Chương 4. THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO
4.3. Tư tưởng hưởng lạc
4.3.2. Cuộc sống ẩn dật
Lão Tử tuyệt đối hóa quy luật khách quan (Đạo), tách rời quy luật với cơ sở của nó, do đó đề ra thuyết vô vi; không đấu tranh với tự nhiên, chỉ thích ứng một cách bị động với quy luật.
Trang Tử kế thừa và phát triển học thuyết của Lão Tử thành học thuyết Lão – Trang. Về luân lí xã hội, Trang Tử phát triển thuyết vô vi theo hướng tiêu cực hơn, chuyển sang “xuất thế” (thoát tục), “thuận theo tự nhiên” mà “chơi tiêu dao”, coi
“sống chết bằng nhau”, “trời đất với ta cùng là một”, coi đời là một cuộc giải trí, một cõi mộng. Đối với tự nhiên, con người cứ tuân theo biến hóa khách quan, không dùng sức cải biến.
Trang Tử đẩy phép vô vi với chủ trương sống hòa mình với thiên nhiên của Lão Tử tới mức cực đoan thành chủ nghĩa yếm thế thoát tục, trở về xã hội nguyên thủy: “Núi không đường đi, đầm không cầu thuyền, muôn vật chung sống, làng xóm liên tiếp cùng ở với cầm thú”.
Như vậy, tư tưởng thoát tục của Lão Trang đã có ảnh hưởng đến các nhà trí thức thời phong kiến mỗi khi họ gặp cảnh ngộ bất mãn, vì khoa cử lận đận, hoạn lộ không hanh thông…
Nguyễn Du cũng vậy, Nho giáo đã trang bị cho ông thành một người trai có nhiệm vụ, có lí tưởng. Khi thực tế cuộc sống không giúp ông thực hiện những hoài bão đó, Lão Trang đã chỉ cho ông con đường ưu du tự tại. Ngay cả khi đã ra làm
quan cho nhà Nguyễn, đối diện với những điều khó chịu chốn quan trường, Nguyễn Du có xu hướng muốn tìm về với cuộc sống ẩn dật.
Nói Nguyễn Du muốn sống cuộc sống ẩn dật thật là một điều khó tin. Nếu nói đó là Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tuyết giang Phu Tử thì còn có cơ sở. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là cảm quan – cảnh vật được nhìn dưới con mắt của người ẩn sĩ.
Cả thời trai trẻ theo đuổi công danh sự nghiệp, có lúc mỏi mệt, con người chỉ muốn được sống chan hòa cùng thiên nhiên. Thiên nhiên là người bạn tốt vô điều kiện của con người. Con người có thể đòi hỏi ở thiên nhiên chứ thiên nhiên không đòi hỏi ở con người. Tâm hồn con người được thư thái nhất khi đứng trước thiên nhiên. Con người càng đến gần với thiên nhiên thì càng lánh xa sự ồn ào của cuộc sống với những bon chen, danh lợi.
Trong thời gian phiêu bạt, sống cách xa Trường An, bặt hẳn tin tức người thân, cái nhìn của Nguyễn Du đúng là cái nhìn của người ở ẩn:
Quần phong thâm xứ dã nhân cư Sài môn trú tĩnh sơn vân bế
Dược phố xuân hàn lũng trúc sơ (Sơn cư mạn hứng) (Có kẻ quê mùa ở sâu trong dãy núi
Ngày vắng, mây núi như đóng kín cửa sài
Xuân lạnh, trúc trong thung nơi vườn thuốc thưa thớt) Mang cảm quan của con người sống cuộc sống ẩn dật nên nhìn đâu tác giả cũng thấy đó là chốn thâm sơn cùng cốc hay là nơi non Bồng nước Nhược.
