Y ếu tố trữ tình xâm nhập vào cốt truyện

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 89 - 103)

Chương 2. PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH TRONG

2.3. S ự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

2.3.1. Y ếu tố trữ tình xâm nhập vào cốt truyện

2.3.1.1. Yếu tố trữ tình xâm nhập vào sự kiện

Đây là dấu hiệu dễ nhận ra trong Truyền kỳ mạn lục. Phương thức trữ tình thể hiện ở việc sử dụng yếu tố thần thoại, kỳ ảo đan lồng vào các sự kiện tạo nên tính chất lãng mạn cho cốt truyện. Nguyễn Dữ tạo ra những sự kiện vừa làm nổi bật bản chất đối tượng, hiện tượng vừa thể hiện thế giới chủ quan của con người.

Qua các sự kiện, những cảm xúc, ý nghĩ của nhân vật được thể hiện. Những suy tư rất trữ tình đã thâm nhập vào những chân lý phổ biến nhất về sự tồn tại của con người như sự sống, cái chết, tình yêu, lòng chung thuỷ, ước mơ, lý tưởng…

Hàng loạt các sự kiện thể hiện lòng chung thuỷ, những ước mơ và lý tưởng tốt đẹp của con người. Truyện số 9 thể hiện thái độ trân trọng mối tình thơ mộng giữa một nàng tiên với một kẻ sĩ đã treo ấn từ quan. Tác giả bày tỏ nhận thức cuộc đời là vô thường. Sự kiện mở đầu truyện đầy lãng mạn: Tri huyện Từ Thức cởi tấm áo cừu gấm trắng chuộc tội cho người con gái làm gãy cành hoa. Và cũng từ sự kiện ấy dẫn đến hành trình “lênh đênh trên áng giang hồ các thắng cảnh miền đông nam”, Từ Thức đã lạc vào động tiên, kết duyên với Giáng Hương (người con gái từng được Từ Thức cứu). Đây thật sự là cơ duyên hy hữu trong đời. Từ Thức đã vương vấn nỗi buồn, nỗi nhớ quê da diết khi “đối cảnh chạnh lòng”, sự kiện cuối cùng của truyện: chàng từ biệt cảnh bồng lai để quay về với cuộc sống trần thế, tâm trạng của nhân vật càng trĩu nặng hơn khi về đến nơi thì cảnh và người nay đã khác. Các sự kiện trong truyện ngoài việc là các

“điểm mốc” thúc đẩy diễn biến cốt truyện còn là cơ sở, là điểm tựa cho các nhân vật bộc lộ tâm sự. Tương tự, các sự kiện ở truyện 16 cũng thể hiện đậm nét của phương thức trữ tình. Sự kiện nàng Vũ Nương vì chồng nghi oan nên nhảy sông Hoàng Giang tự tử chứng minh sự trong sạch bộc lộ một tâm trạng uất ức đè nặng trong tâm trí nàng. Nhảy sông không chỉ để kết liễu cuộc đời bất hạnh mà còn là hành động khẳng định lòng chung thuỷ sắt son của Vũ Nương đối với

chồng. Nhịp điệu nhẹ nhàng, thương cảm cùng với cách sử dụng vế đối trong lời Vũ Nương đã thể hiện sâu sắc tâm trạng người thiếu phụ bất hạnh: “Kẻ mệnh bạc này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám”. Hay một chuyện tình thật buồn nhưng cũng rất lãng mạn của Lệ Nương và Phật Sinh trong truyện 18. Mở đầu là sự kiện Nguyễn thị và Lý thị cùng có lời ước hẹn duyên tình cho con trong lễ cầu tự. Rồi chuyện tình đẹp như mơ đã diễn ra trong đời Lệ Nương và Phật Sinh: “Vì cớ hai bên cha mẹ thân mật, nên họ cùng đi lại với nhau suồng sã, thường cùng nhau xướng hoạ thơ từ. Tuy kỳ cưới xin chưa định, nhưng hai tình gắn bó, đã chẳng khác chi vợ chồng vậy”. Chuyện tình ấy được kết thúc bởi sự kiện Lệ Nương tự tử trong cảnh loạn lạc để giữ trọn lòng thuỷ chung với Phật Sinh. Lời trăn trối của Lệ Nương trước lúc quyên sinh thật ngậm ngùi, chua xót:

“Bọn chúng ta vóc mềm tựa liễu, mệnh bạc như vôi, nước vỡ nhà tan lưu ly đến đó. Nay nếu lại theo họ sang qua cửa ải tức là đến nước non quê người. Chẳng thà chết rấp ở ngòi lạch, gần gũi quê hương, còn hơn là sang làm những cái cô hồn ở bên đất Bắc”. Những hình ảnh đẹp đầy chất thơ được sử dụng trong lời văn với cách so sánh độc đáo “vóc mềm tự liễu”, “mệnh bạc như vôi”… giọng điệu thì trầm buồn, da diết, chan chứa nỗi niềm của người cô phụ. Sự kiện trong truyện nhằm thể hiện và khẳng định sức sống mãnh liệt của tình yêu chân chính, một tình yêu mãi mãi không thế lực nào có thể chia rẽ và tiêu diệt.

Hàng loạt các sự kiện cũng mang đậm suy tư trải nghiệm của nhân vật đối với cuộc đời.Con người vì sắc đẹp, dục vọng nên dễ bị lôi cuốn vào chốn u mê, lạc lối. Nếu không có ý thức lánh xa thì con người sớm muộn cũng bị huỷ diệt. Trình Trung Ngộ trong truyện số 3 là một nhân vật tiêu biểu. Gặp gỡ và yêu đương với hồn ma Nhị Khanh là một việc sai lầm. Kết cục truyện là sự kiện Trình Trung Ngộ chết. Kết thúc này gợi nên cho người đọc suy ngẫm thấm thía qua lời của tác giả: “cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải”. Sự kiện

Đạo nhân trong truyện trừ tà diệt quỷ chứng tỏ chuyện ma quỷ không phải là chuyện viễn vông. Niềm tin có thế giới khác ngoài cuộc sống thực, có ma quỷ là một biểu hiện cuộc sống tâm linh của con người. Nó mang tính truyền thống của văn hoá dân tộc, hãy nên thừa nhận đừng cho đó là những điều huyễn hoặc mà khinh nhờn như lời tác giả đã nhắn nhủ “Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhãm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay”. Truyện số 8 xuất hiện hàng loạt các sự kiện: Ngô Tử Văn đốt đền, trừ diệt hồn ma tướng giặc phương Bắc vì bình yên của cuộc sống dân lành, Ngô Tử Văn không sợ cường quyền, kiên quyết kiện tội hồn tướng giặc và phe cánh của hắn vì lợi ích của mọi người và cuối cùng chàng được dẩm trách chức phán sự ở đền Tản Viên. Các sự kiện này mang đậm triết lí sống: cái chính nghĩa sẽ thắng gian tà. Quy luật nhân quả cũng thể hiện rõ trong truyện số 10, với sự kiện Phạm Tử Hư được Dương Trạm dẫn đến âm ty chứng kiến thưởng phạt của Diêm chúa và sự kiện Dương Trạm khuyên Tử Hư: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Lưới trời thênh thang, thưa nhưng chẳng lọt”.

Yếu tố trữ tình thâm nhập vào sự kiện rõ ràng và sâu sắc. Nhìn chung ở tất cả các sự kiện diễn ra trong toàn tác phẩm đều được miêu tả bằng những hình ảnh, âm thanh, màu sắc, giọng điệu cụ thể và gợi cảm. Đặc biệt các bài thơ, câu thơ xuất hiện với vai trò là sự kiện quan trọng, mang ý nghĩa lớn trong tác phẩm.

