Chương 2 THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO CẢM QUAN NHO GIÁO
2.2. Bàn luận chuyện người xưa trên lập trường Nho giáo
2.2.1. Nh ững người đáng trọng
Du nhập vào nước ta, Nho giáo đã liên tục gieo rắc tư tưởng trọng nam khinh nữ. Phụ nữ bị trói buộc trong khuôn mẫu tam tòng tứ đức khắt khe. Trong khi đó, đàn ông lại được Nho giáo đối xử quá rộng lượng “trai 5 thê 7 thiếp, gái chính chuyên 1 chồng ”. Đối với người con gái, tiết hạnh là quan trọng hàng đầu.
Lễ giáo phong kiến xem thường người phụ nữ. Trong khi đó, Nguyễn Du lại hết lòng trân trọng phụ nữ. Ông tỏ lòng ngưỡng mộ đối với những người phụ nữ trung trinh tiết liệt.
Hầu hết những bài thơ nói về gương tốt xấu đều tập trung ở tập Bắc hành. Ông đã đọc hết sử sách Trung Quốc. Đi sứ là dịp để ông tận mắt chứng kiến một bãi tập, một nền đất cũ, một ngôi mộ, một dòng sông… để ông tự do suy ngẫm về việc làm tốt xấu của họ. Tuy nhiên, ở tập Thanh Hiên, ta vẫn thấy rải rác một đôi bài đề cập đến vấn đề này.
Viết về người phụ nữ, Nguyễn Du cũng đề cao phẩm chất mà Nho giáo cũng đề cao là tiết hạnh. Chẳng thế mà Nguyễn Đình Chiểu đã từng nói: “Gái thời tiết hạnh là câu trau mình”. Theo tinh thần Nho giáo, người phụ nữ tiết hạnh là người phụ nữ đáng quý, đáng trân trọng. Vọng xa đền Cờn trong một buổi chiều thu, thấp thoáng trên bãi cát nhỏ là ngôi đền lẻ loi của Dương Thái Hậu. Người phụ nữ này đã giữ trọn tiết mà chết. Theo truyền thuyết, khi nhà Tống thất thế, Dương Thái Hậu được Trương Thế Kiệt, tướng võ và Lục Tú Phu, tướng văn đều hết lòng trung đã đưa bà cùng hai người con gái đi thuyền ra biển lánh nạn. Khi hay tin con là Đế Bính chết, bà đã khóc và nói rằng: Ta sở dĩ chịu khổ để sống đến ngày nay là vì họ Triệu Tống mà giữ gìn một khối thịt ấy, nay đến nỗi này, ta còn mong gì? Bà chết, để lại tấm gương liệt nữ cho đời sau. Nguyễn Du cảm kích trước tấm lòng trung trinh ấy.
Viết về phụ nữ, bao giờ Nguyễn Du cũng dành cho họ sự ưu ái, dành những ngôn từ đẹp nhất để ca ngợi họ.
Tấm lòng trung trinh tiết liệt của những người phụ nữ nước bạn cũng khiến cho Nguyễn Du hết lòng cảm kích. Trong tập Bắc hành, ta bắt gặp nhiều người phụ nữ như vậy: hai bà phi của vua Ngu Thuấn (Thương Ngô tức sự, Thương Ngô mộ vũ), ba người phụ nữ ở miếu Tam Liệt (Tam Liệt miếu). Tất cả họ đều là những người phụ nữ trung trinh, tiết liệt. Khi hay tin vua Thuấn đi tuần phương Nam, chết ở núi Thương Ngô, hai bà phi (Nga Hoàng và Nữ Anh) đã đi tìm, khóc, nhảy xuống dòng sông Tương tự trầm. Ba người phụ nữ ở miếu Tam Liệt xứng đáng với những danh từ: tam liệt, cương thường, hồn trinh. Lưu Thời Cử đi nhậm chức. Trên đường đi, thuyền bị bọn cướp giết. Vợ là Trương Thị, thiếp là Quách Thị, con gái là Lưu Thị không chịu nhục, nhảy xuống sông chết. Khoảng năm Gia Tĩnh (1522 - 1526) được biểu dương và lập miếu thờ.
Những người phụ nữ trên đã giữ đúng đạo cương thường, một lòng chung thủy, xứng đáng được nhận bốn chữ “tiết hạnh khả phong”. Họ là những tấm gương sáng đời đời về phụ nữ trung trinh, tiết liệt. Nho giáo ít nói đến phụ nữ, nếu có thì đó chỉ là thái độ xem thường phụ nữ và áp đặt họ bằng những luật lệ khắt khe. Nguyễn Du tiếp nhận tinh thần Nho giáo với thái độ uyển chuyển. Ông đã có cái nhìn sâu sắc về họ và ca ngợi họ. Họ đúng là hình mẫu lí tưởng về người phụ nữ của Nho giáo.
Hàng loạt trong tập Bắc hành là tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa của người xưa như Khuất Nguyên, Cù Thức Trĩ, Liễu Tử Hậu, Hàn Tín, Văn Thiên Tường, Âu Dương, Tỉ Can, Kê Thị, Dự Nhượng, Kinh Kha, Nhạc Phi, Liễu Hạ Huệ, Phạm Tăng… Họ đều là những bậc hiền tài.
