Chương 3. THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO TRIẾT LÍ NHÀ PHẬT
3.2. Cuộc sống vô thường
Phật giáo cho rằng bản chất sự tồn tại của thế giới là một dòng chuyển biến liên tục (vô thường), không do một vị thần linh nào sáng tạo ra vạn vật mà cũng không có cái gì vĩnh hằng tuyệt đối. Vô thường trong thơ chữ Hán Nguyễn Du còn có thể được giải thích bằng “một phen thay đổi sơn hà”. Trong 30 năm cuối thế kỉ XVIII, nước ta có nhiều biến động chính trị xảy ra. Điều đó làm ảnh hưởng đến cảm quan về con người và cảnh vật trong sáng tác Nguyễn Du.
Nói như Bà Huyện Thanh Quan, cuộc đời này giống như một hí trường (sân khấu), con người cười đó rồi khóc đó, hôm nay thịnh, ngày mai phế. Sự đời là vậy.
Nếu tuyệt đối hóa cuộc sống, con người sẽ thấy hụt hẫng vô cùng. Nhưng, nếu lấy cái nhìn của nhà Phật thì đó là vô thường, vô thường cũng chính là hằng thường. Cái nhìn này làm cho con người đỡ đau lòng hơn, dễ chấp nhận thực tế như nó vốn có.
Chứng kiến những đổi thay, con người khó kìm lòng trước cuộc dâu bể. Có lẽ thời gian sống lận đận khi còn trẻ đã ám ảnh trong cuộc đời Nguyễn Du cho nên sự hưng phế được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần:
Phù thế kỉ kinh tang lỗ biến (Tái thứ nguyên vận)
Cuộc đời phù sinh đã trải qua bao phen ruộng dâu biến thành ruộng muối) Hơn ai hết, con người ý thức rằng không có gì là trường cửu, tồn tại vĩnh viễn, cụ thể là không có triều đại nào tồn tại được ngàn năm:
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc (Vị Hoàng danh) (Xưa nay chưa thấy triều đại nào dài được ngàn năm)
Thời gian có sức tàn phá rất lớn. Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang, những chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết (Bát muộn). Sự việc diễn ra trước mắt là những điều thật thương tâm, Tràng An đã khác xưa nhiều (Giang Đình hữu cảm), quả chuông đá thời Cảnh Hưng không còn treo chỗ cũ (Vọng Thiên Thai tự).
Nếu có một tuổi thơ sung túc mà hiện tại thì vất vả, người ta sẽ luôn nhớ về tuổi thơ như những kí ức đẹp. Nguyễn Du cũng có tâm trạng như vậy khi đến bến Giang Đình. Đây là nơi ghi lại những kí ức đẹp đẽ khi người cha cáo lão từ quan về
làng. Khi đó, Nguyễn Du chỉ là một cậu bé vừa lên năm. Hình ảnh của thời khắc đó thật đẹp, nào ngựa xe trên bến dưới thuyền, nào cờ lọng quý che phủ rợp trời, nào áo xiêm lộng lẫy… Bây giờ, hình ảnh huy hoàng đó không còn thấy nữa cùng với những biến động gia đình liên tiếp diễn ra sau đó.
Con người thay đổi theo năm tháng là quy luật nhưng ở đây là sự thay đổi khác thường “bãi biển hóa nương dâu”. Những người ta quen biết trước đây, 10 năm hay 20 năm sau gặp lại, họ thay đổi. Đó là việc bình thường. Chúng ta có thể lấy vòng luân hồi sinh, lão, bệnh, tử để giải thích. Những người phụ nữ trong thơ Nguyễn Du lại là những người rất đặc biệt. Đề tài về người phụ nữ tài hoa bạc mệnh rất phổ biến trong sáng tác Nguyễn Du. Hình như ông có mối duyên với những người này. Hai mươi năm trở lại, Nguyễn Du đã “khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay.
Đời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được” [46, tr.272].
Lúc trẻ, tác giả đã từng gặp cô Cầm một lần bên hồ Giám trong một cuộc dạ yến “lúc ấy, nàng còn rất trẻ, tuổi chừng 21. Áo hồng cũng bị mờ nhạt đi trước vẻ hoa đào”.
Tiếng đàn của nàng réo rắt trên những ngón tay thật điệu nghệ. Người người đua nhau ném thưởng, đặc biệt là các quan Tây Sơn. Họ chẳng tiếc gì tiền. Bọn thiếu niên đất Ngũ Lăng xưa kia cũng không hề sánh kịp. Hai mươi năm sau, Nguyễn Du trở lại, được chiêu đãi bằng bữa tiệc có nhiều cô đào hát trẻ. Tác giả không còn nhận ra cô Cầm năm xưa. Nàng bây giờ “tóc đã hoa râm. Nét mặt võ vàng thần sắc khô khan, thân hình hơi nhỏ. Đôi mày tàn tạ phờ phạc không trang điểm”. Vóc dáng nàng đã tiều tụy theo năm tháng, chỉ có ngón đàn Nguyễn là vẫn còn làm rung động lòng người như xưa. Lòng đau xót khi nghe chuyện người xưa:
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ xứ tang điền biến thương hải (Long Thành cầm giả ca) (Thành quách đổi dời, việc người đã khác
Biết bao nơi ruộng dâu đã biến thành biển xanh)
Cuối cùng, Nguyễn Du đã tìm được lời giải thích cho sự thay đổi đó: Thời gian.
