Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
2.3.2. Các yếu tố khách quan
Các yếu tố khách quan là những yếu tố tồn tại bên ngoài ý thức của chủ thể và đối tượng GDPL nhưng có tác động, ảnh hưởng tới kết quả, hiệu quả GDPL cho chính đối tượng. Các yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng tích cực (góp phần làm gia tăng chất lượng, hiệu quả GDPL) hoặc ảnh hưởng tiêu cực (dẫn tới suy giảm hiệu quả GDPL cho đối tượng). Trong công tác GDPL cho PN, các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hiệu quả GDPL bao gồm: điều kiện kinh tế; môi trường giáo dục cải tạo, lao động, học tập, sinh hoạt trong TG; chính sách và tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước đối với PN.
2.3.2.1. Điều kiện kinh tế
Kinh tế là điều kiện tiên quyết, có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với chất lượng, hiệu quả công tác GDPL nói chung, GDPL cho PN trong các TG nói riêng. Về cơ bản, có thể nhìn nhận, đánh giá sự ảnh hưởng của điều kiện kinh tế đối với GDPL cho PN trong các TG trên các phương diện sau:
a) Từ phía Nhà nước
Hiện nay, kinh phí phục vụ các mặt hoạt động của các TG, trong đó có GDPL cho PN, chủ yếu lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và được bảo đảm trong dự toán kinh phí hàng năm của Bộ Công an. Kinh tế phát triển, nguồn thu ngân sách nhà nước gia tăng nhanh, bền vững là động lực quan trọng thúc đẩy công tác GDPL cho PN diễn ra với kết quả, hiệu quả cao hơn. Với tiềm lực kinh tế đủ mạnh, Nhà nước có điều kiện kinh tế để đầu tư kinh phí nhiều hơn cho hoạt động của các TG, trong đó có việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật phục vụ GDPL cho PN. Chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng mà Nhà nước dành cho đội ngũ cán bộ TG trực tiếp làm công tác GDPL cho PN có tác dụng động viên, khích lệ họ hăng hái, nhiệt tình hơn với nhiệm vụ được giao. Ngược lại, điều kiện kinh tế
còn khó khăn, nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư cho hoạt động của TG hạn hẹp sẽ là trở ngại lớn đối với các mặt hoạt động của trại giam, trong đó có công tác GDPL cho PN.
b) Từ phía các trại giam
Mọi hoạt động của TG hầu như phụ thuộc vào nguồn kinh phí được phân bổ từ ngân sách nhà nước. Là cơ quan thi hành án phạt tù, TG có một trong những nhiệm vụ là tiếp nhận, tổ chức quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân, bao gồm cả công tác GDPL cho PN. Điều kiện kinh tế nói chung, nguồn kinh phí được cấp nói riêng có ảnh hưởng rất quan trọng tới các mặt hoạt động nghiệp vụ của TG và công tác GDPL cho PN. Nguồn kinh phí được cung cấp đầy đủ, kịp thời là điều kiện để các TG đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất (phòng học, thư viện, tủ sách pháp luật, học liệu, thiết bị âm thanh...) phục vụ công tác GDPL cho PN; chi trả thù lao thỏa đáng cho các cộng tác viên bên ngoài và những cán bộ giáo dục trực tiếp lên lớp giảng bài cho PN. Điều đó có ảnh hưởng tích cực tới việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này. Còn nếu điều kiện kinh tế không cho phép, nguồn chi ngân sách cho GDPL eo hẹp thì TG không đủ khả năng đầu tư cho hoạt động GDPL; do đó, hoạt động này khó mà đạt được kết quả như mong muốn.
c) Về phía đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác giáo dục pháp luật
Điều kiện kinh tế cũng có tác động quan trọng tới những cán bộ trực tiếp làm công tác GDPL cho PN. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện và nâng cao, đội ngũ CBGDPL có điều kiện tập trung nghiên cứu, tìm hiểu, tự trang bị thêm thông tin, kiến thức pháp luật mới; đầu tư thời gian, công sức để soạn bài, xây dựng giáo án điện tử, chuẩn bị các bài tập trắc nghiệm, tình huống pháp lý thực tiễn trước khi lên lớp giảng bài cho PN, tạo ra những giờ giảng hấp dẫn, lý thú, thu hút PN.
