Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Một phần của tài liệu ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2011 (Trang 65 - 69)

Chương 2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2011

2.3 MỞ RỘNG VÀ ĐA DẠNG HÓA HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN (2001 – 2011)

2.3.3 Công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài

Trong giai đoạn 2001 – 2011, công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài được Đảng và Nhà nước quan tâm để phục vụ tốt hơn mục tiêu phát triển kinh tế trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bởi vậy mà đã thu được nhiều thành tựu vượt bậc so với thời kì trước.

Sau Hội nghị quốc tế về hợp tác giữa Việt Nam và các TCPCPNN được tổ chức tại Hà Nội tháng 11/2003, các TCPCPNN đã có cơ hội hiểu thêm về chính sách của Việt Nam, về cơ chế phối hợp giữa các TCPCPNN với các đối tác Việt Nam. Các TCPCPNN tham gia ngày càng tích cực hơn trong việc cải thiện quan hệ đối tác giữa các đối tác Việt Nam và các TCPCPNN.

Việt Nam là nước được các TCPCPNN đánh giá thực hiện có hiệu quả các chương trình viện trợ nước ngoài thành công như chương trình giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội. Chính phủ các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Austraulia… tiếp tục tăng cường hợp tác và tài trợ cho các TCPCPNN hoạt động tại Việt Nam. Các tổ chức Liên Hợp quốc và tổ chức tài trợ đa phương như Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chương trình phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) mời các TCPCPNN tham gia dự thầu các dự án viện trợ phát triển để triển khai tại Việt Nam.

Nhìn chung, viện trợ phi chính phủ nước ngoài tiếp tục diễn ra tại 63 tỉnh thành trên cả nước năm 2001 có gần 491 TCPCPNN hoạt động tại Việt Nam. Đến năm 2009, có 770 TCPCPNN hoạt động tại Việt Nam (theo nguồn PACCOM – thống kê viện trợ các năm). Các tổ chức này chủ yếu có xuất sứ từ Bắc Mỹ (Mỹ và Canada), Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sỹ…) và một số nước thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (như Ôxtrâylia, Niu Di – lân, Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Trong số này, có trên 600 tổ chức có hoạt động thường xuyên, có dự án và cơ quan đối tác Việt Nam.

Quan hệ đối tác giữa phía Việt Nam với các TCPCPNN đã được triển khai và ngày càng mở rộng, từ cấp cơ sở và mang tính vĩ mô (các dự án được triển khai ở cấp địa phương, cộng đồng, giải quyết các vẫn đề xã hội, môi trường và cứu trợ khẩn cấp), đến cấp Trung ương và mang tính chính sách vĩ mô (như các dự án hỗ trợ xây dựng chính sách, xây dựng luật, nghiên cứu chính sách…). Theo thống kê chưa đầy đủ của PACCOM, từ năm 2000 đến năm 2009, các TCPCPNN đã tài trợ cho trên 20.000 dự án và khoản viện trợ lớn nhỏ với tổng giá trị giải ngân đạt mức trên 1,6 tỷ USD, nghĩa là khoảng 160 triệu USD/năm. Mặc dù quy mô viện trợ không lớn, nhất là so với nguồn viện trợ chính thức (ODA), song với đặc điểm là đáp ứng khá nhanh, cụ thể và trực tiếp, viện trợ của các TCPCPNN được đánh giá là đã góp phần thiết thực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, phù hợp với các ưu tiên, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một chiến lược vận động viện trợ chung ở cấp quốc gia, hiện tượng tự phát còn phổ biến, một số địa phương thiếu quan tâm tới vận động viện trợ.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 27/12/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 286/2006/QĐ-TTg về việc ban hành “Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2006 -2010” nhằm tăng cường huy động, khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo ở Việt Nam. Trong chương trình này, Chính phủ kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước ngoài vào các lĩnh vực mà các TCPCPNN có lợi thế, đồng thời hỗ trợ thực hiện các chương trình quốc gia, đó là: nông, lâm, ngư nghiệp và phát triển nông thôn; y tế, giáo dục; đào tạo, dạy nghề trong đó cần đặc biệt chú ý đến đào tạo, dạy nghề gắn với việc làm cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, người khuyết tật; giải quyết các vấn đề xã hội như giáo dục và giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật, lang thang, hỗ trợ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, xóa nhà tạm cho người nghèo. Chương trình cũng nhấn mạnh đến các dự án ở cả khu vực thành thị và nông thôn đều phải hướng tới trợ giúp đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là trẻ em mồ côi, người không nơi nương tựa, người khuyết tật.

