CHƯƠNG 2: ĐẶC ĐIỂM NGÔN NGỮ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI XÉT TỪ CẤP ĐỘ CÂU TRỞ XUỐNG
2.2.1. Xét về mặt cấu trúc cú pháp
Cấu trúc cú pháp là một trong những vấn đề trọng tâm của câu. Câu chứa nội dung cơ bản mà người nói, người viết muốn thông báo đến người nghe, người đọc luôn phải được tổ chức dưới một hình thức cú pháp nhất định.
Truyện đồng thoại dùng nhiều kiểu cấu trúc cú pháp. Xét theo quan niệm truyền thống căn cứ cấu trúc cú pháp để chia câu thành câu đơn, câu ghép thì câu văn đồng thoại được phân loại như sau (xem bảng 2.5):
Bảng 2.5. Thống kê số lượng câu văn đồng thoại theo cấu trúc cú pháp Tổng
số: Câu đơn: 2494 câu (85,38 %)
Không mở rộng: 2199 câu (75,28 %) Mở rộng: 295 câu (10,10 %)
2921 câu Câu ghép: 427 câu (14,62 %)
Chính phụ: 111 câu (3,80 %) Đẳng lập: 316 câu (10,82 %)
Nhìn vào bảng thống kê ở trên, ta thấy loại câu đơn là kiểu câu chiếm tỉ lệ cao nhất (85,38 %), câu ghép ít được dùng hơn (14,62 %). Điều này có thể xuất phát từ sự lựa chọn của tác giả mà nguyên cớ là trình độ thụ đắc ngôn ngữ của trẻ em. Về cơ bản, câu đơn có cấu trúc cú pháp trùng với cấu trúc logic của phán đoán nên có khả năng diễn đạt sự kiện đúng với nguyên mẫu của nó. Xét về tổ chức câu, câu đơn chỉ có một mệnh đề tạo thuận lợi cho quá trình tiếp nhận. Trong lịch sử văn hóa ngôn từ của loài người, câu đơn cũng là dạng thức cú pháp có trước câu ghép. Còn câu ghép, xuất phát từ góc độ tiếp nhận, tình hình có khác. Hoàng Trọng Phiến trong công trình Ngữ pháp tiếng Việt – Câu đã viết : “Về địa vị các đơn vị cấu trúc ngôn ngữ thì câu ghép thuộc đơn vị giao tế bậc cao. Đặc điểm câu ghép xuất phát từ góc độ nhận thức và tính chất ngữ pháp của chúng. So với câu đơn, câu ghép biểu hiện nhận thức nhiều mặt các hiện tượng khách quan và biểu đạt tính phức tạp bên trong các hiện tượng khách quan đó thông qua các biện pháp tư duy phức tạp. Về mặt nguồn gốc mà nói, câu ghép là hiện tượng tiếp theo sau và là thành tựu cao của văn hóa ngôn từ” [68, tr.
254].
Như vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiếp nhận thông tin từ phía độc giả nhỏ tuổi, các nhà văn đồng thoại ưu tiên sử dụng câu đơn trong quá trình xây dựng tác phẩm.
(120) Gấu và Heo rừng rủ nhau đến dự lễ sinh nhật của Thỏ. (Những kẻ thích mời mọc, tr.38)
(121) Thế rồi một buổi sáng, có một đôi vợ chồng Chim Gõ Kiến xách hai chiếc va li đi qua đây. (Xóm mới, tr.56)
Trong hệ thống câu đơn, luận văn chấp nhận quan điểm chia câu đơn thành hai dạng: dạng câu đơn không mở rộng (câu đơn bình thường, câu đặc biệt) và câu đơn mở rộng (câu phức). Theo Hoàng Dũng, Bùi Mạnh Hùng, loại câu có nhiều cụm chủ vị nhưng cũng chỉ có một cụm chủ vị nòng cốt thực chất cũng chỉ là một dạng câu đơn [23, tr. 102].
Theo đó, dạng câu đơn không mở rộng được sử dụng nhiều hơn câu đơn mở
rộng (75,28 % so với 10,10 %). Câu đơn mở rộng chỉ được sử dụng khi cần thiết tăng thêm lượng thông tin, đặc biệt là phần bổ ngữ:
(122) Vài bước nữa, tôi gặp chị Nhà Trò ngồi gục đầu bên một tảng đá cuội.
(Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.30)
(123) Rùa tưởng mình đang lao giữa một cơn lốc dữ dội. (Bài học tốt, tr.5) Hoặc phần chủ ngữ:
(124)Những mầm non nghe tiếng nhạc của Chiền Chiện đứng dậy khoác chiếc áo mới. (Những câu chuyện, tr.22)
(125) Tòa lâu đài dành cho các con mình sẽ được xây dựng trong khu vực này.
