Chương 3. THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO TRIẾT LÍ NHÀ PHẬT
3.1. Đời là bể khổ
Nói như Thích Nguyên Hiền: “Ý thức sâu sắc cuộc đời là giả tạm, Nguyễn Du tự vạch cho mình một lối về, một chốn về mà ở đó không còn những oái oăm phiền muộn, đơn sơ với hoa tùng quả bách, với mây trắng nước trong. Văn thiêng không ở trong lời (linh văn bất tại ngôn ngữ khoa) Nguyễn Du không hề nói đến Phật giáo nhưng thái độ, quan điểm của ông luôn nhuốm đầy nhân sinh quan Phật giáo. Trước hết là nhận thức về Vô thường, Khổ, Không, Vô ngã. Đâu đâu trong thơ ông cũng toát lên cái nhìn chín chắn, không hư dối về cuộc đời.
Đó là sự thật về cái khổ (khổ đế), sự thật thứ nhất trong bốn sự thật mà một hành giả tu tập Phật giáo phải ý thức rõ ràng” [86].
Chỗ gặp gỡ của Nho, Phật, Lão là con người khổ vì có thân. Theo nhà Phật, thân xác con người được gọi là cái thân tứ đại: đất, nước, lửa gió. Nó được cấu tạo từ 5 yếu tố: sắc uẩn, thụ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Hễ là con người, có
thân là có khổ, có lo. Khi mới sinh ra con người khóc là vì vậy – vì khổ. Sanh khổ, lão còn khổ hơn. Già là biểu hiện của thân xác đã suy yếu. Đó là quy luật của sinh lão bệnh tử. Già mà tóc bạc là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, con người trong thơ Nguyễn Du không phải già trên thực tế mà tóc đã bạc rồi. Ba mươi năm nơi góc bể chân trời, tóc bạc vì sương gió, vì những lo toan trong cuộc sống. Không khó trong thơ Nguyễn Du ta bắt gặp hình ảnh con người tóc bạc. Có đến 58 lần trong 250 bài thơ Nguyễn Du nhắc đến những chữ như bạch phát, bạch đầu, đầu dĩ bạch. Tóc bạc là dấu hiệu của sự già nua. Nhưng đây không phải, tóc bạc có rất nhiều lí do. Có khi tóc bạc chỉ đơn giản là dấu ấn của thời gian:
- Bạch đầu đa bệnh tuế thời thiên (Quỳnh Hải nguyên tiêu) (Đầu bạc nhiều giận nỗi ngày tháng trôi)
- Xuân thu đại tự bạch đầu tân (Tự thán) (Xuân thu lần lữa qua, đầu bạc thêm)
- Trù tướng lưu quang thôi bạch phát (Thu chí) (Buồn rầu vì ngày tháng trôi giục mái tóc bạc thêm) - Niên quang ám trục bạch đầu lai (Đối tửu)
(Tháng năm âm thầm đưa đầu tóc bạc lại)
- Lão đại đầu lô tuế nguyệt thâm (Phúc Thực Đình) (Trên mái đầu già nhiều năm tháng trôi qua)
Tóc bạc là minh chứng cho thời gian qua đi. Nhưng, con người trong thơ Nguyễn Du mới hơn 30 tuổi mà tóc đã bạc thì đó là chuyện bất thường. Thơ xưa, các tác giả cũng hay nói về tóc bạc. Họ nói bằng nhiều thái độ và mục đích khác nhau. Nhưng không ai nói đi nói lại thậm chí là dai dẳng như Nguyễn Du. Cái khổ của con người đã hằn lên mái tóc bạc. Với Nguyễn Du, như thế là chưa đủ. Tóc bạc còn vì tráng chí hùng tâm dang dở. Nói cho cùng, nguồn sáng tư tưởng Nho giáo với các thiết chế chặt chẽ của nó đã có sức hấp dẫn và gợi mở to lớn đối với Nguyễn
Du, trở thành dòng mạch tư tưởng trung tâm trong cả cuộc đời hành đạo của ông.
