Chương 2 THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO CẢM QUAN NHO GIÁO
2.2. Bàn luận chuyện người xưa trên lập trường Nho giáo
2.2.2. Nh ững người bị chê trách
Viết về phụ nữ, Nguyễn Du dành cho họ những tình cảm ưu ái, những từ ngữ trang trọng nhất. Nhưng đó phải là những người phụ nữ chính chuyên, những người thực hiện đúng đạo cương thường. Còn những người không giữ được đạo đức Nho giáo bị người đời cười chê, Nguyễn Du cũng kém trân trọng khi nói về họ. Đó là Chiêu Quân, Thái Diễm, Trác Văn Quân, Vương Thị…
Trong khi Dương Thái Hậu giữ trọn tiết mà chết thì Vương Chiêu Quân chịu lấy vua Hung Nô, còn đánh đàn khuyên rượu. Trước đó, Chiêu Quân là cung nhân
của Hán Nguyên Đế, bị Nguyên Đế gả cho vua Hung Nô, làm bài nhạc phổ đàn tì bà. Chiêu Quân không giữ được chính chuyên nên Nguyễn Du tỏ thái độ nực cười khi nhắc đến người phụ nữ này:
Tiếu nhĩ Minh Phi trường xuất tái
Tỳ bà bôi tửu khuyến Thiền Vu (Dao vọng Càn Hải từ) (Nực cười thay Minh Phi ra ngoài biên ải
Gảy đàn tì bà chuốc rượu để khuyên mời chúa Thiền Vu)
Theo tiêu chuẩn của đạo đức phong kiến, cả Thái Diễm và Trác Văn Quân đều không giữ được chính chuyên. Nguyễn Du thật khéo léo khi đặt hai người đàn bà này bên cạnh “ba người đàn bà tiết liệt” để thấy sự tương phản. Nguyễn Du không nói rõ thái độ của mình mà chỉ nêu hành động của hai người đàn bà này.
Thông qua miêu tả hành động, ta thấy được cách đánh giá của tác giả: “Nàng Thái sinh con, nàng Trác bỏ nhà theo trai” (Tam liệt miếu). Đó là thái độ phê phán kín đáo của tác giả về hai người phụ nữ không trung trinh. Nguyễn Du không có bài thơ nào riêng lẻ để nói về họ mà chỉ nhắc đến tên họ với dụng ý nghệ thuật là chủ yếu.
Còn với Vương Thị - vợ Tần Cối – Nguyễn Du dành cả hai bài để nói về thị. Dường như chỉ với một bài thì chưa nói hết sự căm ghét của tác giả. Chưa bao giờ viết về phụ nữ mà Nguyễn Du dùng những từ ngữ như thế này: lưỡi dài ba tấc, bụng dạ sâu độc, hình hài nghìn năm làm nhục cho phụ nữ, mưu tính sâu kín hơn chồng, trình độ gian ác… Đó là những lời lẽ mỉa mai, châm biếm hết sức sâu cay. Nhưng, nặng nề nhất vẫn là Nguyễn Du cho rằng Vương Thị chính là bậc nhất trong hạng “gà mái gáy sáng”. Theo đạo đức Nho giáo, ai ai cũng phải thực hiện “danh chính”. Bởi vì danh có chính thì ngôn mới thuận. Người nào ở vị trí nào thì hành xử theo vị trí ấy.
Không ở chức vụ nào thì đừng mưu tính việc của chức vị đó (Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính – Luận ngữ). Huống chi trong đạo vợ chồng thì phải “phu xướng phụ tùy”.
Thế nhưng, Vương Thị đã lấn át cả quyền chồng. Đúng là hạng “gà mái gáy sáng”.
Dân gian có câu “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” và Nho giáo có chuẩn đạo đức “phu xướng phụ tùy”. Nguyễn Du dựa vào hai nội dung đó để
“khen” Vương Thị “Khéo cùng với tên quyền thần gian ác kết làm vợ chồng”
(Vương Thị tượng, I), “trọn đạo xướng tùy” (Vương Thị tượng, II) nhưng thực chất là thái độ châm biếm sâu cay.
Để phê phán Vương Thị, tác giả dùng cả hai bài thơ. Tần Cối cũng vậy. Nếu ở trên, tác giả viếng mộ Nhạc Phi, cảm phục tấm lòng trung thành của người anh hùng thì với “Tần Cối tượng” Nguyễn Du đã phê phán một cách mạnh mẽ vì Tần Cối có
“trái tim chết chứa đầy nọc độc”. Hắn là một tên loạn thần, không thực hiện chính danh, trong một ngày giả lệnh vua hạ 12 đạo kim bài, bắt Nhạc Phi rút quân về. Hắn đã phản bội đất nước, khúm núm thờ lũ người Kim. Hắn còn hãm hại nhiều trung thần nghĩa sĩ. Trong đó, oan khuất nhất là Nhạc Phi với cái án ba chữ “mạc tu hữu”.
Người đời sau đã trả thù dùm Nhạc Phi bằng cách xây tượng Tần Cối và Vương Thị bằng sắt, quỳ bên mộ ông. Người đến viếng mộ ông có thể dùng gậy đánh và nhổ vào đầu vào mặt tượng. Nguyễn Du cho rằng “đánh mắng có làm đau đớn gì cái thân giả ấy” (Tần Cối tượng I), “nghìn năm cục sắt sống kia phải mang nỗi oan kì lạ” (Tần Cối tượng II). Thậm chí, tác giả còn bất bình vì vợ chồng Tần Cối được bất tử cùng người anh hùng Nhạc Phi: “Được cùng với bậc trung thần cùng bất hủ; Cái phúc lạ lớn tày trời của nó thật quá vô lý!” (Tần Cối tượng, II).
Nguyễn Du chẳng ngần ngại khi đưa ngọn bút phê phán từ quan đến dân. Kể cả vua, nếu đó là hôn quân, ông cũng chẳng ưu ái gì. Vua quan nhà Đường không biết trọng dụng người tài mà chỉ biết đánh giá con người qua hình thức bên ngoài.
Hậu quả là: “lầm lỡ việc nước chỉ vì câu nệ hẹp hòi” (Hoàng Sào binh mã).
Như vậy, Nguyễn Du có cái nhìn sâu sắc đối với những nhân vật lịch sử.
Người đáng trọng là những người phụ nữ xứng đáng với bốn chữ “tiết hạnh khả phong” hoặc những người trung thành, giữ được chính danh, biết khu xử theo vị trí
và bổn phận của mình. Cũng dùng cảm quan Nho giáo, Nguyễn Du có cái nhìn thấu đáo và phê phán những người không thực hiện đúng chuẩn mực đạo đức Nho giáo.