Chương 2. PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH TRONG
2.3. S ự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục
2.3.2. Y ếu tố trữ tình xâm nhập vào nhân vật
Trong Truyền kỳ mạn lục, yếu tố trữ tình đã xâm nhập vào nhân vật một cách cụ thể và sâu sắc. Nhân vật tự sự trong tác phẩm tự sự thường được miêu tả có ngoại hình, lời nói, tính cách, phẩm chất và được thể hiện thông qua hệ thống các sự kiện nhất định trong truyện. Ở đây, ngôn ngữ, hành động của nhân vật không đơn thuần là những yếu tố làm nổi bật bản chất nhân vật mà còn làm phương tiện để tác giả thể hiện những suy tư, thái độ đối với cuộc sống. Rõ ràng, xét về mặt thể loại, TKML thuộc thể loại văn xuôi tự sự, tuy nhiên nhân vật trong tác phẩm rất ít hoặc không được miêu tả cụ thể, đầy đủ diện mạo, ngược lại các nhân vật được tập trung thể hiện cảm xúc, suy nghĩ.
Yếu tố trữ tình thâm nhập vào nhân vật qua cách kể đa giọng điệu dạt dào chất thơ thể hiện ở ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật với nhau hoặc lời độc thoại nội tâm của nhân vật. Những câu thơ, bài thơ được đan lồng vào lời nói, hành động góp phần thể hiện cảm xúc, tư tưởng, tình cảm của nhân vật. Điều này thể hiện khá rõ ở 15 truyện trong tổng số 20 truyện của tác phẩm.
Ở truyện số 2, Nhị Khanh là người phụ nữ thương chồng, liều chết giữ trọn đạo làm vợ, làm mẹ. Trong truyện, Nhị Khanh không được miêu tả cụ thể về ngoại hình, tính cách mà chỉ được tác giả tập trung thể hiện những biến động tâm lí trước biến cố xảy ra trong cuộc đời. Lời nói chia tay của Nhị Khanh với Trọng Quỳ tràn đầy lưu luyến: “Nay nghiêm đường vì tính nói thẳng mà bị người ta ghen ghét, không để ở lại nơi khu yếu, bề ngoài vờ tiến cử đến chốn hùng phiên, bề trong thực dồn đuổi vào chỗ tử địa” (…) “Vậy chàng nên chịu khó đi theo. Thiếp dám đâu đem mối khuê tình để lỗi bề hiếu đạo. Mặc dầu cho phấn nhạt hương phai, hồng rơi tía rụng, xin chàng đừng thắc mắc bận lòng đến chốn hương khuê”. Lời nói nhắn nhủ ngắn ngủi nhưng chứa chan biết bao nhiêu là tình, nào tình phụ tử, nào tình phu thê, nào là lòng hiếu thuận, nào là sự thuỷ chung. Tất cả là nỗi niềm thầm kín và sự hi sinh vô bờ của người thiếu phụ khi xa chồng. Tình cảm vợ chồng sau những ngày xa cách được gửi gắm trong bài thơ của Trọng Quỳ. Nỗi niềm, cảm xúc yêu thương của đôi vợ chồng được thể hiện trực tiếp qua các hình ảnh ước lệ tượng trưng:
“Tình em thắm đượm vô ngần, Số anh riêng lắm gian truân cũng kỳ.”
“Sầu gieo đỉnh núi chơi vơi, Mịt mù gió bụi cách vời xa xăm.”
“Mắt mòn trông ngóng quê nhà, Lòng đau nghĩ nỗi phương xa lạc loài.”
“Bến tiên khách lại trùng lai,
Mộng say Đỉnh Giáp, xuân tươi Nguồn Đào.”
