Chương 4. THƠ CHỮ HÁN NGUYỄN DU – CÁCH NHÌN CUỘC SỐNG THEO
4.2.3. Sống hòa nhập với thiên nhiên
Các triết gia thuộc phái Nho gia, Pháp gia, Danh gia đều chủ trương “hữu vi”:
phải có làm thì mình mới ra mình, đời mới ra đời; phải lập đức, lập công, lập danh.
Trái với phái hữu vi là phái vô vi. Tiêu biểu là Lão Trang. Họ chủ trương
“không minh, không công, không danh” mới là những bậc người chí thánh. Quan niệm của họ là cứ thuận theo tự nhiên mà sống, không kể gì công, không kể gì danh, không kể gì mình, không cần gì hữu dụng với vô dụng, ai ai cũng như thế cả, thì thiên hạ tự nhiên sẽ yên vui.
Một khía cạnh của vô vi là sống thuận theo tự nhiên. Mọi sự vật, sự việc đều phải theo “thiên tính” mà hành xử, không thể dùng ý chí chủ quan của con người mà tác động. Nếu con người nhất quyết phải cải tạo “thiên tính” thì hậu quả sẽ càng tệ hại hơn. Ý thức được điều đó, Nguyễn Du nói: “Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn?” (Chân hạc dài là do tính trời, sao chặt ngắn được – Tự thán I). Ý này lấy từ thiên “biền mẫu” của Trang Tử: “Phù hĩnh tuy đoản, tục chi tắc ưu, hạc hĩnh tuy trường, đoạn chi tắc bi” (Chân le tuy ngắn, nối thêm vào thì nó lo, chân hạc dù dài, chặt bớt thì nó xót). Dài ngắn là tính trời, cứ thuận theo lẽ tự nhiên. Đây là khoảng thời gian lận đận, có lẽ tác giả đã quá mệt mỏi trong sự lựa chọn và tìm kiếm công danh. Nghiêng về Lão Trang âu cũng là cách tự an ủi mình. Tư tưởng “bất tranh”
phần nào giải tỏa sự bức bách trong lòng kẻ trí thức. Người trai lúc nào cũng than thở với chuyện “sống chưa làm nên danh, thân đã suy yếu” (Tự thán I) thì quan niệm sống đề cao thiên tính này đã làm cho con người nhận thức lại hai chữ “công danh”. Nói như GS. Mai Quốc Liên, Nguyễn Du đến với Lão Trang như một giấc mơ trong sạch, chỉ là một giấc mơ thôi, chứ Nguyễn Du nào có quên được cuộc đời đâu. Bi kịch của Nguyễn Du là sự giằng xé giữa mộng và thực. Mộng là giữ được thiên tính mà thực là phá vỡ nó đi. Chính vì bị phá vỡ nên con người luôn mang tâm trạng nuối tiếc như viên ngọc đã bị phá vỡ không còn khuôn mặt thật của nó. Mộng là khi được làm bạn với bầy hưu nai, được nằm khểnh bên song cửa sổ phía bắc, được là thái phác (viên ngọc chưa đẽo gọt). Nhưng, Nguyễn Du trước sau vẫn là nhà nho tài tử. Bao trùm trong thơ ông là cái phận của kẻ sĩ. Cho nên kẻ sĩ này phải ra làm quan dù “chút công danh ở một châu đáng kể gì”. Thực tế là con người đã bước vào vòng danh lợi thì viên ngọc kia không còn giữ được bản chất của nó như Nhan Xúc từ chối lời mời cùng giao du của Tề Vương rằng: “Ngọc sinh trong đá núi nếu đem phá ra mà lấy không phải không quý nhưng bản chất ngọc không còn toàn vẹn. Kẻ sĩ sinh chốn quê mùa được tuyển làm quan thì có tước lộc, không phải là không vẻ vang, nhưng tinh thần không toàn vẹn” [46, tr.153]. Nói như Nguyễn Trãi là “giũ bao nhiêu bụi, bụi lầm” (Ngôn chí, bài 4). Đằng nào thì con người cũng đã chạm ngõ của danh lợi, mặc dù có lần chính tác giả đã hoan hỉ “hãy mừng là mày râu chưa nhuốm bụi” (Dạ hành) nhưng cái mừng này ít lắm, hiếm lắm trong thơ
Nguyễn Du. Còn lại là những suy nghĩ băn khoăn về việc ra làm quan của mình, hoài niệm về những ngày ẩn dật, đi săn, cảm thấy bứt rứt không yên, cho là tự mình làm trái tính tự nhiên:
Thương tàn vật tính bi phù hĩnh
Khắc lạc thiên chân thất mã đề (Ngẫu hứng I)
(Làm hại tính tự nhiên của vật, ái ngại chân con le le bị nối dài ra Xuyên tạc chân tính thiên nhiên làm mất cả ý nghĩa thiên mã đề) Hơn bao giờ hết, con người hiểu rằng khó mà giữ được thiên tính giữa bao sóng gió của cuộc đời cho nên đã khuyên con ngựa “chớ để cho dàm và bịt móng lại phạm vào thân” (Mạc giao ky trấp tái tương xâm – Thành hạ khí mã).
