quy mô và địa bàn hoạt động, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001) ghi nhận: “Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban hòa bình và các hội hữu nghị đẩy mạnh ngoại giao nhân dân cả về quy mô và địa bàn, góp phần tích cực vào thắng lợi của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận đối ngoại” [5, tr.72].
Đặc biệt, từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (tháng 4/2001), các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức bảo vệ hòa bình thế giới và các hội hữu nghị đã mở rộng hoạt động đối ngoại cả về nội dung, phương thức, quy mô và địa bàn hoạt động. Hoạt động đối ngoại nhân dân vì thế có bước phát triển mạnh hơn trước, góp phần không nhỏ vào thắng lợi của nước ta trên mặt trận ngoại giao.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình hoạt động, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có bước phát triển khá nhanh: nếu giữa năm 1993 Liên hiệp có 37 tổ chức thành viên ở Trung ương và 20 tổ chức liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở tỉnh, thành phố thì đến đầu năm 2001đã có gần 50 tổ chức thành viên ở trung ương và 29 tổ chức liên hiệp ở tỉnh, thành phố. Đây là lực lượng quan trọng góp phần đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác đối ngoại nhân dân đi vào thực tiễn cuộc sống.