Chương 2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2011
2.3 MỞ RỘNG VÀ ĐA DẠNG HÓA HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN (2001 – 2011)
2.3.1 Phong trào hòa bình, đoàn kết và vấn đề chất độc da cam (điôxin)
Phát huy những thành tựu đã đạt được trong giai đoạn trước, quán triệt chủ trương đối ngoại của Đảng thời kỳ đổi mới, đáp ứng nguyện vọng thiết tha hòa bình của nhân dân Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2001 – 2011 Ủy ban hòa bình Việt Nam tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào hòa bình thế giới.
Ngày 14/1/2009, Ủy ban đoàn kết nhân dân Palestine, Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh, Ủy ban hòa bình Việt Nam đã ra tuyên bố lên án những hành động quân sự của Israel tại Dải Gaza. Gần đây tình hình chiến sự tại dải Gaza đã diễn ra hết sức ác liệt. Tuyên bố viết “Đặc biệt, phía Israel đã mở nhiều cuộc không kích và tấn công trên bộ vào khu vực này gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho thường dân Palestine vô tội”. Ủy ban hòa bình Việt Nam lên án những hành động quân sự nói trên và yêu cầu các bên liên quan chấm dứt ngay mọi hành động dùng vũ lực, rút hết các lực lượng quân đội của Israel khỏi rải Gaza và phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nhân đạo tiến hành các hoạt động
cứu trợ tại khu vực này… Nhân dịp này, Ủy ban hòa bình Việt Nam một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết nhân dân Palestine và gửi lời chia buồn sâu sắc và hỏi thăm ân cần tới gia đình các nạn nhân do các cuộc tấn công quân sự nói trên gây nên.
Bên cạnh việc đấu tranh vì quyền lợi chính đáng cả về chính trị và kinh tế của nhân dân Việt Nam, các đoàn thể và tổ chức nhân dân còn tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chung của các lực lượng hòa bình, dân chủ tiến bộ trên toàn thế giới, trong cuộc đấu tranh chống đói nghèo, chống thương mại bất công, bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, chống buôn bán và lạm dựng ma túy, thực hiện bình đẳng giới… Kinh nghiệm của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo, xóa mù chữ, thực hiện bình đẳng giới… luôn được bạn bè thế giới đánh giá cao. Nhiều mô hình hoạt động của ta trong các lĩnh vực này được bạn bè thế giới nghiên cứu, chấp nhận và nhân rộng ở các tổ chức và quốc gia khác.
2.3.1.2. Phong trào đoàn kết nhân dân Á – Phi – Mỹ Latinh
Đại hội nhiệm kì lần thứ V của Ủy ban đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh giai đoạn (2008 – 2013), Ủy ban đã đại diện cho Việt Nam tham gia có hiệu quả vào các diễn đàn nhân dân ASEAN, diễn đàn nhân dân Á – Âu, cụ thể là Đại hội lần thứ VIII của tổ chức đoàn kết nhân dân Á – Phi (AAPSO) vào năm 2008, Hội nghị Ban Thư ký mở rộng của (AAPSO) tại Ai Cập năm 2012, diễn đàn nhân dân ASEAN tại Campuchia năm 2012… Các thành viên của Ủy ban luôn tích cực, chủ động, linh hoạt tham gia nhiều hoạt động, vận động được bạn bè quốc tế có tiếng nói ủng hộ Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực.
Ủy ban Việt Nam đoàn kết và hợp tác Á – Phi – Mỹ Latinh đã có nhiều hoạt động thiết thực, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Á – Phi – Mỹ Latinh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân giành và bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những hoạt động này góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình đoàn kết, sự hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước Á – Phi – Mỹ Latinh.
2.3.1.3. Vấn đề chất độc da cam (điôxin)
Đây là nội dung mới của công tác đối ngoại nhân dân so với thời kỳ trước.
Thực chất đây là cuộc vận động quốc tế đòi 37 công ty Mỹ sản xuất chất độc hóa học, phần lớn là chất da cam, cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam (trong suốt 10 năm, từ năm 1961 đến năm 1971), gây chết người hàng loạt và để lại di chứng nguy hiểm cho môi trường tự nhiên và sức khỏe của các thế hệ người dân Việt Nam sau chiến tranh, phải chịu trách nhiệm về hậu quả này.