Nam Hà qui lai đầu tận bạch,
Quái để giai nhân nhan sắc suy (Long Thành cầm giả ca) (Tôi từ Nam Hà trở về đầu bạc trắng hết
Chẳng trách nhan sắc người đẹp tàn phai)
Trở lại Thăng Long lần này sau 10 năm xa cách, tất cả đã thay đổi rồi, chỉ có một niềm vui chua chát “Bạc đầu còn được thấy Thăng Long”. Cảnh vật thay đổi, đó là điều hiển nhiên. Cái chính đem lại nỗi buồn cho tác giả là sự thay đổi của con người “những cô gái xinh đẹp mà ta quen biết trước kia nay đã thành những bà mẹ ẵm con. Những bạn trẻ hào hiệp cùng chơi với nhau nay đã thành bố cả rồi”. Cái chia ly của “Hồng Lĩnh vô gia huynh đệ tán” thì còn có ngày gặp lại. Người ta còn hi vọng vào sự tương ngộ nhưng người thân đã mất đi rồi thì làm sao có cơ hội gặp lại “tảo tuế thân bằng bán tử sinh” (bà con bạn bè thời trẻ nay kẻ mất người còn – Thăng Long II). Vì vậy mà nỗi buồn càng thấm thía hơn. Mười năm, không quá dài so với một đời người nhưng cũng không phải là ngắn đối với kẻ tha hương. Người đi mong mỏi sự trở về, thực tế thay đổi làm họ đau lòng.
Cô Cầm và người hầu cũ của em, hai lần gặp gỡ cho tác giả hai cảm xúc khác nhau. Trước đây, các cô thật là trẻ trung, xinh đẹp, danh tiếng. Bây giờ, các cô tàn phai, tiều tụy. Người hầu xưa kia cũng là ca nữ danh tiếng nổi khắp kinh kì, mặt hoa da phấn. Thế mà giờ đây “Nghe nói nàng lấy người khác đã có ba con; đáng ái ngại là vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi”. Giống như khi gặp lại cô Cầm trong “Long Thành cầm giả ca”, chính tác giả đã có thể giải thích: “Việc đời chìm nổi, thôi đừng than thở; chính mình đầu cũng đã bạc lốm đốm”. Khi giải thích được mọi việc, con người không còn cảm thấy ray rứt.
Được đi nhiều, biết nhiều, Nguyễn Du chiêm nghiệm cuộc đời bằng sự vô thường của đạo Phật. Nguyễn Công Trứ từng viết “Được, mất dương dương người tái thượng; Khen, chê phơi phới ngọn đông phong” (Bài ca ngất ngưởng). Phải chăng tác giả muốn nói đến sự được – mất, thành – bại ở đời cũng chỉ là phù du.
Cốt là ta có cuộc sống thanh thản mà thôi. Con người bôn ba để làm gì, tranh giành để làm gì? Cuối cùng, kiếp người chỉ còn lại nấm mồ mà thôi. Như Mã Viện, 60 tuổi rồi mà còn tham chiến, ham đi chinh phạt, ham mê công danh. Rốt cuộc, tên tuổi
không được ghi ở gác Vân Đài, cũng chẳng có kì công gì vì chỉ còn lại “gió lạnh thổi vào xương trắng” (Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu). Hoặc như Tô Tần, ông đã tự làm khổ mình để mưu cầu danh lợi, dùng kế hợp tung để lừa phỉnh bọn vua chúa tầm thường, lấy sự giàu sang để ngạo nghễ với đàn bà góa (Tô Tần đình, I). Ông còn lại gì với cuộc đời? Chẳng còn gì cả! “Ngựa xe vàng ngọc không còn dấu vết, trước đình chỉ thấy cỏ mọc xanh tươi” (Tô Tần đình, II). Tào Tháo mưu mô chước quỷ, tung hoành ngang dọc, không ai dám chống lại, xem thường nhà vua, lấn lướt các vương hầu. Nhưng bây giờ còn lại gì đâu? Còn lại tiếng xấu muôn đời! Tào Tháo những mong xây đài Đồng Tước để bắt hai chị em Đại Kiều và Tiểu Kiều để mua vui.
Nhưng nàng Tiểu Kiều đến già vẫn là vợ của Chu Lang còn nền đài thì nghiêng lở, cỏ thu tàn úa. Tào Tháo cả đời mưu đồ tính toán nhưng cuối cùng cũng chẳng được gì, thậm chí còn bị chửi bới nghìn đời. Trong khi đó, miếu của Lưu Bị ở Cẩm Thành
“đến tận ngày nay cây tùng cây bách vẫn còn tỏa sáng” (Thất thập nhị nghi trủng).
Nguyễn Du là một con người từng trải, một người có 10 năm phiêu bạt, sống gần gũi những người bình dân, nếm trải tất cả những cay đắng ở đời nên có cái nhìn thấu đáo về cuộc đời. Nói như Thích Nguyên Hiền: “Nhìn mình, nhìn người, nhìn đời, chỗ nào Nguyễn Du cũng thấy vô thường chi phối, toàn thể nhân sinh thế thái qua cái đầu bạc” [86].