Chương 2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2011
2.2.1 Bước phát triển mới trong quan điểm, chủ trương của Đảng về đối ngoại và đối ngoại nhân dân
Với những diễn biến thay đổi mới phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và trong nước, các kì Đại hội Đảng ta tiếp tục đưa ra những chủ trương, chính sách đối ngoại nhân dân mới phù hợp với yêu cầu thực tế của đất nước.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001) tổng kết những thành tựu đạt được trong công tác đối ngoại nhân dân đã khẳng định: “Các đoàn thể nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, ủy ban hòa bình và các hội hữu nghị đẩy mạnh ngoại giao nhân dân cả về quy mô và địa bàn, góp phần tích cực vào thắng lợi của Đảng và Nhà nước ta trên mặt trận đối ngoại” [5, tr.72].
Trên cơ sở những thành tựu đó, căn cứ vào tình hình trong nước và quốc tế, Đảng đề ra phương hướng chỉ đạo cho công tác đối ngoại nhân dân những năm đầu thế kỉ XXI: “Mở rộng hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân, tăng cường quan hệ song phương và đa phương với tổ chức nhân dân các nước, nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân ta và nhân dân các nước trong khu vực trên thế giới… phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao Nhà nước,
hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân. Hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện có kết quả nhiệm vụ công tác đối ngoại, làm cho thế giới hiểu rõ hơn đất nước, con người, công cuộc đổi mới của Việt Nam, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và hợp tác ngày càng rộng rãi của thế giới”
[5, tr.122-123].
Tháng 7/2003, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa IX họp và ban hành Nghị quyết về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trong đó đề cập đến nhiều nội dung về đối ngoại, đặc biệt là ba vấn đề : Về các mâu thuẫn của thế giới hiện nay; về lợi ích của Việt Nam; về đối tượng, đối tác. Nhấn mạnh điểm cốt lõi trong hoạt động đối ngoại là “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, lấy việc giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa théo định hướng xã hội chủ nghĩa là lợi ích cao nhất của Tổ quốc” [5, tr.46-47]. Trong tư tưởng chỉ đạo công tác đối ngoại, Đảng nhấn mạnh phải kiên định nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải sáng tạo, năng động, linh hoạt về sách lược. Tại Hội nghị này, lần đầu tiên Đảng nêu rõ quan niệm mới về đối tác và đối tượng quan hệ của Đảng và Nhà nước. Theo đó, những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng cùng có lợi đều là đối tác của Việt Nam. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh…
Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương còn đưa ra một cách nhìn biện chứng về đối tượng, đối tác: “Trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta…” [5, tr.44].
Đây chính là cơ sở để Đảng, Nhà nước và nhân dân ta mở rộng và phát triển các mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh với các chủ thể quan hệ quốc tế nhằm thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ đi đôi với đa phương, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trong tình hình mới.
Đến năm 2006, trên lĩnh vực đối ngoại, chúng ta đã giành được những thành tựu đáng phấn khởi:
“Hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân phát triển mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đã giải quyết được một số vấn đề về biên giới, lãnh thổ, vùng chồng lấn trên biển với một số quốc gia; chủ động và tích cực tham gia các diễn đàn thế giới; tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế và khu vực tại Việt Nam” [6, tr.59].
Điều đó góp phần làm cho “vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tao ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp” [6, tr.67 – 68].
Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại thời kì đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) đã khẳng định:
“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực khác. Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực” [6, tr.112].
Xuất phát từ đường lối đối ngoại nói trên, Đảng đưa ra phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả” nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân với các nhiệm vụ sau:
“Tích cực tham gia các diễn đàn và hoạt động của nhân dân thế giới. Tăng cường vận động viện trợ và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung và quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công
việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam” [4, tr.113].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011), xác định phương châm của đường lối đối ngoại là “thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Điểm mới trong phương châm đối ngoại của Đại hội XI là “hội nhập quốc tế” và “thành viên có trách nhiệm”. Nội hàm này thể hiện bước trưởng thành của ngoại giao Việt Nam với sự tham gia ngày càng tích cực, chủ động, có trách nhiệm của nước ta tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hoạt động đối ngoại trên nguyên tắc “bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, “tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc”.
Trọng tâm của hoạt động đối ngoại nhân dân là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, phối hợp thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của các đoàn thể và tổ chức nhân dân. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại và thông tin trong nước. Nâng cao chất lượng hoạt động tại các cơ chế, các diễn đàn đa phương, chú trọng một số lĩnh vực như hòa bình, an ninh, chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường, chất độc da cam; thực hiện tốt sự phối hợp giữa các tổ chức nhân dân trong hoạt động đa phương nhằm bảo vệ lợi ích dân tộc và an ninh, chủ quyền quốc gia. Tăng cường công tác nghiên cứu về các đối tác và vấn đề hợp tác liên quan đến tôn giáo, nhân quyền, pháp luật, báo chí, để chủ động hơn trong đấu tranh những luận điệu xuyên tạc chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước, nâng cao năng lực tham mưu, góp ý kiến vào việc hoạch định chủ trương, chính sách có liên quan của Đảng và Nhà nước.
Đây là chủ trương có tính định hướng rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta nói chung, hoạt động đối ngoại nhân dân nói riêng, góp phần tạo nên những thành tựu tiếp theo của công cuộc đổi mới. Với những bước phát triển mới này, chúng ta càng tin tưởng chắc rằng, sự nghiệp đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ tiếp tục thu được nhiều thắng lợi mới.