Cho nên, bổn phận trách nhiệm của người trai luôn trở thành nỗi canh cánh bên lòng. Con người tuổi trẻ mà chí lớn không thành, cung kiếm lỡ làng, sách vở dở dang thì dù có hùng tâm tráng chí đi chăng nữa, tóc bạc vẫn là một nỗi ám ảnh. Phải chăng con người vì nghĩ nhiều đến chuyện công danh mà tóc bạc?
- Lưu lạc bạch đầu thành để sự (U cư)
(Lưu lạc đến bạc đầu mà có nên chuyện gì đâu?)
- Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh (Họa hải ông Đoàn Nguyễn Tuấn) (Thì xin nói dùm rằng tôi đang ở bước đường cùng, tóc đã bạc lốm đốm) - Bạch phát hùng tâm không đốt ta (Khai song)
(Tóc bạc rồi, dù còn có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở) - Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên (Tạp thi)
(Người tráng sĩ đầu bạc bi thương nhìn trời)
Trong bước đường cùng, con người lâm vào cảnh khổ. Cái khổ lớn nhất là phải ăn nhờ ở đậu, đau bệnh liên miên. Tóc bạc cũng vì nguyên nhân đó.
- Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia (U cư) (Đầu bạc phơ phơ ở nhờ nhà người)
- Bạch đầu vô lại bất hoàn gia (Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam quy) (Ta bạc đầu không chốn tựa nương không về được nhà)
- Lão khứ vị tri sinh kế chuyết (Thôn dạ)
(Già đến rồi, chưa biết mình vụng đường sinh kế)
Ý thức được cái già đến trên mái đầu bạc, nơi đất khách con người thường giở gương ra soi dáng mặt. Mỗi lần soi gương là thấy mình già và gầy hơn. Điều đó chỉ đem lại nỗi buồn.
Như vậy, “bạch phát”, “bạch đầu” xuất hiện với mật độ dày đặc trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Tác giả chưa hề trực tiếp nói già là khổ, bạc đầu là khổ. Chúng ta chỉ bắt gặp những từ buồn, giận, buồn rầu… hoặc là những tiếng thở dài não nuột.
Bấy nhiêu đó cũng đủ thấy con người trong thơ Nguyễn Du là hiện thân của cái khổ - khổ vì già.
Tuy nhiên, cái thân mà khỏe mạnh thì cái tâm thật vui vẻ. Cái thân mà bị bệnh thì thật là khổ. Trong Thanh Hiên thi tập và Bắc hành tạp lục, đặc biệt là tập Thanh Hiên, Nguyễn Du nhắc nhiều đến bệnh (11 lần). Tác giả không nói rõ mình bị một bệnh gì cụ thể mà là rất nhiều bệnh – đa bệnh (Ngọa bệnh, Thủy Liên đạo trung tảo hành). Bệnh đó không phải mới mắc phải mà là bệnh cũ (U cư), bệnh tái phát (Khai song). Có khi, tác giả dùng một cụm từ chung chung về thời gian như bệnh đã lâu ngày (Xuân dạ) nhưng đôi khi cũng có thời gian cụ thể là ba năm (Mạn hứng), hoặc lâu hơn là mười năm (Ngọa bệnh). Nói cho cùng, đã bệnh là phải khổ. Nguyên nhân của bệnh là đói nghèo. Người ta rất sợ nghèo. Nguyễn Du đã từng nói trong “Thái Bình mại ca giả”: “Người ta thà chết còn hơn nghèo”. Cái nghèo khiến cho con người trở nên đáng thương, tội nghiệp. Tình cảnh của cái nghèo thật bi đát, phải nhận lòng thương hại của người (Khất thực). Con người trở nên khúm núm trong chính hoàn cảnh của mình. Nghèo không có thuốc uống nên để bệnh lâu ngày, “cả năm nằm bệnh bên Quế Giang” (Thu dạ) phải dùng bó sách để nâng đỡ bộ xương bệnh (Tạp ngâm II). Vì bệnh nhiều và bệnh lâu như vậy nên thân suy yếu.