Những trung thần nghĩa sĩ này, Nguyễn Du đã biết qua sách vở. Họ là những điểm son chói lọi trong sử sách Trung Hoa. Tác giả luôn ngưỡng mộ họ, dành cho họ những danh từ đẹp nhất. Khuất Nguyên tượng trưng cho chí bất khuất, lòng yêu nước nghìn đời của nhân dân Trung Hoa và nhân loại. Ông giữ lòng cô trung, trầm mình trên sông Mịch La. Nguyễn Du đã dành đến 6 bài thơ để viết về Khuất Nguyên. Giả Nghị (200 – 168 TCN) khi đi qua sông Tương có làm bài phú “Viếng Khuất Nguyên” để gởi tâm sự mình. Trong bài này Giả nghị viết: “Lịch cửu châu nhi tướng kỳ quân hề, hà tất hoài thử đô dã” (Trải chín châu mà tìm vua, hà tất ôm lấy cố đô ấy). Ông có ý chê Khuất Nguyên ôm lòng cô trung mà chết. Nếu Sở Hoài Vương không xứng đáng để tôn phò thì tại sao không đi khắp chín châu để tìm vua khác. Nguyễn Du bác lại lời Giả Nghị bằng nội dung của Nho giáo là trung thần không thờ hai vua, liệt nữ không lấy hai chồng. Cơ bản, Nguyễn Du cho rằng Giả Nghị không hiểu được lòng Khuất Nguyên, vì:
Không đi qua Hồ Nam
Sao biết nước sông Tương sâu Không đọc phú Hoài Sa
Sao biết được lòng Khuất Nguyên?
Lòng Khuất Nguyên và nước sông Tương Nghìn năm vạn năm vẫn trong suốt thấy đáy
(Bác Giả Nghị)
Nguyễn Du tự cho mình là người nghìn năm sau hiểu rõ lòng Khuất Nguyên hơn Giả Nghị. Cơ sở để Nguyễn Du bác Giả Nghị là lí tưởng trung quân của Nho giáo. Khi bậc chí tôn là minh quân thì trung quân nhất thể hóa với ái quốc. Khi quân vương thiếu sáng suốt, khi đất nước không phải là thái bình thịnh trị, khi buộc phải lựa chọn, các nho gia yêu nước và thức thời đều chọn ái quốc chứ không phải là trung quân. “Làm sao Giả Nghị có thể hiểu được một cách sâu sắc rằng Khuất Nguyên không cố chấp ôm lấy nước cũ… mà Khuất Nguyên khổ vì Sở Hoài Vương tin vào bọn nịnh thần, mắc mưu Tần vương để mất nước. Nước đã mất, nhà đã tan thì còn sống làm gì nữa” [82, tr.106].
Cũng trung thành một lòng với nước như Khuất Nguyên là Cù Thức Trĩ nhà Minh. Nguyễn Du rất cảm phục. Nhà Thanh đánh chiếm hết vùng Trung Nguyên.
Quế Vương thất bại chạy lên Vân Nam. Cù Thức Trĩ cố giữ thành Quế Lâm. Thành bị hãm, ông tuẫn tiết:
Kiệt lực cô thành khống nhất phương Chung nhật tử trung tâm bất động
Thiên thu địa hạ phát do trường (Quế Lâm Cù các bộ)
(Ông vẫn dốc sức giữ tòa thành trơ trọi để khống chế một phương Suốt ngày trước cái chết, lòng không nao núng
Nghìn thu nằm dưới đất, tóc vẫn dài)
Những bậc hiền tài trên được Nguyễn Du ngưỡng mộ, kính trọng bởi họ có những phẩm chất đáng quý. Họ biết giữ trọn đạo vua tôi, biết khu xử theo đúng phận sự của mình. Đó là những người toàn tài, làm quan thì thanh liêm chính trực (Liễu Tông Nguyên), một đời trung thành với vua (Hàn Tín), giữ lòng cô trung (Văn Thiên Tường, Tỷ Can), một lòng vì vua (Kê Thiệu, Dự Nhượng, Liễu Hạ Huệ)… Nguyễn Du không chỉ ngưỡng mộ, kính trọng suông mà còn thể hiện bằng hành động như thắp hương, lau chùi bia, rót rượu trên mộ, thậm chí tác giả còn xuống xe để tỏ lòng kính trọng. Nếu những bậc anh hùng đó là tôi trung không thờ
hai chúa thì những người phụ nữ trung trinh tiết liệt không thờ hai chồng. Tuy nhiên, chữ trung cũng được Nguyễn Du hiểu một cách uyển chuyển. Đó là trung thành chứ không phải là ngu trung. Đứng trước mộ Phạm Tăng, ngôi mộ tiêu điều hoang lạnh trong mùa thu, Nguyễn Du nghĩ:
Đa thiểu nhất tâm trung sở sự
Mỗi vi thiên hạ tiếu kỳ ngu (Á phụ mộ)
(Bao nhiêu kẻ một lòng trung thành với người mình thờ, Thường bị người đời cười là ngu)
Trung thành nhưng phải biết nhìn xa trông rộng như Quản Trọng xưa kia. Hay nói cách khác là phải biết “Thiên mệnh”.
Tóm lại, Nguyễn Du đã đứng trên lập trường Nho giáo để nhìn những gương trung thần, những gương tiết liệt. Họ là những người đáng trọng vì họ đã thực hiện những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo, tiêu biểu là đạo quân thần và đạo vợ chồng.
Tuy nhiên, thời nào cũng có người tốt kẻ xấu, nếu trong triều chỉ có những bậc trung thần thì những người hiền tài đã không phải bị chết oan. Nếu chỉ có những phụ nữ trung trinh tiết hạnh thì xã hội đã chẳng cười chê những kẻ bày trò trên bộc trong dâu.