CHƯƠNG 1: NỘI DUNG KỊCH CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
1.3 NH ỮNG VẤN ĐỀ CHỦ YẾU TRONG KỊCH CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI
1.3.1 Nỗi suy tư, day dứt về lịch sử dân tộc - một thời đại nhức
Như đã giới thiệu ở phần trước, Nguyễn Đình Thi có hai vở kịch viết về đề tài lịch sử là Rừng trúc và Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Các tác phẩm này tuy có một số nhân vật và chi tiết hư cấu nhưng nhân vật chính và sự kiện chính thì được sáng tạo trên các sử liệu xác thực, tôn trọng lời ăn tiêng nói, trang phục, phong tục tập quán phù hợp với giai đoạn lịch sử ấy. Người ta thường nói, thời gian như dòng chảy cứ mãi trôi đi nhưng quá khứ thì không bao giờ mất. Có những quá khứ cứ tưởng sẽ nằm yên trong những trang vàng lịch sử nhưng mỗi khi giở ra lại thấy đau lòng, nhức nhối. Các tác phẩm văn học lịch sử vốn thường mượn chuyện xưa để nói chuyện đời nay, hấp thu những bài học của quá khứ, bày tỏ sự đồng cảm với những con người và thời đại đã qua, nhưng không vì thế mà phá vỡ tính chân thực của thể loại.
Rừng trúc dựng lại khoảng thời gian 20 năm từ 1237 đến 1258, lúc ngôi vua đã về tay nhà Trần. Đây là giai đoạn nhà Trần đang củng cố để dần dần hưng thịnh. Trần Thủ Độ với vai trò là quốc sư và cũng là chú họ của vua, được vua vô cùng kính nể và tin tưởng. Ông quyết không phụ lòng tin cậy của vua nên ra sức bảo vệ giang sơn nhà Trần, bất cứ điều gì ông nghĩ là có hại cho sự tồn vong của ngôi vua nhà Trần thì tìm mọi cách để diệt trừ. Dù lắm mưu toan nhưng sử sách phải công nhận ông là một người tài giỏi hơn người. Từ khi ngôi vua còn ở triều Lý, ông đã làm đủ mọi cách chiếm đoạt về tay nhà Trần, ông không từ một thủ đoạn nào kể cả bắt ép vua Lý Huệ Tông phải tự vẫn chết sau khi đã nhường ngôi vua lại cho con gái thứ là Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới
vừa bảy tuổi. Với một vì vua bé bỏng miệng còn hôi sữa, Trần Thủ Độ dễ dàng tạo ra một cuộc hôn nhân giữa hai dòng họ Lý - Trần để rồi bắp ép Chiêu Hoàng phải nhường ngồi cho chồng mình là Trần Cảnh. Từ đây nhà Trần chính thức lên ngôi với sự trị vì của một vị vua tám tuổi mà sau lưng là sự hậu thuẫn rất lớn của ông chú Trần Thủ Độ.
Sở dĩ phải nói nhiều về nhân vật này, vì ông là một nhân vật rất quan trọng trong thời kỳ cuối nhà Lý đầu nhà Trần, đồng thời cũng là đầu mối gây ra nỗi đau cho Lý Chiêu Hoàng và sự bất hòa của anh em trong hoàng tộc nhà vua. Trước sự xuống dốc không thể cứu vãn nổi của triều Lý, ông đã khôn khéo đưa họ Trần lên nắm lấy vũ đài chính trị từ năm 1226 và dần dần đặt nền tảng chắc chắn cho việc đưa họ Trần lên thay họ Lý trị vì thiên hạ. Ông đã nghĩ ra kế hoạch lợi dụng hôn nhân để giành ngôi nhà Lý. Trước năm 1224 ông đã bố trí cho con trai trưởng của Trần Thừa là Trần Liễu kết hôn với công chúa Thuận Thiên là con gái trưởng của vua Lý Huệ Tông. Đó là cuộc tảo hôn thứ nhất giữa hai họ Lý - Trần mà chính sử đã ghi chép lại. Đến cuối năm Giáp Thân (1224), một lần nữa, ông đã khôn khéo bố trí để người con thứ của Trần Thừa là Trần cảnh kết hôn với Chiêu Thánh công chúa (bấy giờ là vua Lý Chiêu Hoàng vừa mới lên ngôi). Đây là cuộc tảo hôn lần thứ hai và cũng chính cuộc tảo hôn này đã góp phần vô cùng quan trọng vào việc làm thay đổi hoàn toàn ngôi vua Đại Việt. Các sử gia xưa đã mô tả đại lược về cuộc tảo hôn này như sau:
"Trần Cảnh bấy giờ mới được tám tuổi, lo đứng ngoài cửa cung để chầu hầu nhà vua. Một hôm (Trần Cảnh) phải bưng nước cho vua rửa, nhân đó mới được vào trong. (Vua Lý) Chiêu Hoàng vừa trông thấy đã lấy làm ưa, cho nên, mỗi khi dạo chơi vào ban đêm, vẫn cho gọi (Trần) Cảnh đến đi cùng. Thấy (Trần) Cảnh ở chỗ tối thì thân đến nô đùa, hoặc nắm tóc, hoặc đứng chèn lên bóng.
