CHƯƠNG 1: NỘI DUNG KỊCH CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
1.2. CÁC M ẢNG ĐỀ TÀI CỦA KỊCH NGUYỄN ĐÌNH THI
1.2.2 K ịch viết theo truyện cổ tích truyền thuyết
Truyện cổ tích, truyền thuyết vốn là những tác phẩm rất quí trong kho tàng văn học dân gian. Nội dung của những tác phẩm ấy nhằm khuyên đời, răn người làm lành lánh dữ, làm thiện lánh ác nên nó được lưu truyền rộng rãi từ đời này sang đời khác và trong chúng ta không mây ai là không biết đến.
Trong gia tài kịch quí báu của mình, có một số tác phẩm Nguyễn Đình Thi đã khéo chọn nội dung cốt truyện từ những truyện cổ tích truyền thuyết và phả vào đó sức sống, hơi thở của cuộc đời thật để nó được gần gũi hơn với đời sông hiện đại, có thể kể: Người đàn bà hóa đá, Cái bóng trên tường, Trương Chi, Con nai đen... Tuy là chuyện xưa nhưng ngẫm nghĩ sâu xa thời nào lại chẳng có, những bi kịch, những buồn vui đau khổ của đời người.
Người đàn bà hóa đá và Cái bóng trên tường đều nói đến cái định mệnh nghiệt ngã, tàn khốc của con người, đặc biệt là của người phụ nữ. Dầu trong đau khổ, ở họ vẫn bừng lên nét đẹp tâm hồn thật đáng quí: thủy chung, đoan chính, hiền dịu... và thậm chí có thể hy sinh cả mạng sống của mình để chứng minh lòng trinh bạch, trong trắng đối với chồng. Người đàn bà hóa đá là vở kịch Nguyễn Đình Thi sáng tạo dựa vào truyền thuyết Đá vọng phu: hai anh em ruột lấy nhau mà không tự biết, sau do tình cờ người chồng phát hiện ra sự thật, quá đau khổ anh bỏ đi biền biệt, chị vợ ngày đếm thương nhớ chồng bồng con lên núi ngóng trông đến khi hóa đá. Nhân gian có câu hát truyền tụng lại:
"Đồng Đăng có phô Kì Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh" để ghi lại hình ảnh bất tử của người thiếu phụ chờ chồng. Khác với câu chuyện cổ, trong vở kịch của Nguyễn Đình Thi còn có nhân vật ông già tiêu phu - người hàng xóm tốt bụng biết rõ sự tình đã khuyên người chồng đi ngay sau khi biết chuyện. Ông giống như là một chứng nhân của lẽ phải và đạo lý, không thể nào chấp nhận một sự việc mang tính loạn luân như vậy. Đọc vở kịch này người ta dễ nghĩ ngay đến vở ơđip làm vua (Xôphốc) của sân khấu Hy Lạp, con lấy mẹ
mà không biết. Sự việc tày trời không thể nào chấp nhận đó theo sân khấu Hy Lạp là một phán xét của thần linh, khó có thể cưỡng lại. Vở Cái bóng trên tường được Nguyễn Đình Thi chuyển thể từ truyện Người con gái Nam Xương một trong 20 truyện in trong quyển Truyền kì mạn lục của tác giả Nguyễn Dữ ở vào thế kỉ thứ XVI. Trong phần nhiều truyện của mình, Nguyễn Dữ xây dựng nhân vật chính diện chủ yếu là những người phụ nữ bình thường, có phẩm chất tốt đẹp, khao khát hạnh phúc, nhưng gặp nhiều bất hạnh, đau khổ trong cuộc đời. Người phụ nữ trong truyện Người con gái Nam Xương cùng vậy, một người phụ nữ nết na, đức hạnh đã gặp phải nỗi oan không thể thanh minh đến nỗi phải lấy cái chết để bày tỏ lòng mình. Khi chuyển thể sang kịch, Nguyễn Đình Thi hầu như vẫn giữ nguyên cốt truyện trên, kể cả tên của nhân vật cũng không thay đổi nhưng bố cục câu chuyện có phần ngắn gọn hơn. Mở đầu vở kịch là lúc chàng Trương đi lính trở về, bà mẹ đã mất nên toàn bộ vở kịch chỉ có ba nhân vật (người chồng, người vợ và tiếng