Đặc trưng thể loại

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 25 - 31)

Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG

1.1.3. Đặc trưng thể loại

Đặc trưng của mỗi thể loại trong sáng tác văn học là một trong những vấn đề quan trọng trong lý luận văn học. Người đọc có thể tiếp cận tác phẩm với nhiều góc nhìn khác nhau. Xét về phương diện thể loại, truyền kỳ có những đặc trưng về nội dung và nghệ thuật sau:

* Về nội dung:

Truyền kỳ là một thể loại văn học đậm giá trị phản ánh hiện thực. Yếu tố kỳ lạ ở đây cần phải hiểu chính là những việc thực, người thực trong cuộc đời nhưng được phản ánh bằng lối tư duy, sáng tạo mới lạ với kết cấu ly kỳ và những chi tiết hoang đường. Tác phẩm truyền kỳ chứa đựng nội dung phản ánh hiện thực xã hội rất đa dạng, phong phú. Có dạng chỉ đơn thuần là miêu tả cuộc đời biến ảo như mơ, như mộng; có loại chuyên ca ngợi tình yêu lứa đôi nam nữ;

có loại thì chuyên ca ngợi những hào sĩ hiệp khách giang hồ; cũng có loại lên án, phê phán thói hư tật xấu của tầng lớp thanh thiếu niên, thói ham tiền hám lợi của các giai tầng thống trị...

Có thể thấy nơi đây một xã hội đầy rẫy những bất công, nhiễu nhương với những thế lực uy quyền cậy thế hà hiếp người nghèo khổ. Vua quan thì kết bè kết cánh, bóc lột nhân dân, người thấp cổ bé họng thì lại nhút nhát, chịu đựng.

Trong TKML, hiện lên khá rõ sự tàn nhẫn, vô nhân của bậc tối cao trong xã hội đương thời. Đó là cảnh chính sự thối nát cuối triều nhà Trần và triều nhà Hồ.

Tác giả mượn chuyện vua nước người ngụ ý nhắc nhở vua nước mình qua lời của Hồ Tông Thốc đối đáp với Hạng Vương trong Câu chuyện ở đền Hạng Vương: “Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không ở sức; thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải bạo. Nhà vua thì chỉ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường làm đức. Chém Tống nghĩa là một tướng mạnh, vô quân đến đâu! Giết Tử Anh là người đã hàng, bất võ quá lắm! Hàn sinh vô tội mà bị luộc, hình pháp thái thường; A Phòng vô cố mà bị thiêu, hung uy quá tệ!”. Trong Chuyện đối đáp của tiều phu ở núi Nưa, người tiều phu đã nhận xét về vua nhà Hồ “Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai; hao phí gấm là, vung vãi châu ngọc, dùng vàng như cỏ rác, tiêu tiền như đất bùn…”, một triều đại mà “hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được”, vua chẳng qua là hôn quân vô đạo

“kẻ dâng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng”. Chính thế, đời sống nhân dân đã cơ cực lại còn cơ cực hơn, nạn đói kém ngày càng trầm trọng! Vợ phải bán con để ma chay cho chồng “Người vợ nghèo kiết, không có tiền để đưa ma chồng về quê được, phải đem bán con gái nhỏ Thị Nghi cho một nhà phú thương họ Phạm” (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) hoặc người chết hàng loạt, hồn ma đói khát vất vưỡng, dân tình điêu đứng lầm than: “Cuối đời Trùng Quang nhà Trần, người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ tựa nương”,

“những oan hồn không chỗ tựa nương thường họp thành đàn lũ, hoặc gõ cửa hàng cơm để kiếm ăn, hoặc đón cô gái chơi để kết duyên tạm, ai va chạm thì bệnh nguy khốn, ai cầu cúng thì thấy hết phép hay, hoành hành ở đồng nội không biết kiêng sợ gì cả” (Chuyện tướng Dạ Xoa). Lời tiên ông nói với vua Lê

Thánh Tông trong TTDT cũng cho thấy sự hời hợt của bậc tối cao trong việc trị vì thiên hạ: “Đến đời Huệ Tông, trễ nãi chính trị, ruồng bỏ nhạc công, hàng ngày say sưa hát hỏng, múa giáo tự xưng là tướng nhà trời, uỷ cả chính quyền cho nhà Trần” (Truyện ký về một giấc mộng).

