Bi ểu hiện của phương thức trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 80 - 87)

Chương 2. PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH TRONG

2.2. Phương thức trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

2.2.1. Bi ểu hiện của phương thức trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

2.2.1.1. Biểu hiện của phương thức trữ tình thông qua giọng điệu

Bên cạnh giọng kể chân thực, khách quan trong lối trần thuật, tác phẩm còn có không ít giọng tha thiết, mỉa mai, giễu cợt, cảm thông… mang đậm tính chất chủ quan của người trần thuật. Bằng giọng văn linh hoạt, đậm chất trữ tình, biến chuyển theo từng tình tiết, từng nhân vật, Tác giả đã thể hiện những tình cảm, lập trường, quan điểm của mình. Khi giới thiệu về sự xuất hiện của Trọng Quỳ và Nhị Khanh, người kể đã dành những lời lẽ đầy thiện cảm: “Hai người thường gặp nhau trong những bữa tiệc, mến vì tài, yêu vì sắc, cùng có ý muốn kết duyên Châu Trần”, “Hai người vì xa cách nhau lâu, nên nay tình ái bội phần nồng đượm, sự vui sướng không còn phải nói”. Ngô Tử Văn cũng được giới thiệu tỉ mỉ qua sự ngưỡng mộ của chính người kể: “Chàng vốn khẳng khái nóng nẩy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương thường”.

2.2.1.2. Biểu hiện của phương thức trữ tình thông qua việc đan lồng thơ ca, văn tế trong quá trình kể chuyện

Yếu tố này thể hiện rất rõ biểu hiện phương thức trữ tình trong toàn tác phẩm. Mười hai truyện trong tác phẩm có đan lồng thơ ca, đây là một số lượng không nhỏ. Thơ là sáng tác của nhân vật xướng hoạ, đối thoại cùng nhau nhằm miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp của cảnh vật, thể hiện cảm xúc, tình cảm cá nhân về một đối tượng đang được đề cập. Cũng có khi đó là những tâm tình của chính người kể chuyện thể hiện nhận xét, đánh giá về đối tượng được kể. Với thơ ca trong TKML, chúng tôi dựa vào nội dung và chia ra từng nhóm để thuận tiện trong khi tìm hiểu.

Trước hết là những lời thơ phác hoạ cảnh thiên nhiên phong phú và đa dạng. Bằng trí tưởng tượng tinh tế, Nguyễn Dữ đã mang lại cho mỗi bức tranh thiên nhiên một vẻ đẹp khác nhau. Ở truyện số 7, bức tranh thiên nhiên tuy có không khí hoang vắng, lạnh lẽo nhưng cũng không kém phần thơ mộng, trữ tình.

Một cảnh thiên nhiên khoáng đạt, trong lành bởi các hình ảnh “Mù toả”, “Cát

phẳng”, “cây trường”, “Bến lạnh”, “Luỹ cổ” với những âm thanh của cuộc sống “tiếng chuông nhỏ”, “nhạn kêu sương”:

“Mù toả tiếng chuông nhỏ, Cát phẳng bóng cây trường.”

“Bến lạnh cá đớp nguyệt, Luỹ cổ nhạn kêu sương”.

Và hàng loạt bài thơ ứng đáp giữa Hàn Than và Vô Kỷ phác hoạ cảnh thiên nhiên ở mùa xuân, mùa thu của đất trời với hàng loạt các nhan đề như: “Mây núi”, “Mưa núi”, “Gió núi”, “Trăng núi”, “Chùa núi”, “Tiểu đồng trong núi”,

“Vượn núi”, “Chim núi”, “Hoa núi”, “Lá núi”. Tất cả đã dựng nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ, phong phú và sinh động có mây, có núi, có những âm thanh bình dị của cuộc sống như tiếng chim hót, tiếng vượn kêu sương, có tiếng chuông chùa ngân vang... Đơn cử một cảnh thiên nhiên được vẽ nên từ cảm xúc trước vẻ đẹp vũ trụ của nàng Hàn Than và sư Vô Kỷ:

“Xuân sang đỏ ối cành cành,

Mây thêu gấm dệt bao quanh bốn bề.

Sắc hương man mác rừng khe, Cổ kim từng biết bao khi nở tàn.”

“ Lưng không bát ngát bốn bề, Thu sang ngập úa, xuân về rợp xanh.

Chim kêu ríu rít đầu cành,

Tà dương bóng ngả chênh chênh ngàn đoài”.

Còn cảnh thiên nhiên ở truyện số 9 lại mang một vẻ đẹp vừa thực vừa ảo, cảnh ấy đã tạo cho người đọc một cảm giác vừa thật trong cuộc sống lại vừa huyền ảo trong chốn tiên bồng:

“Triều dương bóng rải khắp ngày xanh, Hoa cỏ cười tươi đón rước mình.