Chẳng hạn, Hồ Tông Thốc trong truyện số 1 đã cảm tác bài thơ trước cửa đền Hạng Vương và chính bài thơ này đã là nguyên nhân cho Hồ Tông Thốc gặp gỡ với Hạng Vương. Cũng từ đó, ông có dịp bày tỏ quan điểm, nhận định về các vị vua tiền triều ở Trung Hoa trên lập trường văn hoá Đại Việt. Bài văn tế mà Trọng Quỳ sáng tác ở truyện số 3 cũng đóng vai trò như một sự kiện quan trọng, sau khi Trọng Quỳ ngâm bài văn tế thì hồn Nhị Khanh xuất hiện, báo chuyện vị lai cho Trọng Quỳ biết. Nhờ vậy nên kết thúc truyện tuy buồn nhưng có hậu:

“Trọng Quỳ bèn không lấy ai nữa, chăm chỉ chăm nuôi hai con cho đến nên người. Đến khi vua Lê Thái Tổ tuốt gươm đứng dậy ở Lam Sơn, hai người con

trai đều đi theo, trải làm đến chức Nhập thị nội. Đến nay ở Khoái Châu hiện còn con cháu”. Ở truyện số 5, nàng Đào đã không đến với Hà Nhân nữa vì nàng nghĩ Hà Nhân đã yêu thương nàng Liễu nhiều hơn. Nàng tự hổ thẹn, viết một tâm thư trao đến Hà Nhân. Nội dung bức thư là một bài thơ, có ý trách hờn Hà Nhân đã thiên vị sắc tài:

“Băng sương cốt cách, tuyết tinh thần, Nhị mởn ngành mềm đã xứng cân.

Khá trách Đông hoàng thiên vị lắm, Một cành bỏ héo, một cành xuân.”

Hồi âm nàng Đào là một bài thơ chan chứa những tâm tình, những thương nhớ của Hà Nhân:

“Tương tư nặng gánh khổ tâm thần, Ân ái chưa hề lệch cán cân.

Dì gió, nhờ đem tin nhắn nhủ:

Hoa nào bỏ héo? Lá nào xuân.”

Sự kiện ấy diễn ra nên nàng Đào hiểu rõ tình ý Hà Nhân và “từ đấy mới đi lại như trước”, tình yêu của họ càng trở thêm nồng đượm. Và khi Hà Nhân biết hai nàng Đào, Liễu không phải là con người mà chỉ là những hồn hoa ở trại Tây, chàng bèn bày lễ cúng tế, kèm theo là một thương cảm khôn xiết dành cho hai người yêu:

“Hỡi ơi hai nàng, Sương đọng ấy màu Băng trong làm cốt.

Ưa vẻ thiên nhiên, Ghét bề điểm chuốt.

Sắc nọ hẳn không hai, Tài này đành có một”

“Ngọc lấp thảm thương,

Hương vùi não nuột.

Thân theo bóng nhạn, phơ phất lưng trời, Mộng tỉnh phồn hoa, bàng hoàng một phút.

Ôi! Một sớm chia phôi, nghìn thu đau xót.”

“Linh thiêng ai hỡi có hay, Hiến hưởng rượu này mới rót.

Than ôi thương thay!”

Và chính những nỗi niềm thương yêu, trân trọng ấy đã giúp cho hai linh hồn Đào, Liễu được giải thoát “Đêm hôm ấy, chàng chiêm bao thấy hai nàng đến tạ rằng: Đội ơn lang quân làm bài văn tế viếng, khiến cho thanh giá chúng em càng bội tăng lên. Cảm vì tình ấy, nên chúng em về đây bái tạ”.

Sự kiện trong truyện số 7 là sự trêu đùa, mỉa mai của cậu học trò đối với xuất thân và phẩm giá của Hàn Than. Và chính lời bài văn này đã lột trần bộ mặt xảo trá và tội lỗi của Hàn Than, khiến nàng phải bỏ chùa Phật Tích trốn sang

“tu” ở chùa Lệ Kỳ, nơi đây các sự kiện quan trọng lại tiếp nối. Xin trích một số câu trong bài bài văn:

“Mảng nghe:

Phật vốn từ bi, gọi tên là Giác,

Người mà thanh tĩnh, hoá giả thành chân.”

“Kính nghĩ am chủ ở núi Phật Tích là Đào thị:

Sổ ca nhạc rút tên ra khỏi.

Cửa Phạm vương núp bóng tìm vào.”

“Mùi thuyền dẫu bén, Lòng tục chưa phai.”

