Chương 3. THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO TRIẾT LÍ NHÀ PHẬT
3.3. Chất Thiền trong thơ
Thơ thiền Lí Trần là một thành tựu của văn học Lí Trần, là minh chứng rõ nhất cho giáo lí Phật giáo Thiền tông. Những nhà thơ thiền Lí Trần có thể vừa là thiền sư vừa là nghệ sĩ. Họ có thể vừa là thiền sư, vừa là nhà lãnh đạo tài ba lỗi lạc. Thời đại Lí Trần đã tạo ra những con người kì diệu như vậy. Thời đại mà Nguyễn Du sống không phải là thời vàng son của chế độ phong kiến cũng không phải là đỉnh cao của văn học Phật giáo. Nhưng những hào quang của Phật giáo đã soi rọi đến Nguyễn Du dù đã trải qua nhiều thế kỉ.
Nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX là khoảng thời gian đầy biến động. Không thể lí giải hết những sự biến dồn dập xảy ra, những nhà nho chính thống rất hoang mang. Niềm tin vào đạo đức Nho giáo ở họ bị lung lay. Phải chăng
Nho giáo đã lỗi thời và sắp đến hồi cáo chung? Biện pháp nào giải tỏa tâm lí đây?
“Họ phải tìm lối thoát. Hướng mới thì chưa thể khám phá, họ phải soát xét lại di sản cũ, nhìn nhận lại lịch sử đã qua. Họ thấy Nho, Phật, Lão cùng tồn tại bên nhau là hiện tượng thường xuyên của lịch sử dân tộc, thấy chủ trương coi trọng cả Nho, Phật, Lão trong hệ tư tưởng thống trị đã từng có tác dụng tích cực trong thời Lí Trần” [73, tr.356]. Tại sao họ không áp dụng trong thời này? Đó phải chăng là băn khoăn của nhà nho nói chung và của Nguyễn Du nói riêng?
Trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du không hề trực tiếp bộc lộ nguyên nhân ông tìm đến Phật giáo. Nguyễn Du nghiên cứu Phật học từ khi nào? Không ai biết. Chỉ có một lần duy nhất trong thơ, Nguyễn Du nói: “Ngã độc Kim Cang thiên biến linh”. Điều đó ngụ ý rằng Nguyễn Du cũng có duyên với Phật kinh.
Trong Truyện Kiều, để lí giải về nỗi khổ của nàng Kiều, Nguyễn Du đã tìm đến “duyên, nghiệp” của Phật giáo. Còn trong “Văn chiêu hồn”, ta thấy hàng loạt những từ ngữ mang tính chất giải thoát, siêu thoát như bát cháo lá đa, siêu sinh tịnh độ, thoát trần, từ bi…
Từ bao giờ, Nguyễn Du đã chú ý đến phần hồn của con người sau khi chết?
Trong “Văn chiêu hồn”, điều đó thể hiện thật rõ rệt. Tác giả đã quan tâm đến nội dung có tính chất tôn giáo. Ông đã hình dung về một thế giới có những oan hồn. Họ
“thất thểu, nheo nhóc, ngẩn ngơ, xiêu giạt, không có một nơi nào để nương tựa, bám víu” [48, tr.468].
Làm sao để cứu vớt họ, giải thoát cho họ? Chỉ còn một cách duy nhất là tìm đến lòng từ bi của Đức Phật. Điều Nguyễn Du làm là duy tâm. Nhưng tính chất duy tâm tôn giáo này lại xuất phát từ một tình cảm nhân đạo chủ nghĩa cao cả. Cũng giống như sư Giác Duyên đã thả một bè lau cứu Kiều. Điều đó xuất phát từ lòng từ bi của nhà Phật hòa quyện với lòng thương người của một con người. Chi tiết đó cũng thể hiện cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Để viết những dòng thơ đầy cảm hứng Phật giáo như vậy, ít ra Nguyễn Du cũng có cảm tình đặc biệt với tôn giáo này. Có nhiều lí do để tác phẩm của
Nguyễn Du neo lại lòng người. Trong đó, không thể phủ nhận rằng các tác phẩm này có gốc bám rễ sâu vào truyền thống văn hóa Việt như là tục cúng cô hồn rằm tháng bảy hay những tín ngưỡng thuộc về tâm linh như đi chùa, lễ Phật, thắp hương, đọc kinh cầu nguyện…
Sự tín ngưỡng tâm linh ấy không chỉ có trong Truyện Kiều, Văn chiêu hồn mà còn có cả trong thơ chữ Hán. Không khó để tìm trong thơ chữ Hán cái việc Nguyễn Du vãn chùa, lễ Phật, thắp hương. Đứng trước không gian yên tĩnh của chùa chiền, người ta dường như quên hết những muộn phiền trong cuộc sống. Và đứng trước cảnh ấy, con người chẳng cần phải nói gì. Con người vô ngôn là đặc điểm rất rõ nét trong thơ thiền Lý Trần. Đơn cử là bài thơ của Trần Quang Triều, tác giả làm khi đến viếng cảnh chùa Gia Lâm. Trong bài thơ, tác giả bộc bạch:
Tâm khôi oa giác mộng
Bộ lý đáo thiền đường (Gia Lâm tự)
(Lòng nguội lạnh với giấc mơ đua chen danh lợi Dạo bước đến cửa thiền)
Như vậy, có thể nói, thiền môn là nơi rũ hết bụi trần. Vì vậy mà nhiều người đã đến đây. Họ từ nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần xã hội khác nhau. Còn Nguyễn Du, khi gặp khó khăn trong cuộc sống hay khi hoạn lộ hanh thông, ông đều tìm đến cửa chùa. Có khi, chùa cũng là nơi để tác giả giải bày tâm sự. “Vọng Thiên Thai tự” vào mùa thu, con người dễ xúc động ấy không khỏi ngậm ngùi khi thấy ngôi chùa như vùi trong lá vàng. Một cảnh đẹp, huyễn mộng nhưng buồn.
