Tác d ụng nghệ thuật của việc kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 106 - 112)

Chương 2. PHƯƠNG THỨC TỰ SỰ VÀ TRỮ TÌNH TRONG

2.3. S ự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

2.3.3. Tác d ụng nghệ thuật của việc kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong Truy ền kỳ mạn lục

2.3.3.1. Sự kết hợp hai phương thức tự sự và trữ tình góp phần mang lại sự hấp dẫn, đa dạng về phương diện nghệ thuật của Truyền kỳ mạn lục

Đối với cốt truyện, sự kết hợp này góp phần làm mới lạ những kết cấu quen thuộc của lối truyện truyền kỳ. Người trần thuật vừa kể chuyện đời của nhân vật vừa khám phá đời sống nội tâm của họ. Các sự kiện trở nên phong phú, giàu màu sắc hơn. Trong quá trình xây dựng cốt truyện, không những có các sự kiện, những biến cố xoay quanh cuộc đời nhân vật, mà còn có yếu tố miêu tả cảnh vật và diễn biến nội tâm nhân vật. Kết hợp hai phương thức sáng tác làm

cho cách trần thuật hoàn toàn xoá bỏ sự rập khuôn, cứng nhắc của một tác phẩm văn xuôi tự sự. Giọng điệu thì linh hoạt, sinh động. Có khi khách quan có khi dạt dào cảm xúc chủ quan. Chẳng hạn một giọng kể rắn rỏi, khách quan xen lẫn bút pháp miêu tả khi người trần thuật việc làm của Hồ Tông Thốc: “Ông xốc áo vùng dậy, té ra là một giấc chiêm bao, bèn mua rượu và nem bày một lễ cúng ở đầu thuyền trước khi rời khỏi đó” (Truyện số 1). Giọng kể thật truyền cảm nhờ sự sử dụng phép đối: “Nếu còn nghĩ đến tình xưa thì ngày ấy tháng ấy xin đến chờ em ở cửa đền Trưng Vương” (Truyện số 2).

Trong TKML xuất hiện rất nhiều hình tượng nghệ thuật giàu chất thơ, gắn liền với cuộc sống của một nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Hình ảnh

“sông”“cầu”, “thuyền”, “đình”, “đền” xuất hiện đồng đều trong TKML.

Đấy là không gian gặp gỡ, hẹn hò, chia biệt và cũng là nơi xảy ra những sự kiện mới cho truyện.

- “Bèn ngồi tựa vào bức lan can trên cầu, ôm đàn gẩy mấy bài Nam cung, mấy điệu Thu tứ”, “Hai người bèn đưa nhau xuống thuyền.” (Truyện số 3).

- “Rồi kẻ vít cuối thuyền, kẻ leo đầu thuyền, thuyền tròng trành mấy lần xuýt lật sấp xuống.” (Truyện số 4)

- “Về đời Minh Tông nhà Trần, có quan Thái Thú họ Trịnh làm quan ở Hồng Châu, vợ là Dương thị nhân khi về nhà, đỗ thuyền ở bên cạnh một ngôi đền thuỷ tộc.” (Truyện số 6)

- “Một hôm Từ Thức dậy sớm trông ra bể Thần Phù ở phía ngoài xa vài chục dặm, thấy có một đám mây ngũ sắc, đùn đùn kéo lại như một đoá sen mọc lên, vội chèo thuyền ra thì thấy một trái núi rất đẹp” (Truyện số 9)

2.3.3.2. Sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình góp phần thể hiện trọn vẹn, sâu sắc nội dung tác phẩm và tư tưởng tác giả Truyền kỳ mạn lục

Đây chính là tác dụng cơ bản, quan trọng nhất của sự kết hợp này trong TKML. Sự kết hợp này đều hướng đến mục đích cuối cùng là phản ánh cuộc sống hiện thực của xã hội phong kiến đương thời.