Một hôm, (Trần) Cảnh bưng chậu nước đứng hầu (vua Lý) Chiêu Hoàng rửa mặt. Vua lấy tay vốc nước, tát ướt hết cả mặt của (Trần) Cảnh rồi cười và chọc ghẹo. Khi Trần Cảnh bưng khăn lau thì lấy khăn ném cho (Trần) Cảnh.
(Trần) cảnh không dám nói gì cả, chỉ về ngầm thưa với (Trần) Thủ Độ. (Trần) Thủ Độ nói rằng:
- Nếu thực như thế thì họ ta sẽ thành hoàng tộc hay là sẽ bị diệt hết đây?
Lại có hôm, (vua Lý) Chiêu Hoàng lấy khăn ném cho (Trần) Cảnh. (Trần) Cảnh lạy và thưa rằng:
- Bệ hạ có tha tội cho thần không? Có thế thần mới xin vâng mệnh. (Lý) Chiêu Hoàng vừa cười vừa nói:
- Tha tội cho ngươi ư? Thế ra nay nhà ngươi đã biết nói khôn rồi đấy.
(Trần) Cảnh về thưa lại với (Trần) Thủ Độ. (Trần) Thủ Độ sợ việc này mà tiết lộ ra thì cả họ sẽ bị giết hết, bởi vậy, đem gia quyến vào trong cung cấm. (Trần) Thủ Độ sai đóng chặt hết các cửa thành và cửa cung, canh giữ cẩn mật, không cho các quan vào chầu hầu. (Trần) Thủ Độ lại loan báo:
- Bệ hạ nay đã có chồng rồi. " (34, 71-72)
Ta thấy Trần Thủ Độ đã tận dụng được chớp nhoáng thời cơ để thực hiện kế hoạch của mình. Ngày 21 tháng 10 năm 1224, dưới sự tác động của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng triệu tập các quan vào chầu và xuống chiếu nhường ngôi vua cho Trần cảnh. Và đến ngày 11 tháng 12 năm 1224, Lý Chiêu Hoàng mở hội lớn ở điện Thiên An, các quan mặc triều phục vào chầu, quỳ lạy dưới sân. Lý Chiêu Hoàng bèn trút bỏ ngự áo, mời Trần Cảnh lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Kiến Trung năm thứ nhất. Trần Thủ Độ được phong làm Quốc Thượng Phụ, nắm giữ mọi việc cai trị trong nước.