Đây là điều kiện tiên quyết để CBGDPL nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chỉ khi thu nhập của CBGDPL bảo đảm được nhu cầu vật chất của bản thân và gia đình thì họ mới yên tâm công tác, chấp hành kỷ cương, điều lệnh công an nhân dân, tận tâm, tận lực với công tác GDPL cho PN.
Còn khi điều kiện kinh tế chưa được đảm bảo, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn thì đội ngũ CBGDPL khó có thể tập trung toàn tâm, toàn ý với công tác GDPL cho PN. Như vậy, để công tác GDPL cho PN trong các TG thực sự đạt được hiệu quả, có chiều sâu thì vấn đề có tính chất nền tảng trước tiên phải giải
quyết chính là nâng cao đời sống vật chất của đội ngũ cán bộ trại giam nói chung, cán bộ trực tiếp làm công tác GDPL cho PN nói riêng.
đ) Về phía phạm nhân trong các trại giam
Phạm nhân là những người tham dự và thụ hưởng thành quả công tác GDPL dành cho họ cả trong quá trình chấp hành án phạt tù cũng như sau khi mãn hạn tù, trở về với đời sống cộng đồng. Điều kiện kinh tế, đời sống vật chất trong TG có ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động học tập pháp luật của họ. Việc Nhà nước, lãnh đạo TG quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất của TG ngày càng tiện nghi, đầy đủ hơn chính là nhằm bảo đảm cho cuộc sống, lao động, học tập, sinh hoạt của PN. Với điều kiện kinh tế gia đình khá giả, thân nhân có điều kiện định kỳ thăm gặp, hỗ trợ thêm kinh phí, khích lệ, động viên tinh thần PN sẽ giúp họ yên tâm tư tưởng, phấn đấu học tập, cải tạo tốt. Còn điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, người thân ít có cơ hội thăm gặp PN thì dễ khiến họ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tinh thần học tập pháp luật.
2.3.2.2. Môi trường giáo dục cải tạo, lao động, học tập, sinh hoạt trong các trại giam
Toàn bộ quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù, từ ăn, mặc, ở, học tập, lao động, chăm sóc sức khỏe (trừ những giờ lao động bên ngoài TG) cho đến các sinh hoạt khác đều diễn ra trong TG; bởi vậy, môi trường giáo dục cải tạo, lao động, học tập, sinh hoạt trong TG có ảnh hưởng rất quan trọng tới hoạt động chấp hành án nói chung, hoạt động học tập pháp luật của PN nói riêng. Sống trong môi trường TG, PN bị tước, bị hạn chế một số quyền công dân, phải thực hiện những nghĩa vụ bắt buộc đối với họ, trong đó có việc học tập pháp luật. Sự cưỡng chế trong khuôn khổ trại giam đối với nhiều hoạt động của PN sẽ làm hình thành ở họ cảm giác ân hận, day dứt lương tâm, không bằng lòng với bản thân; thậm chí là rơi vào trạng thái tâm lý nặng nề, tự sống khép kín, xa lánh những PN xung quanh, tự ti, mặc cảm với tội lỗi mà mình đã gây ra trước đây. Trong bối cảnh đó, nếu môi trường giáo dục cải tạo, lao động, học tập, sinh hoạt trong TG đáp ứng tốt những nhu cầu cuộc sống thường ngày của PN thì sẽ có tác động, ảnh hưởng tích cực đối với họ. Cảnh quan môi trường TG xanh, sạch, đẹp; điều kiện ăn, mặc, ở được bảo đảm theo quy định pháp luật; được tham gia các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, đọc sách báo, xem tivi; tham gia lao động không cảm thấy gò bó, cưỡng bức, mà coi đó là việc làm cần thiết và có ích, đạt mục tiêu “ấm cái bụng, thông cái đầu”...
chính là những nhân tố quan trọng cần phải được tạo ra trong môi trường TG nhằm giúp cho PN có được tinh thần lạc quan, vui vẻ, yên tâm với việc chấp hành án phạt tù. Tạo ra một môi trường giáo dục cải tạo, lao động, học tập, sinh hoạt trong TG với việc duy trì trật tự, kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh nhưng vẫn biểu hiện bầu không khí thân thiện, nhân ái, khoan dung theo phương châm “lạt mềm buộc chặt”
cũng có nghĩa là tạo cho PN thói quen suy nghĩ, nếp sống và hành động theo lẽ phải, sống, học tập, lao động sao cho có ích. Tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng tích cực đối với công tác GDPL cho PN trong các TG.