Thanh tịch khả vi hàn sĩ cư
Thiên lí bạch vân sinh kỷ tịch (Tạp thi)
(Nơi thanh vắng có thể làm chỗ ở cho người hàn sĩ Mây trắng nghìn dặm sinh ra quanh ghế quanh chiếu ngồi) Đây là non Hồng – nơi mà tác giả rất tự hào. Mảnh đất quê hương – nơi chôn nhau cắt rốn – là chốn quay về của con người. Đất mẹ luôn mở rộng vòng tay chờ đợi những người con đi xa trở về, nhất là những người con thất chí, bất mãn thì
vòng tay của đất mẹ càng bao dung hơn. Sau thời gian loạn lạc, sau va chạm với thói đời, Nguyễn Du trở về Hồng Sơn, sững sờ nhận ra nơi đây có thể làm chỗ ở cho người hàn sĩ. Vẫn giữ cảm quan của người ẩn sĩ, tác giả nhìn con người và cảnh vật của quê hương mình thật thanh thản, yên bình.
Lão nạp an miên Hồng Lĩnh vân Phù âu tĩnh túc mãn sa tân (Dạ hành) (Vị sư già ngủ yên trong mây núi Hồng Chim âu yên ngủ đêm trên bãi cát ấm)
Cái nhìn của tác giả về cuộc sống thật thanh thoát, nhẹ nhàng. Cuộc sống của người ẩn sĩ thật thoải mái. Họ vui với cảnh non xanh nước biếc, tâm hồn thanh thản, phong thái ung dung tự tại, chủ yếu là hưởng thụ. Bức tranh cuộc sống mới đẹp làm sao!
Cổ kính tiều quy minh nguyệt đảm
Triều môn ngư tống tịch dương thuyền (Thanh Quyết giang vãn diếu) (Trên lối cũ, tiều phu gánh củi trở về dưới trăng
Nhà chài đẩy thuyền ra lúc thủy triều dâng buổi xế chiều)
Tính quy phạm của thơ trung đại thường vịnh ngư tiều canh mục. Hình ảnh bác tiều phu gánh củi trở về dưới trăng trên lối cũ không phải là hình ảnh con người vất vả mưu sinh mà là một ông tiên với bước chân thong dong, tâm hồn thư thái.
Còn nhà thuyền đẩy thuyền ra vào buổi vãn chiều như là một cuộc du ngoạn trên sông. Tác giả cảm nhận vẻ đẹp này bằng sự rung động tâm hồn.
Khi đến Quan Âm miếu hay đến Thương Ngô, tác giả cũng thấy cảnh vật huyền ảo như vậy: có mây trắng dày, ngừng trôi, có núi cao. Đặc biệt có bóng dáng con người với tư thế thật thoải mái:
- Đình vân xứ xứ tăng miên định (Vọng Quan Âm miếu) (Chốn chốn mây ngừng trôi, sư nằm yên giấc)
- Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng (Thương Ngô Trúc Chi ca IV) (Trong tầng núi cao đầy mây trắng che dày, có nhà sư nằm ngủ)
Con người thích cuộc sống ẩn dật có khi cao hứng cũng tự cho mình là ẩn sĩ.
Tác giả tự nhận như vậy để thấy cuộc đời này thật ý nghĩa, thật đáng yêu.
Dù phải đối mặt với cuộc sống loạn li, dù phải phiêu bạt nơi góc bể chân trời, con người vẫn lạc quan. Con người đó bị thời gian phủ lên mái tóc bạc thì cũng hóm hỉnh tự nhận mình là ông già, dù có tha hương thì cũng không thấy buồn vì đã có ngư tiều làm bạn:
Niên niên kết đắc ngư tiều lữ
Tiếu ngạo hồ yên dã thảo trung (Thôn dạ)
(Năm năm làm bạn với người hái củi, người đánh cá Cười ngạo nghễ trong cỏ nội khói hồ)
Mang tâm thế như vậy dù là có ở nơi u tịch, buồn cực độ thì con người vẫn thấy vui (U cư sầu cực hốt tri hoan – Tạp ngâm II) vì “tấm lòng kẻ đạt nhân sáng tỏ như vầng trăng” (Đạt nhân tâm cảnh quang như nguyệt – Tạp ngâm II), còn vì “Trước cửa người ẩn dật ấy là sắc xanh của núi” (Xử sĩ môn tiền thanh giả san – Tạp ngâm II).