Ngôi vua đã về tay nhà Trần trong điều kiện như vậy. Bởi thế người ta nói Trần Thủ Độ là người có công khai sinh ra triều Trần. Đầu năm 1926, Trần Thủ Độ tự phong cho mình hàm Thái sư và nhanh chóng áp dụng nhiều biện pháp rất kiên quyết nhằm nâng cao quyền lực của họ Trần, triệt để chấm dứt mọi mầm mống của họa loạn, ổn định tình hình chính trị của nước nhà. Cụ thể là tháng 8 năm 1226 Trần Thủ Độ đã bức tử Lý Huệ Tông, đồng thời truất ngôi hoàng hậu của bà Trần Thị Dung, giáng bà làm Thiên Cực công chúa và lấy bà làm vợ, cần nói thêm rằng bà Trần Thị Dung là chị họ của Trần Thủ Độ và
cũng chính Trần Thủ Độ là người đã chủ trương cho con em trong dòng họ Trần lấy nhau. Đây là chủ trương nhằm đề phòng người khác họ lợi dụng hôn nhân để cướp ngôi. Sự cẩn trọng giữ ngôi vua là cần thiết nhưng Trần Thủ Độ và những người đương thời đã không thấy hết được những tác hại to lớn và lâu dài của chủ trương này.
Sự kiện nổi bật nhất được Nguyễn Đình Thi đưa vào tác phẩm của mình là sự kiện Trần Thủ Độ ép Trần Liễu phải nhường vợ của mình là Thuận Thiên công chúa cho Trần Thái Tông vào lúc Thuận Thiên công chúa có thai với Trần Liễu được ba tháng và Chiêu Thánh, từ khi nhường ngôi cho Trần cảnh được lập làm hoàng hậu, nay bị giáng xuống làm công chúa, ngôi vị hoàng hậu thuộc về công chúa Thuận Thiên, sở dĩ có sự kiện đau lòng đó xảy ra cũng do Trần Thủ Độ lo sợ về sự mất còn của ngôi vua khi Chiêu Thánh chậm có con nối dõi, mà nhà vua đang độ tuổi xuân, cung phi mỹ nữ vây quanh, lỡ ra ngôi hoàng hậu thuộc về một dòng họ khác thì sẽ có chuyện không hay. Vào tác phẩm, việc làm này của Trần Thủ Độ còn có được sự hỗ trợ chắc chắn của Trần Thị Dung. Nguyễn Đình Thi cho ta thấy ý kiến táo bạo trên là của bà nghĩ ra và bàn với Trần Thủ Độ. Phải chăng tác giả muốn chúng ta có một cái nhìn bớt gay gắt hơn với Trần Thủ Độ, nhân vật được tác giả xây dựng bằng ngòi bút khá độ lượng. Và dẫu biết rằng việc làm đó sẽ gây ra nỗi đau đôi với Trần Liễu và Lý Chiêu Hoàng nhưng vì cho đó là việc nước nên ông vẫn làm. Hãy nghe ông nói đến sự quyết tâm của mình với Trần Liễu (lúc đó vẫn chưa hay biết gì):
“Nhưng mà tôi nghĩ thế này, ông Hoài vương ạ. Phải làm thế nào cho được việc nước, đó là cái lẽ của người cầm nắm việc lớn. Đã nắm việc nước, ắt phải xem bất cứ cái gì khác cũng là nhỏ, chỉ có việc nước là chuyện đáng kể thôi.
vương nghĩ có phải không?” (30, 295)
Sự việc sau đó xảy ra đúng như dự tính của Trần Thủ Độ đã gây ra sự phẫn uất rất lớn trong lòng của Trần Liễu và Lý Chiêu Hoàng. Trần Liễu vì bất mãn đã cấu kết binh mã nổi loạn chống lại triều đình. Còn Chiêu Thánh, một cô gái mảnh mai yếu đuối như vẫn còn ngơ ngác trước những sự việc đã xảy ra cho mình thì Nguyễn Đình Thi sẵn dành cho nàng một tấm lòng cảm thông, san