Người ta thường nói đói ăn rau, đau uống thuốc. Nhưng, tình cảnh của Nguyễn Du trong thơ thật bi đát, bệnh không có thuốc uống cũng chỉ vì nghèo. Nghèo nên phải ăn nhờ ở đậu. Tình trạng đó kéo dài khiến cho con người quên bẵng mình là khách. Cái nghèo làm khổ thân xác con người. Cái nghèo khiến cho người ta chủ quan với bệnh tật nên để bệnh kéo dài dai dẳng ba năm, mười năm. Nghèo là khổ nên khi mùa đông đến sớm thì con người lại không có áo rét (Thu dạ). Trân mình trong cái giá rét ấy, tác giả phải kêu lên:
Tảo hàn dĩ giác vô y khổ (Thu dạ II) (Rét sớm mới biết cái khổ không áo)
Cái thân nhiều bệnh đó lại ở trong một không gian khiến cho bệnh càng nặng thêm:
Đào hoa đào diệp lạc phân phân Môn yểm tà phi nhất viện bần (U cư) (Hoa đào lá đào rụng bời bời
Cửa che xiêu vẹo, một gian nhà nghèo)
Khổ là vậy, nhưng đôi khi tác giả lại tự cười cợt với cái nghèo khổ của mình:
Bần hộ thường không Bắc Hải tôn (Ký Huyền Hư tử)
(Nhà nghèo nên thường để rỗng không chén rượu Bắc Hải) Gia tài của nhà nho chỉ có sách vở mà thôi. Côn trùng đến kiếm ăn cũng chỉ chuốc lấy thất vọng não nề:
Cơ thử duyên sàng khiết ngã thư (Ngọa bệnh I) (Chuột đói leo sàng gặm sách vở của ta)
Cũng có khi con người không còn đủ sức để tự chế giễu mình nữa thì đã miêu tả chính cuộc sống hiện thực của mình:
Táo đầu chung nhật vô yên hỏa
Song ngoại hoàng hoa tú khả xan (Tạp ngâm II) (Bếp núc suốt ngày không khói lửa
Hoa cúc vàng ngoài cửa sổ, tươi đẹp tưởng có thể ăn được) Bệnh là dấu hiệu của già nua. Cái già đến làm sức khỏe suy yếu. Một người nhiều bệnh như Nguyễn Du cảm thấy sợ hãi khi đối diện với cảnh già:
Hốt kinh lão cảnh kim triêu thị (Thu nhật ký hứng) (Sáng nay chợt kinh sợ cho cảnh già)
Người nghèo đâu chỉ khổ vì tấm thân gởi nơi đất khách mà còn khổ vì thương vợ con ở quê nhà mất mùa, đói kém:
Cố hương cang hạn cửu phương nông
Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng (Ngẫu hứng IV) (Quê hương nắng hạn lâu ngày làm hại việc nông Mười miệng trẻ đói mặt cùng xanh như rau)
Quê hương Nguyễn Du, “Làng Tiên Điền nổi tiếng là nghèo, đất pha cằn cỗi, nhiễm mặn, ít trồng được lúa, chỉ trồng được hoa màu, dân làm thuê, làm mướn thêm nghề phụ. Lương bổng nhà Nguyễn trả cho quan lại là rất ít ỏi, thỉnh thoảng nhà vua cho tiền “dưỡng liêm”. Làm quan thanh liêm như Nguyễn Du thì tự túc cũng không đủ, làm gì có dư để nuôi con, giúp đỡ gia đình. Tình cảnh gia đình con
đông, đất nghèo như thế, vào những năm đại hạn, đói – những năm ấy thường là sử nước ta chép dân chết rất nhiều – thì chắc chắn là cùng quẫn” [46, tr.214].
Có khiên cưỡng không khi nói rằng suốt cuộc đời Nguyễn Du làm người tha hương? Lặp đi lặp lại trong 3 tập thơ (51 lần) là nỗi sầu nhớ khi xa quê – nơi chôn nhau cắt rốn. Xa quê đồng nghĩa với xa anh em, bà con thân thuộc, đặc biệt là vợ con ở quê nhà.