nói của đứa con). Nguyễn Đình Thi đã tạo ra không khí đầm ấm gia đình bằng tình cảm yêu thương và bàn tay chăm sóc của người vợ, người mẹ: mừng đến phát khóc khi thấy chồng về, lật đật trải chiếu, đặt đèn, bưng nước, dậy sớm lo bữa sáng cho hai cha con, xuýt xoa với vết thương trên vai chồng, chuẩn bị cơm, rượu, hương hoa cúng mẹ chồng/ Đây là hình ảnh người vợ thật lý tưởng đối với các chàng trai, bởi vậy người đọc rất dễ rơi nước mắt xót thương cho nỗi oan và sự bất hạnh của nàng, cũng như thầm tức giận cho tính đa nghi, cố chấp của người chồng, nguyên nhân xảy ra bi kịch. Có vài chi tiết, dù nhỏ nhưng Nguyễn Đinh Thi đã thể hiện sự sáng tạo của mình mà không nhất nhất theo sát bản truyện. Ví dụ như trong truyện, hoàn cảnh mà đứa con nói ra câu nói tai hại để chàng Trương nghi ngờ lòng trinh bạch của vợ là ở ngoài mộ bà nó, lúc hai bố con đi thăm mộ, còn trong vở kịch của mình, Nguyễn Đình Thi để đứa trẻ nói ở nhà, lúc hai bố con mới bắt đầu trò chuyện. Nếu ngẫm nghĩ ta thấy chi tiết trong vở kịch của Nguyễn Đình Thi hợp lý hơn vì đứa trẻ sẽ rất ngạc nhiên và phản đối cái người mà mẹ nó bảo gọi là bố trong khi nó đinh ninh phải là người khác kia. Vì là đứa trẻ nên nó sẽ nói ra ngay cái ý nghĩ chân thật của nó chứ không phải đợi đến lúc đi thăm mộ bà mới nói ra, biết kiềm giữ lòng mình như vậy thì nó không
còn là đứa trẻ con bốn tuổi nữa. Chi tiết khác nhau thứ hai trong vở kịch là chàng Trương sau khi nghe Lời đứa trẻ nói thì vô cùng tức giận, đuổi vợ đi ngay, không muốn nhìn thấy vợ, không muốn nghe vợ nói, cũng không cho vợ vào nhà gặp con. Còn trong tác phẩm truyện, thì họ hàng làng xóm nghe chuyện tới hết lời bênh vực và biện bạch cho nàng cũng không được, nàng khóc lóc giải bày cùng chẳng lay chuyển được chồng, nên nàng mới tắm gội chay sạch, ra bên Hoàng Giang mà tràm mình. Ở chi tiết này, ta thấy điều tiên trong vở kịch nhanh hơn trong tác phẩm truyện, Nguyễn Đình Thi đã lượt bỏ bớt những tình tiết mà ông cho là không cần thiết. Cuối cùng, trong vở kịch của mình, Nguyễn Đình Thi đã không xây dựng phần li kì về Vũ Nương sau khi nàng đã chết (được các nàng tiên ở thủy cung cứu sống, ẩn hiện trên dòng sông lúc gặp chàng Trương, kiệu hoa lộng lẫy, cờ tán, võng lọng rực rỡ...) mà là chỉ có bóng người vợ dịu dàng hiện đến bên chồng. Bóng hình người vợ thân thương ấy không_ chút oán trách chàng Trương, mà chỉ là những lời yêu thương, dặn dò: "Anh thay em mà trông nom con anh nhé. Anh vừa làm bố vừa làm mẹ cho con. Rồi sau này anh tìm một người làm bạn, anh tìm người nào biết thương con" ; "Nếu anh vẫn yêu thương em, thì đến lúc anh không còn nhớ rõ được nét mặt em, lúc ấy em vẫn ở gần anh nhất, lúc ấy em chẳng còn bóng hình, nhưng em vẫn ở cùng với anh với con... " (30, 637). Những lời nói ấy khiên chàng Trương đau đớn như ngàn vết dao cắt vào lòng và khó có thể nào quên được người vợ yêu quí của mình. Về phần độc giả, hình ảnh người vợ bất hạnh hiện lên trong giấc mơ của chồng với những lời lẽ bao dung, ân cần sẽ khiến cho họ vô cùng cảm động và nhận thấy tính chất đời thường, sự gần gũi với cuộc sông hiện tại hơn là những hình ảnh li kì, hoang đường trong tác phẩm truyện.
