Chương 2 THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO CẢM QUAN NHO GIÁO
2.3. Tình cảm nhân đạo theo thuyết về chữ Nhân của Nho giáo
2.3.1. Tình c ảm nhân đạo của Nguyễn Du đối với “những người muôn năm cũ”
Những người phụ nữ tài hoa bạc mệnh với Nguyễn Du dường như có duyên nợ. Nguyễn Du viết về họ với sự cảm thông, trân trọng và hình như có cả sự đam mê với cuộc đời của họ. Hình ảnh người ca nữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thơ Nguyễn Du. Từ hình ảnh Đạm Tiên, Thúy Kiều đến những người con gái làm nghề “buôn nguyệt bán hoa” trong Văn chiêu hồn, và bây giờ là người ca nữ ở đất La Thành. Người đào nương này có nhan sắc khuynh thành nhưng vì mang nghiệp chướng phấn son nên “vui là vui gượng kẻo là, ai tri âm đó mặn mà với ai”. Nàng đã chết đi với mong muốn có người hiểu mình. Nguyễn Du đi qua đất La Thành, viếng người đào nương, đi qua Lạng Sơn, trên đường đến Trấn Nam Quan tiếp sứ Thanh, thấy đá vọng phu lại thương cho nàng Tô Thị. Ảnh hưởng trào lưu nhân đạo chủ nghĩa, về khía cạnh cuộc sống đời thường, hạnh phúc cá nhân, cuộc đời nơi trần thế, tác giả không đề cập nhiều đến lòng chung thủy của nàng Tô Thị mà chỉ thương nàng chịu thiệt thòi “muôn kiếp không hề có giấc mộng mây mưa”. Nguyễn Du thật nhân đạo khi quan tâm đến khát khao hạnh phúc của người phụ nữ trông chồng.
Phải rất thấu hiểu, rất tâm lý, tác giả mới đồng cảm được như vậy.
Cũng xuất phát từ sự đồng cảm đó, Nguyễn Du đặt mình vào con thuyền “ngã tự cư”, thấy mình cũng mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã như Tiểu Thanh. Có tài có sắc mà phải chết đi khi tuổi xuân còn đương độ, mới 18 tuổi mà Tiểu Thanh đã phải “nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”. Phải chăng tài và sắc ấy đã làm lụy đến nàng?
Chi phấn hữu thần liên tử hậu Văn chương vô mệnh lụy phần dư
(Độc Tiểu Thanh kí)
Người đẹp Dương Quý Phi cũng vì có sắc đẹp khuynh thành mà bị chết oan.
Cả triều đình đứng như phỗng đá để riêng người đẹp phải tự vẫn vì trót mang nhan sắc trang đài. Đi qua quê cũ của Dương Quý Phi, tưởng nhớ người xưa, tìm về chốn cũ nhưng tất cả đã bị cỏ bồng mọc phủ lối, gò đống san bằng:
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ
Đông phong thành hạ bất thăng tình (Dương Phi cố lý) (Cánh hồng tàn rơi tơi tả biết tìm thấy ở đâu,
Dưới thành gió đông thổi, khiến lòng ngậm ngùi không kể xiết) Viết về Khuất Nguyên, Nguyễn Du có đến 6 bài thơ. Tựu trung lại tác giả thương tài làm thơ hay của Khuất Nguyên (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu I), thương vì Khuất Nguyên chết oan, thương người chỉ một mình tỉnh táo (Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu II). Nguyễn Du còn phản bác lại bài chiêu hồn của Tống Ngọc, khuyên hồn Khuất Nguyên không nên trở về vì cõi trần đầy dẫy bọn gian ác (Phản chiêu hồn). Đi qua Tương Âm, gần với sông Mịch La nơi Khuất Nguyên đeo đá trầm mình, Nguyễn Du nhớ đến và quan tâm cả phần hồn của tác giả Li Tao:
đêm yên tĩnh, thôi đừng ngâm nga nữa, đừng làm cho giao long sợ hãi, nhốn nháo khiến hồn Khuất Nguyên ở dưới đó không yên được (Tương Âm dạ). Không những chỉ thương mà tác giả còn thấu hiểu tấm lòng cô trung của Khuất Nguyên.
Trọng tài thơ của Liễu Tông Nguyên – thuộc vào hàng tám văn hào lớn, có đóng góp nhiều cho văn học Trung Quốc – đi qua Vĩnh Châu (nơi Liễu Tông Nguyên bị đày), tác giả thương cho người phải chết oan tại đây, nhắc lại ý thơ của Liễu để tỏ lòng tri kỉ. Tri kỉ hơn là với Giả Nghị. Nguyễn Du thương Giả Nghị bị biếm trích, có tài mà không được dùng. Nảy mối thương cảm, tác giả so sánh mình với Giả Nghị “sống cách nhau nghìn năm, gặp nhau, hai bên không có gì trái nhau”.
