CHƯƠNG 2: NGHỆ THUẬT KỊCH CỦA NGUYÊN ĐÌNH
2.2.3 Xung đột giữa thiện và ác - Giữa tình yêu nhân tính và dục
Xung đột trong kịch có nhiều phạm vi và cấp độ nhưng tập trung nhất vẫn là xung đột giữa những tính cách đại diện cho những lực lượng khác nhau trong cuộc sống. Đọc Con nai đen của Nguyễn Đình Thi ta thấy rất rõ sự xung đột xảy ra ở hai loại người mang bản chất hoàn toàn trái ngược nhau, một bên thiện và một bên ác, một bên chính và một bên tà. Nguyên nhân xảy ra xung đột cũng là nguyên nhân rất thường tình ở thế gian: sự ham mê quyền lực và sắc đẹp. Từ lòng ham muốn đó, cộng với bản tính gian ác sấn có, lão quận công trong vở kịch đã thực hiện một loạt hành động mất hết nhân tính với sự trợ giúp của phép luật phù thủy mà hắn có được. Xung đột kịch được đẩy cao hơn với nhiều hành động kịch trở nên phức tạp, diễn biến theo nhịp thăng tiến để cuối cùng dẫn đến cái kết cục kì diệu là sự tái hiện của nhà vua trong hình hài đích thực của mình. Đó không chỉ là mong ước của người đọc và người xem mà còn là cái kết cục tất yếu của "những truyện cổ tích cho sân khấu" (Từ dùng của Carlo Gozzi).
Về cốt truyện cơ bản (bản sửa năm 1983), nếu so với kịch bản "mẫu gốc"
là Vua nai của tác giả người Ý Carlo Gozzi thì Nguyễn Đình Thi đã vay mượn gần như nguyên vẹn của Gozzi. Cũng với hình tam giác nhân vật chính: ông vua đôn hậu cả tin, người vợ xinh đẹp, chung thủy và tên gian thần dâm ô, độc ác, thêm hai nhân vật phụ nữa nhưng cũng không kém phần quan trọng là ông lão hát rong và con nai đen, Nguyễn Đình Thi đã tạo nên một cốt truyện hấp dẫn với nhiều tình tiết xung đột, gay cấn lôi cuốn người xem. Xung đột giữa thiện và ác, giữa ngay và gian thường trong giai đoạn căng thẳng của cuộc xung đột, bên ác bao giờ cũng thắng thế để người đọc hồi hộp, lo sợ cho số phận của nhân vật mà mình yêu mến rồi sau đó lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng. Trong vở kịch, xung đột bắt đầu khi tên quận công đã đạt được điều mà mình mong muốn, lợi dụng lòng nhân hậu của nhà vua, hắn đã dùng ma thuật hãm hại vua và thực hiện những ý đồ đen tối của mình. Xung đột càng lúc càng gay cấn khi kẻ xấu lại nắm giữ trong tay quyền lực tối cao, một lệnh ban ra là
có muôn binh vạn mã thi hành, còn người tốt bị hắn hãm hại thì lại vô cùng khốn khổ vì bị truy đuổi, chém giết. Thật xót xa cho nhà vua nhân từ trong hình hài con vật không thể nào giải bày được nỗi oan tình và uất hận của mình nến cứ chạy quanh quẩn nơi vua bị hại và hoàng hậu Quế Nga. Càng chạy quanh quẩn ở nơi đó thì nai đen lại càng bị nguy hiểm, nước mắt nó chảy dài khi nhìn thấy hoàng hậu, người vợ thương yêu của mình. Trong hoàn cảnh đó, nai đen càng căm thù lão quận công, ánh mắt của nó nhìn lão rực lửa, có lúc nó chồm tới hức vào lão bất chấp nguy hiểm. Nguyễn Đình Thi đã tạo nên một tình huống xung đột vô cùng hấp dẫn khi để cho người đọc hồi hộp theo dõi tính mạng của nhà vua dưới làn tên mũi đạn truy đuổi của tên quận công gian ác.
Nai đen bé nhỏ tội nghiệp tưởng như không thể nào sống nổi khi thân thể rướm máu và ướt đẫm mồ hôi quanh quẩn trốn chạy, càng chạy càng bị truy tìm, đuổi giết. Tên quận công muốn giết kỳ được nhà vua để ung dung sống cạnh hoàng hậu và chiếm đoạt ngai vàng...