TKML thể hiện sự phản kháng, phê phán thực trạng xã hội và các thế lực phong kiến bất nhân đương thời. Các truyện: 3, 5, 7, 8, 11, 12, 13, 15, 20 thể hiện mạnh mẽ tinh thần phản kháng, phê phán thực trạng xã hội và các thế lực thống trị bất nhân đương thời. Thực trạng xã hội đầy biến động, loạn xảy ra khắp nơi, nạn đói hoành hành, vua chỉ lo hưởng lạc, quan thì tham ô cường bạo, cướp bóc của dân, thanh niên thì sa đà vào sắc dục, nhà tu hành thì giả trá khôn lường, tất cả tạo nên bức tranh cuộc sống nhem nhuốc và tăm tối. Đó là hiện thực nhiễu nhương, tồi tệ của xã hội, chính trị thời vãn Trần với “vạ Trần Khát Chân”, “người chết chóc nhiều”, “những oan hồn không chỗ nương tựa”,

“binh lửa muôn năm, nhiều nơi bị đốt”, cuối đời nhà Hồ “Trương Phụ chia binh vào cướp, lấn chiếm kinh kỳ”. Một hiện trạng suy đồi về đạo đức con người, dân phong đồi tệ: “một đôi trai gái loã lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn”, “ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa trừ bỏ”, “Hai người đã yêu nhau, mê đắm say sưa” “chẳng còn để ý đến kinh kệ nữa”. Đời sống người dân lâm vào thảm cảnh thương đau và chết chóc “Người trong vùng phục dịch nhọc nhằn, anh nghỉ thì em đi, chồng về thì vợ đổi, ai nấy đều vai sưng tay rách, rất là khổ sở”… Tất cả hiện thực của một thời đại được tái hiện chân thật, khách quan trong Truyền kỳ mạn lục. Xuất phát từ một tấm lòng nhân đạo, Nguyễn Dữ nghiêm túc lên án, phê phán thực trạng xã hội ấy, đặc biệt là giai cấp thống trị vô lương tâm: Vua thì thờ ơ “Ông ấy thường dối trá, tính nhiều tham dục, đem hết sức dân để dựng cung Kim Âu, dốc cạn của kho để mở phố Hoa Nhai, phao phí gấm là, vung vãi châu ngọc”, “ hình ngục có của đút là xong, quan chức có tiền mua là được, kẻ dùng lời ngay thì giết, kẻ nói điều nịnh thì thưởng…”, quan lại thì dâm dục, ỷ quyền, dung túng bè cánh dưới trướng làm chuyện sàm bậy, bắt cóc phụ nữ, bóc lột nhân dân “Bấy giờ có quan Trụ Quốc họ Thân thầm đi chơi phố, trông thấy Tuý Tiêu đẹp, bắt cướp đem về làm của mình. Sinh làm đơn kiện tận triều đình, nhưng vì họ Thân uy thế rất lớn, các toà các sở đều tránh kẻ quyền hào, gác bút không dám xét xử”, “Quyền vị đã cao, Lý bèn làm những việc trái phép, dự lũ

trộm cướp như lòng ruột, coi người nho như cừ thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài”. Những thế lực ấy đáng phê phán, lên án và “kết tội” thích đáng nhưng trong tác phẩm thì bọn chúng vẫn tồn tại và ra sức bòn rút nhân dân.

TKML thể hiện ước mơ công lí, khát khao công bằng của nhân dân. Ước mơ, khát khao công lí, công bằng trong xã hội là một lí tưởng sống tốt đẹp của con người cho dù ở một quốc gia, một thời đại nào. Số truyện trong tác phẩm không nhỏ (7 truyện: 4, 6, 9, 10, 12, 17, 19) đã thể hiện rõ nét nội dung này.

Trong thực trạng xã hội tối tăm đầy rẫy những bất công, con người luôn hi vọng, hướng đến một cuộc sống tốt hơn dù rằng hi vọng ấy mong manh, mơ hồ.

