Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật ở cấp độ trên câu

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 25 - 28)

CHƯƠNG 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VÀ

1.2. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

1.2.2. Đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật ở cấp độ trên câu

1.2.2.1. Kết cấu văn bản

Văn bản với tư cách là đơn vị của ngôn ngữ được trình bày bằng những mô hình khác nhau, có những văn bản được xây dựng theo các mô hình kiểu nghiêm ngặt (văn bản hành chính), có những văn bản được xây dựng theo mô hình có tính chất thông dụng (văn bản khoa học), lại có những văn bản được xây dựng theo mô hình có tính chất tự do. Những mô hình tự do không mang tính chất điều chỉnh mà mang tính chất chỉ hướng. Chính là theo những mô hình tự do này mà những văn bản nghệ thuật được tạo lập nên.

Khi nêu đặc trưng của mô hình văn bản, Đinh Trọng Lạc cho rằng có thể trình bày mô hình như một hệ thống chức năng nào đó, tức trình bày toàn bộ các thành tố như các lốc giao tiếp (bloc=khối). Những lốcnày đi vào những mối quan hệ cú đoạn với nhau; chúng khác nhau bởi những chức năng của mình trong quan hệ với nhau và trong quan hệ với toàn bộ văn bản nói chung; chúng được kết hợp lại bởi khuynh hướng chức năng chung trong việc hoàn thành một nhiệm vụ ngôn ngữ cụ thể. Có hai nhóm lốc giao tiếp: lốc giao tiếp cấu tạo văn bản và lốc giao tiếp định hình văn bản [52, tr.9].

Trong văn bản nghệ thuật, những lốc giao tiếp cơ bản được trình bày bằng những trích đoạn mang tình tiết của văn bản (trình bày, thắt nút, đỉnh điểm, cởi nút), tức những trích đoạn trực tiếp thúc đẩy cốt truyện. Những lốcgiao tiếp định hình văn bản được chia nhỏ thành: lốc giao tiếp mở đầu, lốc giao tiếp kết thúc và lốcgiao tiếp liên kết. Lốc giao tiếp mở đầu tương ứng với phần trình bày (có đưa vào thời gian, nơi chốn, nhân vật, thái độ của người trần thuật,…). Lốcgiao tiếp kết thúc ngoài chức năng hạn định ranh giới còn có thể hoàn thành chức năng ý chí khi tác động đến người đọc để thay đổi trạng thái tâm sinh lý của người đọc. Lốc giao tiếp liên kết có chức năng tác động, chúng đem lại thông tin bổ sung mang đậm màu sắc cảm xúc, bình giá, nói lên phong cách riêng của tác giả.

Trên phương diện kết cấu, văn bản nghệ thuật cũng có những đặc điểm riêng.

Kết cấu của văn bản nghệ thuật (thể loại tự sự) có thể chia làm ba phần: phần mở đầu, phần khai triển, phần kết thúc. Phần mở đầu không chỉ có tác dụng định hướng về mặt nội dung mà còn tạo không khí, giọng điệu, gây hiệu quả tâm lí thẩm mĩ. Phần khai triển có cấu tạo rất đa dạng, phụ thuộc vào đặc trưng của thể loại và ý đồ sáng tạo của nhà văn. Phần kết thúc có thể theo lối mở hoặc lối đóng. Truyện ngắn hiện đại thường dùng lối kết mở, trong khi đó truyện dân gian và truyện dành cho trẻ em lại thường dùng lối kết đóng.

Kết cấu ba phần của văn bản nghệ thuật như thường thấy là sự phân chia theo trục cắt ngang của nội dung - cấu trúc văn bản. Ở chiều dọc, văn bản có thể được trình bày theo trật tự logic khách quan (thường thấy ở truyện dân gian, truyện cho trẻ em), trật tự logic chủ quan (thường được sử dụng trong truyện ngắn, tiểu thuyết hiện

đại).

