Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
2.4.3. Giáo dục pháp luật cho phạm nhân trong các trại giam ở Hồng Kông, Trung Quốc
Cục Trại giam Hồng Kông là cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự của Hồng Kông. Trong thực thi nhiệm vụ thi hành án hình sự của mình, Cục TG Hồng Kông đã xác định và quyết tâm theo đuổi 5 tiêu chí nghề nghiệp của mình là liêm chính, chuyên nghiệp, nhân văn, kỷ luật và kiên định, được thể hiện đầy đủ trong các quy định của pháp luật. Làm việc một cách liêm chính và chuyên nghiệp để đem lại cho cộng đồng những điều tốt đẹp, đồng thời, Cục TG cam kết mang lại những cơ hội tốt nhất cho PN để bắt đầu một cuộc đời mới sau khi mãn hạn tù. Chỉ những nỗ lực từ phía chính quyền không thôi thì chưa đủ để hoàn thành mục tiêu đặt ra nên Cục TG Hồng Kông đã xác định 04 yếu tố quan trọng cho việc tái hòa nhập cộng đồng của PN là: chất lượng quản lý giam giữ, chất lượng giáo dục cải tạo toàn diện, quyết tâm của PN và sự hỗ trợ của cộng đồng. Điều làm nên chất lượng giáo dục cải tạo PN là GDPL cho họ thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Từ năm 1993, Cục TG Hồng Kông đã triển khai Chương trình gặp gỡ PN như một phần của chiến dịch phòng chống tội phạm trong cộng đồng và tuyên truyền pháp luật cho PN. Thanh niên và học sinh được thăm TG, nói chuyện với các PN để chia sẻ kinh nghiệm. Chương trình này có nhiều mục tiêu, như giúp phòng chống tội phạm vị thành niên thông qua việc tìm hiểu của những người tham gia về hậu quả của tội phạm; truyền tải thông điệp về giáo dục cải tạo PN và kêu gọi sự chấp nhận, ủng hộ của cộng đồng đối với PN; tuyên truyền pháp luật, giúp PN thể hiện được hình ảnh tích cực của bản thân và sự tự tin qua việc trò chuyện, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm, lời khuyên... Theo thống kê, tính đến ngày 04/7/2011 Chương trình đã thu hút trên 51.700 học sinh và thanh niên thăm các TG, tạo nên
“hiệu quả kép” trong giáo dục nói chung, GDPL nói riêng.
Từ cuối năm 2003 đến năm 2005, Cục TG Hông Kông đã tổ chức 20 diễn đàn tại tất cả 18 quận của Hồng Kông với tên gọi “Diễn đàn sinh viên - những lựa chọn trong cuộc đời”, thu hút sự tham gia của 3.300 sinh viên. Những diễn đàn này tạo cơ hội cho giới trẻ tiếp xúc, trao đổi với PN về những hậu quả mà hành vi phạm
tội gây ra; các sinh viên luật có điều kiện tư vấn, giới thiệu những nội dung pháp luật cần thiết cho PN. Diễn đàn được xây dựng để hỗ trợ và tư vấn nhằm tăng thêm nghị lực cho những người kiên quyết chống lại việc phạm tội và sử dụng chất ma túy. Vào tháng 3/2010, một diễn đàn khác có quy mô lớn hơn được tổ chức cho 2.500 học sinh, sinh viên, giáo viên và các tình nguyện viên đến từ 32 trường học, trường đại học. Với chủ đề phòng chống sử dụng chất ma túy nơi học đường, từ sự tiếp xúc, trò chuyện với PN, sinh viên được hiểu biết nhiều hơn về những hậu quả do tội phạm và lạm dụng các chất kích thích gây ra.