Những khát vọng ấy, do đó chỉ dừng ở mức nhận thức, suy nghĩ của con người.

Những quy phạm nghiêm ngặt của chế độ phong kiến đương thời đã kìm hãm và gò con người vào khuôn khổ chính thống nhất định: “tam cương ngũ thường”,

“tam tòng tứ đức”…

Có thể thấy tác giả đã cố công xây dựng những hình tượng nhân vật mang lý tưởng cao đẹp: cương trực thảng thắn bênh vực dân nghèo và đòi lại công bằng cho kẻ yếu. Vì yên bình cho cuộc sống nhân dân, Ngô Tử Văn không ngại trắc trở, đe doạ nào, kể cả cái chết. Đó cũng là những con người chọn lối sống lánh đục tìm trong, xa rời danh lợi, ẩn mình để giữ vững sự cao khiết của tâm hồn. Lời của Từ Thức và người tiều phu núi Nưa là những minh chứng: “Ta không thể vì số lương năm đấu gạo mà buộc mình trong áng danh lợi”, “Ta là kẻ dật dân trốn đời, ông lão già lánh bụi, gửi tính mệnh ở liều tranh quán cỏ, tìm sinh nhai trong búa gió rìu trăng”, “chứ có biết gì đâu ở ngoài là triều đại nào, là vua quan nào”.

TKML thể hiện khát vọng về một tình yêu chân chính, về hạnh phúc lứa đôi. Cuộc sống tình cảm trai gái, những yêu đương nhục dục là vấn đề nhạy cảm, dường như không được phép xuất hiện trong dòng văn học bác học mang tính cao nhã thời trung đại. Trong tác phẩm, tác giả đã đột phá khi thể hiện nội dung này bằng sự kết hợp giữa lối kể chuyện độc đáo cùng với cách khai thác

diễn biến nội tâm, bộc lộ cảm xúc của các nhân vật. Vấn đề tình yêu chân chính, khát vọng hạnh phúc lứa đôi có thể nói lần đầu tiên được thể hiện với tần suất cao và phát huy hết tác dụng của nó. Các truyện số 2, 14, 18 thể hiện rõ nhất mối tình vợ chồng son sắt. Tuy ở ba câu chuyện là ba kết thúc khác nhau nhưng điểm chung chính là khát khao được hạnh phúc lứa đôi đằm thắm, bền lâu trong cuộc sống. Cốt truyện bắt đầu đều là sự gặp gỡ giữa các cặp trai gái, quen biết và kết duyên, bởi nguyên nhân khách quan nên vợ phải xa chồng. Số phận người phụ nữ thật bi thương nhưng ở họ vẫn nồng cháy tình yêu thương chồng và thuỷ chung son sắt. Trước nhất là tình duyên lỡ làng của Trọng Quỳ và Nhị Khanh ở truyện số 2: Nàng Nhị Khanh đã phải “lấy đoạn dây tơ thắt cổ mà chết” để trọn vẹn tình chồng nghĩa vợ với Trọng Quỳ; Còn Trọng Quỳ vì biến cố gia đình và thời thế nên đã cách xa với người vợ Nhị Khanh tuy nhiên “ở chốn quê người đất khách, nhưng hồn mộng không đêm nào không ở bên mình Nhị Khanh”, sau khi vợ chết, Trọng Quỳ “rất ăn năn tội lỗi của mình”, “chỉ tự nhận tội lỗi của mình”. Vợ chồng đã bỏ qua ranh giới giữa người và ma mà gặp gỡ, ân ân ái ái như khi còn sống. Chuyện tình Nàng Lệ Nương và Phật Sinh trong truyện 18 cũng không kém phần đau thương và cao đẹp. Lệ Nương thà chọn cách quyên sinh thủ tiết với Phật sinh chứ không chịu cảnh “cô hồn ở bên đất Bắc.” trong khi đó Phật Sinh “không lấy ai nữa” kể từ khi Lệ Nương tạ thế. Tình chồng nghĩa vợ thuỷ chung son sắt của họ đã được tác giả trân trọng ngợi ca. Tuy tất cả họ không được sum vầy trong cuộc sống hôn nhân trần thế nhưng cũng trọn vẹn thuỷ chung ở chốn âm ty. Dù sống hay chết tất cả họ vẫn giữ mối tình keo sơn bền chặt. Họ luôn yêu thương nhau, vượt qua khoảng cách giữa người và ma mà tìm lại nhau, nối duyên tình dang dở. Điều đáng quý ở những nhân vật này là sự chung thuỷ, họ tìm thấy nhau và có ý thức giữ gìn nghĩa tình cao đẹp ấy.