Giống nhau mà thương nhau cũng là điều dễ hiểu. Giống như sự thông hiểu của Nguyễn Du với Đỗ Phủ là “dị đại tương liên”. Trung Quốc tôn vinh Đỗ Phủ là bậc thi thánh. Người đời thèm khát cái danh vị đó của ông. Riêng Nguyễn Du thương cho nấm mồ cô độc của ông phải gởi nơi đất khách. Hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu nỗi bất hạnh khi phải tha phương cầu thực. Nếu Đỗ Phủ có 11 năm cuối đời đưa gia đình đi lánh nạn khắp nơi, mùa thu, nhìn hoa cúc nở bao lần là biết đã xa quê mấy năm thì Nguyễn Du cũng có 10 năm gió bụi, nương náu ở quê vợ tận Thái Bình, có khi đau không có thuốc uống, đói không có cơm ăn. Nguyễn Du cảm phục tài thơ
của Đỗ Phủ, thương cho cảnh nghèo giống nhau (Nếu Đỗ Phủ mùa đông phải đi đào khoai rừng ăn cho đỡ đói nhưng tuyết xuống nhiều quá, khoai rừng cũng không đào được, phải về không, con trai con gái kêu rên, bốn vách lặng ngắt thì Nguyễn Du cũng có 10 miệng đói, mặt xanh như rau ở phía Bắc Hoành sơn) đồng thời thấu hiểu cái chết nghèo khổ cô độc trên chiếc thuyền rách nát cũng như nắm xương tàn phải gởi nơi quê người 40 năm. Đứng trước mộ Đỗ Phủ, trong đám mây chiều ở Lỗi Dương, Nguyễn Du rơi nước mắt khóc thương người nghìn năm trước. Trong sự xót xa ấy, tác giả hỏi trời “cùng quẫn đến thế, có phải vì giỏi làm thơ?”. Nhưng, làm sao có câu trả lời, vì “cổ kim hận sự thiên nan vấn”.
Đi ngang qua chỗ Kê Khang ngồi đánh đàn, Nguyễn Du nhớ người xưa, một người có nhân cách sống phóng khoáng, có khúc đàn tuyệt diệu; và tiếc thay khúc đàn đó không còn nữa vì không được truyền lại cho đời sau, không còn ai đến với làng say Trúc Lâm thất hiền (Kê Khang cầm đài).
Chữ nhân bao gồm cả chữ nghĩa. Người thực hiện được chữ nghĩa ông cũng hết lòng ca ngợi. Đó là Hàn Tín. Những việc làm của Hàn Tín ở lĩnh vực chính trị, ông không bàn đến mà chỉ cảm khái trước tấm lòng trung nghĩa của Hàn Tín mà thôi. Vì ơn Phiếu Mẫu cho ăn cơm lúc còn hàn vi, sau này nên danh, Tín đã có hành vi hậu tạ. Từ sự cảm phục một nhân cách lớn đó, Nguyễn Du đã thương một con người không được hưởng phú quý mà còn bị giết chết một cách oan uổng.
Đọc hết sử sách Trung Hoa, bây giờ đặt chân lên đất nước của những con người đáng trọng đó, tác giả thật sự xúc động. Tình thương của Nguyễn Du dành hết cho tất cả mọi người. Đó có thể là người có nhân cách cao thượng như Liêm Pha biết phục thiện, như hai chú cháu họ Sơ không ham danh vị; đó có thể là người có tài nhưng không có chân thiên tử như Hạng Vũ; có khi đơn giản chỉ là ngưỡng mộ tài năng như Lí Bạch, Chu Du, Âu Dương…
Những con người đó, đến thời Nguyễn Du, họ đã trở thành thiên cổ. Họ có thể bị chết oan (Khuất Nguyên, Nhạc Phi, Hàn Tín, Liễu Tông Nguyên…), có thể chết trẻ (Tiểu Thanh, Giả Nghị, người ca nữ đất La Thành…), có thể chết trong cô đơn, nghèo khổ (Đỗ Phủ). Nguyễn Du viết về họ khi đi qua một dòng sông, làng cũ, mộ,
bia… Hành động của tác giả thật đáng trân trọng: lau chùi bia, xuống xe tỏ lòng kính trọng, rót rượu viếng… Đối với mỗi người Nguyễn Du có cách hành xử khác nhau nhưng tựu trung lại họ là nguồn cảm xúc bất tận cho Nguyễn Du để lại muôn đời những bài thơ chữ Hán bất tử.