Con người đó đã tự ru ngủ mình tự cho mình là kẻ ẩn dật. Con người đó đã từng thẹn vì nghe theo lời chiêu ẩn mà ra làm quan phụ cái chí nguyện ở ẩn non Hồng.
Dạ độc sinh minh Chiêu Ẩn phú
Hồng Sơn tàm phụ nhất sơn vân (Giản Công bộ Thiêm sự Trần II) (Đêm đọc rõ bài phú Chiêu Ẩn
Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng)
Trước đây, Nguyễn Du đã từng nói như một chuyên gia hành lạc. Nhưng thực sự, điều đó chỉ tồn tại trong ý nghĩ mà thôi. Cứ ngỡ sống cuộc sống ẩn dật, nhưng thực tế, tác giả chỉ đứng bên ngoài thèm thuồng. Gần nhất là khi từ biệt người bạn cũ họ Hoàng: có buồn (vì xa nhau), có mừng (vì được toàn thân sau trăm trận đánh), nhưng hơn hết là tâm trạng hồ hởi, mong ước được cuộc sống như bạn:
Thu nhật Nam qui tương hội phỏng
Lục Đầu giang thượng hữu tiều, ngư (Lưu biệt cựu Khế Hoàng) (Mai đây trở về Nam, gặp gỡ hỏi thăm nhau
Thì trên sông Lục Đầu đã có người đốn củi, người đánh cá)
Vui với thú nhàn như Nguyễn Bỉnh Khiêm:
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao (Nhàn)
Đúng là chốn non xanh nước biếc, xa lánh chốn lao xao là nơi ở của người ẩn sĩ. Vì vậy mà Nguyễn Du đã từng:
Ước sao có thể xuống tóc vào rừng
Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây (Tự thán II) (Hà năng lạc phát qui lâm khứ
Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân)
Tư tưởng này của Nguyễn Du đã gặp gỡ tư tưởng của Nguyễn Trãi khi Nguyễn Trãi viết về Côn Sơn. Có gì thỏa mãn bằng được sống giữa mây trời, chan hòa cùng vũ trụ “lấy gió mát trăng thanh làm bạn”. Có khi con người đó chỉ “ước gì nhảy thoát khỏi vòng trần tục” (Sơn thôn) để sống ẩn dật như các cụ già trong núi, như trẻ chăn trâu hòa mình vào thiên nhiên. Con người ngỡ ngàng khi nhìn lại mình: công hầu khanh tướng cuối cùng có được gì đâu chẳng bằng trẻ mục đồng ung dung ngồi trên lưng trâu, ông già nhàn rỗi hay vị sư ngồi tọa thiền:
- Sơn tăng đối trúc lưỡng vô dạng
Mục thụ ky ngu nhất bất như (Lạng Sơn đạo trung) (Nhà sư trên núi ngồi trước trúc, cả hai đều bình thường Trẻ mục đồng cưỡi trâu ung dung là điều ta chẳng bằng) - Tọa gia thôn tẩu đa nhàn sự
Chỉ vị bình sinh bất độc thư (Lạng Sơn đạo trung) Ông già trong xóm ngồi nhà, rỗi việc quá
Chỉ vì thuở nay không đọc sách)
Cuộc sống ẩn dật là cuộc sống chan hòa với thiên nhiên, dựa vào tự nhiên mà sống, lánh xa chốn bon chen danh lợi. Người sống ẩn dật bỏ ngoài tai hết sự đời, tìm về với mây trời gió núi… Tìm đến cuộc sống đó là những người đã làm xong bổn phận với xã hội hoặc những người đã chán con đường công danh. Nguyễn Du mong ước, khao khát cuộc sống đó như một sự “trở về” với con người bản ngã.
K ẾT LUẬN
Thơ chữ Hán Nguyễn Du là một nửa “Thiên tài mẹ” của tác giả. Trước đây tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du, người ta thường đến với Truyện Kiều. Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du cũng nói “Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai”. Nỗi lòng đó, Nguyễn Du đã gởi cả vào thơ chữ Hán.