Trong tập Thanh Hiên, Nguyễn Du nói nhiều đến cái buồn của người tha hương. Thật không khó để cắt nghĩa điều đó. Đây là thời gian mà Nguyễn Du phải trôi giạt, tha phương cầu thực, hết “ăn nhờ ở bến sông rồi ăn nhờ nơi bãi biển” (Lữ thực giang tân hựu hải tân – Mạn hứng). Con người trong thơ thường ví mình như ngọn cỏ bồng đứt gốc trước gió tây thổi gấp (Tự thán, Mạn hứng). Buồn làm sao khi trông về quê nhà Hồng Lĩnh thì chốn ấy không còn nhà, anh em tan tác (Quỳnh Hải nguyên tiêu). Bản thân đã 30 năm nơi góc bể chân trời, muốn trở về thăm quê cũng khó vì con người đã gần như quên thân phận mình là khách ở trọ quá lâu (U cư).
Tuy vậy, nỗi nhớ quê hương cứ canh cánh bên lòng, đành gởi vào giấc mộng. Có khi chỉ một gợi ý nhỏ cũng khiến cho lòng nhớ quê trỗi dậy. nhìn mảnh trăng đơn lẻ, nghe tiếng nhạn đầu mùa, dòng lệ biệt ly bao năm nay được dịp tuôn chảy (Sơn cư mạn hứng). Dòng lệ ấy khóc thương cho “em trai em gái nơi quê nhà bặt hẳn tin tức” (Cố hương đệ muội âm hao tuyệt – Sơn cư mạn hứng). Đêm xuân buồn bã, đối bóng với ngọn đèn, con người chợt nhớ quê hương ngoài ngàn dặm (Xuân dạ) muốn trở về nhưng tóc đã bạc rồi (Tống Nguyễn Sĩ Hữu Nam quy).
Mười năm phiêu bạt, tác giả ngoái nhìn quê cũ mà nước mắt rơi (Độ Long Vỹ giang). trông bóng con chim hồng bay xa, tự hỏi đâu là quê nhà (Ngẫu hứng). Sống trong thời loạn, con người phải lưu lạc là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, khi ra làm quan rồi, tâm trạng Nguyễn Du cũng không có gì khởi sắc. Suốt những năm tháng làm quan cho nhà Nguyễn, khi ở Huế, khi ở Quảng Bình, nói chung, lúc nào ông cũng ít khi ở nhà. Thỉnh thoảng, ông phải dùng cớ này cớ khác để về quê an dưỡng. Cái khó là con người đôi khi phải phân thân, một mình nằm bệnh nơi phía Đông Hoàng thành (Ngẫu đề) thương mười đứa trẻ miệng đói mặt xanh như rau ở phía Bắc
Hoành sơn (Ngẫu hứng IV). Trong khi đó, ở quê nhà, hạn hán, mất mùa, nông dân đói kém. Con người cũng muốn mượn ngọn gió thu trở về quê ăn rau thuần lô, gỏi cá vược nhưng bi kịch là ở chỗ về quê chỉ mất có ba ngày đường mà riêng ôm lòng nhớ quê nhà đã bốn năm (Nễ giang khẩu hương vọng). Nỗi nhớ quê, một lần nữa gởi vào hồn mộng “Hồn ơi về đi thương cố hương” (Hồn hề quy lai bi cố hương – Ngẫu thư công quán bích). Cũng có khi đối bóng với đêm dài, con người tự thương mình cô đơn trên đất khách, thương mình chỉ là khách (Tân thư ngẫu hứng).
Buồn làm sao, ta trở thành khách trên chính đất nước của mình! Nguyễn Du suốt những năm tháng làm quan phải lo lắng mình không hoàn thành công việc, lại phải thủ thế, giữ mình, tránh va chạm với “dì gió”, “chim oanh” trong vườn thượng uyển. Giờ đây, có thể tạm gọi là thoải mái hơn khi tác giả được đi sứ Trung Quốc.