Lại một bài thơ xâm nhập vào sự kiện. Dư Sinh viết phong thư buộc vào chân con “chim Yểng” để liên lạc với Tuý Tiêu. Nhờ phong thư này, Tuý Tiêu trùng phùng với tình lang sau những ngày xa cách. Lời thơ nhẹ nhàng, trầm buồn, ai oán chính là nỗi niềm thương nhớ của Dư Sinh đối với Tuý Tiêu:

“Trông ai nước mắt thầm rơi, Tấc gang bỗng cách đôi nơi mịt mùng.”

“Tình xưa kể đến bao giờ, Cảm sầu mội mối như tơ rối bời.”

“Lặng ngồi gấp sách ủ ê,

Lòng này cảnh ấy khuây đi được nào.”

“Mảnh tiên viết gửi trao đi, Đau thương kể nỗi vân vi với người.”

Nàng Tuý Tiêu được tin tức của Dư Sinh cũng hồi âm bằng những lời thơ chan chứa ân tình tha thiết:

“Chương đài cành liễu nghiêng chao, Biệt ly mang nặng biết bao oán sầu.”

“Bẻ bàng đổi khác tư dong,

Tóc xanh biếng chải, môi hồng biếng tô.

Thương xuân vách phấn đèn lu, Trông gương ngấn lệ mơ hồ, ngại soi.

Tiện hồng thư mới tới nơi, Chia loan càng xót xa đời biệt ly.”

“Nỗi lòng trăm mối vò tơ, Thư dài đến mấy vẫn chưa hết lời.”

Cuộc gặp gỡ qua thư đã khiến cho Tuý Tiêu tương tư tình lang, ốm nặng, bắt buộc Quan Trụ quốc phải tìm Dư Sinh cho nàng gặp gỡ.

Những phân tích trên cho thấy rõ những yếu tố trữ tình đã len lõi và thâm nhập khá đồng đều, sâu sát vào các sự kiện quan trọng của truyện. Yếu tố trữ tình vừa là điểm khởi đầu cho sự kiện mới vừa là điểm kết cho sự kiện trước đó trong toàn cục cốt truyện.

2.3.1.2. Yếu tố trữ tình xâm nhập vào không gian - thời gian nghệ thuật Không gian và thời gian nghệ thuật trong tác phẩm đều là những không gian, thời gian có thật trong cuộc đời. Mỗi vùng đất, mỗi mốc thời gian mà tác giả xây dựng trong truyện đều là mỗi nơi ăn chốn ở tại một thời điểm nhất định có thật ở nước ta (trừ truyện số 1, sự kiện được diễn ra ở vùng đất của nước Trung Hoa). Thành Đông Quan (Hà Nội) trong những năm “họ Nhuận Hồ tiếm vị” (Truyện số 2), đất Bắc Hà “trong năm Canh Ngọ (1330), niên hiệu Khai Hựu nhà Trần” (Truyện số 3), phủ Thường Tín xứ Sơn Nam tại “triều vua Huệ Tông nhà Lý”(Truyện số 4), đất Thiên Trường vào “khoảng năm Thiệu binh”

(Truyện số 5), huyện Vĩnh Lại ở Hồng Châu - Hải Dương vào đời “vua Minh Tông nhà Trần” (Truyện số 6), đất Từ Sơn vào “Niên hiệu Thiệu Phong thứ 5 (1345) đời nhà Trần” (Truyện số 7), huyện Yên Dũng đất Lạng Giang vào

“năm Giáp Ngọ (1414)” (Truyện số 8), đất Hoà Châu “trong năm Quang Thái đời nhà Trần” (Truyện số 9), Cẩm Giàng vào “đời Trần” (Truyện số 10), vùng đất Phong Châu - Bạch Hạc, Vĩnh Yên “vào cuối đời nhà Hồ” đầu “nhà Lê”

(Truyện 11), không gian xứ Thanh Hoá vào những năm “Khai Đại nhà Hồ”

được thể hiện (Truyện 12, vùng đất Kiến Hưng “cuối đời Thiệu Phong nhà Trần” (Truyện 14), Đà Giang vào “năm Bính dần (1386)” đời “vua Trần Phế Đế (Truyện 15), huyện Đông Thành đời vua “Giản Định nhà Hậu Trần”