Cục TG Hồng Kông còn phát động Dự án “Học tập không ngừng đối với phạm nhân” có sự kết hợp với một số trường đại học nhằm giúp PN theo đuổi giáo dục đại học. Trong Dự án có một chương trình mang tên “Mùi vị của đại học” đã được tổ chức 05 lần ở nhiều TG từ năm 2005 đến nay. Giảng viên các trường đại học được mời đến giảng bài cho PN về nhập môn 10 môn học được dạy ở bậc đại học, trong đó có cả các môn học về pháp luật. Tính đến cuối năm 2010 đã có 254 PN tham gia chương trình này. Cục TG Hồng Kông còn tổ chức “Giải thưởng Cầu vồng về đọc sách” với sự tham gia của cán bộ TG, giảng viên đại học các tổ chức phi chính phủ làm việc tình nguyện nhằm động viên, khuyến khích PN có thói quen đọc sách. Theo chương trình, các giảng viên đại học sẽ lựa chọn sách, tài liệu đọc cho PN, bao gồm các sách về văn học, khoa học, pháp luật...; các PN sau khi đọc sách sẽ viết bài thu hoạch; các tình nguyện viên sẽ chấm bài, đánh giá và cho điểm bài thu hoạch của PN. Đây là những sáng kiến có sự phối hợp với các cơ quan giáo dục trong giáo dục cải tạo PN. Năm 2010, tổng cộng có 166 PN trong các TG tham gia “Giải thưởng Cầu vồng về đọc sách” và thu về được 268 bài thu hoạch. Bằng hình thức này, tri thức, hiểu biết nói chung, hiểu biết pháp luật nói riêng của PN đã gia tăng đáng kể.
Để triển khai đồng bộ các sáng kiến và chiến lược huy động sự tham gia của cộng đồng vào công tác giáo dục cải tạo PN thì cần thiết phải có một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tâm và có năng lực. Với mục đích nâng cao chất lượng đội ngũ CBGDPL cho PN, Cục TG Hồng Kông đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nói chung, GDPL nói riêng, cung cấp các bài giảng cho các cán bộ TG, cho những người trực tiếp làm công tác GDPL cho PN để cung cấp cho họ những thông tin, kiến thức mới nhất về tâm lý học, tội phạm học, luật học, các kỹ năng nghiệp vụ
sư phạm, tư vấn pháp luật, tư vấn về các nghề nghiệp ngoài xã hội cho PN... Từ đó, giúp đội ngũ CBGDPL của TG triển khai các công việc giáo dục cải tạo PN phù hợp và hiệu quả.
Cục TG Hồng Kông xác định: để động viên, khích lệ PN chủ động, tích cực trong giáo dục cải tạo, học tập pháp luật thì gia đình PN là một trong những chủ thể tác động đáng kể nhất. Trong khi PN đang chấp hành án phạt tù trong TG thì việc duy trì kênh liên lạc gia đình - PN dựa trên các cuộc thăm gặp, thư từ hay điện thoại là rất quan trọng. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người thăm gặp PN là những người già yếu, phụ nữ có thai hay người khuyết tật thì Chương trình thăm gặp qua video đã được Cục TG Hồng Kông sử dụng từ tháng 4/2001. Các TG ở vùng xa xôi được kết nối với trung tâm thành phố qua hệ thống nghe - nhìn;
PN ở những nơi này có thể duy trì liên lạc với các thành viên của gia đình mình mà họ không cần phải vất vả, mất nhiều thời gian đi lại để đến tận TG nơi vùng xa để thăm gặp [xem: 33].
Bằng việc tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ, tiếp xúc giữa những học sinh, sinh viên, giảng viên đại học với PN trong TG, Cục TG Hồng Kông đã tạo ra được “hiệu quả kép” trong GDPL: vừa đạt mục tiêu nâng cao hiểu biết pháp luật cho PN để họ chấp hành án phạt tù trong TG, có thể trở thành người tốt sau khi ra tù; vừa giúp các đối tượng xã hội khác có cơ hội hiểu cuộc sống trong TG, hiểu được các quy định pháp luật để tự kiềm chế, không phạm tội, góp phần hạn chế tội phạm ngoài xã hội.
Bài học kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo là:
- Tăng cường tổ chức các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa PN trong TG với sinh viên các trường đại học, đặc biệt là sinh viên chuyên ngành luật, cảnh sát, an ninh, nhằm đối thoại, tư vấn về pháp luật cho PN; đồng thời giúp sinh viên có hiểu biết thực tế về TG.
- Đặt hàng giảng viên các Trường Đại học Luật, Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát chuẩn bị một số chuyên đề pháp luật gắn với thực tiễn xã hội và phù hợp với nội dung GDPL cho PN; sau đó, định kỳ mời những giảng viên này đến giảng bài cho PN trong các TG; giúp PN có cơ hội “nếm trải mùi vị đại học” ngay trong TG, tạo sự hưng phấn cho họ trong quá trình GDPL.
- Tạo điều kiện cho những PN có nhiều tiến bộ trong giáo dục cải tạo được tiếp cận Internet, gặp gỡ thân nhân qua các chương trình Video...