Hái thuốc nào đâu sư kẽ suối,

Tìm nguồn duy có khách bên ghềnh.

Lang thang đất lạ đàn ba khúc, Nênh nổi thuyền câu rượu một bình, Bến Võ chàng ngư, tìm thử hỏi, Thôn Đào chỉ hộ lối loanh quanh.”

Bên cạnh lời thơ thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên là lời thơ thể hiện những nỗi nhớ mong, tình cảm sắt son của trai gái yêu nhau. Số phận của Tuý Tiêu trong truyện 14, thật bất hạnh, gặp phải cảnh loạn lạc, lại bị quan trụ quốc công bắt về dinh, buộc phải xa lìa người cùng chung chăn gối. Thật xúc động cho nỗi niềm mong nhớ da diết của nàng khi xa cách tình lang:

“… Trông ai nước mắt thầm rơi, Tấc gang bỗng cách đôi nơi mịt mùng.”

“Cửa hầu sâu thẳm nghìn trùng,

Sớm hôm khách những riêng lòng ngẩn ngơ”.

“Tình xưa kể đến bao giờ, Cảm sầu mọi mối như tơ rối bời…”

“Mảnh tiên viết gửi trao đi, Đau thương kể nỗi vân vi với người”.

Trong truyện 18, Lệ Nương cũng cùng cảnh ngộ ấy. Tình cảm nhớ thương trong tuyệt vọng của nàng đối với Phật sinh thể hiện rõ trong lá thư nàng gửi lại chàng:

“… Luống những mạch sầu đợt đợt, Sóng lệ trùng trùng.

Nguyền xưa tan nát nghĩ mà đau, Kiếp ấy lỡ làng sinh cũng uổng”.

“Xin chàng trân trọng lấy mình, Liệu kết nhân duyên chốn khác, Đừng vì tình một buổi,

Để lỡ kế trăm năm.

Man mác nỗi lòng, Thư không xiết tả”.

Còn rất nhiều truyện có sự xuất hiện những lời thơ miêu tả cuộc truy hoan, ân ái tình dục của vợ chồng, trai gái. Bằng những hình ảnh mang đậm chất ước lệ tượng trưng, gợi cảm, Nguyễn Dữ đã khắc hoạ cụ thể bản chất của con người trong cuộc sống phàm tục. Cuộc gặp gỡ, ấp yêu của Trình Trung Ngộ với Nhị Khanh trong truyện số 3 sinh động nhờ các hình ảnh độc đáo:

“Giấc xuân mê mệt chốn hoang liêu, Bỗng sượng sùng thay cuộc ấp yêu.

Măng ngọc vuốt ve nghiêng xuyến trạm, Dải là cởi tháo trút hài thêu.

Mộng tàn gối bướm bâng khâng lạc, Xuân hết cành quyên khắc khoải kêu”.

Mối tình tha thiết mặn nồng giữa Hà Nhân với chị em họ Đào, Liễu trong truyện số 5 cũng được khắc hoạ tinh tế và tỉ mỉ bởi các hình ảnh giàu chất thơ

“gió xuân”, “trướng hồng”, “Vin cành”, “Đào non”:

“Mồ hôi dâm dấp áo là, Mày xanh đôi nét tà tà như chau.

Gió xuân xin nhẹ nhàng nhau,

Thân non mềm chịu được đâu phũ phàng.”

“Cung sâu thưa điểm giọt rồng, Ngọn đèn soi tỏ trướng hồng lung linh.

Tài lang mặc sức vin cành,

Đào non nhận lấy những nhành thắm tươi”.

Tình cảnh buồng khuê được phác hoạ độc đáo, hay đến thế là cùng! Cuộc sống gối chăn khi đi vào Truyền kỳ mạn lục không hề thấy thô thiển, tục tằn mà ngược lại rất đẹp, ý vị và trang nhã. Người viết đồng ý với nhận xét của Hà

Nhân: “Tình trạng trong chốn buồng xuân, tả đến như thế thì thật là diệu tuyệt”. Tất cả là do tài năng miêu tả và trí tưởng tượng phong phú của một nhà văn thiên tài!

Truyền kỳ mạn lục cũng đồng thời đong đầy những lời thơ chất chứa nỗi buồn nhân thế, những suy nghiệm về cuộc đời và thời thế của những nhân vật. Phải chăng, đó cũng là tâm sự thầm kín, sâu lắng của chính tác giả? Bài thơ của Hồ Tông Thốc đề trước cửa đền Hạng Vương ở truyện số 1, cũng là suy nghiệm đắt giá về thời thế chuyển xoay:

“Non nước trăm hai nổi bụi hồng, Đem đoàn tử đệ đến Quang Trung.

Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh, Tuyết rũ Hồng môn đấu ngọc không.

Thua chạy giời xui đường Trạch Tả, Quay về đất lấp nẻo Giang Đông.

Năm năm lăn lộn hoài công cốc, Còn được vùi trong mả Lỗ công”.

Lời ca của tiều phu trong truyện 12, là một minh chứng cho thái độ sống ẩn dật, lánh đục về trong của một ẩn sĩ xa đời thoát tục:

“Sự đời biết bao mong manh,

Phong lưu Vương, Tạ, công danh Triệu, Tào.

Từ xưa khanh tướng ngôi cao, Đá mờ rêu phủ đã bao nhiêu rồi.

Sao bằng ta được thảnh thơi,

Giấc mai bừng tỉnh mặt trời lưng không”.

Trong Truyền kỳ mạn lục có truyện chỉ xuất hiện một câu thơ, một bài thơ như truyện số 1 chỉ có một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng cũng có truyện xen lẫn rất nhiều bài thơ như truyện số 7 gồm một bài văn, bốn câu thơ

ngũ ngôn, mười bài thơ ngũ ngôn. Số lượng không nhỏ so với dung lượng của cả truyện.

Phương thức trữ tình được thể hiện trong tác phẩm không chỉ ở thơ ca còn được thể hiện qua văn tế - một thể loại văn học thể hiện sâu sắc nhất tình cảm thương xót và tiếc nuối. Mật độ xuất hiện của văn tế không nhiều như thơ (chỉ có 2 truyện trong tổng số 20 truyện) nhưng điều quan trọng là thể loại ấy thể hiện sâu sắc tâm tư, tình cảm nhân vật. Bài văn tế xen vào truyện số 2, số 5 thể hiện tình cảm xót thương của người ở lại đối với người bạc phận. Đó là những giọt nước mắt hối tiếc chân thành của Trọng Quỳ đối với Nhị Khanh trong truyện số 2:

“Vợ chồng thân thiết, Ai biết giữa đường, Phút nên ly biệt”.

“Sắt cầm dìu dặt, Lại gần keo loan, Vừa vui sum họp, Phút bỗng lìa tan.

Ta sao bạc quá,

Nàng đáng thương thay!”

Hay cảm xúc luyến tiếc, bi ai khôn tả của Hà Nhân khi đứng trước “nếp nhà quạnh hiu” chỉ có “vài ba cây đào liễu xơ xác tơi bời, lá trút đầy vườn, tơ vương khắp giậu”mà thương nhớ hai người yêu trong truyện số 5:

“Ngọc lấp thảm thương, Hương vùi não nuột.

Thân theo bóng nhạn, phơ phất lưng trời, Mộng tỉnh phồn hoa, bàng hoàng một phút.

Ôi! Một sớm chia phôi, nghìn thu đau xót”.

2.2.1.3. Biểu hiện của phương thức trữ tình thông qua lời trữ tình ngoại đề (phần lời bình ở cuối mỗi truyện)

Tất cả lời bình các truyện đều được mở đầu bằng thán từ “Than ôi!” (trừ truyện 19, không có lời bình), bên cạnh đó là hàng loạt những từ ngữ có ý nghĩa trực tiếp biểu thị tình cảm, cảm xúc của người trần thuật như:

- “Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. Nàng Nhị Khanh chết, có quả là đã theo chồng không? Thưa rằng không…” (Truyện số 2)

- “Than ôi cái giống ma quỷ, tuy từ xưa không phải cái nạn đáng lo cho người thiên hạ, nhưng kẻ thất phu đa dục thì thường khi mắc phải. Trung Ngộ là một gã lái buôn không có trí thức, không đủ trách vậy!” (Truyện số 3)

- “Than ôi, thanh lòng không bằng ít dục. Dục nếu yên lặng thì lòng trống rỗng mà điều thiện sẽ vào, khí bằng phẳng mà cái lý sẽ thắng, tà quỷ còn đến quấy nhiễu làm sao được!” (Truyện số 5)

- “Than ôi! Theo về dị đoan chỉ là có hại. Huống chi đã theo lại còn không giữ cho đúng phép, thì mối hại phỏng còn xiết nói được ư?” (Truyện số 7)

Quả thật, yếu tố trữ tình rải khắp Truyền kỳ mạn lục. Phương thức trữ tình tồn tại và biểu hiện ở nhiều dạng thức khác nhau. Phương thức ấy không chỉ được thể hiện thể hiện qua giọng điệu, lời văn, phép tu từ mà còn qua những bài thơ, văn tế, lời trữ tình ngoại đề.Tất cả đã góp phần làm nên một tác phẩm không những có giá trị về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật.

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 80 - 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)