(Truyện 17), huyện Đông Sơn – Thanh Hoá vào “niên hiệu Kiến Tân năm kỷ mão (1399) đời Trần” (Truyện 18), huyện Kim Hoa vào “cuối đời Đoan Khánh” (Truyện 19) và không gian cuối cùng của tập truyện là Hạt Quốc Oai

“cuối đời Trùng Quang nhà Trần” (Truyện 20). Đời sống của con người và cảnh vật ở mỗi vùng đất, mỗi thời điểm xã hội nhất định được tác giả phác hoạ, miêu tả chân thật. Nhìn chung, các không gian được xây dựng đều là những không gian có thật với thực trạng rối ren, loạn lạc, đầy chết chóc của nước ta ở các triều đại Trần, Hồ, Lê. Theo thống kê thì có 14 truyện (chiếm 70%) tập trung tả con người và sự việc diễn ra trong thời nhà Trần, nhà Hồ là 4 truyện

(chiếm 20%), còn lại 2 truyện (chiếm 10%) là tập trung vào đời nhà Lê. Xét kỹ, có thể thấy tác giả tập trung nhiều vào thời vãn Trần, thực trạng nhiễu nhương của một xã hội mà “binh lửa luôn năm, nhiều nơi bị đốt’ (Truyện 13), cảnh

“người chết chóc nhiều, những oan hồn không chỗ nương tựa” (Truyện 20).

Thời nhà Hồ, nhà Lê cũng không kém phần tối tăm, đổ nát “họ Nhuận Hồ tiếm vị, ngày tháng hoang chơi, triều đình đổ nát, hỗn loạn xảy ra chỉ trong sớm tối”

(Truyện số 2) và triều nhà Lê “sau khi hỗn nhất” (Truyện 11). Với thực trạng ấy, con người chỉ sống trong đói khổ và cái chết luôn chờ sẵn. Tác giả đã có cái nhìn sâu sát, toàn diện xã hội theo trục thời gian khách quan và đưa ra lời bàn luận chính xác về thời cuộc.

Tuy nhiên, sự thành công của Nguyễn Dữ không dừng lại ở đó. Ngoài không gian - thời gian thực, tác giả còn tạo nên nhiều bức tranh về cảnh và người ở cuộc sống hư vô. Không gian ấy có những thần tiên, có những hồn ma bóng quế. Yếu tố trữ tình thâm nhập sâu trong cách xây dựng không gian này.

Cảnh vật và con người ở thế giới ảo được tác giả chăm chút kỹ lưỡng và nghiêm túc. Tuỳ theo cốt truyện mà không gian ảo được biến đổi linh hoạt và phù hợp.

Nhân vật có thể được đặt chân và quan sát các cảnh trí kỳ lạ, hoàn toàn không tồn tại trong cuộc sống thực. Ở đó, con người hẹn hò, trò chuyện, yêu đương hay thay đổi nhận thức. Một không gian ảm đạm, hoang tàn đầy yêu khí rất đắc lực cho việc chuyển tải nỗi buồn, nỗi xót xa của nhân vật trong truyện. Ở truyện số 2, những hình ảnh và âm thanh xuất hiện đầy sức gợi: “rêu biếc đầy sân, năm ba tiếng quạ kêu ở trên cành cây xao xác” vào một buổi “bóng tà giọi cửa”. Không gian gặp gỡ giữa Trọng Quỳ và Nhị Khanh trong truyện số 3 tối tăm, ngột ngạt nhưng cũng rất lãng mạn với khung cảnh thơ mộng ở cầu Liễu Khê.

Trình Trung Ngộ tức cảnh sinh tình: “Nước non vẫn nước non nhà, cảnh còn như cũ người đà khác xưa, làm sao khỏi cảm động bùi ngùi cho được”. Rõ ràng, không gian trong truyện được tạo ra để truyền tải trực tiếp cảm xúc của nhân vật, ý thơ dạt dào qua từ ngữ, hình ảnh sử dụng và kể cả giọng điệu.

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 89 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)