Có thể nói, viện trợ phi chính phủ nước ngoài tuy không lớn về tiền nhưng có ý nghĩa và hiệu quả không nhỏ đối với sự phát triển ở nhiều cộng đồng, địa phương, nhất là nông thôn. Song ý nghĩa lớn nhất của loại hình viện trợ là ở chỗ không hoàn lại và được đưa tới những người nghèo nhất, có khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu của một bộ phận nhân dân và giải quyết được một số vấn đề về kinh tế - xã hội ở cấp cơ sở trong khi ngân sách nhà nước chưa đủ khả năng giải quyết và nền kinh tế thị trường không ngừng làm tăng khoảng cách giàu nghèo.

Dự án của NGO nhìn chung phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Ngoài việc giúp giải quyết khó khăn ở địa phương, một số chương trình còn góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân tự lực đi

lên. Hầu hết các NGO khi thực hiện dự án đều tôn trọng nguyên tắc ba bên: chính quyền địa phương – nhân dân – NGO, trong đó lấy nhân dân làm trung tâm của sự phát triển và sự tham gia của người dân được coi trọng ở mọi khâu ở dự án, đảm bảo viện trợ được đến trực tiếp với người dân. Các dự án đều chú ý đến tính bền vững và khả năng duy trì các hoạt động sau khi kết thúc, chủ yếu bằng cách xây dựng năng lực cho người dân, cho các tổ chức đối tác địa phương.

Do cách tiếp cận đối tượng đúng đắn nên đã tranh thủ và thu hút được nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài rất đáng kể cả về mặt tài chính cũng như thông tin, kinh nghiệm, công nghệ… Những nguồn hỗ trợ này không những phục vụ tốt cho các hoạt động của tổ chức mình mà còn góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề xã hôi, thúc đẩy phát triển đất nước. trong tổng số các chương trình dự án và giá trị giải ngân viện trợ, phần dành cho phát triển kinh tế chiếm khoảng 25%, y tế chiếm trên 25%, hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng trên 20%, bảo vệ môi trường chiếm khoảng 5% [12, tr.131].

Những thành tựu trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói riêng và công tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói chung là do sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong việc đưa ra chủ trương rõ ràng, nhất quán. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, IX, X và XI của Đảng cũng nêu rõ chủ trương, nhiệm vụ cho công tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đó là “mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế”. Chủ trương này đã đặt nền móng, tạo điều kiện để các Bộ, Ngành, địa phương, các lực lượng tham gia công tác này chủ động, tích cực xúc tiến hợp tác với các TCPCPNN cả về nội dung, hình thức, đối tượng… cũng như nâng cao hiệu quả hợp tác thông qua các hoạt động, các chương trình, dự án viện trợ nhân đạo, phát triển Việt Nam.

Thông qua việc thực hiện các chương trình, hoạt động, nhiều cá nhân và tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã lên tiếng hoặc đứng ra bảo vệ các lợi ích chính đáng của ta như đòi Mỹ phải có trách nhiệm trong việc giải quyết các hậu quả chiến tranh, phản đối các hành động sai trái của Mỹ trên các vấn đề nhân

quyền, hàng Việt Nam xuất sang Mỹ… Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân và tổ chức phi chính phủ có những hoạt động thiếu thiện chí, gây ra không ít vấn đề phức tạp cho ta. Chẳng hạn, một số NGO dựa vào nguồn tài trợ của nước họ hoặc của các thiết chế tài chính quốc tế để tìm cách đề cao họ và làm giảm ảnh hưởng của chính quyền địa phương trong việc quản lý và thực hiện dự án; một số NGO tìm cách tác động về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo, dân tộc, sắc tộc; một số dùng một phần viện trợ để tạo điều kiện cho một số NGO địa phương ra đời thay thế dần các đối tác hiện nay là chính quyền địa phương và tổ chức xã hội của ta. Trong khi đó, một số ngành và địa phương chưa coi trọng quản lý hoạt động của các NGO nước ngoài…

Một phần của tài liệu ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2011 (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)