Như vậy, hạnh phúc của vạn vật là thuận cái bản tính của mình mà hòa hợp với vũ trụ. Trang Tử đặt ra ngụ ngôn này: Lỗ Hầu bắt được một con chim biển, thích lắm, đem nuôi ở trong miếu đường, bắt các quan tấu nhạc cho nó nghe, làm thịt cá cho nó ăn, chuốc rượu cho nó uống; nhưng nó cứ ủ rũ, không ăn uống gì cả, 3 ngày sau nó chết. “Cái hại của xã hội là bắt mọi người vào trong một khuôn nếp, không để cho mọi người theo bản tính tự nhiên của mình” [1, tr.64].
Thuận theo tự nhiên còn có nghĩa là sống chan hòa với thiên nhiên, coi thiên nhiên vừa là nguồn nuôi dưỡng, vừa là bạn của con người “Kìa đời rất đạo đức, nước ở với chim, muông; họ ngang với muôn vật, có biết gì là quân tử với tiểu nhân”
(Trang Tử, Nam Hoa kinh - thiên Mã đề). Con người có cuộc sống tự cung tự cấp
“tạc tỉnh canh điền” chủ yếu dựa vào tự nhiên: “Kìa dân vốn có tính thường: dệt mà mặc, cày mà ăn, cái đó gọi là đức chung” (Trang Tử, Nam Hoa kinh - thiên Mã đề).
Người ta, khi đã chán đường danh lợi hoặc bất như ý về cuộc đời, thường tìm về với thiên nhiên. Đó là người mẹ bao dung luôn mở rộng vòng tay đón những người con. Có thể họ trở về với một tâm hồn nguyên vẹn hay có nhiều vết thương trong lòng. Thời gian vui vẻ nhất của Nguyễn Du có lẽ là 6 năm dưới chân núi Hồng. Đây vừa là quê hương, vừa là nơi non xanh nước biếc. Còn nhớ trước đây Nguyễn Bỉnh Khiêm vui với thú nhàn “Một mai, một cuốc, một cần câu”; ăn những thức ăn có sẵn
trong tự nhiên “Thu ăn măng trúc, đông ăn giá”; sinh hoạt từ nguồn tự nhiên “Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao”. Thú nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm hoàn toàn đúng theo nghĩa của nó. Ta thấy từ đó toát lên vẻ thong thả của Tuyết Giang Phu Tử.