Đường lên phía Bắc thênh thang, tâm hồn con người trở nên khoáng đạt. Con người ngạc nhiên, hồ hởi, vui, buồn với khung cảnh mới nhưng cũng không quên dành một góc tâm hồn cho quê hương. Càng đi lên phía Bắc, càng gần với nước bạn thì càng xa quê nhà. Hồng Lĩnh là nơi có bà con, bạn bè, em trai, em gái, con cháu.
Thôi Hiệu xưa kia đã từng viết:
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu (Hoàng Hạc lâu) (Trời chiều chẳng biết đâu là quê hương
Khói và sóng trên sông khiến cho người nổi mối u sầu) Cùng chung một niềm tâm sự đó, buổi chiều ở Hán Dương, Nguyễn Du cũng viết:
Nhật mộ hương quan cộng nhất sầu (Hán Dương vãn diểu) (Trời chiều ai cũng chung một mối sầu nhớ quê hương)
Nỗi nhớ đó trở thành nỗi đau vì quê nhà cách xa hàng vạn dặm (Ngẫu hứng).
Bi kịch hơn là hình như người xưa đã quên mất đường về làng cũ, vì đã 10 năm (Tam giang khẩu đường dạ bạc).
Tâm sự của Nguyễn Du là tâm sự của một người hơn nửa đời người nơi đất khách. Chẳng khổ nào hơn cái khổ phải xa người mình yêu thương, xa nơi mình yêu
thương. Nguyễn Du không hề trực tiếp bộc lộ nói lên đó là khổ. Ta chỉ thoáng thấy nét buồn trên mái tóc bạc, thấy đôi mắt đăm chiêu dõi về phía trời xa, thấy thân mình như ngọn cỏ bồng đứt gốc. Bấy nhiêu đó thôi cũng đủ biết con người đau buồn như thế nào khi phải xa nơi mình gắn bó, mà nơi đó lại có những người mình yêu thương. Phải chăng đó là “ái biệt ly khổ” theo cảm quan Phật giáo?
Theo nhà Phật, người ta khổ còn là vì không được toại nguyện. Con người thường nhiều tham vọng, muốn được nhiều thứ cho mình. Cái mong muốn ấy không bao giờ có giới hạn. Thực tế cuộc sống có bao giờ đáp ứng hết nhu cầu của con người. Chính vì vậy nên khi không được như ý, con người sinh ra khổ. Đó là biểu hiện của cầu bất đắc khổ. Một khía cạnh thấy rõ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là thất vọng vì công danh. Trong đời, danh vọng thường là miếng mồi ngon mà phần đông người đời ưa thích “người say vô số” (Cao Bá Quát). Tuy nhiên, không phải ai cũng được toại nguyện trên con đường danh lợi này. Vì vậy mà Nguyễn Gia Thiều đã nói:
Gót danh lợi bùn pha sắc xám Mặt phong trần nắng nám mùi dâu
(Cung oán ngâm khúc)
Được đào tạo theo kiểu mẫu Nho giáo, Nguyễn Du không trực tiếp phát ngôn mạnh mẽ như Nguyễn Công Trứ về chí làm trai. Thông qua những trăn trở của ông, chúng ta hiểu được những dằn vặt của một người lận đận công danh. Đó là sự day dứt về mặt tinh thần. Nó khiến cho con người bế tắc, đau đớn.
Nghe tin bạn mình, Dương Khuê mất, Nguyễn Khuyến rất bất ngờ, xúc động.
Nỗi đau tinh thần quá lớn đã ảnh hưởng đến nỗi đau thể xác: “Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời” (Nguyễn Khuyến, Khóc Dương Khuê). Bi kịch tinh thần của một nhà nho Nguyễn Du đã chuyển thành nỗi đau thể xác “Sống chưa làm nên danh, thân đã suy yếu” (Sinh vị thành danh thân dĩ suy – Tự thán). Mặc dù Nguyễn Du không trực tiếp bộc lộ quan điểm về chí làm trai. Song, sống trong thời kì phong