(Cô Tò Vò xanh, tr.10)
Ở câu ghép, ta thấy có sự khác biệt trong tỉ lệ giữa câu ghép đẳng lặp và câu ghép chính phụ (10,82 % so với 3,80 %). Điều này có thể xuất phát từ đặc điểm của thể loại tự sự dành cho trẻ em với đa phần câu sự kiện, ít câu biện giải, suy lý. Truyện đồng thoại không có nhu cầu dùng nhiều câu ghép chính phụ mà thiên về sử dụng câu ghép đẳng lập, vốn thuộc loại câu ghép lỏng. Đứng ở góc độ nhận thức, câu ghép đẳng lặp gần với câu đơn hơn là câu ghép chính phụ. Thông tin ở chúng dễ dàng được tiếp nhận mà ít phải trải qua thao tác biện giải, suy luận phức tạp. Chúng cũng dễ dàng được tách ra để thành câu đơn (tất nhiên không phải là cứ muốn tách là tách, điều này còn phụ thuộc vào ý đồ của tác giả truyện). Câu ghép chính phụ liên quan nhiều đến thao tác tư duy, các vế có mối quan hệ với nhau theo kiểu điều kiện - kết quả, nguyên nhân - kết quả, nhượng bộ - tăng tiến… Do đó, cùng với quá trình tiếp nhận thông tin, người đọc cũng phải sử dụng đến các thao tác tư duy tương ứng.
So sánh hai câu văn sau:
(126) Bầu trời xanh trong veo, những cánh diều giấy bay tít trên cao, có lẽ còn cao hơn chiếc tổ của chim Quyên nữa. (Chim Quyên dời tổ, tr.7)
(127) Nếu hôm nay không có cậu bé này vào mua thì không biết đến bao giờ thước kẻ mới ra khỏi nơi này. (Cây thước kẻ cong, tr.75)
Cả hai câu văn đều có hai cụm chủ vị ứng với hai mệnh đề. Tuy nhiên nếu ở câu văn dùng kiểu cú pháp ghép đẳng lặp, nội dung trong hai mệnh đề được lĩnh hội khá độc lập và theo trình tự tuyến tính, nếu có liên hệ thì đó là mối liên hệ thuần túy đề tài
thì ở câu văn dùng kiểu cú pháp ghép chính phụ, nội dung thông tin gắn liền với nhau, có quan hệ qua lại, muốn tiếp nhận thông tin cả câu phải trải qua quá trình suy lý: (i) quá trình xuôi từ mệnh đề thứ nhất đến mệnh đề thứ hai; (ii) quá trình ngược lại từ mệnh đề thứ hai trở về mệnh đề thứ nhất để có được thông tin toàn câu. Câu văn dùng cú pháp ghép chính phụ rõ ràng cần có thao tác suy luận đi kèm, do đó mà quá trình tiếp nhận thông tin ở nó cũng phức tạp hơn.
Như trên đã nói, cấu trúc cú pháp của câu tương ứng với đặc điểm của quá trình lĩnh hội thông tin. Dó đó, việc sử dụng nhiều cấu trúc câu đơn có tác dụng thúc đẩy quá trình tiếp nhận thông tin ở trẻ. Quá trình này đơn giản hơn nhiều so với quá trình tiếp nhận thông tin ở câu ghép. Điều này cũng chi phối đến tỉ lệ câu đơn và câu ghép trong truyện đồng thoại.
Bảng 2.6. Số lượng, tỉ lệ câu đơn, câu ghép trong truyện đồng thoại ngắn và truyện đồng thoại dài
Loại câu Truyện ngắn (934
câu)
Truyện dài (1987 câu)
Câu đơn 826 1668
Câu ghép 108 319
Tỉ lệ câu đơn/câu ghép 7,64 5,22
Nhìn vào số liệu trong Bảng 2.6, ta thấy tỉ lệ số lượng câu đơn so với câu ghép trong nội bộ từng hệ thống ở truyện đồng thoại ngắn lớn hơn con số tương ứng ở truyện đồng thoại dài. Phải chăng, do truyện đồng thoại dài thường được viết cho cả độc giả trưởng thành hay đối tượng trẻ đã có vốn ngôn ngữ tương đối, khả năng tư duy trừu tượng, khả năng suy lý đã được hình thành.
Theo quan sát bước đầu của chúng tôi, nếu có dùng câu ghép thì truyện đồng thoại ngắn cũng hiếm khi sử dụng những câu có quá nhiều mệnh đề kiểu như hai câu văn của Tô Hoài và Nguyễn Nhật Ánh sau đây trong hai truyện đồng thoại dài của mình:
(128) Nếu tinh ý như tác giả thì có thể thấy ngoài cái nhún vai, hoàng hậu Năm Ngoái còn kèm theo một cái chau mày, ít ra là vì cho đến sáng nay chú Mèo Gấu mà công chúa Dây Leo đem về cách đây hai tuần lễ đã chứng tỏ mình là một gã vô tích sự bậc nhất.(Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ, tr.9)
(129) Khi đêm đã xuống hẳn, cả xóm chúng tôi, các bô lão dế lụ khụ già cốc đế
cũng bỗng nhiên vui tính, ai nấy ra khỏi hang, đến tụ hội thật đông tạn giữa bãi trong đêm tối mát lạnh, cùng uống sương đọng, ăn cỏ ướt và những gã tài hoa thì gảy đàn, thổi sáo, cùng nhau ca hát, nhảy múa linh đình đến tận sáng bạch, lúc ông mặt trời quen thuộc lại nghiêm trang ló lên đằng đông, mới tan cuộc, ai về nhà nấy. (Dế Mèn phiêu lưu ký, tr.4)
Có thể nói, việc lựa chọn các cấu trúc cú pháp tương ứng với khả năng tư duy của trẻ là một trong những điều mà các nhà văn đồng thoại lưu tâm.