Hiện nay ước tính có khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam (điôxin), sống tập trung tại các tỉnh dọc Trường Sơn và biên giới Campuchia.
Hàng trăm nghìn người trong số đó đã qua đời. Hàng triệu người và cả con cháu của họ đang phải sống trong bệnh tật, nghèo khó do di chứng chất độc da cam.
Ngày 24/7/1998, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam với sự tham gia của nhiều đoàn thể xã hội như Hội Cựu chiến binh, Tổng Liên đoàn lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Luật gia, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Ngày 10/01/2004, Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam (VAVA) ra đời với nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi và là đại diện pháp lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Hội cũng nhiều tổ chức nhân dân, cơ quan nhà nước phát động phong trào quyên góp, mở rộng tuyên truyền quốc tế để ủng hộ nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Ngày 30/01/2004 Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam cùng một số nạn nhân đứng nguyên đơn khởi kiện tại tòa án quận Brooklyn, bang New York, Hoa Kỳ đối với 37 công ty Mỹ sản xuất chất độc hóa học cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi các công ty này bồi thường thích đáng cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ngày 25/2/2004, Hội ra tuyên bố kêu gọi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Hội và các nạn nhân trong các hoạt động vì hòa bình, công bằng, công lý.
Ngày 25/6/2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp Hội nghị Vì nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam. Hội nghị nhất trí
lấy ngày 10/8 hàng năm (ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải hóa chất độc xuống miền Nam Việt Nam – năm 1961) là Ngày cả nước hành động Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ngày 28/2/2005, tại Hà Nội, Hội Hữu nghị Việt – Pháp phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam tổ chức buổi họp báo giới thiệu Hội nghị quốc tế về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam diễn ra vào ngày 11 và 12/3/2005 tại Paris. Tại buổi họp báo, Hội Hữu nghị Việt – Pháp đã giới thiệu cuốn sách Chất độc da cam ở Việt Nam – tội ác hôm qua, thảm kịch hôm nay do Hội hữu nghị Việt – Pháp biên soạn. Cuốn sách đề cập đến nguồn gốc và bản chất của chiến tranh xâm lược Việt Nam, việc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học, những cam kết của các nhà khoa học, quy mô tổn thất trên phương diện sức khỏe cũng như môi trường. Cuốn sách còn cung cấp một vài định hướng về triển vọng đối với một số lĩnh vực: Môi trường, sức khỏe, xã hội, pháp lý… thông qua đó lên án tội ác chiến tranh của Mỹ, đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam.
Mặc dù ngày 10/3/2005 ông Thẩm phán Jack Weinstein của Tòa án Bruclyu bán đơn kiện của các nạn nhân Việt Nam, nhưng sự ủng hộ ngày càng cao của bạn bè quốc tế đã tăng thêm sức mạnh cho chúng ta trong cuộc đấu tranh này. Năm 2005, Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam đã gặp gỡ các nghị sĩ Anh.
Sau cuộc gặp đó, 28 nghị sĩ Anh cùng ký giấy kêu gọi tòa án Mỹ có phán xét công minh đối với vụ kiện này.
