Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG
1.3. Nh ững phương thức sáng tác trong tác phẩm văn học
Theo Từ điển thuật ngữ Văn học, tự sự có nghĩa là phương thức tái hiện đời sống, bên cạnh hai phương thức khác là trữ tình và kịch trong sáng tác văn học, được dùng làm cơ sở phân loại tác phẩm văn học [20, tr.263]. Phương thức tự sự là phương thức sáng tác ra đời rất sớm ở phương Tây từ những thế kỉ trước. Việt Nam cũng như các nước ở Ả Rập và các nước Đông Nam Á kể cả Trung Quốc đã ảnh hưởng phương thức tự sự này từ phương Tây và phát mạnh ở thế kỷ XX [45, tr.8].
Tự sự là một trong những phương thức sáng tác cơ sở mà các tác giả và giới nghiên cứu văn học quan tâm khi tìm hiểu và đánh giá tác phẩm. Qua lối tự sự, con người có thể hiểu rõ chính mình và thế giới khách quan. Jonathan Culler (1998) đã nhận xét: “Tự sự là phương thức chủ yếu để con người hiểu biết sự vật”. Thật vậy, muốn hiểu một sự vật, hiện tượng, hay một con người, lớp người hay một địa phương, một nền văn hoá nào đó, người ta thường miêu tả về sự vật, hiện tượng, những con người và địa phương, nền văn hoá ấy. Bản chất của tự sự được hiểu đơn giản là một sự truyền đạt thông tin, là sự tạo phát một chiều trong
quá trình giao tiếp bằng ngôn ngữ. Văn bản tự sự là tổng hợp thông tin được phát ra, và tự sự có thể thực hiện bằng cách thức miêu tả hoặc kể. Tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong tính khách quan của nó thông qua các sự kiện, hệ thống sự kiện. Trong văn học, tự sự vừa là đặc trưng của thể loại vừa là phương thức sáng tác. Yếu tố tự sự có mặt trong khá nhiều các thể loại khác như trữ tình và kịch với tư cách là phương thức nghệ thuật để tạo nghĩa, truyền đạt thông tin, biểu hiện giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Phương thức tự sự trong sáng tác văn học được biểu hiện ở nhiều khía cạnh đa dạng và phức tạp.
Phương thức tự sự giúp nhà văn cũng như giúp người đọc tái hiện, phản ánh hiện thực đời sống theo quy luật khách quan của nó. Bằng phương thức tự sự trong tác phẩm, tác giả phản ánh hiện thực đời sống qua cốt truyện, hệ thống nhân vật, không gian, thời gian nghệ thuật, qua các biến cố, sự kiện xảy ra trong cuộc đời của con người. Chính vì thế, tác phẩm tự sự thường kể một câu chuyện về ai đó hay về một cái gì đó hoàn toàn khách quan với tác giả, có tác dụng phơi bày những mặt nhất định của bản chất con người và của thời đại. Tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện, gắn liền với cốt truyện ấy là hệ thống nhân vật. Cốt truyện được triển khai, nhân vật được khắc hoạ rõ nhờ hệ thống chi tiết nghệ thuật mà nhà văn xây dựng, bao gồm những chi tiết nội tâm, chi tiết xung đột, chi tiết ngoại hình, ngoại cảnh, phong tục, đời sống văn hoá, lịch sử… bên cạnh đó còn có các chi tiết tưởng tượng, liên tưởng, những chi tiết hoang đường, kỳ bí cũng được thể hiện rõ trong tác phẩm tự sự.
1.3.2. Phương thức trữ tình
Theo Từ điển Thuật ngữ Văn học, trữ tình là một trong ba phương thức thể hiện đời sống, bên cạnh tự sự và kịch, làm cơ sở cho một loại tác phẩm văn học [20, tr.254]. Cũng như tự sự, trữ tình tồn tại trong tác phẩm văn học vừa là phương thức sáng tác vừa là yếu tố đặc trưng để phân biệt các thể loại văn học.
Khác với tự sự, trữ tình là phương thức phản ánh hiện tượng đời sống bằng cách bộc lộ trực tiếp ý thức, cảm xúc, tình cảm của con người. Người đọc thông qua
tác phẩm trữ tình dường như cảm thấy bản thân mình có trong tác phẩm ấy bởi những ấn tượng, những ý nghĩ, cảm xúc chủ quan của tác giả đối với thế giới và nhân sinh đã gửi gắm vào trong tác phẩm.
