Hoạt động hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước

Một phần của tài liệu ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2011 (Trang 59 - 65)

Chương 2. ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 2001 ĐẾN NĂM 2011

2.3 MỞ RỘNG VÀ ĐA DẠNG HÓA HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN (2001 – 2011)

2.3.2 Hoạt động hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước

Năm 2003, cuộc giao lưu gặp gỡ thanh niên hai nước Việt – Trung thành công tốt đẹp. Quan hệ Việt – Trung tiếp tục được phát triển theo phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Năm 2004, nhiều đoàn thể và tổ chức nhân dân trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn học, nghệ thuật, khoa học – công nghệ và kinh tế - thương mại tiếp tục triển khai việc trao đổi đoàn với Trung Quốc theo thỏa thuận, đồng thời ta cử nhiều đoàn tham dự các hoạt động đa phương khu vực và quốc tế do Trung Quốc đăng cai. Đến năm 2006, trong quan hệ đối ngoại nhân dân với Trung Quốc ở các lĩnh vực mặt trận, hòa bình đoàn kết, hữu nghị, văn hóa – nghệ thuật, giao lưu phụ nữ, thanh niên (kể cả giao lưu thanh niên biên giới)… đang từng bước đi vào nội dung cụ thể thiết thực hơn. Đồng thời, quan hệ hợp tác giữa nhiều tổ chức hiệp hội chuyên ngành của ta với bạn như Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông thôn, Hội Nông dân, Hội Lâm nghiệp, Hội Luật gia, Tổng hội Y Dược… đã bước đầu đi vào chiều sâu, vừa nâng cao vị thế và uy tín của hội, vừa góp phần đáng kể vào phục vụ lợi ích quốc gia.

Quan hệ đối ngoại nhân dân giữa Việt Nam và Lào được đặc biệt coi trọng và có những bước phát triển tương xứng với quan hệ đặc biệt. Các cuộc giao lưu gặp gỡ hữu nghị góp phần quan trọng vào việc củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện Việt – Lào, trong lúc cả hai nước cùng đẩy mạnh đa phương hóa, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế. Hội Hữu nghị Việt – Lào trung ương, các hội hữu nghị và câu lạc bộ hữu nghị địa phương đã phối hợp chặt chẽ, thực hiện một số chương trình hành động phong phú và có ý nghĩa thiết thực như tổ chức các đoàn thăm và làm việc lẫn nhau để bàn các nội dung hoạt động, tìm hiểu tình hình, cùng nhau giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn; tổ chức các hoạt động chào mừng ngày lễ lớn của nhau nhân các sự kiện chính trị của hai nước. Đáng kể nhất là Cuộc thi tìm hiểu “Việt – Lào trong trái tim tôi” do Hội Hữu nghị Việt – Lào phối hợp với một số cơ quan tổ chức năm 2002. Cuộc thi này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, từ nhiều vùng miền của đất nước với 2,2 triệu bài dự thi, đạt kỷ lục về số người dự thi tìm hiểu về một nước được tổ chức từ trước tới nay. Năm 2004, theo đề nghị của Lào, nhiều tổ chức và đoàn thể nhân dân ta như Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nhà báo… tăng cường

hoạt động trên tinh thần đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện trong quan hệ Việt – Lào. Năm 2006, ngoài việc triển khai thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác được ký kết giữa hai chính phủ, các tổ chức nhân dân, các hội nghề nghiệp (kể cả cấp liên hiệp và một số hội thành viên), tiếp tục hỗ trợ các tổ chức tương ứng của bạn củng cố và nâng cấp cơ sở vật chất, giúp đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kĩ năng và kinh nghiệm hoạt động, kể cả hoạt động đối ngoại.

Năm 2007, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.

Năm 2010, lần đầu tiên Hội hữu nghị Việt Nam – Lào đã đón và đài thọ toàn bộ chuyến đi thăm Việt Nam cho 10 công dân Lào từng che chở, đùm bọc, giúp đỡ quân tình nguyện Việt Nam; đón 20 cựu học sinh Lào trở lại Việt Nam thăm các trường và các thầy, cô giáo cũ Việt Nam. Các hoạt động trên đã đạt kết quả rất tốt đẹp, mang đạm dấu ấn và tình cảm anh em chân thành, sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Tại kỳ họp thứ 33 Ủy ban liên Chính phủ hai nước (4/2011) hai bên đã kí chiến lược hớp tác giai đoạn 2011 – 2020… Nhiều hoạt động chung Việt – Lào được tổ chức góp phần làm sinh động hơn mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, đáng kể nhất là cầu truyền hình “Hai chị em”, cuộc thi “Tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam” năm 2012.