Năm 2006, vấn đề chất độc da cam (điôxin) đã có bước phát triển mới:
Chính quyền một số nước (như Hàn Quốc, New Zealand) chính thức công nhận vấn đề ảnh hưởng của chất độc da cam tới binh sĩ và thân nhân của họ, từ đó ban hành chính sách trợ cấp cho các đối tượng đó. Ngày 21 và 22/2/2006, các luật gia quốc tế đã Họp hội nghị ở Hà Nội nhất trí lên tiếng ủng hộ Vụ kiện nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, nhiều hoạt động xã hội, nhiều nhà khoa học đến từ New Zealand, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nga, Thụy Sĩ… đã ra lời kêu gọi khẳng định: Một số công ty hóa chất Mỹ do chạy theo lợi nhuận, đã gây nên nhiều thảm họa và dứt khoát họ phải đền bù thiệt hại cho các nạn nhân…
Đặc biệt, lần đầu tiên vấn đề nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được đưa vào tuyên bố cấp cao Việt – Mỹ trong chuyến thăm chính thức nước ta của Tổng thống Mỹ (thông qua cơ quan môi trường EPA) cung cấp khoảng 400 nghìn USD để khảo sát nhằm tiến tới tham gia khắc phục môi trường ở một trong những địa điểm bị nhiễm độc nặng ở Việt Nam. Một cơ chế đối thoại không chính thức Việt – Mỹ về vấn đề này cũng được hình thành. Đến cuối năm 2006, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam đã nhận được 12,5 triệu chữ ký của nhân dân khắp mọi miền đất nước và của nhiều bạn bè quốc tế. Qũy của Hội đã nhận được gần chục tỉ đồng từ những nhà hảo tâm trong và ngoài nước. Nhờ đó, hàng trăm căn nhà của gia đình nạn nhân được sửa chữa và làm mới, hàng trăm nghìn xuất quà tặng nạn nhân nhân dịp lễ, Tết… Đây là kết quả của một quá trình kết hợp giữa đấu tranh quyết liệt, bền bỉ, khéo léo ở cả cấp độ nhà nước và nhân dân, trong đó, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân có vai trò quan trọng. Hội thảo quốc tế có liên quan tới chất độc da cam (điôxin) do Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) chủ trì phối hợp tổ chức tại Hà Nội; các cuộc tọa đàm chuyên đề về chất độc da cam tại diễn đàn Nhân dân ASEM tại Phần Lan; những thuyết trình của các đại biểu ta về vấn đề chất độc da cam và hậu quả đối với con người và môi trường Việt Nam tại nhiều hoạt động quốc tế … là những thí dụ cụ thể về sự tham gia và đóng góp hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân và lĩnh vực này. Những tín hiệu mà chính quyền Mỹ đưa ra cũng “bật đèn xanh” cho một số tổ chức phi chính phủ Mỹ và nước ngoài khác công khai và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động ủng hộ ta trên vấn đề này. Một số tổ chức như Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, Quỹ Ford, Hội đồng phát triển hòa bình hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam… đề xuất và thực hiện các dự án riêng rẽ và có giá trị tài chính không nhỏ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này còn rất nhiều gian nan, bởi ngày 2/3/2008, Tòa án tối cao Mỹ đã công bố quyết định không xem xét đơn của các nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam và người Mỹ (các cựu chiến binh Mỹ) kiện các công ty sản xuất chất độc hóa học diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh Việt
Nam. Điều này cho thấy, đây là cuộc đấu tranh lâu dài và những người làm công tác đối ngoại nhân dân và Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Dù đường đến với công lý còn xa, nhưng những nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam đã thắng trên toà án dư luận quốc tế và hy vọng rằng thắng lợi sẽ đến với nhân dân Việt Nam (dù muộn), bởi vì đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với đạo lý và pháp luật quốc tế.
Năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, hưởng ứng phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Hội Nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia đã thực hiện chương trình nhân đạo nhắn tin từ thiện “Nỗi đau da cam”. Kết quả thu được là 7.360.603.166 đồng. Thực tế cho thấy đây là cách làm phù hợp, tiện lợi, hiệu quả cao, ý nghĩa xã hội lớn.
Sau 50 năm thảm họa da cam (10/08/1961 đến 10/08/2011) do quân đội Mỹ gây ra trên đất nước Việt Nam đến nay hậu quả để lại không chỉ khiến nhiều người phải gánh chịu nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn, trong đó hàng trăm nghìn nạn nhân chết vì những dị tật, nhiều trẻ em ra đời phải mang theo mình những dị dạng bẩm sinh… mà còn đe dọa sự phát triển bền vững về nguồn nhân lực quốc gia.
Từ khi được thành lập năm 2004 đến nay, Hội nạn nhân chất độc da cam (điôxin) Việt Nam tiếp tục là địa chỉ có nhiều việc làm thiết thực, vận động các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ các nạn nhân về vật chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các nạn nhân.