Một điều dễ dàng nhận thấy là văn bản nghệ thuật không phải lúc nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt kết cấu ba phần như đã nêu mà lắm khi có những biến thể của nó do hiệu quả từ việc sử dụng các biện pháp tu từ văn bản mang lại. Nhà văn có thể rút gọn mô hình văn bản, tức lược bỏ có giá trị tu từ một hoặc một vài thành tố của mô hình văn bản. Việc lược bỏ phần mở đầu là nét đặc biệt của truyện ngắn hiện đại. Sự khiến khuyết này dẫn dắt người đọc đi ngay vào bề sâu của những biến cố được miêu tả.

Việc lược bỏ phần kết thúc làm người đọc không bị bó buộc phải có một kết luận chung hoặc một kết thúc dứt khoát mà được cung cấp những thông tin để có thể tiếp tục suy luận, rút ra những kết luận theo cách giải thích của riêng mình.

Văn bản nghệ thuật cũng có thể dùng phương thức lặp và xen những thành tố nào đó để tạo nên hiệu quả về mặt tu từ. Chẳng hạn thơ ca thường sử dụng những điệp khúc, truyện có thể sử dụng những đoạn văn trữ tình ngoại đề.

Một phương thức tu từ khác mà văn bản nghệ thuật thường sử dụng là phép đảo trật tự. Theo đó, nhà văn có thể đảo trật tự các phần mở đầu, phần kết thúc: phần mở đầu có thể bị đẩy ra sau, phần kết thúc có thể được đưa lên đầu văn bản để tạo nên hiệu quả nghệ thuật.

1.2.2.2. Liên kết trong văn bản

Trong phần đầu của mục này, ta đã có dịp bàn đến lốc liên kết của văn bản. Văn bản nghệ thuật có những đặc trưng riêng về phương diện liên kết cả về phương diện liên kết hình thức và liên kết nội dung.

Về liên kết hình thức, văn bản nghệ thuật sử dụng tất cả các phương thức liên kết chung cho mọi phong cách nhưng mức độ sử dụng các phương thức có thể khác nhau tùy thuộc vào tính chất thể loại hay ý đồ sáng tác của nhà văn. Có nhiều khi các thành phần liên kết có thể được lược bỏ “tạo ra tác dụng di chuyển những điểm nhấn vào tính tương liên ngữ nghĩa hàm ẩn giữa các mảnh đoạn của văn bản khiến người đọc phải đi tìm trong số một loạt trường hợp những mối liên hệ về ý nghĩa sâu hơn giữa những biến cố, sự kiện được miêu tả, mở ra một khả năng giải thích tự do hơn những mối liên hệ này” [52, tr.48].

Về liên kết nội dung, văn bản nghệ thuật dùng nhiều phương thức khác nhau để

liên kết chủ đề (duy trì chủ đề, phát triển chủ đề). Trong phương diện liên kết logic, ngoài tính chất liên kết logic thông thường, văn bản văn học thường xuất hiện tính chất đặc biệt của những kết cấu phi lý (còn gọi là những chuỗi bất thường về nghĩa).

Nhưng sự tồn tại của những kết cấu dạng này có thể giải thích được. Những cái sai, cái phi logic như vậy góp phần tạo nên cái đúng, logic của toàn thể văn bản.

Những đặc điểm kể trên không phải lúc nào cũng hoàn toàn giống nhau ở các loại văn bản nghệ thuật. Ngôn ngữ truyện đồng thoại sử dụng nhiều lợi thế về giá trị phong cách của các đơn vị từ ngữ, câu văn, văn bản. Nhưng do chịu sự qui định của đặc trưng thể loại và đặc điểm của đối tượng tiếp nhận mà sẽ có những lợi thế được phát huy và những điểm không phù hợp được khắc phục hay được tiết chế nhằm tạo ra hiệu quả tiếp nhận ở mức cao nhất.

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ truyện đồng thoại tiếng việt (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(132 trang)