2.3.2.3. Chế độ, chính sách và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân trong các trại giam
Chế độ, chính sách của Nhà nước đối với PN là sự thể chế hóa quan điểm đối xử của Nhà nước ta đối với những người bị kết án phạt tù nhằm bảo đảm hiệu quả của công tác thi hành án phạt tù, giáo dục, định hướng PN trở thành người có ích cho xã hội.
Chính sách của Nhà nước đối với người đang chấp hành hình phạt tù trong trại giam không chỉ thể hiện nguyên tắc trừng trị đối với người đang chấp hành bản án, “trong thời gian chấp hành hình phạt, người bị kết án tù phải bị giam giữ, phải lao động và học tập theo quy định của pháp luật”, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Trong thời gian chấp hành bản án, họ được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, được bảo đảm về đời sống vật chất và tinh thần [39, tr.3].
Chế độ, chính sách của Nhà nước đối với PN có ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác GDPL cho họ, bởi vì nội dung của chế độ, chính sách có liên quan đến mọi mặt đời sống của họ trong TG; bao gồm chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, phòng và khám chữa bệnh cho PN; chính sách về lao động, học tập;
chính sách về thăm, gặp, nhận quà, gửi thư, bưu kiện, bưu phẩm và liên lạc bằng điện thoại với thân nhân; chính sách về khiếu nại, tố cáo; chính sách về khen thưởng, kỷ luật; chính sách về tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án, đặc xá đối với PN... Việc học tập, tìm hiểu để nắm bắt, hiểu rõ những chế độ, chính sách đó sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy PN chủ động, tích cực tham gia chương trình GDPL dành cho họ theo phương châm: biết để chấp hành tốt, biết để phấn đấu theo các tiêu chí được nêu trong chính sách với mục tiêu được giảm án, được đặc xá. Khi mục tiêu đã được xác định một cách rõ ràng dựa trên sự hiểu biết đầy
đủ, cụ thể về chế độ, chính sách của Nhà nước đối với PN thì đó đồng thời là động cơ phấn đấu của mỗi PN.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân có tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng sâu sắc hơn đến sự nỗ lực, phấn đấu học tập pháp luật của PN.
Tổ chức thực hiện chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân là hoạt động của lực lượng cảnh sát trại giam, sử dụng tổng hợp các biện pháp công tác để áp dụng các quy định của Nhà nước về chính sách đối với phạm nhân nhằm bảo đảm quyền và nghĩa vụ của họ, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành án phạt tù [39, tr.5].
Nếu việc tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm tính công khai, công bằng, minh bạch và bảo đảm áp dụng thống nhất tại tất cả các phân trại, các TG thì sẽ có tác dụng động viên, khích lệ tinh thần, tư tưởng của PN; tạo dựng cho họ niềm tin đối với việc thực hiện chính sách. Đến lượt mình, niềm tin lại trở thành động cơ để PN tích cực học tập pháp luật và thực hiện pháp luật về thi hành án hình sự. Ngược lại, việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách thiếu nhất quán, có sự chủ quan, tùy tiện, thiếu công bằng sẽ làm mất đi niềm tin trong phạm nhân. Khi đó, hoạt động học tập pháp luật của họ sẽ trở nên miễn cưỡng, đối phó, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công tác GDPL cho PN trong các TG.
2.4. GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO PHẠM NHÂN TRONG CÁC NHÀ TÙ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO/BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Qua tìm hiểu, có thể thấy rằng, trên thế giới hiện nay đang tồn tại 02 mô hình chủ yếu về giáo dục cải tạo nói chung, GDPL nói riêng cho phạm nhân: 1) Mô hình giáo dục cải tạo thông qua chế độ lao động cưỡng bức đối với PN; đồng thời, tạo điều kiện để PN tự GDPL. Các nước theo mô hình này ít dành sự quan tâm đối với hoạt động GDPL cho tù nhân, hầu như không có các hoạt động chuyên biệt dành riêng cho GDPL; mà chủ yếu tạo cho PN những cơ hội, điều kiện nhất định để tự tìm hiểu pháp luật, điển hình là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Brazil. 2) Mô hình tổ chức các hoạt động GDPL dành cho PN bằng những hình thức đa dạng, điển hình như Hồng Kông (Trung Quốc), các nước Đông Nam Á. Trong tiết này, tác giả lần
lượt trình bày về GDPL cho phạm nhân ở từng nước, nhóm nước và gắn liền với mỗi nước, nhóm nước sẽ rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.