Những tệ lậu của xã hội, thói hoang dâm vô độ của trai gái, của những quan nhân, thương buôn, sư sãi cũng được các tác giả chú ý thể hiện. Ở TKML, hồn ma Nhị Khanh đã thể hiện sự đắm say trong ái ân xác thịt ngay lần gặp đầu tiên với Trình Trung Ngộ (Chuyện cây gạo): “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác giấc chiêm bao, chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”. Hay tính nết và hành động đáng chê trách của nàng Hàn Than và sư Vô Kỷ: “hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa, chẳng khác nào con bướm gặp xuân, trận mưa cửu hạn, chẳng còn để ý gì đến kinh kệ nữa” (Chuyện nghiệp oan của Đào thị). Quả thật, một xã hội loạn lạc, rối ren, muôn vàn tội ác! Các tác giả đã vẽ nên bức tranh hiện thực có giá trị để nhắc nhở, thức tỉnh mọi người.

Ngoài ra, các tác phẩm thuộc thể loại truyền kỳ đều mang đậm giá trị nhân đạo và giàu chất nhân văn.

Trước hết là sự phê phán, lên án những thế lực hung tàn mà tiêu biểu đó chính là bọn vua quan, gây phiền nhiễu cho cuộc sống dân lành; những thanh niên và cả sư sãi vô lương, đam mê sắc dục làm bại hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thần Thuồng Luồng làm yêu làm quái cướp vợ người (Chuyện đối tụng ở Long cung), viên quan họ Hoàng (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) và chàng lái buôn Trình Trung Ngộ (Chuyện ma cây gạo) đam mê sắc dục đến lâm trọng bệnh và chết đi hoá thành những cô hồn ngạ quỷ…

Đồng thời các tác giả cũng bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh, hẩm hiu trong xã hội, đặc biệt là người phụ nữ; đề cao tình yêu chung thuỷ, ca ngợi những tấm gương cương trực chính nghĩa của các anh hùng. Tình

yêu chân chính, tình vợ chồng thuỷ chung đến chết không thôi được khẳng định giữa các nhân vật trong TKML như Trọng Quỳ và Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, Lệ Nương và Phật Sinh trong Chuyện Lệ Nương. Những tấm gương phụ nữ tiết hạnh được ca ngợi như nàng Vũ Thị Thiết trong Chuyện người con gái Nam Xương. Trong TKTP, nàng Nguyễn Cơ đẹp người đẹp nết, chấp nhận hi sinh để bảo toàn tính mạng cho vua và các binh sĩ (Truyện đền thiêng ở cửa bể)), nàng Liễu Hạnh son sắt với Đào Lang (Truyện nữ thần ở Vân Cát). Trong LTKVL thì có nàng ca kỷ họ Nguyễn (Ca kỷ họ Nguyễn), phu nhân họ Nguyễn hiếu thuận, tiết hạnh liều chết theo chồng (Người con gái trinh liệt ở Cổ Trâu)…

Nhìn chung, các truyện truyền kỳ đều thể hiện đầy đủ hai nội dung cơ bản:

phản ánh hiện thực và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Truyện truyền kỳ đã góp phần hướng văn học trung đại Việt Nam đến gần việc thể hiện một cách chân thực đời sống của quần chúng nhân dân, tỏ rõ được thái độ cảm thông, thương xót của tác giả đối với những số phận bất hạnh, phê phán những thế lực chà đạp nhân phẩm của con người, góp phần bảo tồn những nét những tinh hoa của truyền thống văn hoá dân tộc.