Khoảnh khắc buồn thương ấy ta ít bắt gặp trong thơ hơn là tâm trạng thoải mái, thanh thoát ở Nguyễn Du. Cả một đời, con người chỉ ao ước cuộc sống này thôi:
Đình vân xứ xứ tăng miên định (Vọng Quan Âm miếu) (Chốn chốn mây ngừng trôi, sư nằm yên giấc)
Đó chính là một cuộc sống thực sự hưởng thụ hay nói cách khác là cuộc sống thoát tục của nhà sư. Để cuộc sống siêu thoát trọn vẹn, con người chỉ còn một cách là tìm đến thế giới tâm linh:
Nhất chi đàn hương tiêu tuệ nghiệp (Vọng Quan Âm miếu)
(Đốt một nén hương đàn để tiêu tan hết cái nghiệp chướng do trí tuệ gây ra) Nghiệp chướng là khái niệm của nhà Phật chỉ luân hồi nghiệp báo. Muốn thoát khỏi nghiệp chướng, không gì bằng tìm về với ngôi Tam Bảo.
Nguyễn Du trông lên “Tương Sơn tự”, thấy “ngôi chùa cổ ngàn năm luống phủ mây chiều” (Cổ tự thiên niên không mộ vân). Trước cảnh huyền diệu, tác giả không nói được lời nào, chỉ biết “Đứng dựa lan can chiếc thuyền cô đơn trên sông;
Một dãy cây tùng, cây sam bóng chiều tà nhuốm nửa” (Cô chu giang thượng bằng lan xứ; Nhất đái tùng sam bán tịch huân). Trước cảnh hư tĩnh, con người vô ngôn, lặng yên không nói.
Suốt trong ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta thường thấy xuất hiện hình ảnh con người lặng im đó. Nguyễn Du đã từng nói: “Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai” (Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ - Mạn hứng). Điều đó cho ta suy nghĩ rằng ông thật cô độc, tự chôn vùi tâm sự, ít chịu bày tỏ cùng ai. Đó cũng là điều dễ hiểu khi Nguyễn Du băn khoăn:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Độc Tiểu Thanh kí) (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?)
Nguyễn Du không thấy ai là tri kỉ tri âm nên “Suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được” (Nhất sinh u tứ vị tằng khai – Thu chí). Nỗi niềm tâm sự, tác giả chôn chặt vào tận đáy lòng. Cho nên đọc thơ chữ Hán của ông luôn luôn có cái cảm giác ấm ức, tức tối đến khó chịu. “Nỗi niềm ở đây không thoát ra cùng cảnh vật, không gởi được vào thiên nhiên, không hòa điệu cùng núi sông mây nước. Cảnh vật là cảnh vật, nỗi niềm không khỏa lấp trong cảnh vật mà ngược lại, cảnh vật càng làm rõ nỗi niềm. Tiếng mưa không gột sạch nỗi lòng, dòng nước không cuốn trôi tâm sự, gió tây không chở nổi u sầu, ngọn đèn không làm sáng lên cõi lòng u tối” [82, tr.89]. Thi nhân chỉ còn biết đối diện với bốn mùa:
Tứ thời yên cảnh độc trầm ngâm (Thu dạ II) (Mây khói bốn mùa một mình trầm ngâm) đối diện với bóng đêm:
Chung dạ bồi hồi tứ chuyển mê (Ngẫu hứng I) (Suốt đêm bồi hồi nghĩ ngợi miên man) với bóng mình:
Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ (La phù giang thủy các bộ độc tọa) (Bồi hồi trước bóng một mình yên lặng)
với ngọn đèn:
Cô đăng tương đối đáo thiên minh (Mạc phủ tức sự) (Ngọn đèn cô đơn đối diện với mình cho đến sáng) với cây trúc trước sân:
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc (Ký hữu)
(Riêng mình lẳng lặng trước cây trúc ngoài sân) Rồi gặm nhấm cô đơn và nghẹn ngào rơi lệ:
Ky lữ đa niên đăng hạ lệ (Xuân dạ)
(Lâu năm làm khách xa nhà lệ rơi dưới đèn)
Con người im lặng, không nói, “vô ngôn” vì đã “vong ngôn”. Âm hưởng tinh thần vong ngôn trong thơ thiền Lí Trần sau mấy thế kỉ còn phổ vào thơ Nguyễn Du.