Nhân sinh quan của một người ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Hệ tư tưởng của Văn học trung đại là tam giáo Nho, Phật, Lão. Nguyễn Du là tác giả thuộc giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX. Đây là giai đoạn hoàng kim của Văn học trung đại. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật.
Trong Truyện Kiều, chúng ta thấy Nguyễn Du đã dùng triết lí Phật giáo để giải thích về nghiệp, nạn của Kiều. Còn trong chữ Hán, khi tìm hiểu về ảnh hưởng của tinh thần Nho, Phật, Lão, chúng tôi có những kết luận sau đây:
Nguyễn Du tiếp thu Nho, Phật, Lão trên tinh thần là một hệ tư tưởng triết học chứ không phải là một tôn giáo. Nói về Tam giáo, ông đều thông hiểu.
Ông đã tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo như vấn đề bổn phận của người trai, vấn đề lòng nhân. Nhân sinh quan Nho giáo cũng giúp ông có cái nhìn đúng đắn về hiện thực lúc bấy giờ trên đất nước ta và đất nước Trung Hoa. Cũng trên tinh thần đó, Nguyễn Du đã làm một bản tổng kết bằng thơ về những gương tốt, xấu của đất nước Trung Hoa. Vấn đề Thiên mệnh cũng được ông nhìn nhận qua sự khúc xạ của Nho giáo.
Cảm quan Phật giáo cho ông cái nhìn về cuộc đời này là bể khổ. Đó là cái khổ vì già, bệnh, nghèo, đói, xa quê hương. Nhìn cuộc đời bằng sự vô thường của đạo Phật nhưng Nguyễn Du cũng không khỏi đau lòng trước sự thay đổi của con người, cảnh vật. Thể hiện trong thơ, Nguyễn Du cho ta biết ông là một hành giả tu tập thiền đến mức thượng thừa. Sự giác ngộ của Nguyễn Du khi đứng dưới đài phân kinh của Thái tử nhà Lương cho chúng ta thấy tác giả có một kiến thức Phật học thật uyên thâm.
Nếu Nho giáo là phương tiện để người ta giúp đời – là một xuất sĩ thì Lão Trang là nơi họ làm một xử sĩ. Bi kịch tinh thần của nhà nho Nguyễn Du là bất đắc
chí trên con đường công danh, bất mãn trước thời cuộc. Ông đã tìm đến Lão Trang như một sự xoa dịu về mặt tinh thần. Nguyễn Du đã tìm đến giấc mộng Trang Chu để mong gặp được anh em, bà con ở núi Hồng, đặc biệt là gặp được người vợ hiền tấm mẵn. Nguyễn Du tìm đến Lão Trang là tìm đến cách sống, cách hành xử sống vô vi, thuận theo tự nhiên. Nhà nho tài tử Nguyễn Du cũng nghĩ đến chuyện hành lạc, nói như một chuyên gia hành lạc. Nhưng tất cả đều ở trong ý nghĩ mà thôi.
Thời của Nguyễn Du không phải là thời của tam giáo đồng nguyên về mặt chính trị. Thực chất ba tư tưởng này có sự gặp gỡ nhau. Chữ “nhân” trong Nho giáo đã gặp trào lưu nhân đạo chủ nghĩa hình thành ở giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX hòa quyện với lòng từ bi của Phật giáo. Tư thế ung dung của nhà nho quyện với tinh thần phóng khoáng của Lão Trang. Con người tự do của Phật giáo thiền tông trùng khít với con người hưởng lạc của Lão Trang.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy tư tưởng Nho giáo ảnh hưởng đến Nguyễn Du nhiều nhất. Điều đó cũng dễ hiểu bởi tác giả được thừa hưởng truyền thống của gia đình và nền học vấn Hán học.
Như vậy, tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Du cũng là cách hiểu tâm sự và con người Nguyễn Du. Từ đó khiến chúng ta thêm yêu mến và cảm phục tài năng Nguyễn Du.