* Về nghệ thuật:

Truyện truyền kỳ có sự ảnh hưởng rất lớn từ các truyện dân gian. Ảnh hưởng rõ nhất đó chính là cốt truyện. Cốt truyện ở truyện truyền kỳ chịu sự ảnh hưởng bởi các môtip cốt truyện dân gian. Trong TTDT, truyện Chồng dê có cốt truyện rất quen thuộc với các truyện dân gian Lấy vợ cóc, Lấy chồng dê. Truyện Ngọc nữ về tay chân chủ mang dáng dấp của truyện dân gian Sơn tinh, Thuỷ Tinh. Trong TKML, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên được tác giả sử dụng trí tưởng tượng phong phú sáng tạo lại từ truyện dân gian Từ Thức lên tiên, tương tự Chuyện người con gái Nam Xương là phỏng tác của truyện cổ Vợ chàng Trương rất phổ biến được truyền tụng trong dân gian. Trong TKTP, truyện Vân Cát thần nữ được tác giả sáng tạo lại từ truyền thuyết Bà chúa Liễu Hạnh (một trong tứ

bất tử nổi tiếng trong văn hoá và trong văn học Việt Nam) bởi tấm gương tiết hạnh đã hoá Thánh của người phụ nữ. Chuyện tình ở Thanh Trì trong LTKVL khiến ta liên tưởng đến chuyện dân gian Trương Chi, Mỵ Nương bởi mối tình son sắt, tình cảm thuỷ chung đáng trân trọng giữa người với người.

Các câu chuyện truyền kỳ có điểm tương tự với truyện dân gian ở cốt truyện. Cách mở đầu là lời của tác giả giới thiệu về tên, quê quán hay nghề nghiệp, xuất thân của nhân vật. Cách mở đầu rất quen thuộc trong các truyện dân gian được thể hiện khá đậm nét trong các tác phẩm truyền kỳ. Thử quan sát vài ví dụ: “Ngày xưa, ở làng Nam Xương có cô gái tên Vũ Thị Thiết, người đã xinh đẹp lại thuỳ mị, nết na…” (Truyện dân gian Vợ chàng Trương). Trong TKML thì “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp…” (Chuyện người con gái Nam Xương), hay trong TTDT: “Cuối niên hiệu Nguyên Phong đời nhà Trần, ở Mai Châu có một nữ yêu tinh biến hiện nhiều hình quái gở. Khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp…” (Truyện yêu nữ ở Châu Mai). Tiếp nối đó là mạch kể của tác giả về hàng loạt sự việc, sự kiện xoay quanh cuộc đời của nhân vật, qua đó thể hiện phẩm chất thiện hay ác, tốt hay xấu của nhân vật. Kết thúc truyện truyền kỳ thường có hậu rất giống với các truyện dân gian với tinh thần “thiện giả thiện báo, ác giả ác báo”.

Các tình tiết trong truyện truyền kỳ còn ảnh hưởng nhiều từ các môtip truyện dân gian. Chẳng hạn môtip người lấy vật trong các truyện Duyên lạ nước hoa (TTDT), Truyện kỳ ngộ ở trại Tây (TKML)…; môtip vợ bị cướp trong các truyện Chuyện nàng Tuý TiêuChuyện đối tụng ở Long cung (TKML); môtip con người xuống thuỷ cung, âm ty hay thiên tào trong các truyện Chuyện tướng Dạ Xoa, Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào (TKML), Gặp Tiên ở hồ Lãng Bạc (TTDT)…; môtip nằm mộng, điềm báo trong Tháp báo ân (LTKVL), Câu chuyện ở đền Hạng Vương, Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa (TKML); môtip thụ thai thần kỳ được thể hiện trong khá nhiều truyện: Chuyện gã trà đồng giáng sinh,

Chuyện yêu quái ở Xương Giang (TKML), Thần nữ Vân Cát (TKTP), Duyên lạ xứ hoa (TTDT)….