Nguyễn Du hay viết về núi, chẳng cần nói ra, người ta cũng biết đó là núi Hồng. Tác giả cũng khao khát cuộc sống được chan hòa với thiên nhiên. Đó có thể là nơi nằm nghỉ, đọc sách, ngâm thơ… để quên hết những phiền muộn. Ức Trai xưa cũng có cả một thời và một đời gắn bó với Côn Sơn. Côn Sơn dường như thấu hiểu hết niềm vui, nỗi buồn của con người có “tâm thượng quang Khuê tảo” (Lê Thánh Tông). Người ta có nhiều nơi để đi nhưng chỉ có một chốn để quay về. Có lẽ núi Hồng chính là chốn mà Nguyễn Du khao khát trở về nhất. Ở đó, cuộc sống không tranh đua, không có những con chim oanh ưa mách lẻo, những dì gió đỏng đảnh hay ghen. Ở đó chỉ có:
Vạn mộc sơn điền khả bốc cư
Bạch vân tại tụ thủy thông cừ (Lạng Sơn đạo trung) (Trước núi có rừng cây có thể chọn làm chỗ ở Mây trắng ở hang núi, nước chảy ra khe)
Khi ra làm quan, xa núi Hồng, tác giả nhớ quê hương là điều dễ hiểu. Nói như Chế Lan Viên:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn
(Tiếng hát con tàu) Trong thần giao cách cảm, hình như thiên nhiên cũng đợi người quay về:
Sơn nguyệt giang phong như hữu đãi
Nham thê cốc ẩm bất từ lao (Ngẫu thư công quán bích) (Trăng núi gió sông dường như có ý đợi chờ
Sống trong núi uống nước khe chẳng nề gian lao)
Nguyễn Du mặc dù sinh ra trong gia đình đại quý tộc nhưng ông được hưởng cuộc sống vương giả chẳng là bao. Lớn lên trong thời kỳ loạn lạc, đặc biệt là thời
thanh niên, ông đã nếm trải hết cả sự nghèo khổ. Thời gian trôi giạt chính là lúc ông sống gần gũi với người dân, thấu hiểu được họ. Thiên tài Ấn Độ Tagor, gần gũi với những người làm công, theo nhũ mẫu để học những bài ca dân gian. Nguyễn Du từ lúc nhỏ đã được chìm vào giấc ngủ bởi những làn quan họ của người mẹ quê Bắc Ninh. Mười năm phiêu bạt giúp ông gần gũi với nhân dân lao động hơn:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ (thanh minh ngẫu hứng)
(Trong tiếng hát nơi thôn xóm ta học được tiếng nói của người trồng dâu trồng gai) Sống chan hòa với những người bình dân và sống chan hòa với thiên nhiên, Nguyễn Du có những ngày tháng không thể quên ở nơi này: được đi săn, vui với bầy hươu nai, được ngắm mây thưởng nguyệt, được làm bạn với thiên nhiên:
- Hoàng khuyển truy hoan Hồng Lĩnh hạ Bạch vân ngọa bệnh Quế Giang biên (Tạp thi) (Dắt chó vàng tìm thú vui dưới núi Hồng Lĩnh Dưới mây trắng nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế) - Mạc sầu tịch địa vô giai khách
Lam thủy Hồng Sơn túc vịnh ngâm (Tặng Thực Đình) (Chớ sầu ở nơi hẻo lánh không gặp bạn tốt
Sông Lam núi Hồng đã đủ để ngâm vịnh)
Cách nhau gần 200 năm nhưng thi hứng của Nguyễn Du và Hồ Chí Minh đã gặp nhau. Họ chỉ khác nhau ở hoàn cảnh: Hồ Chí Minh ở trong tù còn Nguyễn Du nằm dưỡng bệnh bên bờ sông Quế. Trong hoàn cảnh nhà tù thiếu thốn và khắc nghiệt nhưng người tù đã mở lòng ra đón ánh trăng như một minh chứng cho sự giao hòa với thiên nhiên:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
(Hồ Chí Minh, Ngắm trăng) Đó là sự tương giao giữa con người với thiên nhiên. Nguyễn Du tĩnh lặng hơn một chút. Người đọc khó có thể biết nhân vật trữ tình đứng ở vị trí nào: có thể là ở
trong bóng tối, hoặc ở ngôi thứ 3 rất khách quan. Nhưng dù ở vị trí nào thì nhân vật vẫn thấy rõ mồn một bức tranh tĩnh vật: “Trăng sáng xuyên qua song cửa soi lên cặp sách túi đàn” (Nhất song minh nguyệt thướng cầm thư – Tạp thi II). Một hình ảnh thật thi vị! Ánh trăng đã tìm đến nơi đẹp nhất, thanh tao nhất của căn nhà để soi sáng. Còn gì lãng mạn hơn khi ánh sáng chiếu lên cặp sách, túi đàn. Nguyễn Du có con mắt quan sát thật tinh tế! Thi sĩ như một nhiếp ảnh gia đã kịp thu vào ống kính khoảnh khắc tuyệt vời này của bức tranh phong cảnh về đêm.