Phương thức trữ tình được biểu hiện ở các khía cạnh như ngôn từ, giọng điệu, hình tượng nghệ thuật, đặc biệt là cái tôi trữ tình. Trong tác phẩm trữ tình, cái tôi trữ tình giữ vai trò rất quan trọng vì nó là yếu tố cơ bản và trực tiếp nhất để truyền tải nội dung, tư tưởng của tác phẩm và cái tôi trữ tình thường xuất hiện dưới dạng nhân vật trữ tình. Yếu tố trữ tình thường thể hiện dưới dạng tái hiện đời sống hiện thực bằng việc miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoặc thể hiện tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình trước thế giới khách quan. Những sự kiện này sẽ làm cơ sở cho nhân vật trữ tình bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, những cung bậc tình cảm trước những đổi thay của cuộc đời. Người đọc có thể cảm nhận hết thế giới nội tâm, tâm trạng, thái độ của nhân vật với con người, với cuộc đời, thiên nhiên. Phương thức trữ tình được thể hiện ở các dòng thơ, bài thơ, điển tích, điển cố và giọng điệu trầm hay bổng, rắn rỏi hay du dương.
1.3.3. Hiệu quả sự kết hợp các phương thức trong sáng tác văn học
Trong sáng tác văn học, không có sự chuyên biệt tuyệt đối nào giữa các phương thức trong cùng một thể loại sáng tác. Một tác phẩm thuộc thể loại tự sự, ngoài phương thức tự sự như kể, miêu tả… còn có thể có sự đan xen phương thức trữ tình. Phương thức trữ tình trong các tác phẩm tự sự được thể hiện ở các dạng khác nhau, chẳng hạn như câu thơ, bài thơ, ca, từ, các phép tu từ điệp, đối, ẩn dụ, hoán dụ… Nhờ sự kết hợp ấy, người đọc không những biết được bản chất của sự vật, hiện tượng khách quan mà con nhận ra được thái độ của tác giả đối với cuộc sống và qua đó nâng cao nhận thức của bản thân đối với thế giới khách quan. Và ngược lại trong một tác phẩm thuộc thể loại trữ tình, ngoài phương thức trữ tình là chủ đạo còn có thể đan xen là phương thức tự sự. Phương thức tự sự được thể hiện trong tác phẩm trữ tình dưới dạng cốt truyện, cách kể chuyện và cách khắc hoạ ngoại hình và nội tâm của nhân vật. Nhân vật trữ tình mà tác
giả xây dựng cốt yếu là bộc lộ tâm trạng, cảm xúc nhưng để thể hiện được những trạng thái tình cảm ấy đôi khi cũng cần đến việc kể, miêu tả cảnh hay thuật lại sự vật, sự việc có liên quan cho việc thể hiện vấn đề. Nhờ sự kết hợp ấy, người đọc không những cảm nhận sâu sắc thái độ, tình cảm và nhận thức của tác giả đối với cuộc sống mà ít nhiều cũng nhận biết bản chất của con người, cuộc sống hiện thực.
Các phương thức tự sự, trữ tình đều là những phương thức cơ bản, rất quan trọng trong quá trình sáng tác văn học của mỗi tác giả. Các phương thức này có thể cùng tồn tại trong một thể loại văn học. Không có sự tuyệt đối của phương thức này hay phương thức khác trong một sáng tác mà tuỳ theo dụng ý của tác giả khi xác định thể loại để lựa chọn phương thức nào là chủ đạo và phương thức nào là phương thức bổ trợ. Tuỳ vào việc tác giả xác định thể loại khi sáng tác, các phương thức được thể hiện ở những mức độ khác nhau - ít hay nhiều, đậm hay nhạt. Tất cả các phương thức cùng tồn tại, bổ sung cho nhau để đạt đến hiệu quả nghệ thuật nhất định và sự kết hợp đó sẽ truyền tải trọn vẹn nội dung của tác phẩm và tư tưởng, quan điểm của tác giả đối với cuộc sống nhân sinh.
Và một tác phẩm thành công thì không thể thiếu sự đóng góp về mặt nghệ thuật, trong đó có phần lớn là sự kết hợp độc đáo và nhuần nhuyễn giữa các phương thức sáng tác.