Truyện truyền kỳ là những truyện mang đậm thủ pháp nhân hoá, tạo ra những yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Sáng tác văn học nghệ thuật không chỉ tái hiện cuộc sống hiện thực và con người một cách máy móc mà phải thể hiện, phản ánh chúng sao cho mang tính nghệ thuật sáng tạo. Nhân hoá là một trong những thủ pháp phổ biến trong văn học trong quá trình phản ánh một cách nghệ thuật về đời sống hiện thực của con người. Đây là thủ pháp không chỉ quen thuộc với những sáng tác dân gian mà còn phổ biến rộng rãi trong văn học viết và đặc biệt trở thành thủ pháp quan trọng trong việc thể hiện yếu tố kỳ ảo trong các truyện thuộc thể loại truyền kỳ. Các loại hoa được nhân hoá làm người và có những cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố, si như Đào Nương và Liễu Nương trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, con cáo hoá thành xử sĩ họ Hồ và vượn già hoá tú tài họ Viên luận bàn về chính sự như con người trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang (TKML), chiếc Tháp cũng có tình có nghĩa như con người trần thế trong Tháp báo ân (LTKVL), con cóc và con ếch cũng có tính thiện và ác, cũng có tham, sân, si giống như con người trong Bài ký dòng dõi con Thiềm thừ (TTDT).

Trong truyện truyền kỳ, quan niệm về thế giới, về con người vừa có những đặc điểm phổ biến vừa mang những đặc thù của từng tác phẩm. Nhân vật thường đơn giản, tính cách nhân vật thể hiện qua hành động, ngôn ngữ, nội tâm ít mâu thuẫn do chịu ảnh hưởng của bút pháp trung đại. Đặc điểm sống còn của truyện truyền kỳ là mang tính chất kỳ lạ. Tác giả cần phải xây dựng nên một thế giới thật khác lạ với thế giới thực của cuộc sống con người. Hầu như, các truyện truyền kỳ đều có sự đan xen giữa thế giới thực với thế giới ảo, giữa trần thế và địa phủ, giữa người và ma. Chẳng hạn ở các truyện Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây, Chuyện nghiệp oan của Đào thị (TKML), Truyện hai phật cãi nhau, Truyện yêu nữ Châu Mai (TTDT), hay Truyện đền thiêng ở cửa bể, Truyện nữ thần ở Vân Cát (TKTP)…

Các văn bản văn học thuộc thể loại truyền kỳ đều là những tác phẩm viết bằng văn xuôi, thường là tản văn, biền văn có dung lượng ngắn gọn. Tác phẩm VĐUL của Lý Tế Xuyên gồm hai mươi bảy truyện, LNCQ của Trần Thế Pháp gồm hai mươi hai truyện, NÔML của Hồ Nguyên Trừng gồm hai mươi tám thiên mục (truyện), TTDT của Lê Thánh Tông gồm mười chín truyện, TKML của Nguyễn Dữ gồm hai mươi truyện, TKTP của Đoàn Thị Điểm gồm ba truyện, VTTB của Phạm Đình Hổ gồm chín mươi truyện, LTKVL của Vũ Trinh gồm bốn mươi lăm truyện. TTNgL của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án gồm tám mươi chín truyện. Số câu, số đoạn ở mỗi truyện không nhiều, chẳng hạn Truyện dòng dõi con Thiềm thừ (TTDT) vỏn vẹn chỉ có sáu đoạn, tất cả có hai mươi chín câu, hay Người làm mướn ở kinh thành (TTNgL) duy nhất một đoạn gồm bảy câu.

Tóm lại về mặt nghệ thuật, những nét đặc trưng cơ bản của truyện truyền kỳ là chịu ảnh hưởng cốt truyện và các môtip truyện dân gian, mang yếu tố kỳ ảo. Quan niệm về con người vừa cụ thể vừa phổ quát, dung lượng thì ngắn gọn thường được thể hiện bằng hình thức văn xuôi, biền văn hay tản văn góp phần quan trọng trong việc tạo sự hấp dẫn cho truyện và phản ánh chân thực cuộc sống khách quan, qua đó bộc lộ thái độ, quan niệm sống của tác giả. Những đặc trưng cơ bản về phương diện nội dung và nghệ thuật nêu trên đã góp phần tạo nên sự độc đáo cho thể loại truyền kỳ, góp phần làm nên sự phong phú cho văn xuôi trung đại Việt Nam nói riêng và thêm phần khẳng định những nét đặc sắc cho nền văn học trung đại của các nước đồng văn nói chung.

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 25 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)