sẻ. Ngòi bút nhân đạo của ông như nhỏ máu trước nỗi đau lịch sử của Lý Chiêu Hoàng. Xây dựng nên hình tượng nhân vật nữ chính này, với những đau xót mà nàng phải gánh chịu, tác giả đã thể hiện được nỗi day dứt và xót xa của mình khi lần giở những trang sử đã qua. Lý Chiêu Hoàng thật bé bỏng và đáng thương trước sức mạnh của quyền lực, nàng như hóa điên khi những người thân yêu dường như quay lưng lại với nàng. Mẹ nàng, người đã rứt ruột sinh ra nàng lại cùng chồng âm mưu trong chuyện này. Bao cay đắng trong lòng nàng như tuôn ra theo những lời nói thống thiết mà bi tráng với mẹ mình là Thiên Cực:
"CHIÊU THÁNH - Tôi biết, tôi nhìn thấy hết. Ôi chao, khuôn mặt xinh đẹp nhường kia, tôi đã nhìn đến ngây người bao nhiêu lần từ những ngày tôi còn nhỏ, đến bây giờ như mới hai mươi lăm, hai mươi bảy tuổi, nhưng mà... hai con mắt kia như hai lưỡi dao dính máu loang, trong cái trán kia lổn nhổn từng nút rắn độc ngoe ngay, tính toán, lật lọng, thu vén cho họ hàng nhà bà chiếm lấy thiên hạ, và cho bà nắm chặt quyền uy ở đời này! Bà có biết nhà vua năm ấy chết như thế nào không? Tôi, tôi đã nhìn thấy, đứa bé gái lên tám hư đốn năm ấy đã chạy đến chùa Chân Giáo và tôi đã thây cha tôi... Ôi... mặt người thắt cổ to mọng lên bằng cái tráp, hai mắt trơn trắng dã, miệng ứa máu, và cái lưỡi đen bầm rơi ra ngoài miệng lủng liếng.
THIÊN Cực - Thôi! Thôi! Thôi! Giời ơi! Đất ơi!...
(…)
CHIÊU THÁNH - Hãy nghe: từ hôm nay Lý Chiêu Hoàng này rời bỏ ngôi báu. Người đàn bà được Đức vua cha ta thương yêu kia, ta cho bà trở về họ Trần, từ nay bà không còn phải là bày tôi nhà Lý ta nữa. Ta cởi bỏ cho các người ra khỏi thân phận một bọn tiếm quyền, mà được chính danh giữ việc nước, thế thì các người hãy ra khỏi cõi tối tăm, quỷ quyệt, mưu mô, từ nay giữa thanh thiên bạch nhật hãy hết lòng phù tá người kế nghiệp ta, giữ gìn lấy giang sơn nhà Lý ta giao lại. Bờ cõi này còn chưa vững chắc thì các người phải ăn không ngon ngủ không yên! Còn ta, từ nay ta sẽ làm một người dân thường, xa nơi triều chính, còn được ngày tháng nào chỉ để mà lo hương khói thờ phụng
Đức vua cha ta, cho tròn đạo làm con, gọi là mong ăn năn tội lỗi của ta được phần nào. Ta đã nói, bà đã nghe. Hãy tuân theo ý ta, từ nay hãy để cho ta yên!"
(30, 303-308)
Chúng tôi chỉ trích một số lời thoại trong một đoạn đối thoại thật dài giữa hai mẹ con Lý Chiêu Hoàng. Những lời nói được phát ra từ miệng của Lý Chiêu Hoàng với tất cả sự oai hùng ẩn giấu trong cái vóc dáng gầy yếu cá nhân mà chúng tôi cho rằng không ai có thể viết hay hơn thế được.