Những từ ngữ gợi cảm xúc “nhớ”, “tình em thắm đượm”, “sầu”, “lòng đau”, “yêu”… nhưng cũng không kém phần trang nhã, kín đáo nhờ các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng “xe dây Tấn Tần”, “bến tiên”, “mộng say Đỉnh Giáp”,
“xuân tươi Nguồn Đào”. Qua lời thơ ấy, ta hiểu thêm tình yêu thắm thiết, keo
sơn của tình nghĩa vợ chồng. Sự ân hận khôn xiết của Trọng Quỳ cũng thể hiện qua bài văn tế, khóc thương người vợ đã khuất:
“Vừa vui xum họp, Phút bỗng lìa tan.
Ta sao bạc quá!
Nàng đáng thương thay!”
“Non mòn bể cạn, Mối hận khôn khuây.”
Truyện 14 lại là nỗi niềm không kém xót xa của đôi tình nhân trẻ. Phong thư của Dư Nhuận Chi viết gửi đến Tuý Tiêu là lời nhắn gửi đầy nhớ thương pha lẫn trách hờn:
“Trông ai nước mắt thầm rơi, Tấc gang bỗng cách đôi nơi mịt mùng.”
“Người nương trướng gấm êm ru, Người ôm một mảnh trăng cù gió đông.
Ham vui nệm tía màn hồng,
Biết chăng kẻ chốn thư phòng thương đau.”
Nàng Tuý Tiêu cũng vô cùng đau xót trong lời khẳng định với Trụ quốc công: “Quả có như vậy, tình sâu gắn bó, hờn nặng chia lìa, lời thể chung sống chưa phai, điều hẹn cùng già đã phụ. Nay thì Sở mưa Yên tạnh, liễu héo đào tươi, bằn bặt xa nhau, hờn ôm thiên cổ”.
Những nhân vật nam được xây dựng với khá nhiều tính cách khác nhau. Họ có thể là người chồng tệ bạc, sẵn lòng đem vợ “gán nợ” cờ bạc hoặc đa nghi, độc đoán gián tiếp hại chết người vợ của mình, như Trọng Quỳ, Trương Sinh.
Họ có thể là những người ham mê sắc dục và chết trong sự u mê như Vô Kỷ và Trình Trung Ngộ. Họ có thể là những trang quân tử cương trực như Ngô Tử Văn hoặc những ẩn sĩ bất mãn với đời lánh đục về trong như Từ Thức, người tiều phu ở núi Nưa. Nhưng dù ở tính cách nào thì diễn biến nội tâm của họ cũng khá
phức tạp. Những tâm tư, nguyện vọng, ước mơ, lý tưởng được thể hiện khá đầy đủ. Trọng Quỳ nức nở, ăn năn tội lỗi, thốt lời đau khổ khôn lường khi liệm tang người vợ bất hạnh:
“Ta sao bạc quá,
Nàng đáng thương thay.”
Lời Trình Trung Ngộ dạt dào yêu thương đối với hồn ma Nhị Khanh, chàng quyết tâm đi tìm nàng: “Chỗ vợ ta ở có lâu đài lộng lẫy, có hương hoa ngạt ngào, ta phải đi theo chứ không thể lẩn quẩn trong chốn bụi hồng này được.”. Vô Kỷ sẵn lòng bỏ kinh kệ mà theo đuổi sắc tình lục dục với Hàn Than. Khi Hàn Than qua đời, Vô Kỷ đau buồn khôn cùng, than vãn tha thiết, não nề: “Em ơi, em vì anh mà chết oan uổng. Nếu anh được theo em cùng chết, anh rất sẵn lòng, khỏi để em vò võ một mình ở nơi chín suối”, “nếu có linh thiêng, xin sớm cho anh được theo về dưới đất”. Điều này phải chăng cho thấy sự hoang mang và ước mơ được đến với một thế giới khác tốt đẹp, hạnh phúc hơn?
Nhìn chung các nhân vật trong tác phẩm đều mang tính phổ biến, tiêu biểu cho một tư tưởng, một quan niệm sống. Mỗi dạng nhân vật là mỗi bài học nhằm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị tích cực của lễ giáo phong kiến. Lối xây dựng nhân vật theo khuynh hướng lãng mạn, đậm chất trữ tình.