Quan hệ đối ngoại nhân dân với Campuchia, cho đến hết năm 2003 nhìn chung quan hệ đối ngoại nhân dân giữa ta với bạn chủ yếu thực hiện thông qua các hoạt động lễ tân nhân dịp những ngày lễ kỷ niệm, tết cổ truyền … của nước bạn. Từ năm 2004, quan hệ nhân dân với Campuchia mới có bước khởi sắc so với các năm trước, với việc một số đoàn thể và tổ chức nhân dân ta như Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động… đã có trao đổi đoàn trực tiếp hoặc có hoạt động chung với đối tác Campuchia, tạo cơ sở cho bước phát triển cao hơn trong những năm sau. Năm 2006, quan hệ nhân dân với Campuchia có bước chuyển biến quan trọng khi cuộc gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam – Campuchia và Cuộc gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam – Campuchia được tổ chức thành công.

Cơ chế hợp tác lãnh đạo các Hội Chữ thập đỏ của ba nước Đông Dương mới được hình thành từ năm 2006 là một thử nghiệm bước đầu thúc đẩy trong quan hệ đối

ngoại giữa Việt Nam với hai nước bạn Lào và Campuchia. Ngày 3/11/2007, Hội chợ thương mại Việt Nam – Campuchia tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh, hội chợ

“Hữu nghị, hợp tác và phát triển” do Bộ quốc phòng Việt Nam, Bộ Công thương Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Campuchia tổ chức. Các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu với người tiêu dùng Campuchia những mặt hàng nông sản, thực phẩm, văn phòng phẩm, dược phẩm, vật liệu xây dựng, nhiều chủng loại tiêu dùng chất lượng cao… Tháng 4/2011, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Campuchia – Việt Nam lần hai được tổ chức tại thủ đô Phnôm Pênh là một mốc đánh dấu thời kỳ phát triển mạnh mẽ của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam – Campuchia vì lợi ích của nhân dân hai nước và sự phồn vinh của hai dân tộc.

Quan hệ song phương với các thành viên ASEAN được duy trì thường xuyên với các đối tác ở Thái Lan, Singapore, Malaixia, Inđônêxia, Brunây và Philippin song còn ở mức độ thấp. Trong khi đó, quan hệ giao lưu, hợp tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong khuôn khổ nhân dân đa phương khu vực được đẩy lên khá mạnh mẽ. Hàng chục hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên ngành khu vực như Hội nghị Công nghiệp gốm sứ Đông Nam Á, Hội nghị Hội đồng điều hành Hội Luật gia ASEAN, Hội nghị Cao su Đông Nam Á, Đại hội ngành Tiêu hóa ASEAN, Hội nghị Hiệp hội xuất bản sách Đông Nam Á… được tổ chức tại Việt Nam. Các đoàn thể và tổ chức nhân dân của ta cũng cử đại diện tham dự hàng chục hoạt động nhân dân đa phương trong khu vực về nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị (thanh niên, công đoàn, phụ nữ, nông dân…) đến các ngành chuyên môn như kỹ sư, y học, chủ tàu, thuyền viên, gạo, cà phê… Với việc chủ trì thành công hơn 100 hội nghị và sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN, Việt Nam ghi dấu ấn về một nước Chủ tịch ASEAN chủ động, tích cực, có trách nhiệm, hoàn thành tốt các mục tiêu của Hiệp hội năm 2010.

Đối ngoại nhân dân với các nước khác thuộc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc ngày một phát triển. Đặc biệt từ năm 2005 khi một số tổ chức của ta như Tổng liên đoàn lao động, Đoàn thanh niên, Phòng Thương mại và công nghiệp… đăng cai tổ chức các hoạt động bên lề tiến tới Hội

nghị cấp cao APEC. Các tổ chức nhân dân và phi chính phủ ở các nước này được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện đẩy mạnh quan hệ với các tổ chức nhân dân của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, du lịch, khôi phục và phát triển nghành nghề truyền thống. Đặc biệt, Hội nạn nhân chất độc da cam Hàn Quốc đã có nhiều ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Quan hệ nhân dân với các nước thuộc khu vực Mỹ - Latinh, do điều kiện địa lý xa cách, việc trao đổi với các đối tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Với đối tác truyền thống Cuba, quan hệ hữu nghị, hợp tác, đoàn kết giữa hai nước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Cùng với những cuộc gặp mặt truyền thống, việc lên tiếng ủng hộ Cuba, phản đối và đòi Mỹ hủy bỏ luật Torixeli và luật Hemxơ – Bơtơn xiết chặt bao vây cấm vận đối với Cuba, các cuộc vận động quyên góp ủng hộ nhân dân Cuba gạo và một số hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân của ta đã cử đoàn đi hoạt động hữu nghị và bàn khả năng hợp tác với bạn, đồng thời hỗ trợ kinh phí để đón các đoàn của bạn sang thăm và làm việc, kết hợp một số hoạt động quan trọng ở Việt Nam như Đại hội của các tổ chức nhân dân, một số hội nghị quốc tế mà ta đăng cai tổ chức. Quan hệ truyền thống với nhân dân Cuba vẫn tiếp tục được củng cố và phát triển. Chúng ta đã thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam – Vênêduêla.