Tiêu biểu cho cái “quên” ấy chính là Huyền Quang:
Vương thân vương thế dĩ đô vương Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương (Cúc hoa II) (Quên mình, quên đời, quên tất cả
Ngồi lâu lặng lẽ, một giường thấm lạnh Cuối năm ở trong núi không có lịch
Nhìn hoa cúc nở biết đã đến tiết trùng dương)
Trong thơ Huyền Quang là hình ảnh con người đã quen với núi rừng, non xanh nước biếc, tâm hồn thư thái không mảy may bận rộn việc gì, không vấn vương nơi trần thế. Thân, tâm và cảnh đều tịch tĩnh nên dẫn đến trạng thái quên kì diệu. Trong khi đó, Nguyễn Du đối diện với hoa vàng, trúc xanh, cả hai cùng đều quên nói:
Hoàng hoa lục trúc lưỡng vong ngôn (Tái thứ nguyên vận) (Hoàng hoa và trúc xanh cả hai đều quên nói)
Trạng thái quên có khi chỉ là quên tức thời như Nguyễn Trãi:
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương (Tiên Du tự) (Trong cảnh ấy thực có ý
Muốn nói ra bỗng lại quên)
Thực chất là “quên” hay con người đã thấm đẫm yếu chỉ triết lí Thiền tông:
lấy tâm truyền tâm, ngộ đạo bằng trực giác, không dùng ngôn ngữ và văn tự. Biểu hiện cái quên ấy của thi nhân có thể là quên thời gian, quên mình là ai, ở trọ lâu ngày quên mình là khách.
Dù trong hoàn cảnh nào, nhà thơ vẫn giữ được vị thế của con người tự do, vô ngã. Con người tự do làm mọi việc mình thích, hưởng thụ cuộc sống thanh nhàn (đi săn, đi câu). Con người tự do nên cái tâm trống không. Cái tâm trong sáng không bị người khuấy động. Nguyễn Du ví lòng mình như một cái giếng xưa, thanh trong, yên tĩnh, một vầng trăng sáng chiếu vào đó. Hay nói cách khác, tâm thể thì hằng thường vắng lặng, dù sóng gió ba đào có làm mặt nước tâm giao động chút ít.
Nhưng rồi mặt nước cũng trở về trạng thái nguyên thủy của mình:
Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh Tỉnh thủy vô ba đào Bất bị nhân khiên xỉ
Thử tâm chung bất dao Túng bị nhân khiên xỉ Nhất dao hoàn phục chỉ Trạm trạm nhất phiến tâm
Minh nguyệt cổ tỉnh thủy (Đạo ý) (Trăng sáng soi giếng xưa
Nước giếng không nổi sóng Không bị người khuấy động Lòng này rốt cuộc chẳng lung lay Nếu bị người khuấy động
Lay rồi lại lặng yên Một tấm lòng thanh trong
Như trăng sáng chiếu giếng xưa)
Con người chuộng cái tự do, cái vô ngã nên chỉ cần có dấu hiệu không còn nguyên vẹn là cảm thấy lo lắng rồi. Khi ra làm quan, đối diện với thực tế quan trường, con người phải cố mà khéo léo trong cách ứng xử, có khi “không bệnh mà lưng cứ khom khom”. Con người giật mình, nhìn lại chính mình và thở dài nhận ra
“Viên ngọc chất phác không còn khuôn mặt thật của nó” (Ký hữu). Tuy nhiên, con người ý thức Nguyễn Du đã kịp “giật mình”, đã kịp dừng lại. Nói như Cao Bá Quát trong “sa hành đoản ca”, có lẽ ông là số ít “người tỉnh” trên con đường công danh, xưa nay, nó vốn là món mồi béo bở khiến cho “người say vô số”. Ý thức được điều đó, có lần trong thơ, Nguyễn Du đã hân hoan với lòng mình và dường như hân hoan thông báo với mọi người: “Hãy mừng là mày râu chưa lấm bụi” (Dạ hành).