Xung đột không chỉ xảy ra giữa lão quận công và nhà vua mà còn giữa lão quận công và hoàng hậu. Với bản tính hiền dịu và nhạy cảm, hoàng hậu Quế Nga mau chóng nhận ra sự thay đổi kỳ lạ nơi nhà vua giả này, vừa độc ác, vừa cộc cằn, dữ tợn. Bất chấp mọi lời khuyên can của nàng, hắn ra lệnh nhốt nàng vào cấm thành, không cho tiếp xúc với bất kỳ ai và bên cạnh đó vẫn không ngừng ra lệnh đuổi giết bằng được nai đen:
"HOÀNG HẬU - Hãy để cho tôi được yên. Xin nhà vua đừng bắt lương;
dân đi lùng săn con nai đen nữa. Khổ cho bao nhiêu người.
XÁC VUA (nổi giận) - Im đi, im ngay! Không được nói đến con nai đen nữa!
HOÀNG HẬU - Không, em không im! Em yêu anh thì sao em lại im được! Trời hỡi, con người kia bây giờ là ai vậy?
NGƯỜI CƯNG Nữ GIÀ (từ cổng thành chạy lại) - Hoàng hậu! Hoàng hậu! Người làm sao vậy? Người hãy tỉnh lại!
XÁC VUA - Hoàng hậu đang mê hoảng đó, ta lo hoàng hậu hóa điên mất
rồi. Tội nghiệp cho vợ yêu của ta. Nếu cứ để hoàng hậu đi lại, e bệnh sẽ ngày càng nặng. Từ nay ta sẽ cho hoàng hậu vào buồng cấm, không được đi đâu, không được gặp ai, cung nữ đã nghe chưa? Ta sẽ cho quân cấm vệ đến canh gác nghiêm mật." (30, 68-69)
Ngòi bút của Nguyễn Đình Thi thật sắc bén khi đưa người đọc vào trạng thái hồi hộp, căng thẳng trong hầu hết vở kịch, lúc nào người đọc cũng thấy lo âu cho số phận của nhân vật chính diện mà mình yêu mến và họ càng nôn nóng hơn khi vào giai đoạn cuối của sự phát triển xung đột, tức gần kết thúc vở kịch, lão quận công gian ác vẫn còn ung dung trên ngai vàng. Vở kịch thật sự hấp dẫn cho đến những trang cuối cùng, xung đột lên đến cao trào và kết thúc trong cuộc gặp gỡ quyết định giữa hai bên chính và tà. Vua trong xác lão hát rong và hoàng hậu bằng mưu trí và sự dũng cảm của mình đã vạch rõ chân tướng sự thật, bắt lão quận công phải trả giá cho tội ác bằng chính sinh mạng mình. vở kịch thật hay và hấp dẫn phần lớn cũng do tác giả đã thành công trong việc tổ chức xung đột kịch, dẫu xung đột có gay cấn và diễn tiến lắt léo thế nào đi nữa thì cuối cùng chính nghĩa cũng chiến thắng. Điều công bằng đó rất phù hợp với lý tưởng thẩm mỹ của nhân dân từ xưa đến nay.
Nói thêm về vở Con nai đen được Nguyễn Đình Thi sáng tác năm 1961 thì xung đột kịch mở rộng hơn với sự tranh cãi quyết liệt giữa hai thế lực gian thần và trung thần trong triều về nạn ngoại xâm và tình hình chiến sự của đất nước nên vở kịch chứa nhiều tình tiết phức tạp hơn, nhiều nhân vật phụ hơn và cũng chính vì vậy mà xung đột kịch dường như không được tập trung, phần nào bị loãng đi. Vì nhiều lý do, trong một thời gian dài kịch bản này không còn được xuất bản và công diễn nữa nhưng không có nghĩa là đứa con tinh thần đầu tiên của tác giả hoàn toàn bị lãng quên. Cho đến tận bây giờ, vở kịch ấy vẫn được một số độc giả nhắc đến với tấm lòng trân trọng tài năng và tâm huyết của tác giả ở buổi đầu bước vào nghề viết kịch. Nhưng để tìm hiểu tác phẩm và tư tưởng chủ đề của vở kịch thiết nghĩ nên chọn tác phẩm mà tác giả đã hoàn toàn hài lòng, đó là Con nai đen của năm 1983 mà tác giả đã bỏ thời gian và công sức để sửa chữa lại.