Sáng tác vở Trương Chi, Nguyễn Đình Thi rất tâm đắc với câu chuyện cổ xưa, cả tên tác phẩm cũng không đổi (Truyện Trương Chi), nhân vật chính cũng vậy (Trương Chi, Mị Nương). Câu chuyện kể về chuyện tình buồn của chàng Trương Chi và nàng Mị Nương. Trương Chi được giới thiệu là một chàng trai đánh cá có giọng hát thật hay, thật lôi cuốn khiến cho Mị Nương, cô gái con quan thừa tướng có nhan sắc tuyệt trần ngày ngày nghe tiếng hát của
chàng mà xao xuyến say mê. Đến khi gặp được Trương Chi, người mà nàng tưởng là sẽ rất khôi ngô và thông minh nhưng không ngờ lại quá tầm thường và xấu xí khiến nàng vô cùng thất vọng. về phần Trương Chi, tủi cho thân phận nghèo hèn và xấu xí của mình, không thể sánh cùng Mị Nương nên đã nhảy xuống sông tự vẫn sau khi cất lên lời hát:
U" Kiếp này đã dở dang nhau
UThì xin kiếp khác, duyên sau lại lành "
Sau khi chết, hồn Trương Chi nhập vào cây gỗ bạch đàn và cứ vấn vương mãi. Thấy gỗ tốt người ta tiện thành chén uống trà. Kỳ lạ thay, mỗi khi rót nước vào chén thì lại hiện lên hình ảnh người chèo thuyền đánh cá và văng vẳng tiếng hát năm xưa như than, như trách. Mị Nương nhìn thấy Trương Chi chạnh lòng thương tiếc mối tình đã qua, giọt nước mắt của nàng rơi xuống chén nước, chén nước vỡ tan.
Ở vở kịch này, Nguyễn Đình Thi cũng rất "tiết kiệm" nhân vật, ông chỉ đưa lên sân khấu có ba nhân vật: Trương Chi, Mị Nương, bà vú mà bỏ qua nhân vật quan thừa tướng hay nói khác hơn quan thừa tướng chỉ là nhân vật
"ẩn", nhân vật được nhắc đến. Trái lại bà vú (nhân vật không có trong tác phẩm truyện) lại xuất hiện hầu hết trong vở kịch của Nguyễn Đình Thi. Bà là người chứng kiến được chuyện tình bi thảm giữa Trương Chi và Mị Nương từ đầu đến cuối. Đồng thời, bà là người đầy tớ trung thành, người bạn thân thiết quan tâm, chia sẻ cùng cô chủ của mình trong những khoảnh khắc chờ mong tưởng chừng như vô vọng, những cơn đau ốm bỏ ăn bỏ ngủ... Có thể nói qua nhân vật bà vú, qua những lời tâm sự của Mị Nương cùng bà, người đọc mới có thể hiểu hết những tâm tư tình cảm thầm kín của Mị Nương.
Điểm sáng tạo thứ hai trong vở kịch khác với tác phẩm truyện là chi tiết hồn Trương Chi nhập vào cây gỗ bạch đàn. Trong tác phẩm truyện, sau khi Trương Chi nhảy xuống sông tự vẫn thì hồn nhập vào cây bạch đàn trôi trên sông, người ta vô tình vớt được và đem bán cho thừa tướng, thừa tướng thấy gỗ quí liền bảo thợ tiện thành bộ chén trà. Còn trong vở kịch, sau khi Trương Chi chết, xác được chôn dưới gốc bạch đàn, những lúc thanh vắng, người ta nghe
có tiếng hát văng vẳng lẫn trong tiếng cành lá rì rào, thừa tướng nghe chuyện mới sai người chặt cây đem đốt đi. Ông lão tiều phu thấy gỗ trắng, tốt mới lấy một ít về gọt thành chén. Thấy chiếc chén có điều kì lạ, ông lão bèn giữ kín và mang chén lại phủ thừa tướng đưa cho Mị Nương. So sánh chi tiết này trong vở kịch và tác phẩm truyện ta thấy dù có đồi chút khác nhau nhưng chung qui lại đều nói đến sự nhiệm mầu của chiếc chén gỗ. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng nói nhất trong vở kịch là chuyện tình của Trương Chi và Mị Nương đã được sự quan tâm và thông cảm của nhân dân (mà đại diện là ông lão tiêu phu). Ong đã bát châp sự can thiệp của thừa tướng đối với họ, kể cả sau khi Trương Chi chết (cho chặt và đốt cây gỗ bạch đàn), lại dám mang chiếc chén gỗ có hình bóng Trương Chi đến tận phủ thừa tướng, tìm cách chuyển đến tay Mị Nương.
Ở cuối vở kịch, lúc sự kiện kì lạ xảy ra sau khi giọt nước mắt của Mị Nương nhỏ xuống chén nước, Nguyễn Đình Thi cũng có những sáng tạo khác với tác phẩm truyện. Trong tác phẩm truyện, khi nước mắt của Mị Nương rơi xuống; thì chiếc chén vỡ tan thành nước. Phải chăng nói đến một kết thúc không vui vẻ, một sự chia li mãi mãi. Còn trong vở kịch thì khi đó Trương Chi từ từ biến đi theo bóng con thuyền xa dần sau khi thốt lên những lời nói chân thành, đầy vẻ cảm thông đối với Mị Nương: "Một lời em nói với anh, một giọt nước mắt em nhỏ xuống, là như vậy mãi mãi rồi". Suy cho cùng Mị Nương đã hối hận, đã đau buồn và rơi nước mắt vì Trương Chi thì nên chăng để cho Trương Chi cảm thông và tha thứ cho Mị Nương, thiết nghĩ đó cũng là một kết cục hợp lý.