Nguyễn Du, lúc bệnh thì tìm đến sách giải khuây, lúc khỏe mạnh thì dắt chó vàng đi săn. Con người luôn bận rộn chốn quan trường nhưng trong tâm tư lúc nào cũng dành một góc cho sông Lam núi Hồng. Chính vì yêu quá mà Nguyễn Du trở thành người phát ngôn cho quê hương mình:
Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng
Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm (Phúc Thực Đình) (Sông Lam núi Hồng đẹp vô hạn
Nhờ anh thu lượm để giúp thêm vào việc ngâm vịnh thanh tao) Sông núi như có mối duyên nợ với Nguyễn Du, cho nên khi vướng vào vòng danh lợi, ông tự coi mình đã lỗi hẹn với non xanh nước biếc: “không cùng với núi xanh giữ được thủy chung” (Vọng Thiên Thai tự). Hơn nữa, trước đây tác giả vốn đã thề ước ở ẩn, nhưng nay phải ra làm quan thì cảm thấy thẹn với cây tùng tảng đá ở Hồng Sơn (Tạp ngâm). Không những thẹn, Nguyễn Du còn cảm thấy day dứt, băn khoăn khi ra làm quan:
Nhược ngộ sơn trung mi lộc hữu
Yên hà cựu thoại bất kham đề (Ngẫu hứng) (Nếu gặp bạn hươu nai trong núi
Những câu chuyện cũ khói mây không đành lòng nhắc lại)
Cảm giác đó được đẩy lên đỉnh điểm khi tác giả e rằng nếu mình cứ mãi dấn thân vào con đường danh lợi thì có khi những người bạn thiên nhiên cũng không còn nhận ra mình:
Chiếc áo xanh đi khắp đường bụi hồng
Con vượn con hạc làm sao mà nhận ra người láng giềng cũ (Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn) (Thanh sam tẩu biến hồng trần lộ
Viên hạc hà tòng nhận cựu lân
Mang tâm trạng lo sợ đó, Nguyễn Du phát biểu một tuyên ngôn như một quyết tâm luôn sống cùng với thiên nhiên:
Vô tử chung tầm thỉ lộc minh (Ký hữu)
(Chưa chết thì rốt cuộc sẽ đi tìm lợn hươu làm bạn)
Như vậy, sống thuận theo tự nhiên tức là phải gần gũi với thiên nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, ăn thức ăn do tự nhiên ban tặng, không làm gì trái với quy luật của tự nhiên. “Mỗi vật đều có cái tính tự nhiên. Nếu vạn vật thuận theo tính tự nhiên ấy thì chúng sẽ hạnh phúc chứ không cần tìm cầu ở ngoài” [38].
Với con người, Trang Tử cho rằng, nếu không thuận theo bản tính tự nhiên mà dùng các chế độ chính trị để thống trị thì cũng giống như “cột đầu ngựa, xỏ mũi trâu”, con người sẽ thấy mất đi niềm hạnh phúc được sống tự nhiên và mất luôn lạc thú ở đời.
Cách sống, cách hành xử của con người đều phải thuận theo tự nhiên, đừng làm mất đi tính tự nhiên. Vì, nó vốn là “Thiên tính” cho dù đó là dại, là vụng về, chớ có biến đổi nó thành khôn, thành khéo léo. Đây chính là ý nghĩa sâu sắc mà Nguyễn Du đã mượn tư tưởng Lão Trang để gởi vào thơ của mình.