Đây là một trong những động thái tích cực để thúc đẩy quan hệ song phương với nhân dân Vênêduêla nói riêng và khu vực này nói chung. Đến năm 2012, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 27 nước Mỹ Latinh, thiết lập các Ủy ban hợp tác hỗn hợp liên chính phủ với 5 nước, thiết lập các cơ chế tham khảo chính trị với 25 nước Mỹ Latinh. Trong 10 năm qua (2002 – 2012), có 9 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tới các nước Mỹ Latinh, 10 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao nhất của các nước Mỹ Latinh tới Việt Nam. Từ đó có thể thấy, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ Latinh ngày càng khăng khít, keo sơn.

Quan hệ với nhân dân các nước thuộc khu vực Châu Âu thời kì này giữ được ở mức khá cao, tần suất trao đổi đoàn tăng nhanh. Năm 2003, bên cạnh những quan hệ truyền thống, nhiều đối tác ở Pháp, Đức, Italia, Anh, Thụy Điển, Đan Mạch

thể hiện quan tâm ngày càng cao tới các vấn đề hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, nhất là vấn đề chất độc da cam, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 30 năm Giải phóng miền Nam. Trong khi đó quan hệ với phần lớn các đối tác thuộc khu vực Đông và Tây Âu chưa có bước tiến triển rõ rệt, ngoại trừ một số trường hợp quan hệ với Nga, Bungari, Rumani và Séc của Hội Hữu nghị, với Rumani của Hội Nhà văn, với Pháp của Công đoàn… Tuy nhiên, các hoạt đông đa phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại do các tổ chức nhân dân trong lĩnh vực này vẫn được duy trì tương đối tốt, do lợi ích của hai phía và do việc các hiệp hội của ta được hỗ trợ tích cực qua các chương trình xúc tiến thương mại, giúp quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, tranh thủ thông tin và kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phần bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ với các đối tác khu vực này.

Đối với khu vực Bắc Mỹ, nhất là đối với Mỹ, trong nhiều năm nay chiếm nhiều tỉ trọng đáng kể sự quan tâm của những người làm công tác đối ngoại nhân dân. Đặc biệt, năm 2003 các thế lực thù địch ở Mỹ gia tăng hoạt động chống phá Việt Nam (một số Nghị sỹ Mỹ vận động Quốc hội xem xét để thông qua dự luật sai trái về nhân quyền, tôn giáo, ra các phán quyết bất công trong quan hệ thương mại với Việt Nam…). Các tổ chức nhân dân đã phối hợp lên tiếng phê phán những việc làm sai trái trên, một số trường hợp đã cử đoàn đi Mỹ, trực tiếp vận động dư luận và đấu tranh với chính giới Mỹ, những tổ chức hữu quan như Hiệp hội Sản xuất và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) và Hội nghề cá đã phối hợp với các cơ quan chức năng nhà nước đấu tranh với phía Mỹ về các động thái quan hệ thương mại bất công.

Năm 2006, quan hệ nhân dân với Mỹ được mở rộng hơn nhờ nỗ lực của các đoàn thể nhân dân và tổ chức nhân dân hai bên và nhờ những tiến bộ đáng kể trong quan hệ chính thức trên nhiều mặt giữa hai nước. Nhiều hiệp hội doanh nghiệp (nhất là trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hàng dệt – may, giày – dép, cà phê, hồ tiêu… ) đã chủ động cử đoàn tới khu này nhằm xúc tiến thương mại, tìm hiểu và khai thác cơ hội hợp tác làm ăn kết hợp với đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho thành

viên tổ chức mình, góp phần quảng bá hình ảnh và uy tín đất nước, đem lại lợi ích cho quốc gia.

Tháng 10/2008, hai nước bắt đầu tiến hành đối thoại thường niên về các vấn đề chính trị - quân sự và đối thoại thường niên về hoạch định chính sách để tham khảo chính sách của nhau về các vấn đề chiến lược và an ninh trong khu vực.

Tháng 8/2010, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và Bộ quốc phòng Việt Nam tiến hành vòng đối thoại quốc phòng cấp cao thường niên đầu tiên, có tên gọi là Đối thoại chính sách Quốc phòng.

Có thể thấy rằng, chặng đường từ năm 2001 đến năm 2011cho thấy quan hệ hữu nghị nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước được mở rộng ở hầu khắp các địa bàn, trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, nhất là trên mặt trận chính trị - xã hội và kinh tế - thương mại, thu được nhiều kết quả quan trọng. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã được bạn bè xa gần ghi nhận và trân trọng. Đồng thời, tiếng nói của các tầng lớp nhân dân ta tại các diễn đàn quốc tế đã đóng góp một cách thích hợp vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân tiến bộ thế giới vì một thế giới hòa bình và cùng phát triển, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta giữ được chỗ đứng trong lòng bạn bè quốc tế truyền thống, tiếp tục được bạn bè tin cậy, ủng hộ.

Một phần của tài liệu ĐẢNG LÃNH ĐẠO HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TỪ NĂM 1991 ĐẾN NĂM 2011 (Trang 59 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)