Con nai đen là vở kịch Nguyễn Đình Thi phỏng theo một truyện cổ tích nước Ý. Năm 1954, nhân một chuyến sang Nga công tác và được xem múa rối vở Vua nai của tác giả người Ý Carlo Gozzi, Nguyễn Đình Thi rất tâm đắc với nội dung câu chuyện được xem nên một thời gian sau khi về nước ông bắt tay vào viết vở kịch, vở kịch vừa ra đời đã nhanh chóng được dàn dựng trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội (đạo diễn Thế Lữ) và được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, sau đó nó bị sự phê phán của những người quản lý văn hóa - văn nghệ nhìn từ góc độ chính trị khi cho rằng vở kịch đã chạm đến những vấn đề thời sự
của đất nước lúc bấy giờ, thế là theo thông lệ thời ấy, vở kịch bị "xếp lại" và dần dần rơi vào quên lãng. Mãi đến hơn 20 năm sau, năm 1983, nghĩ về vở kịch đầu tiên của mình, Nguyễn Đình Thi đã sửa lại theo hướng cô đọng hơn và trong một lần có dịp trở lại Nga, Nguyễn Đình Thi may mắn tìm được nguyên bản tác phẩm Vua nai của tác giả người Ý Carlo Gozzi trong một tiệm sách cũ.
Rất vui mừng khi đọc được tác phẩm này, Nguyễn Đình Thi quyết định không sửa chữa gì thêm ở kịch bản Con nai đen vừa được sửa chữa và sau đó ông cho in trong tuyển tập kịch của mình (Nxb. Văn học, 1993). Nội dung vở kịch rất hay và có ý nghĩa kể về đất nước có một vị vua và hoàng hậu đức độ, nhân từ, giàu lòng thương yêu nhân dân. Trong triều có tên quận công vốn là người gian ác và có phép thuật phù thủy, thấy hoàng hậu xinh đẹp hắn muốn chiếm đoạt cho riêng mình nên đã dùng phép thuật biến nhà vua thành con nai đen, còn hắn thì đội lốt nhà vua. Xung đột vô cùng căng thẳng giữa nhà vua thật trong hình hài con vật và lão quận công trong hình hài nhà vua cho đến khi hồn nhà vua trong xác con nai đen nhập vào xác ông lão hát rong và trở về triều để vạch rõ chân tướng sự thật. Với sự giúp sức của hoàng hậu sự thật đã được sáng tỏ, lão quận công phải đền tội bằng cái chết của mình và nhà vua đã trở về với hình hài thật sống vui vẻ, hạnh phúc bên cạnh hoàng hậu cùng thần dân trăm họ.
Hòn cuội (1987) là một vở kịch hài, mà theo Marian Tkatchep gọi là "hài kịch thần tiên". Đây là một vở kịch tương đối dài được Nguyễn Đình Thi bỏ khá nhiều tâm huyết để xây dựng. Thoạt đọc, kịch có nhiều tình tiết có vẻ vui tươi, dí dỏm nhưng ngẫm nghĩ sâu xa quả thật là cười ra nước mắt. Nhân vật được Nguyễn Đình Thi tỏ ra đặc biệt thích thú là Cuội. Với những lời nói và hành động thông minh, nhanh nhẹn, lém lỉnh của mình, Cuội đã đứng về phía người nghèo khổ, bất hạnh để dành lấy sự công bằng cho họ và ngang nhiên chống lại những người có thế lực trong xã hội nhưng là sự chống đối có dự mưu, có tính toán khéo léo. Tác phẩm với những tình tiết và lời đối đáp thú vị gây cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối. Sau chuyến giao du nhân gian ấy, Cuội đã trở về nơi chốn thật của mình, làm chú Cuội ở cung trăng, lưu lại trần thế những tình cảm ấm áp khó quên giữa Cuội với những người dân hiền lành,
lương thiện như Thêu, cô gái diễn trò rong, ông già...
Có thể nhận thấy kịch viết về đề tài này chiếm phân nửa trong tổng số kịch của Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiều về số lượng nhưng đa phần đó là những vở kịch ngắn được phỏng theo những tác phẩm truyện cổ tích truyền thuyết trong dân gian. Vì vậy, một số vở có nội dung rất quen thuộc với bạn đọc. Điều chúng ta cần trân trọng là sự sáng tạo của Nguyễn Đình Thi khi chuyển thể sang kịch, làm cho tác phẩm mang sức sống của cuộc đời thật, nhân vật trở nên sống động và gần gũi hơn với con người hiện đại. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trừ Con nai đen, còn ngoài ra kịch viết về đề tài này của tác giả không được nhiều sự chú ý của bạn đọc và công chúng.