Nàng đã vứt bỏ mũ niệm hoàng hậu dưới chân mình, nàng quá chán ngán trước địa vị và danh vọng. Vì nó, biết bao người đã tranh giành, xâu xé và chém giết lẫn nhau. Cha nàng, chẳng phải đã chết thật thảm thiết đó sao, còn mẹ nàng lại trở thành vợ của kẻ giết cha nàng. Chồng nàng, mẹ nàng, chị nàng... tất cả đều xa lạ đối với nàng. Nàng thật cao cả ở vị thế một vị vua cuối cùng của triều Lý đứng ra giao lại giang sơn cho nhà Trần. Nàng mong muốn giang sơn nước Việt mà ông cha nàng bỏ bao xương máu gầy dựng phải được bền vững mãi mãi. Hôn nhân của nàng là một sự xếp đặt để dành lấy danh vọng và quyền lực cho một âm mưu thật sâu xa. Cuộc hồn nhân đầy những mưu toan như vậy tất có lúc kết thúc như thế này. Mặc dù vậy, trong nàng vẫn còn đọng lại kí ức của một thời làm vua, dòng máu hoàng tộc triều Lý vẫn không ngừng chảy trong nàng. Dù thất bại nàng vẫn không cam chịu nhục, hãy nghe những lời nàng nói cùng Trần Cảnh trước lúc từ biệt:
"Thưa bệ hạ, không phải dễ dàng đâu. Tiếc rằng nhà Lý tôi đến đây đã hết, nhưng tôi mừng là nhà Trần mở đầu đã có được bệ hạ. Xin bệ hạ tha lỗi, tôi vẫn thầm coi chuyện nhường ngôi mười một năm trước là không có. Hôm nay mới thật là ngày, trước trời đất núi sông, Chiêu Hoàng tôi kính mời Đức vua mở nghiệp lớn nhà Trần nhận lấy công việc đất nước Đại Việt này. Từ lúc này, tôi chỉ xin là một người dân thường, cái tên Lý Chiêu Hoàng từ nay cũng không còn trong trí nhớ tôi nữa, dám mong bệ hạ rộng lượng cho tôi được một gian nhà không xa chùa Bảo Quang, để tiện đường đi lại trông nom hương khói cho cha tôi. Được như vậy, xin không dám quên ơn." (30, 315-316)
Hai vua của hai triều đại và cũng là đôi uyên ương trong lịch sử đang nói những lời từ biệt cuối cùng. Nguyễn Đình Thi đã tạo nên một sự gặp gỡ khá cảm động giữa họ. Chiêu Thánh nói đúng, mười một năm trước nàng chỉ là một đứa bé, có biết gì đến việc nhường ngôi, nàng chỉ là một con rối trong tay của người khác. Ngày nay, khi đã đủ hiểu biết, trước một người hiền đức, ôn hoa như Trần cảnh, nàng mới thực lòng nhường ngôi lại và âm thầm chọn con đường đi riêng cho mình. Có thể nói Nguyễn Đình Thi đã đi sâu vào mọi ngóc ngách tâm hồn của Lý Chiêu Hoàng, làm rõ hơn những điều mà lịch sử không thể nói hết được. Bởi thế từ tác phẩm cho đến sân khấu, ta thấy nhân vật Chiêu Hoàng luôn hiện diện một cách sinh động và chân thực đến không ngờ. Từng lời nói của nàng như oán như trách, như chứa chan những giọt nước mắt tủi hờn. Đây cũng là nhân vật chiếm được cảm tình và sự thương xót của độc giả, khán giả nhiều nhất.
Nói về vua Trần Thái Tông, từ nhỏ phải chịu mọi sự khuôn ép của Trần Thủ Độ nên tư cách ông có phần đa đoan, yếu đuối. Mọi sự sắp đặt của Trần Thủ Độ ông đều quy thuận mà không có những chính kiến riêng của mình.
Trong tác phẩm, ta thấy ông cũng có phần luyến tiếc và thương xót cho Lý Chiêu Hoàng nhưng không có cách nào khác hơn là để cho nàng ra đi, rồi sau đó dường như quá chán nản trước sự tác oai của quyền lực và thực tế phi luân xảy ra trong tam cung lục viện, ông tìm đường lên Yên Tử, tìm đến với cõi yên tĩnh của nhà Phật. Một vị vua đã bỏ cả ngôi cao như bỏ "một chiếc giày rách"
ấy in đậm dấu ấn trong lịch sử và còn đặt ra câu hỏi cho bao người đâu là một sự thật lịch sử...
Trái với một ấn tượng ban đầu về một thế giới êm ả, tĩnh lặng do cái tên Rừng trúc gây nên, vở kịch của Nguyễn Đình Thi là một sự kiện lịch sử ba động. Ông đã xây dựng vở kịch dựa trên tư tưởng của thông điệp mà ông đã đưa ra "việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn" (30, 358). Nước là gì nếu không phải được xây dựng nên từ nền tảng của lòng người. Nguyễn Đình Thi đã rất cảm khái và bất nhẫn về thân phận của con người trước quyền lực. Với Nguyễn Đình Thi, nỗi đau của con người là lớn