TKML thể hiện một niềm cảm thông, thương xót vô biên cho những kiếp người bất hạnh. Tình thương ấy bao trùm cho tất cả những con người nghèo khổ, có số phận éo le, nghiệt ngã trong xã hội, đặc biệt là đối với người phụ nữ.

Từ những người phụ nữ tài hoa xuất chúng chốn triều đình đến những phụ nữ bình thường chốn dân dã đều có chung số phận bất hạnh, ngang trái trong cuộc đời. Có tài sắc nhưng đoản mệnh như nàng Ngô Chi Lan. Chung thuỷ, tiết hạnh nhưng bị chồng nghi oan dẫn đến phải tự tử như nàng Vũ Thị Thiết. Bị chồng bạc tình gán nợ cờ bạc, phải tự tử để trọn nghĩa phu thê như nàng Nhị Khanh.

Nàng Tuý Tiêu, Lệ Nương đang vui vầy hạnh phúc bên người mình yêu bỗng phải chia uyên rẽ thuý bởi những thế lực bạo tàn. Tác giả dành riêng cho họ một tình thương xót sâu xa, một niềm thông cảm vô bờ bến.

Tóm lại, tự sự và trữ tình là hai phương thức sáng tác khác nhau, một bên kể sự việc, một bên tả tâm trạng. Hai phương thức tưởng chừng là độc lập, mang đặc trưng cho từng thể loại. Nhưng Nguyễn Dữ đã cho thấy chúng có mối liên hệ mật thiết, bổ sung cho nhau làm nên sự thành công và giá trị đặc sắc cho tác phẩm. Sự kết hợp này trong Truyền kỳ mạn lụcđã mở ra bước ngoặc mới cho sự phát triển văn xuôi trung đại Việt Nam. Thể loại truyền kỳ nhờ đó trở nên phong phú, đa dạng hơn ở phương diện nghệ thuật cũng như nội dung thể hiện. Sự kết hợp giữa kể chuyện khách quan với thể hiện đời sống nội tâm của nhân vật đã làm tăng sức hấp dẫn cho truyện. Đánh giá cao về tác phẩm, Tạ Ngọc Liễn trong Danh nhân văn hoá trong lịch sử từng nhận xét: “Trong hai mươi truyện, truyện nào cũng thể hiện một quan điểm chính trị, một thái độ nhân sinh, một ý tưởng đạo đức của Nguyễn Dữ. Đó là những mong muốn của ông về một xã hội mọi người được sống yên bình trong nền đức trị, trong sự công bằng, trong tình cảm yêu thương giữa con người với con người… Giá trị lớn của Truyền kỳ mạn lục là ở những nội dung nhân văn đó.” [37, tr.173]. Truyền kỳ mạn lục được mệnh danh “thiên cổ kỳ bút” chắc hẳn có phần đóng góp không nhỏ của sự kết hợp độc đáo này.

Một phần của tài liệu sự kết hợp phương thức tự sự và trữ tình trong truyền kỳ mạn lục (Trang 106 - 112)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(164 trang)