TÍNH GIÁ THÀNH SẢN PHẨM
5.1. Những vấn đề chung về kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm
5.1.1.1 Khái niệm về chi phí sản xuất:
Chi phí sản xuất là tổng các hao phí về lao động sống và lao động vật hoá được biều hiện bằng tiền phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời kỳ nhất định (tháng, quý, năm).
104
5.1.1.2. Phân loại chi phí sản xuất:
Trong các doanh nghiệp sản xuất, chi phí sản xuất gồm nhiều loại có tính chất kinh tế khác nhau, mục đích và công dụng của chúng trong quá trình sản xuất cũng khác nhau, trên cơ sở đó yêu cầu và phương pháp quản lý các chi phí cũng khác nhau. Để phục vụ cho công tác quản lý sản xuất và hạch toán chi phí sản xuất cần phải tiến hành phân loại chi phí. Có nhiều tiêu thức để phân loại chi phí sản xuất, dưới đây là một số tiêu thức phân loại chi phí chủ yếu:
* Phân loại chi phí sản xuất theo yếu tố (nội dung kinh tế của chi phí):
Căn cứ vào tính chất (nguồn gốc) kinh tế của chi phí sản xuất để xếp những chi phí có chung tính chất kinh tế (nguồn gốc kinh tế ban đầu giống nhau) vào một loại (yếu tố) chi phí, không phân biệt chi phí đó phát sinh ở đâu và dùng vào mục đích gì. Vì vậy cách phân loại này toàn bộ chi phí sản xuất chia thành các yếu tố chi phí sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu: bao gồm toàn bộ giá trị các loại nguyên liệu, vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên liệu, phụ tùng thay thế, vật liệu thiết bị xây dựng cơ bản, công cụ, dụng cụ mà doanh nghiệp đã sử dụng cho hoạt động sản xuất.
- Chi phí nhân công: là toàn bộ số tiền lương, tiền công phải trả, tiền trích BHXH, BHYT, KPCĐ của công nhân và nhân viên hoạt động sản xuất trong doanh nghiệp.
- Chi phí khấu hao TSCĐ: là toàn bộ số tiền trích khấu hao TSCĐ sử dụng cho sản xuất của doanh nghiệp.
- Chi phí dich vụ mua ngoài: là toàn bộ số tiền mà doanh nghiệp chi trả về các dịch vụ mua từ bên ngoài: tiền điện, tiền nước, tiền bưu phí điện thoại,... phục vụ cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Chi phí khác bằng tiền:
Bao gồm toàn bộ chi phí khác dùng cho hoạt động sản xuất ngoài 4 yếu tố trên như: chi phí tiếp khách, phí, lệ phí...
* Phân loại chi phí sản xuất theo mục đích và công dụng của chi phí:
Theo cách phân loại này thì chi phí sản xuất được xếp thành một số khoản mục nhất định có công dụng kinh tế khác nhau để phục vụ cho yêu cầu tính giá thành và phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành.
Theo quy định hiện nay thì chi phí sản xuất sản phẩm bao gồm 3 khoản mục:
- Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp: Bao gồm chi phí nguyên vật liệu chính, vật liệu phụ, nhiên
liệu sử dụng vào mục đích sản xuất sản phẩm. Không tính vào khoản mục này những chi phí nguyên vật liệu sử dụng vào mục đích chung và những hoạt động ngoài sản xuất.
- Chi phí nhân công trực tiếp: Bao gồm chi phí về tiền lương, tiền ăn ca, số tiền trích BHXH, BHYT, KPCĐ của công nhân trực tiếp sản xuất.
- Chi phí sản xuất chung: Là những chi phí dùng cho hoạt động sản xuất chung ở phân xưởng, đội trại sản xuất ngoài hai khoản mục chi phí trực tiếp trên và bao gồm:
+ Chi phí nhân viên: Phản ánh các chi phí liên quanvà phải trả cho công nhân viên phân xưởng: tiền lương, tiền công, tiền ăn ca, các khoản phụ cấp, trích BHXH, BHYT, KPCĐ theo lương của nhân viên quản lý: nhân viên kế toán, thống kê, thủ kho, tiếp liệu, công nhân vận chuyển, công nhân sữa chữa phân xưởng.
+ Chi phí vật liệu: Phản ánh chi phí vật liệu dùng chung cho phân xưởng như vật liệu dùng cho sữa chữa, bảo dưỡng TSCĐ, vật liệu văn phòng phân xưởng và những vật liệu dùng chung cho nhu cầu của phân xưởng.
+ Chi phí dụng cụ sản xuất: gồm chi phí dụng cụ dùng cho nhu cầu sản xuất chung ở phân xưởng: khuôn mẫu, dụng cụ gá lắp, dụng cụ cầm tay, dụng cụ bảo hộ lao động, ván khuôn, giàn giáo trong xây dựng.
+ Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh toàn bộ số tiền khấu hao TSCĐ sử dụng ở các phân xưởng: khấu hao máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, nhà xưởng, vườn cây lâu năm, súc vật làm việc.
+ Chi phí dịch vụ thuê ngoài: Phản ánh chi phí dịch vụ mua từ bên ngoài để phục vụ cho để phục vụ cho hoạt động sản xuất ở phân xưởng, đội sản xuất như chi phí về điện nước, khí nén, hơi đốt, chi phí điện thoại, fax.
+ Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí bằng tiền ngoài những chi phí nêu trên phục vụ cho nhu cầu sản xuất chung của phân xưởng, đội sản xuất.
* Theo mối quan hệ với khối lượng sản phẩm công việc, lao vụ sản xuất trong kỳ:
Chi phí sản xuất gồm:
- Chi phí biến đổi (biến phí) là chi phí có thể thay đổi về tổng số, tương quan tỷ lệ thuận với sự thay đổi khối lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ. Thuộc loại này có chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp.
- Chi phí cố định (định phí) là chi phí không thay đổi tổng số khi có sự thay đổi khối lượng sản phẩm sản xuất như chi phí khấu hao TSCĐ theo phương pháp bình quân, chi phí điện thắp sáng, ...
Cách phân loại này có tác dụng lớn trong công tác quản trị kinh doanh, phân tích điểm hoà vốn và phục vụ cho việc ra quyết định quản lý cần thiết để hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh doanh.
* Phân loại chi phí sản xuất theo phương pháp tập hợp chi và mối quan hệ với đối tượng chịu chi phí:
Chi phí sản xuất chia làm 2 loại:
- Chi phí trực tiếp: là những chi phí sản xuất có liên quan trực tiếp đến việc sản xuất ra một loại sản phẩm hoặc trực tiếp thực hiện một lao vụ, dịch vụ nhất định, những chi phí này kế toán căn cứ vào chứng từ gốc để ghi trực tiếp cho đối tượng chịu chi phí.
106
- Chi phí gián tiếp: là những khoản chi phí sản xuất có liên quan đến nhiều loại sản phẩm sản xuất nhiều công việc lao vụ thực hiện, những chi phí này kế toán phải tiến hành phân bổ cho các đối tượng có liên quan theo tiêu thức thích hợp.
5.1.2. Giá thành và các loại giá thành
5.1.2.1. Khái niệm về giá thành sản phẩm:
Giá thành sản phẩm là tổng số biểu hiện bằng tiền của các hao phí về lao động sống và lao động vật hóa tính cho một khối lượng sản phẩm nhất định đã hoàn thành.
5.1.2.2. Các loại giá thành sản phẩm:
Để cho việc nghiên cứu và quản lý tốt giá thành sản phẩm, kế toán cần phân biệt các loại giá thành. Có hai cách phân loại giá thành chủ yếu sau:
* Phân loại giá thành theo thời gian và cơ sở số liệu tính giá thành:
Theo cách phân loại này, giá thành sản phẩm chia làm 3 loại:
- Giá thành kế hoạch: là giá thành sản phẩm đựơc tính trên cơ sở chi phí sản xuất kế hoạch, và sản lượng kế hoạch. Giá thành kế hoạch do bộ phận kế toán doanh nghiệp xác định trước khi tiến hành sản xuất. Giá thành kế hoạch là mục tiêu phấn đấu của doanh nghiệp, là căn cứ để phân tích tình hình thực hiện kế hoạch giá thành.
- Giá thành định mức: là giá thành được tính trên cơ sở định mức chi phí hiện hành và chỉ tính cho một đơn vị sản phẩm. Việc tính giá thành định mức cũng thực hiện trước khi tiến hành sản xuất, chế tạo sản phẩm. Giá thành định mức là công cụ quản lý định mức của doanh nghiệp, là thước đo chính xác để xác định kết quả sử dụng tài sản, vật tư, lao động giúp cho việc đánh giá đúng đắn các giải pháp kinh tế kỹ thuật mà doanh nghiệp đã thực hiện trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
- Giá thành thực tế: là giá thành sản phẩm được tính trên cơ sở số liệu chi phí sản xuất thực tế đã phát sinh tập hợp trong kỳ và sản lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất trong kỳ. Giá thành thực tế chỉ tính toán được sau khi kết thúc quá trình sản xuất sản phẩm. Giá thành thực tế là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp, là cơ sở để xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
*Phân loại giá thành theo phạm vị tính toán:
Theo cách phân loại này giá thành được chia làm 2 loại:
- Giá thành sản xuất còn gọi là giá thành công xưởng bao gồm: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung tính cho sản phẩm, lao vụ, công việc hoàn thành. Giá thành sản xuất được sử dụng để ghi sổ kế toán thành phẩm nhập kho hoặc giao cho khách hàng và là căn cứ để tính giá vốn hàng bán, lãi gộp ở các doanh nghiệp sản xuất.
- Giá thành toàn bộ: bao gồm giá thành sản xuất và chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp tính cho sản phẩm đó. Giá thành toàn bộ của sản phẩm là căn cứ để tính toán xác định kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
5.1.3. Mối quan hệ giữa chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm
Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền của toàn bộ các khoản hao phí về lao động sống và lao động vật hoá có liên quan đến khối lượng công tác, sản phẩm, lao vụ đã hoàn thành.
Về thực chất, chi phí và giá thành là 2 mặt khác nhau của quá trình sản xuất. Chi phí sản xuất phản ánh mặt hao phí sản xuất còn giá thành sản phẩm phản ánh mặt kết quả sản xuất. Giá thành sản phẩm là biểu hiện bằng tiền toàn bộ các khoản chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra bất kể ở kỳ nào nhưng có liên quan đến khối lượng công việc, sản phẩm đã hoàn thành trong kỳ.