CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT KỊCH CỦA NGUYÊN ĐÌNH
2.3.4 Điểm hạn chế trong ngôn ngữ kịch của Nguyễn Đình Thi xét t ừ góc độ sân khấu
Do tìm hiểu về đặc điểm kịch Nguyễn Đình Thi nên chúng tôi xin lạm bàn một chút về nét hạn chế trong ngôn ngữ kịch của ông ở một vài vở khi được đưa lên dàn dựng trên sân khấu. Đó là lời thoại quá dài, nặng chất văn học và chậm rãi về tiết tấu. Đây cũng là ý kiến của một số nhà nghiên cứu và đạo diễn sân khấu. Thiết nghĩ kịch viết ra chủ yếu là diễn chứ không phải để đọc nên khi gặp phải vấn đề khó khăn khi dàn dựng thì quả thật là điều đáng tiếc.
Một loạt các vở kịch của ông khi vừa ra đời đã được giới văn nghệ sĩ công nhận là hay, có ý nghĩa sâu sắc và cũng mau chóng được các nhà đạo diễn bắt tay vào dàn dựng. Nhưng người ta thật sự ngạc nhiên vì sự "yểu mệnh" của nó trên ánh đèn sân khấu. Ví dụ như vở Con nai đen, sáng tác năm 1961, đến năm 1962 đã được Thế Lữ dàn dựng trên sân khấu, nhưng chỉ ra mắt khán giả chỉ vẻn vẹn mấy buổi. Đến vở Hoa và Ngần, do Dương Ngọc Đức đạo diễn, chỉ xuất hiện duy nhất ở đêm tổng duyệt. Và Nguyễn Trãi ở Đông Quan, viết năm 1979, đến năm 1980 đã được đạo diễn danh tiêng thời ấy là Nguyễn Đình Nghi dàn dựng với sự thể hiện của các diễn viên nổi tiếng Nhà hát kịch Trung ương nhưng cũng chỉ "sống" được có 9 đêm diễn. Lúc ấy trong giới sân khấu có truyền tụng một giai thoại vui:
"Nếu kịch bản sân khấu mang tên Nguyễn Đình Thi, lại đạo diễn Nguyễn
Đình Nghi thì khâu duyệt vở nhất định sẽ là Nguyễn Đình Chỉ!" (33, 397) Riêng kịch bản Rừng trúc, từ khi mới ra đời ai cũng tấm tắc khen hay nhưng phải lặng lẽ chờ đến hơn hai mươi năm sau, từ năm 1978 đến năm 1999 mới có cơ hội hóa thân thành một vở diễn hoành tráng trên sân khấu. Nói về vở kịch này, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi tâm sự: "Vở kịch của anh Thi sáng tác theo phong cách cổ điển, thường đọc thì rất hay nhưng diễn thì lại khó cho cả đạo diễn lẫn diễn viên." (33, 366). Như vậy, lí do dẫn đến sự ra đời muộn màng của vở diễn Rừng trúc là ở khâu dàn dựng chứ không phải ở chủ đề tư tưởng.
Có thể do tính chất kịch của Nguyễn Đình Thi chủ yếu đánh vào lòng trắc ẩn của mọi người, thể hiện sự xót xa, day dứt về những số phận nhỏ nhoi, đáng thương của con người nên trong kịch có nhiều đoạn thoại rất dài để nhân vật bộc lộ suy nghĩ, tâm trạng, ước muốn của mình. Ví dụ như lời thoại của Chiêu Thánh ở các trang: 298, 299, 304, 305, 306, 307..., lời thoại của Nguyễn Trãi ở các trang: 444, 445, 469, 480, 481..., lời thoại của các nhân vật trong vở Con nai đen ở các trang: 20, 48, 64, 65... in trong Tuyển tập Nguyễn Đình Thi (tập 1). Điều đó hoa ra là một trở ngại khi dàn dựng vở kịch vì diễn viên phải độc diễn một mình trên sân khấu không phải là một điều dễ, nêu không là một diễn viên thật sự tài năng. Thêm nữa, lời thoại quá dài khi lên sân khấu có thể làm giảm tính hấp dẫn, lôi cuốn khán giả hơn là những vở kịch có lời thoại ngắn nhưng nhiều hành động, mâu thuẫn và kịch tính.
Thế nhưng, không thể vì những hạn chế nhỏ mà quên đi những giá trị to lớn mà vở kịch mang lại. Vì vậy, sau bao nhiêu năm nung nấu dự định trong lòng, đạo diễn nhân dân Nguyễn Đình Nghi và Phạm Thị Thành đã cùng nhau dàn dựng thành công vở Rừng trúc với sự giúp sức của một dàn nghệ sĩ tài danh Nhà hát Tuổi trẻ. Bằng năng lực diễn xuất tuyệt vời, họ đã vượt qua mọi thách đố khi dựng vở. Bằng chứng là chỉ riêng màn hai NSƯT Lê Khanh gần như độc diễn bằng độc thoại trong khoảng 40 phút. Đó là điều không phải diễn viên nào cũng có thể làm được. Và đó cũng là điều băn khoăn của các nhà đạo diễn bao nhiêu năm qua khi nghĩ liệu khán giả có chịu ngồi yên để theo dõi diễn viên độc thoại trong chừng ấy thời gian không? Liệu diễn viên có một
mình làm chủ được sân khấu mà không trở thành người diễn thuyết hoặc cái loa phát ngôn của tác giả?... Như vậy, cuối cùng vở Rừng trúc cũng được hoa thân trọn vẹn thành những hình tượng sân khấu tuy phải trải qua gần 1/4 thế kỷ.
Một thời gian dài cho thấy những khó khăn khi dàn dựng vở kịch là một thực tế không dễ vượt qua.
Dù Là một nhà viết kịch có tài nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn mắc phải điểm hạn chế mà ông không lường trước được. Hạn chế ấy tuy không lớn, không ảnh hưởng gì đến tư tưởng chủ đề của vở kịch nhưng cũng gây ra không ít trở ngại cho việc giới thiệu rộng rãi kịch của ông với công chúng. Tuy nhiên, điều ấy cũng không ngăn cản sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với những công sức to lớn mà Nguyễn Đình Thi đã đóng góp cho thể loại kịch nói của nước nhà.